Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Chính sách an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa góp phần quan trọng vào việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị – xã hội, đời sống Nhân dân, phát triển bền vững đất nước. Vì thế, việc nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa rất thiết thực, cụ thể, không chỉ mang tính cấp bách trước mắt mà còn mang tính chiến lược cơ bản lâu dài, giúp củng cố, giữ vững niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ, tạo động lực mạnh mẽ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhân viên bưu điện cấp phát tiền hỗ trợ người dân xã Ðông Vinh, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) gặp khó khăn do Covid-19. Ảnh: MAI LUẬN

1. An sinh xã hội (ASXH) có thể hiểu là hệ thống chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được xây dựng, thiết lập trên cơ sở điều kiện thực tế của đất nước bảo đảm cho mọi người dân có mức sống ổn định, có cơ hội, điều kiện được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ về y tế, nhà ở, giáo dục, văn hóa, thông tin… Một trong những nội dung quan trọng bậc nhất trong chính sách ASXH là chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), được xây dựng theo hai loại hình: BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Đảng ta đã khẳng định: “Bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội”1.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp để nâng cao hiệu quả chính sách ASXH, đưa chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống. Theo đó, nhiều văn bản về nội dung này đã được ban hành, như: Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020; Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 22/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 – 2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH.

Thời gian qua, chính sách ASXH đã đạt được một số kết quả sau:

Một là, chính sách BHXH đã được thể chế hóa theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Hệ thống chính sách BHXH khá đồng bộ, bao quát hầu hết các chế độ BHXH theo thông lệ quốc tế, gồm cả loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; đối với cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức. Hệ thống chính sách BHXH, các quan hệ BHXH được thiết kế, điều chỉnh và vận hành ngày càng phù hợp hơn.

Với vai trò chủ đạo của Nhà nước, sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động, quỹ BHXH đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng – hưởng và chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia BHXH.

Bên cạnh đó, mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia hệ thống chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro, ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già… Hệ thống ASXH đã có tác động tích cực, góp phần giảm thiểu rủi ro cho con người khi bản thân không tự khắc phục được, như: thất nghiệp, thiếu việc làm, thu nhập thấp, người già, người tàn tật, trẻ mồ côi, người nghèo nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội…

Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15.185.000 người; BHXH tự nguyện: 551.000 người; bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp: 15.068.000 người; bảo hiểm thất nghiệp: 13.343.000 người; BHYT: 85.390.000 người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số. Theo đó, cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về quỹ BHXH, quỹ BHYT cũng không ngừng gia tăng với tổng số thu khoảng 361.549 tỷ đồng, đạt 100,54% kế hoạch cả năm2.

Cũng trong năm 2019, với sự nỗ lực lớn của ngành BHXH trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt được kết quả vượt bậc. Số người tham gia tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người vận động được của 10 năm trước đó, với 551.000 người tham gia. Đây là con số ấn tượng, có sự gia tăng đột biến, bởi chỉ tính riêng số người tăng mới trong năm 2019 đã gần bằng kết quả 10 năm thực hiện chính sách này từ năm 2008 – 20183.

Hai là, hỗ trợ thường xuyên đối với người có hoàn cảnh đặc thù và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp các rủi ro không lường trước (mất mùa, thiên tai, đói nghèo…) thông qua các khoản tiền mặt hoặc hiện vật từ ngân sách nhà nước được đặc biệt quan tâm. Nổi bật nhất là việc chăm sóc và thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, giải quyết tồn đọng hồ sơ; giảm tỷ lệ hộ nghèo; tăng tỷ lệ tham gia BHYT; công tác cứu trợ thiên tai, lũ lụt…

Ba là, tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội cơ bản: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin. Đa số người lao động đã tiếp cận được y tế cơ sở, tỷ lệ tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm.

Trong thời gian qua, nhiều chính sách ASXH được ban hành, các chương trình xóa đói, giảm nghèo cho người dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam đã  đạt được kết quả đáng ghi nhận, được dư luận quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã đạt và vượt chỉ tiêu thời gian hoàn thành mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về giảm nghèo của Liên hiệp quốc.

2. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách ASXH vẫn còn một số hạn chế nhất định về nhận thức và tổ chức thực hiện: công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tăng chậm, tính ổn định không cao, nhất là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở khu vực nông thôn còn thấp so với tiềm năng (khu vực này đang chiếm khoảng 70% lực lượng lao động). Nhận thức về chính sách BHXH tự nguyện chưa cao nên người dân chưa quan tâm nhiều đến việc tham gia BHXH tự nguyện; các doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT ở một số nơi chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động sản xuất – kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, chế tài xử lý vi phạm còn bất cập và ý thức chấp hành của doanh nghiệp, ý thức tham gia của người dân chưa cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại cuộc họp sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, ngày 24/4/2020: “Chính sách xã hội còn chưa bao phủ hết các đối tượng, triển khai chưa đồng bộ. Ở một số nơi, một số cấp chưa quyết liệt. Vẫn còn 2 chỉ tiêu cần phấn đấu hơn nữa để đạt được là tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia”.

3. Trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang có nhiều khó khăn, thách thức đan xen phức tạp, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan nhanh; sự già hóa dân số; biến đổi khí hậu…, việc thực hiện chính sách ASXH của Đảng, Nhà nước lại càng có ý nghĩa thiết thực, cụ thể hơn bao giờ hết. Theo đó, cần chú trọng các nội dung sau:

Một là, nâng cao năng lực thực hiện chính sách ASXH của đội ngũ cán bộ các cấp.

Năng lực thực hiện chính sách ASXH của đội ngũ cán bộ các cấp là tổng hợp những yếu tố về phẩm chất chính trị đạo đức, lối sống đến khả năng giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Do đó, nâng cao năng lực thực hiện chính sách ASXH cho đội ngũ cán bộ các cấp cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Trên thực tế, đội ngũ cán bộ các cấp về cơ bản đã thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn về thực hiện chính sách ASXH cho các giai cấp, giai tầng xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ thực hiện chưa nghiêm, đi ngược lại với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chậm chi trả hoặc trả không đúng đối tượng được hưởng; không bám địa bàn để tìm hiểu cuộc sống của người dân ra sao; đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết, hướng dẫn những thắc mắc, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của Nhân dân… Vì vậy, cần nâng cao năng lực làm việc, thực hiện “nói đi đôi với làm” của cán bộ các cấp, đặc biệt là người đứng đầu ở địa phương.

Đội ngũ này  phải thực sự trong sạch về đạo đức, lối sống, gương mẫu trong thực hiện nguyên tắc, điều lệ của Đảng; lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc thực hiện chính sách ASXH đối với cán bộ cấp dưới; giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của quần chúng nhân dân với cán bộ, đảng viên trong quá trình làm việc cũng như trong đời sống. Kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không dung túng, bao che đối với cán bộ, đảng viên vi phạm thực hiện chính sách ASXH.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị xã hội để thực hiện chính sách ASXH của Đảng, Nhà nước.

Đảng ta đã chỉ rõ, thực hiện tốt chính sách ASXH là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp và mỗi người dân. Đây là vấn để luôn được Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. Tình thương yêu dân tộc là phẩm chất, truyền thống cực kỳ quý báu của Nhân dân ta, do đó, việc phát huy phong trào “nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách, tương thân, tương ái”… diễn ra thường xuyên, ở mọi lúc, mọi nơi, trở thành niềm tin, lẽ sống của dân tộc Việt Nam. Càng trong bối cảnh, thời điểm khó khăn thì lại càng tỏa sáng những tấm lòng vàng, những nghĩa cử cao đẹp, huy động được sự vào cuộc của cả xã hội, mỗi người đều đề cao tinh thần, trách nhiệm của mình, cùng với Đảng, Nhà nước tham gia vào hoạt động nhân đạo, tình nghĩa.

Ba là, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 vào thực hiện chính sách ASXH.

Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và Việt Nam hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 vào thực hiện các chính sách ASXH ở nước ta là rất hiệu quả, thiết thực. Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, bảo đảm ASXH ứng phó với đại dịch Covid-19 đã nêu rõ: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí.

Nhờ vậy, những hoạt động sản xuất – kinh doanh, chăm lo đời sống đến các đối tượng của xã hội vẫn diễn ra bình thường theo mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã sử dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực, hoạt động khác nhau của đời sống xã hội, như giao ban, học trực tuyến, trả tiền cho đối tượng chính sách qua hệ thống Bưu điện Việt Nam… Như vậy, việc nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ASXH của Đảng, Nhà nước đã góp phần an dân, tạo sự hòa quyện, thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân để tổ chức thành công Đại hội đại biểu các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chú thích:
1. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
2, 3. Ngành Bảo hiểm xã hội: Nhiều chỉ tiêu năm 2019 vượt kế hoạch giao. http://thoibaotaichinhvietnam.vn, ngày 27/12/2019.
ThS. Hoàng Thị Bích Phương
 Trường Đại học Hàng hải