Hoàn thiện quy định pháp luật về việc tham gia các khóa bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, việc tham gia các khóa bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các quy định đó đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc không chỉ đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng mà còn đối với cơ quan quản lý, sử dụng cũng như với chính đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức trong việc tham gia các khóa bồi dưỡng là yêu cầu cấp thiết.

 

Lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương được tổ chức tại Học viện Hành chính Quốc gia. Học viên tham dự lễ bế giảng và nhận chứng chỉ (Nguồn: napa.vn).

1. Cùng với quy định pháp luật về đào tạo, các quy định pháp luật về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đã hợp thành khung pháp lý về đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) CBCCVC. Hiện nay, quy định pháp luật đối với việc tham gia các khóa bồi dưỡng của CBCCVC được thể hiện trong nhiều văn bản khác nhau, như: Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi năm 2019); Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về ĐTBD CBCCVC (sau đây viết tắt là Nghị định 101); Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08/01/2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định 101; quyết định của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành Quy chế ĐTBD CBCCVC và các đối tượng khác ở địa phương.

Trên cơ sở quy định hiện hành, có thể khái quát các nội dung pháp lý cơ bản về bồi dưỡng CBCCVC bao gồm: đối tượng, phạm vi; nguyên tắc; hình thức, nội dung, chương trình; tổ chức bồi dưỡng; bồi dưỡng ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước và một số nội dung khác.

Trong các nguyên tắc về bồi dưỡng, đáng chú ý có nguyên tắc bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý CBCCVC, phù hợp với kế hoạch ĐTBD và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan, tổ chức cử CBCCVC đi bồi dưỡng. Trên cơ sở quy định của nguyên tắc trên, các cơ quan, tổ chức cụ thể hóa đối tượng, điều kiện để được cử đi bồi dưỡng trong Quy chế của mỗi cơ quan, tổ chức.

Bên cạnh quy định “cử” CBCCVC đi bồi dưỡng, có nguyên tắc đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của CBCCVC. Theo đó, hình thành khái niệm “tự bồi dưỡng” (TBD) và “bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội” (TNCXH). Mặc dù khái niệm TBD và bồi dưỡng TNCXH chưa được giải thích cụ thể trong các văn bản luật, nghị định, thông tư nên cách hiểu về các khái niệm này còn thiếu thống nhất, nhưng căn cứ một số quy định hiện hành, có thể hiểu TBD là việc CBCCVC nhận thấy sự cần thiết phải nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác, theo đó chủ động học tập hoặc tham dự các khóa bồi dưỡng do cơ sở ĐTBD công lập và ngoài công lập mở.

Nếu như bồi dưỡng trong trường hợp “cử” là dựa trên nhu cầu của cả CBCCVC và cơ quan, tổ chức thì TBD dựa trên nhu cầu cá nhân của mỗi CBCCVC. Về nguyên tắc, TBD nâng cao trình độ, năng lực được khuyến khích thực hiện, tuy vậy, do việc tham dự các khóa học của CBCCVC ảnh hưởng đến tiến độ công tác cũng như yêu cầu quản lý của cơ quan, tổ chức nên cần bảo đảm những điều kiện nhất định về thời gian học, kinh phí học và sử dụng văn bằng, chứng chỉ sau khi học. Cụ thể:

Một là, về thời gian học. Cơ sở ĐTBD thường tổ chức các khóa học ngoài giờ hành chính để CBCCVC có nhu cầu tham dự học tập không ảnh hưởng đến thời gian làm việc tại cơ quan, tổ chức. Đối với trường hợp có ảnh hưởng đến thời gian làm việc thì giải quyết theo hướng: trong trường hợp việc tự ĐTBD có ảnh hưởng đến thời gian làm việc tại cơ quan, tổ chức công tác, người tự ĐTBD phải được sự đồng ý bằng văn bản của thủ trưởng cơ quan quản lý. Như vậy, trên phương diện pháp lý, quy định “được sự đồng ý bằng văn bản của thủ trưởng cơ quan”1 đối với trường hợp TBD không trái nguyên tắc quy định trong Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và Nghị định 101 của Chính phủ.

