Khu Đại học Nam Cao – Tổ hợp giáo dục hiện đại theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế

(Quanlynhanuoc.vn) – Khu Đại học Nam Cao, tỉnh Hà Nam được thành lập từ năm 2013 với mục tiêu xây dựng tổ hợp cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo hướng tập trung, hiện đại hóa cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

 

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 97 trường đại học, học viện và 33 trường cao đẳng, chiếm 1/3 số trường và 40% tổng số sinh viên cả nước. Với hệ thống các trường đại học, cao đẳng (ĐHCĐ) này, Hà Nội có khoảng 660.000 sinh viên đến từ nhiều tỉnh, thành phố. Đây là số dân cơ học không nhỏ gây áp lực lớn lên hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường chỉ vài cây số nhưng có đến 7, 8 trường xây dựng san sát, chen chúc gây nên cảnh ùn tắc thường xuyên vào giờ sinh viên đến lớp hay tan học.

Đường Nguyễn Trãi, Hà Nội – nơi tập trung gần 10 trường ĐHCĐ.

Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 – 2016, trong đó đề cập đến việc di dời các trường công lập có diện tích quá nhỏ (dưới 2 ha) ở nội thành Hà Nội ra ngoại thành để nâng tiêu chuẩn về diện tích tối thiểu đạt 10 ha/trường đại học.

Quy hoạch chung thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt từ năm 2015. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Đây được xem là giải pháp cấp bách cần tổ chức thực hiện trong bối cảnh gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng ngày càng nghiêm trọng ở Hà Nội.

Trên cơ sở quy hoạch xây dựng các trường ĐHCĐ, ngày 27/9/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1748/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án xây dựng Khu Đại học Nam Cao tỉnh Hà Nam nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chuyên môn kỹ thuật trình độ ĐHCĐ, trung cấp chuyên cho vùng đồng bằng sông Hồng và đặc biệt là thành phố Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần điều chỉnh mạng lưới Quy hoạch xây dựng hệ thống các trường ĐHCĐ tại vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Xác lập mô hình tiên tiến về tổ chức xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn với đô thị. Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở giáo dục đại học theo hướng tập trung, bảo đảm tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Đặt tiền đề thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các tài nguyên và nguồn lực cho đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Phối cảnh Đại học Y – Khu Đại học Nam Cao

Khu Đại học Nam Cao nằm trên địa bàn thị xã Duy Tiên và thành phố Phủ Lý, có vị trí đắc địa, cách trung tâm hành chính tỉnh Hà Nam 7 km, cách Thủ đô Hà Nội 50 km về phía Nam. Dự án nằm trên trục động lực phát triển đô thị của tỉnh Hà Nam, vị trí giao thông thuận tiện, liền kề quốc lộ 1A và cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, dễ dàng kết nối với các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Nam Bộ.

Đây cũng là khu vực trung tâm liên kết giữa Khu Liên hiệp Thể dục – Thể thao, Khu Trung tâm Y tế chất lượng cao, Khu Du lịch Văn hóa – Lễ hội và Khu Du lịch Tâm linh – Nghỉ dưỡng. Đặc biệt, Khu Đại học Nam Cao còn nằm trong khu vực liên kết với nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong Khu Công nghiệp Đồng Văn III, Đồng Văn IV, qua đó thuận lợi cho việc đào tạo, trao đổi, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp này.

Quy mô sử dụng đất khu ĐHCĐ khoảng 754 ha, trong đó: diện tích đất cho cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoảng 388 ha; diện tích đất cho các khu đô thị khoảng 181 ha; diện tích đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật khoảng 185 ha. Khu Đại học Nam Cao thu hút sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Diện tích đầu tư xây dựng được quy hoạch thống nhất, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại; khai thác tốt hệ thống hạ tầng và các tiện ích chung, đồng thời bảo đảm tự chủ trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo yêu cầu phát triển của các cơ sở đào tạo nhưng vẫn phù hợp với quy hoạch xây dựng Khu Đại học đã được phê duyệt.

Tiến độ thực hiện của Đề án

Giai đoạn I (2013 – 2015): lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, một số công trình hoạt động chung khoảng 250 ha và thu hút các cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi công xây dựng một số cơ sở đào tạo.

