Giải pháp quản lý dạy học môn tiếng Anh bậc trung học cơ sở theo chuẩn năng lực Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Một trong những nguyên nhân dẫn tới chất lượng dạy học môn Tiếng Anh chưa cao ở các trường THCS tại thành phố Hồ Chí Minh là do giáo viên còn hạn chế về chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Vì vậy, nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên là một trong những giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh

 

Lớp học Tiếng Anh tích hợp đầu tiên tại Trường THCS Thị Trấn 2 Củ Chi (Ảnh: Báo Sài Gòn giải phóng).
Thực trạng quản lý dạy học môn Tiếng Anh bậc trung học cơ sở theo chuẩn năng lực Việt Nam tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Trong tổng thể các yếu tố cấu thành hệ thống quản lý dạy học môn Tiếng Anh ở bậc trung học cơ sở (THCS) theo chuẩn năng lực Việt Nam tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tác giả tập trung vào nghiên cứu các yếu tố được đánh giá là những mặt hạn chế trong quản lý. Đó là các yếu tố như quản lý hoạt động dạy học của tổ bộ môn, vấn đề chất lượng đội ngũ giáo viên và đặc biệt là hệ thống cơ sở vật chất bảo đảm các điều kiện học tập có chất lượng ở địa bàn này.

Tác giả đã tiến hành khảo sát mẫu về thực trạng quản lý hoạt động học tập tiếng Anh ở các trường THCS tại Quận 12, TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra bằng phiếu hỏi với mẫu khảo sát gồm 48 cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên và 200 học sinh ở 12 trường THCS Quận 12, TP. Hồ Chí Minh về công tác quản lý hoạt động tự học môn tiếng Anh. Theo kết quả khảo sát, 45,6% giáo viên cho rằng rất ít học sinh thường xuyên chuẩn bị bài ở nhà; 39,1% học sinh được hỏi cho rằng học sinh chưa thường xuyên chuẩn bị bài ở nhà. Về nội dung học bài và làm bài theo yêu cầu của giáo viên, chỉ có 13,3% học sinh thực hiện tốt, gần 54,0% thực hiện không thường xuyên. Việc tổ chức, tham gia các hoạt động ngoại khóa của học sinh không thường xuyên.

Trong các giờ học tiếng Anh, mặc dù giáo viên luôn tận tình hướng dẫn, nhưng trên thực tế học sinh vẫn chưa tự giác tham gia do ngại giao tiếp và sợ sai khi nói tiếng Anh. Phương pháp học mà học sinh thực hiện là chăm chú nghe, ghi bài giảng và thiên về học các điểm ngữ pháp. Điều đó thể hiện sự coi trọng nguồn kiến thức từ giáo trình, từ giáo viên, tuy nhiên, các em còn hạn chế trong việc tự học và rèn kỹ năng nghe, nói. Trong quá trình dạy học, các kỹ năng: nghe, nói, viết chỉ được thực hiện khoảng trên dưới mức trung bình. Phần ngữ pháp (grammar) theo kết quả đánh giá thì 100% giáo viên và học sinh đã thực hiện đủ theo yêu cầu của chương trình.

Việc kiểm tra và thi có tác dụng định hướng cho quá trình dạy và học. Hai kỹ năng nghe và nói không có trong nội dung các bài thi và kiểm tra. Nghiên cứu những bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, hết học kỳ, hết năm học, thậm chí những bài thi học sinh giỏi tiếng Anh THCS Quận 12 cho thấy nội dung này chỉ tập trung vào ngữ pháp – từ vựng, đọc hiểu và viết lại câu, viết đoạn. Điều này dẫn đến thực tế là nội dung giảng dạy của giáo viên còn tập trung quá nhiều vào cấu trúc ngôn ngữ, không phát huy được tính tích cực, trải nghiệm, năng lực thực hành của học sinh trong lớp, không khuyến khích học sinh giao tiếp bằng tiếng Anh ở trong và ngoài lớp học.