Hai là, về kinh phí học. Thông thường, người đi học sẽ phải tự lo kinh phí chi trả cho việc học tập theo nhu cầu tự thân. Việc cơ quan quản lý, sử dụng CBCCVC có văn bản đồng ý cho đi học trong trường hợp có ảnh hưởng đến thời gian làm việc tại cơ quan, tổ chức không đồng nghĩa với việc được hỗ trợ một phần kinh phí. Tuy nhiên, trên thực tế, việc giải quyết nội dung này ở mỗi cơ quan, tổ chức lại khác nhau. Có cơ quan, tổ chức lúc đầu không hỗ trợ kinh phí nhưng sau đó hỗ trợ một phần thông qua những cách “xử lý tình huống khác nhau”.

Ba là, về sử dụng văn bằng, chứng chỉ sau khi học. Đây là nội dung có nhiều tranh luận, vướng mắc nhất trong thực hiện TBD của CBCCVC. Mục b khoản 3 Điều 26 Nghị định 101 quy định:

“Việc sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng:

a) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để CBCCVC được đăng ký dự thi nâng ngạch, đăng ký dự thi thăng hạng; xét bổ nhiệm vào ngạch, hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề;

b) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức có giá trị thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức tương ứng; chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức có giá trị thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng. Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức cùng hạng ở các chuyên ngành khác nhau có giá trị thay thế cho nhau;

c) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành là một trong những căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm của CBCCVC;

d) Chứng chỉ bồi dưỡng CBCCVC sử dụng trên phạm vi toàn quốc. Bộ Nội vụ hướng dẫn chi tiết mẫu chứng chỉ bồi dưỡng CBCCVC”.

Tuy nhiên, Thông tư số 01/2018/TT-BNV hướng dẫn một số điều của Nghị định 101 lại hoàn toàn chưa có hướng dẫn cụ thể đối với việc sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng của trường hợp CBCCVC thực hiện TBD.

2. Cũng như TBD, đến nay, chúng ta vẫn chưa có quan niệm thống nhất về bồi dưỡng TNCXH. Tuy vậy, có thể hiểu bồi dưỡng TNCXH là hoạt động ngoài nhiệm vụ bồi dưỡng mà cơ sở ĐTBD được phân công thực hiện tại Nghị định 101 của Chính phủ, phù hợp và đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng của CBCCVC, cơ quan sử dụng, quản lý CBCCVC. Các chương trình bồi dưỡng TNCXH thường là:

Thứ nhất, các chương trình bồi dưỡng đã có sẵn theo quy định, như: bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính, chuyên viên; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp xã…

Thứ hai, các chương trình không có sẵn theo quy định – đó là các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho CBCCVC theo “đơn đặt hàng” của các cơ quan, tổ chức. Hoặc do cơ sở ĐTBD chủ động tổ chức dựa trên việc phân tích, dự báo nhu cầu bồi dưỡng của CBCCVC, cơ quan quản lý, sử dụng CBCCVC (các chương trình này thường gọi là bồi dưỡng theo chuyên đề).

Như vậy, so với TBD thì bồi dưỡng TNCXH có những điểm tương đồng, nhưng cũng có những khác biệt. Mặc dù TBD và bồi dưỡng TNCXH đều dựa trên nhu cầu, nhưng đối với TBD là nhu cầu của cá nhân CBCCVC, còn nhu cầu trong bồi dưỡng TNCXH là của cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng CBCCVC và của cá nhân CBCCVC (đối tượng, phạm vi có nhu cầu khác hơn, rộng hơn so với TBD). Nội dung chương trình bồi dưỡng TNCXH cũng đa dạng và phạm vi lĩnh vực đề cập rộng hơn.

Từ những phân tích trên cho thấy, CBCCVC có thể tham gia các khóa bồi dưỡng theo nhiều hình thức khác nhau, như: được cơ quan, tổ chức cử đi; TBD; bồi dưỡng TNCXH. Đối với hình thức TBD và bồi dưỡng TNCXH, do các quy định hiện hành còn thiếu, chưa định hình cụ thể nên đã gây ra không ít khó khăn, vướng mắc trên thực tế cho cả CBCCVC và cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng CBCCVC.

3. Từ thực tế trên, xin được đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và CBCCVC trong thực hiện, tham gia các khóa bồi dưỡng.