Giai đoạn II (2016 – 2020): hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung cho toàn bộ Khu Đại học, một số công trình phục vụ chung và một số cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Giai đoạn III (2010 – 2025): hoàn thành cơ bản các dự án đầu tư xây dựng trong Khu Đại học, triển khai công tác chuẩn bị cho giai đoạn đầu tư chiều sâu, phát triển hạ tầng Khu Đại học theo hướng hiện đại.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án, đến nay cơ bản đã hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung Khu Đại học. Một số công trình phục vụ chung và một số cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cũng đã chuẩn bị cho giai đoạn đầu tư chiều sâu, phát triển hạ tầng Khu Đại học theo hướng hiện đại, tiện nghi; đã có nhiều cơ sở đào tạo đăng ký khảo sát, nghiên cứu đầu tư. Một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu Khu Đại học Nam Cao cũng đã được triển khai, trong đó việc xây dựng phần nền các tuyến đường giao thông kết nối các dự án thành phần với hệ thống giao thông liên khu vực và các tuyến quốc lộ cơ bản đáp ứng khả năng lưu thông, phục vụ nhà đầu tư thực hiện các dự án.

Phối cảnh Trường Đại học Xây dựng tại Khu Đại học Nam Cao
Những khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Khu Đại học Nam Cao cũng được Trung ương quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho đầu tư phát triển. Ngay từ giai đoạn đầu thành lập, tại Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng Khu Đại học Nam Cao, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: Khu Đại học Nam Cao được áp dụng tối đa các cơ chế, chính sách ưu đãi theo các quy định của pháp luật liên quan đến giáo dục đại học tại các Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Giáo dục và các quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng, phát triển Khu Đại học theo Đề án được phê duyệt, như:

– Số lượng các cơ sở đào tạo nghiên cứu đăng ký khảo sát nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2012 – 2018 tương đối nhiều (20 dự án). Tuy nhiên, đến nay, số lượng dự án thực sự triển khai mới là 5 dự án.

– Kế hoạch tiến độ thực hiện theo Đề án còn chậm, nguồn kinh phí bố trí cho giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật dùng chung và công trình dịch vụ dân sinh trong Khu Đại học cơ bản chưa được đầu tư.

– Tiến độ triển khai các dự án của các trường đã đăng ký đầu tư chưa bảo đảm theo kế hoạch.

– Hạ tầng kỹ thuật Khu Đại học còn chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu sức hút với nhiều nhà đầu tư thuộc các lĩnh vực khác.

Nguyên nhân của những hạn chế

– Nguồn vốn ngân sách để giải phóng và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn hạn chế, không được bố trí theo kế hoạch của Đề án, trong khi đó chưa có cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho thu hút các nguồn vốn khác.

– Quy hoạch mạng lưới các trường ĐHCĐ vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt dẫn đến việc xác định, lựa chọn địa điểm di dời, hoặc đầu tư mới của các trường không rõ ràng.

– Khó khăn về nguồn vốn đầu tư và chủ trương của Bộ chủ quản thay đổi làm ảnh hưởng đến mục tiêu, tiến độ đầu tư dự án của các trường đã và đang thực hiện đầu tư dự án tại Khu Đại học. Mặc dù kế hoạch di dời đã được cụ thể hóa bằng các chỉ đạo, tuy nhiên việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm bởi tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong việc thực hiện di dời các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tại khu vực nội đô thành phố Hà Nội.

– Công tác di dời và xây dựng cơ sở mới đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, hiện chưa có phương án huy động nguồn lực đầu tư xây dựng. Các quy hoạch ngành cũng chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở ra khỏi khu vực nội thành; sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ngành có liên quan chưa chủ động.

Đề xuất, kiến nghị

Một là, Chính phủ, bộ, ngành cần phê duyệt quy hoạch hệ thống các trường ĐHCĐ, trong đó tập trung di dời các trường khỏi nội đô thành phố Hà Nội về các Khu Đại học đã được phê duyệt, đồng thời tạo cơ chế về nguồn vốn để triển khai thực hiện.

Hai là, để tạo nguồn kinh phí cho giải phóng mặt bằng và đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật cần các chính sách đặc thù, trong đó có chính sách sử dụng nguồn thu từ quỹ đất được quy hoạch làm đô thị, dịch vụ, thương mại trong Khu Đại học để đầu tư cho phát triển hạ tầng.

Ba là, cần có sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt từ các bộ, ngành và sự quyết tâm cao của lãnh đạo các trường trong việc di dời các trường khỏi nội đô thành phố Hà Nội. Đồng thời, phải có phương án huy động nguồn vốn cho công tác này bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Bốn là, Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi đặc thù đối với nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng cơ sở đào tạo nghiên cứu để cho các trường thuê lại. Đây là bước đầu quan trọng để tạo ra hệ thống cơ sở vật chất cho các trường đại học.

Hạnh Nguyên