Cải cách Quản lý công: Phân tích so sánh – Quản lý công, Quản trị và Nhà nước Webber cách tân

(Quanlynhanuoc.vn) – Lịch sử thế giới đã chứng kiến sự ra đời, phát triển của các quốc gia ở những mức độ khác nhau. Các cuộc tranh luận nhằm tìm ra nguyên nhân thành công và thất bại của các quốc gia vẫn chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt. Liệu có phải vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú là nguồn gốc của sự thịnh vượng? Hay các yếu tố nhân chủng học, lịch sử mới là yếu tố quyết định? Những quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Israel, Thuỵ Sĩ… là những bằng chứng khá mạnh mẽ chứng tỏ vai trò của quản lý công đối với sự phát triển của một nước cụ thể.

  

Trên thực tế, trong tất cả các lĩnh vực học thuật người ta thường nhớ tới những cái tên điển hình, những người tiên phong, khai sinh ra lĩnh vực đó hoặc những người với các công trình của mình có thể vén ra bức màn bí mật, hoặc đặt nền móng cho xu thế phát triển tiếp theo của ngành. Quản lý công cũng không là ngoại lệ. Với những công trình của mình Chritopher Pollit đã chứng tỏ mình là một trong số ít những nhà nghiên cứu xuất sắc nhất, có ảnh hưởng nhất tới ngành khoa học đang ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trong các tiến trình phát triển xã hội.

Cải cách Quản lý công: Phân tích so sánh – Quản lý công, Quản trị và Nhà nước Webber cách tân là công trình nghiên cứu đồ sộ của Christopher Pollitt và Geert Bouckaert được viết trong một thời gian dài và đã qua ba lần chỉnh sửa. Từ khi ra đời, cuốn sách đã chứng tỏ giá trị trong nghiên cứu học thuật cũng như trong thực tiễn. Đây gần như là một cuốn sách gối đầu giường của những người nghiên cứu khu vực công cũng như những người trực tiếp làm việc trong khu vực công bởi cuốn sách đã đưa được hơi thở thời đại, đã đặt được các mô hình lý thuyết trong môi trường thực tiễn để quan sát, phân tích, nhận định sự biến đổi và tiến hoá của các mô hình đó nhằm phù hợp với tiến trình phát triển và điều kiện khác biệt của mỗi quốc gia.

Theo nghiên cứu của Christopher Pollitt và Geert Bouckaert, một số các chỉ số cơ bản của 12 quốc gia OECD nằm trong phạm vi nghiên cứu như: tăng trưởng GDP, chi tiêu công, dân số, bất bình đẳng thu nhập; tiếp đó là bối cảnh kinh tế – xã hội của riêng từng nước cũng như những diễn biến, thay đổi lớn về chính trị, chính sách trong suốt tiến trình phát triển.

Những câu hỏi được đặt ra như: vì sao cải cách khu vực công lại trở nên quan trọng hơn nhiều so với chính nó trong thời gian những năm 50, 60 của thế kỷ trước? Xu hướng cải cách là gì? Liệu có một điểm “hội tụ” toàn cầu về cách thức quản lý khu vực công hay không? Mức độ thành công của cải cách trên bình diện quốc tế ra sao? Ngoài quản lý công ra, còn mô hình nào khác có tầm ảnh hưởng lớn nữa không?…

Đi tìm câu trả lời vì sao cải cách lại diễn ra liên tục, các nhà nghiên cứu đã cố gắng đưa ra một mô hình cải cách. Theo đó các tác nhân hay điểm khởi đầu của cải cách được mô hình hoá bao gồm các tác nhân kinh tế – xã hội (như nhân khẩu, chính sách kinh tế – xã hội hay tác động toàn cầu), hệ thống chính trị (áp lực từ công dân, tư tưởng quản lý mới, triết lý chính trị mới) hay những yếu tố cơ hội (scandal, thiên tai hay nhân tai). Và có một điểm đáng chú ý khi Christopher Pollitt và Geert Bouckaert đưa ra một mối liên hệ giữa áp lực toàn cầu hoá như một động cơ thúc đẩy cải cách khu vực công. Theo đó, mục tiêu của cải cách khu vực công là để hạn chế chi tiêu công, giảm nhẹ gánh nặng bộ máy và định hình lại chính sách xã hội đã trở nên quá đắt đỏ tới mức không thể chi trả nổi do phải cắt giảm các khoản thuế để bảo vệ các doanh nghiệp của mình trong cạnh tranh toàn cầu.

Còn về các loại hình thể chế chính trị của 12 nước OECD được mổ sẻ dưới con mắt so sánh để làm nổi bật những đặc tính khác nhau trong cách thức tổ chức, vận hành khu vực công và đặc thù của mỗi nhà nước. Những đặc thù này có tác động tới quy mô, tốc độ cũng như sự cởi mở với quá trình cải cách. Đó là lý do vì sao các cuộc cải cách diễn ra khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Những khác biệt đó được làm rõ thêm khi các tác giả bàn về khái niệm “quỹ đạo” cải cách.