Một là, do Nghị định 101 của Chính phủ chưa quy định đối với trường hợp TBD và bồi dưỡng TNCXH, vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung nội dung này theo hướng không chỉ quy định đối với hoạt động bồi dưỡng mà với cả hoạt động đào tạo. Trong hoạt động tự ĐTBD và ĐTBD TNCXH, cần quy định rõ các nội dung như: trường hợp nào thì cần được sự đồng thuận của cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng CBCCVC khi tham gia tự ĐTBD; trường hợp nào được hỗ trợ một phần kinh phí ĐTBD hoặc phải hoàn toàn tự túc, hình thức hỗ trợ (nếu có); việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học như thế nào…

Hai là, về đối tượng áp dụng, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 101 thì đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm: cán bộ trong các cơ quan nhà nước; công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; công chức xã, phường, thị trấn; công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập và viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, đối tượng điều chỉnh của Nghị định 101 bao gồm cả cán bộ, công chức và viên chức nhà nước.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì “cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”. Như vậy, đội ngũ cán bộ có trong cơ quan nhà nước, cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam và tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.

Tuy nhiên, Nghị định 101 chỉ áp dụng chế độ, chính sách về ĐTBD cho cán bộ trong các cơ quan nhà nước, không áp dụng cho cán bộ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam và tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Từ quy định trên đã dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam và tổ chức chính trị – xã hội trong quá trình ĐTBD chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về ĐTBD cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện quy định về ĐTBD đối với CBCCVC, đáp ứng yêu cầu hành chính hội nhập và phục vụ.

Bên cạnh nội dung hoàn thiện quy định pháp luật về việc tham gia các khóa bồi dưỡng của CBCCVC thì cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác ĐTBD nói chung và hoạt động bồi dưỡng nói riêng, theo đó:

(1) Đối với cơ sở ĐTBD: cần đổi mới nội dung biên soạn chương trình tài liệu ĐTBD. Thực tế tại nhiều cơ sở ĐTBD cho thấy tuy đã có sự phân bổ thời lượng cũng như nội dung học theo nhóm kiến thức và kỹ năng nhưng một số chương trình biên soạn nội dung học về kỹ năng quá nặng phần lý thuyết mà chưa chú trọng vào các kỹ năng thông qua các  hoạt động, thao tác cụ thể để học viên tiếp nhận, thực hành được kỹ năng liên quan đến chương trình học (như: giao tiếp, soạn thảo văn bản, xây dựng kế hoạch, tổ chức và điều hành hội họp…). Do đó, các cơ sở ĐTBD cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung chương trình tài liệu theo hướng “Huấn luyện kỹ năng” đối với CBCCVC (kỹ năng giao tiếp, tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế hoặc kỹ năng xử lý tình huống, xung đột trong quá trình giải quyết công việc với công dân…).

Cùng với việc sử dụng các giảng viên cơ hữu, cơ sở ĐTBD CBCCVC cần tăng tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng là công chức lãnh đạo, quản lý, có kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng, thực hiện chính sách.

(2) Đối với cơ quan, tổ chức có CBCCVC tham dự ĐTBD: cần thực hiện đánh giá chất lượng bồi dưỡng nhằm cung cấp thông tin về mức  độ nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của CBCCVC sau khi được ĐTBD. Nội dung đánh giá chất lượng có thể bao gồm: đánh giá chất lượng chương trình; chất lượng học viên tham gia khóa học; chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy khóa học; chất lượng cơ sở vật chất phục vụ khóa học; hiệu quả sau ĐTBD CBCCVC. Việc đánh giá chất lượng do cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng CBCCVC tổ chức thực hiện hoặc thuê cơ quan đánh giá độc lập. Cùng với nhiệm vụ trên, cơ quan, tổ chức có CBCCVC tham gia ĐTBD cần tạo điều kiện để CBCCVC tham gia các khóa học tập nâng cao trình độ, năng lực. Đồng thời, theo dõi, lấy kết quả học tập là một trong số các chỉ tiêu thi đua, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức.

(3) Đối với CBCCVC là học viên các lớp ĐTBD: cần có ý thức tự học tập để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Chú thích:
1. Quyết định số 25/2018/QĐ – UBND ngày 24/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
2. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
3. Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08/01/2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

TS. Nguyễn Quốc Tuấn
Học viện Hành chính Quốc gia