Hội thảo khoa học: Xây dựng chính quyền điện tử ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp

(Quanlynhanuoc.vn) – Vấn đề xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử ở Việt Nam được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Đặc biệt năm 2020, sự quyết liệt triển khai xây dựng chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, thể hiện ở việc nhiều văn bản được Chính phủ ban hành, trong đó Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư để thực hiện mục tiêu 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước từ trung ương đến cấp xã dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật).
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân – Trưởng Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính chủ trì Hội thảo.

Từ thực tiễn trên, sáng ngày 16/10/2020, tại Học viện Hành chính Quốc gia, Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Xây dựng chính quyền điện tử ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp” theo hình thức trực tuyến đến các Phân viện của Học viện Hành chính Quốc gia. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân – Trưởng Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng, Cục Tin học hoá Bộ Thông tin và Truyền thông; ThS. Lê Văn Năng – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia tài liệu điện tử, Cục Văn thư lưu trữ, Bộ Nội vụ; ông Hoàng Bảo Hùng – Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế; ông Phạm Văn Hùng – Ban Cải cách hành chính, Tập đoàn Bưu điện Việt Nam; PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế, Học viện Bưu chính Viễn Thông.

Về phía Học viện, tại Hà Nội có TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; các Phó Giám đốc Học viện: PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Bí thư Đảng uỷ, TS. Nguyễn Đăng Quế; GS.TSKH. Nguyễn Văn Thâm – Nguyên Trưởng khoa, Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính. Lãnh đạo các khoa, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện chuyên môn, giảng viên, các nhà khoa học tại 4 đầu cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thành phố Huế, Phân viện Khu vực Tây Nguyên.

PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Vân nêu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của chính quyền điện tử trong bối cảnh hiện nay

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Vân nêu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của chính quyền điện tử trong bối cảnh hiện nay và bày tỏ mong muốn được lắng nghe các ý kiến tham gia của các đại biểu về các vấn đề: (1) Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng chính quyền điện tử, nội dung xây dựng chính quyền điện tử và những yêu cầu đặt ra đối với xây dựng chính quyền điện tử trong bối cảnh hiện nay. (2) Thực trạng xây dựng chính quyền điện tử ở Việt Nam, những thách thức, rào cản xây dựng chính quyền điện tử và các giải pháp xây dựng chính quyền điện tử trong bối cảnh xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, nền kinh tế số. (3) Kinh nghiệm xây dựng chính quyền điện tử của một số nước và giá trị tham khảo cho xây dựng chính quyền điện tử ở Việt Nam. (4) Nội dung Chính quyền điện tử trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Hành chính Quốc gia và chương trình bồi dưỡng ngắn hạn chuyên biệt, chuyên sâu cho cán bộ, công chức, viên chức.

TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan nhấn mạnh: để xây dựng chính quyền điện tử cần xây dựng cơ sở vật chất, mô hình thực hiện. Nội dung chương trình chính phủ điện tử phải lồng ghép vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu của chính quyền điện tử. Nâng cao trình độ hiểu biết của người dân và các doanh nghiệp về xu thế tổ chức chính quyền điện tử… Đồng thời, đẩy mạnh an toàn an ninh mạng gắn liền với mức độ số hoá nền kinh tế và các dịch vụ xã hội.

Ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng, Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng, Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Chính phủ có khả năng cung cấp dịch vụ số nhanh chóng, thuận tiện và an toàn; thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước minh bạch thông qua môi trường số; sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để đưa ra chính sách chính xác, kịp thời; cung cấp dữ liệu mở để có thể truy cập, sử dụng dễ dàng. Về xếp hạng chính phủ điện tử, chính phủ số của Việt Nam hiện đang có thay đổi mang tính đột phá.

ThS. Lê Văn Năng – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia tài liệu điện tử, Cục Văn thư lưu trữ, Bộ Nội vụ

ThS. Lê Văn Năng – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia tài liệu điện tử, Cục Văn thư lưu trữ, Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng chính phủ điện tử như: tham mưu, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy việc xây dựng chính phủ điện tử. Tuy nhiên, đầu tư còn phân tán, nhỏ giọt không đi kèm các chương trình kinh tế – xã hội trọng tâm, trọng điểm của quốc gia hay địa phương; đầu tư cho quá trình vận hành, duy trì và phát triển hệ thống chưa thật sự được chú trọng. Thiếu định danh điện tử của cá nhân, tổ chức; chi phí chứng thư số còn cao so với thu nhập của người dân (1 triệu/người/năm).

Để phát triển chính quyền điện tử cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính quyền điện tử; cần tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu xây dựng “chính phủ điện tử”; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính làm nền tảng cho triển khai dịch vụ công trực tuyến…

Ông Phạm Văn Hùng – Ban Cải cách hành chính, Tập đoàn Bưu điện Việt Nam.

Đồng quan điểm với ThS. Lê Văn Năng, ông Phạm Văn Hùng – Ban Cải cách hành chính, Tập đoàn Bưu điện Việt Nam cho rằng, trong môi trường điện tử, mỗi cá nhân, tổ chức cần phải được định danh khi tham gia vào các giao dịch điện tử như thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử… để chứng minh “tôi là tôi” trong giao dịch điện tử. Việc định danh và xác thực các cá nhân chủ yếu dựa vào phương thức truyền thống, đó là dựa trên một số giấy tờ đã được quy định như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu. Trong khi đó, đối với việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, chưa có các quy định tương tự, chưa có phương thức phù hợp để xác thực định danh của cá nhân khi tham gia các giao dịch trực tuyến.

Ông Hoàng Bảo Hùng – Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Hội thảo cũng đã nhận được 27 bài tham luận và các ý kiến phát biểu trực tiếp của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thực tiễn trong và ngoài Học viện. Các bài viết, ý kiến thảo luận đã phân tích chuyên sâu vấn đề liên quan đến chính quyền điện tử từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Các điểm cầu trực tuyến.
Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân trân trọng cảm ơn các ý kiến tham luận từ đại diện các khoa chuyên môn, các Phân viện, các đơn vị và các nhà khoa học tham dự Hội thảo. Các ý kiến của các nhà khoa học là những định hướng, gợi mở quan trọng để Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính tổng hợp đề xuất nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Hành chính Quốc gia nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời đại số.

Tin, ảnh: Hoàng Hậu