Theo Christopher Pollitt và Geert Bouckaert lý giải sự khác nhau giữa xu thế và quỹ đạo. Theo đó, khác với xu thế (hay còn gọi là hiện tượng thuyền trôi theo sóng), quỹ đạo là một diễn biến có chủ ý, một lộ trình được vạch sẵn mà người ta cố gắng đi theo. Bằng việc phân tích so sánh phạm vi lớn trên toàn bộ 12 lãnh thổ, các tác giả đã đưa ra được 3 hướng cải cách khá rõ ở các nước OECD. Các tác giả cũng đã chứng minh được nhận định của họ trước đó về vai trò của thể chế chính trị – hành chính trong việc dẫn dắt hướng đi của quỹ đạo cải cách.

Kết quả một lần nữa chứng minh khẳng định trước đó (năm 2009) của Pollitt và Bouckaert rằng, chính “cơ chế mang trong nó những đặc tính về quy trình, cơ cấu và văn hoá – những nhà cải cách có thể gặp thuận lợi hoặc bị cản trở bởi những những nguyên tắc có tính quy trình, cơ cấu thể chế và cả chuẩn mực văn hoá” là đúng.

Và khi bàn về “Kết quả”, các nhà nghiên cứu thấy một mối liên hệ xuyên suốt giữa thể chế – quỹ đạo – kết quả, tuy nhiên kết quả là một khái niệm “lỏng lẻo” và dựa trên phân tích dữ liệu mà các tác giả nhận thấy có một sự “phân ly” giữa quỹ đạo cải cách và kết quả. Và kể cả khi có một kết quả nào đó thì việc chứng minh mối liên hệ trực tiếp của nó với một hoạt động cải cách cụ thể cũng không phải là điều dễ dàng.

Những vấn đề kỹ thuật như: quản lý tài chính công; sự phân định ranh giới giữa chính trị và hành chính; hay cụ thể hơn là giữa chính trị gia và công chức; những mâu thuẫn, nghịch lý của cải cách mà tất cả các mô hình đều gặp phải. Các tác giả tổng hợp lại toàn bộ những phát hiện đó và đưa ra một số dự báo tương lai.

Ngoài ra, còn những kết luận rất quan trọng về thành công của cải cách. Theo các nhà nghiên cứu cải cách thì không thể đánh giá chính xác mức độ thành công của những cải cách quy mô lớn, bởi có một phần nguyên nhân chính là các Chính phủ thường lảng tránh hoặc không tiến hành những đánh giá một cách đáng tin cậy và đồng thời, cũng xem nhẹ vai trò của việc xác định rõ ràng, cụ thể, chi tiết trọng tâm của cải cách để phục vụ đánh giá. Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng trong một thế giới mà thứ bất biến duy nhất là sự thay đổi thì cải cách là một tất yếu. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng để đương đầu và làm chủ thay đổi là việc làm đương nhiên buộc những chính trị gia và các nhà hành chính phải thực hiện.

Theo Christopher Pollitt và Geert Bouckaert: “Cải cách quản lý công không phải là một khoa học, không phải là một kỹ năng quản lý và chắc chắn không phải là một kết quả tất yếu và được biết trước của quá trình ‘toàn cầu hoá’ (hoặc một số yêu cầu cấp bách lớn khác). Đó là một phần của tiến trình chính trị, một phần của tiến trình tổ chức, một phần là tiến trình kinh tế và một phần là tiến trình công nghệ với những kết quả không chắc chắn.

Cải cách ra đời dựa trên cơ sở kiến thức và chắc chắn là điều không thể tránh khỏi. Từ góc nhìn so sánh, Christopher Pollitt và Geert Bouckaert đã vẽ nên một bức tranh sống động về cải cách, cải cách được đặt dưới góc nhìn đa chiều và từ đó làm nổi bật lên các yếu tố quan trọng trong tất cả các tiến trình cải cách; đồng thời cũng chỉ ra những nhược điểm khó khắc phục mà các quá trình cải cách phải trải qua. Sẽ thật khó có một mô hình lý tưởng hay “chiếc chìa khoá vạn năng” trong cải cách quản lý công bởi cải cách chịu tác động từ nhiều yếu tố có tính đặc thù của mỗi quốc gia.

Tài liệu Tiếng Anh:
1. Christopher Pollitt and Geert Bouckaert (2011) Public Management Reform: A Comparative Analysis – New Public Management, Governance, and the Neo–Weberian State. Oxford: Oxford University Press, Third Edition, 352 pp., ISBN: 978-0-19-926849-8 (pbk)
ThS. Nguyễn Thanh Tùng
Học viện Hành chính Quốc gia