Thực tế những năm qua việc kiểm tra đánh giá môn Tiếng Anh vẫn còn bất cập. Hầu hết các giám hiệu các nhà trường còn chưa chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng và duy trì ngân hàng đề. Việc ra đề do giáo viên đứng lớp tự thực hiện dẫn đến không thống nhất về nội dung, về mức độ khó, độ dài của đề. Do đặc thù bộ môn nên có lớp kiểm tra theo dạng đề trắc nghiệm khách quan, có lớp theo dạng tự luận, có lớp kết hợp cả hai dạng… Khi ra đề thi, phần kiến thức học sinh được học nhiều khi bị bỏ qua, phần chưa được học lại có trong đề thi gây tâm trạng lo lắng cho học sinh. Do vậy, chất lượng học môn Tiếng Anh của học sinh được phản ánh qua kết quả thi chưa thực sự chính xác.

Thực tế cho thấy, các em học sinh ít được làm quen với các dạng đề kiểm tra tiếng Anh theo chuẩn năng lực đầu ra, ví dụ, học sinh hết bậc tiểu học phải đạt được trình độ Flyers hoặc TOEFL primary step 2, học sinh THCS phải đạt trình độ KET hoặc TOEFL junior, tuy nhiên, ở hầu hết các trường phổ thông thì điều này chưa được chú trọng.

Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi cho rằng nguyên nhân của thực trạng trên trước hết là do chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ bộ môn tiếng Anh chưa tốt; xuất phát từ yếu tố này đã tác động đến chất lượng dạy học môn tiếng Anh. Đồng thời qua đây cũng bộc lộ những hạn chế về năng lực dạy học của đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở THCS trên địa bàn Quận. Theo Đề án Ngoại ngữ năm 2020 đề ra, 100% các giáo viên THCS phải đạt trình độ B2 theo chuẩn khung năng lực ngoại ngữ châu Âu nhưng thực tế, số giáo viên đạt B2 chỉ chiếm 35%. Đây là hai yếu tố chính quyết định đến tổ chức dạy học đạt chuẩn năng lực tiếng Anh ở THCS.

Vì vậy, cần tập trung các giải pháp quản lý phát triển Bộ môn tiếng Anh cùng với các phương tiện hỗ trợ bảo đảm các hoạt động quản lý này. Ngoài ra, việc trang bị cơ sở vật chất thiết yếu cho việc dạy ngoại ngữ cũng còn nhiểu hạn chế, cả Quận chỉ có 3/14 trường có phòng học Lab, 10/14 trường trang bị màn hình LCD và bảng tương tác giúp cho việc học tiếng Anh. Đây là những yếu tố then chốt cần chú ý để quản lý hoạt động dạy học tiếng Anh ở THCS bảo đảm theo chuẩn năng lực  trên địa bàn Thành phố.

Giải pháp đổi mới quản lý dạy học môn Tiếng Anh ở bậc THCS theo chuẩn năng lực Việt Nam trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Thứ nhất, giáo dục nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về tầm quan trọng của học tiếng Anh.

Khi giáo viên và học sinh nhận thức được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh sẽ giúp họ có động lực, niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo, tự học và sự tâm huyết đối với việc dạy môn tiếng Anh trong nhà trường THCS. Biện pháp này nhằm khuyến khích các em có động lực, niềm đam mê học tập, ngoài ra, cha mẹ học sinh cần tích cực tạo điều kiện, phương tiện để con em học tiếng Anh tốt hơn.

Như vậy, việc nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về tầm quan trọng của tiếng Anh là một biện pháp tích cực nhằm góp phần thực hiện tốt chương trình giáo dục khép kín “Nhà trường – Gia đình – Xã hội”.

Thứ hai, chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên phát triển chương trình, nội dung dạy học môn Tiếng Anh theo chuẩn năng lực đầu ra của học sinh.

Phát triển nội dung, chương trình dạy học môn Tiếng Anh tùy theo điều kiện của nhà trường và đặc điểm trình độ nhận thức của học sinh ở từng bài học, nội dung học tập nhưng phải đạt được chuẩn và trên chuẩn về 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Vì đây là những kỹ năng cơ bản nhất của việc học tiếng Anh và đích cuối cùng mà hoạt động dạy học tiếng Anh cần đạt được ở học sinh.

