Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bài viết Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nhìn lại nhiệm kỳ Ðại hội XII, chúng ta vui mừng nhận thấy, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, sự nỗ lực sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng”.
Ảnh: tuyengiao.vn

90 năm qua, sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã chứng minh, một trong những yếu tố quyết định đưa đất nước giành được những thành tựu vĩ đại, thắng lợi vẻ vang là nhờ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Không ai có thể bác bỏ thực tế hiển nhiên là nhờ có bản lĩnh chính trị vững vàng của đội ngũ cán bộ, đảng viên mà Ðảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Khi mới thành lập được 15 năm, với chỉ gần 5.000 đảng viên, nhưng Ðảng ta đã lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tiếp đó, đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua hiểm họa “thù trong giặc ngoài”; hoàn thành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước. Ðặc biệt là, đã đưa đất nước không chỉ vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế và sự thoái trào của hệ thống xã hội chủ nghĩa, mà còn tạo lập những tiền đề vững chắc để phát triển bền vững đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa và vị thế vững chắc của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định và sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên được thể hiện rõ nhất ở việc đã đưa đất nước ta vượt qua những thời điểm tình thế cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”, những khúc quanh biến cố của lịch sử cách mạng Việt Nam và thế giới.

Những kết quả, thành tựu vĩ đại, vẻ vang đó hoàn toàn không phải do chúng ta tự nhận lấy, mà do chính nhân dân ta và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá. Vì thế, hoàn toàn có cơ sở vững chắc để Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: “Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta; góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta” và “Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng tình và ủng hộ, trong nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng, thậm chí bức xúc về những lời nói, việc làm chưa tốt của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trước hết, những băn khoăn, lo lắng này là hoàn toàn chính đáng. Ðội ngũ cán bộ, đảng viên là lực lượng nòng cốt, đông đảo nhất trong bộ máy Ðảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội, là “công bộc của dân”, “đày tớ của dân” như Bác Hồ đã nhiều lần nhấn mạnh. Vì thế, theo quy định của Ðảng và Nhà nước thì nhân dân có quyền góp ý, có quyền phê bình nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên có những lời nói, việc làm chưa thật sự xứng với vai trò “công bộc của dân”, “đày tớ của dân”.

Ðảng và Nhà nước ta cũng luôn cầu thị, lắng nghe nhân dân góp ý, phê bình để tiếp thu, sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm để cho Ðảng, Nhà nước vững mạnh hơn; xã hội tốt đẹp hơn, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Ðó cũng là biểu hiện của một chế độ xã hội dân chủ, văn minh thật sự – dân chủ gắn với kỷ cương, phép nước, thể hiện trong mối quan hệ tổng thể “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Song, ở một khía cạnh khác, chúng ta thấy rằng việc nhân dân bày tỏ, phản ánh băn khoăn, lo lắng, thậm chí bức xúc về những lời nói, việc làm chưa tốt của một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng là điều đáng mừng. Bởi vì, nhân dân còn tin tưởng vào Ðảng, Nhà nước thì mới góp ý, phê bình, bày tỏ bức xúc. Vấn đề là Ðảng và Nhà nước cần phải có biện pháp giáo dục, rèn luyện để nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực và uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên sao cho xứng với niềm tin, kỳ vọng của nhân dân vào Ðảng và Nhà nước.

Để góp phần thực hiện yêu cầu nêu trên, bên cạnh các giải pháp lớn, mang tính tổng thể đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, công tác xây dựng thể chế của Bộ Nội vụ luôn bám sát các chủ trương, định hướng lớn trong Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng nhằm tập trung xây dựng thể chế mới về bộ máy hành chính nhà nước và nền hành chính quốc gia tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán là phải tập trung ưu tiên hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Bảo đảm thống nhất, liên thông giữa quy định của Ðảng và pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy phẩm chất, uy tín, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ và yêu cầu đổi mới về tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trong tình hình mới.

Thứ hai, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu với Ðảng và Nhà nước về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đi vào chiều sâu, chi tiết, cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước, gắn với hiện đại hóa nền hành chính, chính phủ điện tử, chính phủ số, chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, số hóa Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Tổ chức bộ máy và biên chế của hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hợp lý và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền để các cơ quan, tổ chức năng động, sáng tạo trong huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội. Ðồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, trong đó có giám sát của nhân dân để bảo đảm việc thực hiện phân cấp, phân quyền đúng quy định của pháp luật và đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Thứ ba, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Ðảng và Nhà nước việc tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kiên quyết giảm những người làm việc kém hiệu quả; gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Thực hiện cải cách chính sách tiền lương để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động yên tâm gắn bó với công việc, có tinh thần, trách nhiệm và hiệu quả làm việc cao hơn; thu hút và trọng dụng người có tài năng vào làm việc trong bộ máy cơ quan Ðảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Ðồng thời, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với Ðảng và Nhà nước hoàn thiện cơ chế để nhân dân tham gia giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức; cơ chế để cán bộ, công chức, viên chức tự phê bình, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của nhân dân, khắc phục và sửa chữa những thiếu sót, khuyết điểm được nhân dân góp ý, phát hiện, phê bình trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức đoàn thể đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Nếu thực hiện một cách kiên trì, nhất quán và có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nêu trên, sẽ bảo đảm cho thể chế quản lý nhà nước về công tác tổ chức và cán bộ thật sự là động lực pháp lý của sự phát triển bền vững đất nước. Ðội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước sẽ thật sự là chủ thể trung tâm của sự kiến tạo phát triển, là yếu tố quyết định hiệu lực, hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội và quản trị quốc gia.

Nhân dân luôn đặt trọn niềm tin và kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định và đổi mới, sáng tạo, một lòng một dạ, toàn tâm toàn ý vì dân giàu, nước mạnh, Tổ quốc trường tồn, giang sơn bền vững, gia đình hòa thuận, sum họp thái bình thì trách nhiệm của chúng ta là phải làm sao có đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng đó của nhân dân. Song, chúng ta cũng không vì thế mà rơi vào nôn nóng, chủ quan duy ý chí, bởi lãnh tụ V.I. Lê-nin đã dạy chúng ta rằng: “Ðiều cần thiết cho chúng ta, chính là bước đi nhịp nhàng của những đoàn quân vững như gang thép của giai cấp vô sản”.

Lê Vĩnh Tân
Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Nội vụ