Vì vậy, nhà trường cần lập kế hoạch và giao cho tổ bộ môn tổ chức các buổi tọa đàm chuyên đề về vai trò của tiếng Anh, chỉ đạo các tổ bộ môn tổ chức các hoạt động hội thi văn nghệ hát các ca khúc tiếng Anh, hội thi hùng biện tiếng Anh, gameshow… tạo sân chơi lành mạnh để các em vui mà học nhằm mang lại hiệu quả cao. Có như vậy, chúng ta mới đáp ứng đủ năng lực đầu ra của học sinh. Đồng thời Nhà trường liên hệ các trung tâm ngoại ngữ, các tổ chức giáo dục đến giao lưu với học sinh bằng những chủ đề đơn giản để học sinh có cơ hội từng bước ứng dụng năng lực sử dụng tiếng Anh của mình với người bản ngữ. Thực hiện tốt sự phối hợp này sẽ góp phần giúp học sinh có cơ hội trau dồi, rèn luyện kỹ năng giao tiếp; khuyến khích học sinh mạnh dạn, tự tin giao lưu với giáo viên bản ngữ giảng dạy tiếng Anh để nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh của mình.

Thứ ba, tăng cường kiểm tra đánh giá hoạt động dạy học môn Tiếng Anh bảo đảm đạt chuẩn đầu ra mức A1(KET) theo 6 bậc đánh giá khung năng lực ngoại ngữ.

Kiểm tra đánh giá là khâu cuối cùng của một quy trình quản lý và đồng thời cũng nhằm điều chỉnh hoạt động cho phù hợp. Cách thức kiểm tra đánh giá quyết định phần lớn đến cách dạy của giáo viên. Thông qua kiểm tra đánh giá, nhà quản lý biết được đúng trình độ thực của người dạy. Tăng cường kiểm tra đánh giá vừa động viên khuyến khích giáo viên, vừa bảo đảm công bằng khách quan trong công tác quản lý nhà trường. Thông qua kiểm tra, đánh giá Hiệu trưởng nắm được trình độ và chất lượng học tập môn tiếng Anh của học sinh trong nhà trường từ đó có biện pháp điều chỉnh kịp thời để nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh. Thường xuyên khuyến khích học sinh tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế theo từng cấp độ như starters, movers, flyers, KET… hay TOEFL primary, TOEFL junior hoặc các bài thi PTE… để từ đó các em sẽ có trải nghiệm và cọ sát nhiều hơn và việc thực hiện chuẩn đầu ra sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.

Thứ tư, tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện dạy học hỗ trợ cho hoạt động giảng dạy, học tập tiếng Anh.

Cơ sở vật chất (CSVC), phương tiện dạy học (PTDH) là một thành tố quan trọng trong quá trình dạy học; là điều kiện không thể thiếu để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học. Hiệu trưởng cần xây dựng kế hoạch duy trì các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị tốt hiện có của nhà trường phục vụ cho hoạt động dạy và học tiếng Anh. Đồng thời, có kế hoạch mua sắm mới các thiết bị hiện đại phù hợp với điều kiện về nguồn lực của nhà trường. Ngày nay, các phương tiện trực quan, phương tiện nghe nhìn, máy móc điện tử phát triển mạnh; người ta đã tận dụng những “thế mạnh” của chúng để thực hiện hàng loạt các thao tác, quy trình dạy học trên lớp với một tốc độ rất nhanh, với sự trực quan tối đa cùng với tính chính xác, tính hấp dẫn lớn.

Thứ năm, nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên tiếng Anh.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới chất lượng dạy học môn Tiếng Anh chưa cao là do giáo viên còn hạn chế về chuyên môn và phương pháp giảng dạy, vì vậy, nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên là một trong những giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh ở các trường THCS Quận 12.

Nội dung chương trình bồi dưỡng chuyên môn – nghiệp vụ cần chú ý, xem xét đến các đặc điểm cụ thể, đa dạng của GV được bồi dưỡng (vừa làm vừa học, tuổi tác, cá tính); tạo điều kiện để những người tham gia học bồi dưỡng thể hiện những tiến bộ của họ, đặc biệt là tiếp nhận được những kiến thức, kỹ năng mới mẻ. Dành nhiều thời gian, ưu tiên cho các giáo viên tham gia học nâng cao năng lực, trình độ để chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng cao hơn.

Tài liệu tham khảo:
1. Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học thổ thông và trường thổ thông có nhiều cấp học, ban hành theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Đặng Quốc Bảo. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về lãnh đạo và quản lý giáo dục trong thời kỳ đổi mới. H. NXB Văn hóa Thông tin, 2013.
3. Trần Ngọc Giao (chủ biên). Quản lý trường phổ thông. H. NXB Giáo dục Việt Nam, 2013.

Trần Thị Thúy
Trường THCS Nguyễn An Ninh, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh