Đà Nẵng thực hiện sắp xếp, sáp nhập các tổ dân phố

(Quanlynhanuoc.vn) – Thành phố Đà Nẵng  là một trong những địa phương chủ động sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động tổ dân phố nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực tổ chức hoạt động tại địa phương. Chính vì vậy, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh.

 

Nhiều khu dân cư tại phường Nại Hiên Đông không có nhà sinh hoạt cộng đồng đủ sức chứa từ 50 đến 80 người, ảnh hưởng đến phong trào ở cơ sở. Trong ảnh: Ông Phạm Ngọc Hào (phải), tổ trưởng tổ 68 phường Nại Hiên Đông trao đổi với người dân trong tổ tại trạm dân phòng ở khu dân cư (Nguồn: baodanang.vn).

1. Sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố (TDP) theo tiêu chuẩn quy định là chủ trương lớn được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu: đến năm 2021, sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, TDP. Từ năm 2021 – 2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, TDP theo tiêu chuẩn quy định” và nhiệm vụ, giải pháp khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, TDP không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước…

Thành phố Đà Nẵng (thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 01/01/1997) là một trong những địa phương chủ động sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động TDP nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực tổ chức hoạt động tại địa phương. Hiện tại, thành phố có 8 quận, huyện và 56 phường, xã. Tổng dân số thành phố là 1.134.310 người (thống kê ngày 01/4/2019), trong đó, dân số thành thị là gần 990.000 người (87,3%)1. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh. Tiếp đến, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã xác định rõ mục tiêu: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á…”.

Từ những chủ trương, đường lối và chính sách đó, thời gian qua, công tác quản lý đối với TDP, thôn được Thành ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng quan tâm và đạt được một số kết quả quan trọng. Từ năm 2012, thành phố đã có chủ trương sắp xếp, tổ chức lại TDP với quy mô gọn (từ 30 – 40 hộ), qua đó đã làm giảm áp lực về chỗ họp, thuận lợi trong công tác quản lý, tuyên truyền…2. Tuy nhiên, với quy mô TDP này thì chưa phù hợp với quy định chung của Bộ Nội vụ, đồng thời, trong quá trình tổ chức, hoạt động, TDP vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Do vậy, Đà Nẵng đã nghiên cứu xây dựng “Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực tổ chức hoạt động tại địa phương, phù hợp với tình hình của thành phố và bảo đảm theo quy định chung của Trung ương.

Tại Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn tổ chức hoạt động của TDP, thôn thì: “ở vùng đồng bằng phải có từ 250 hộ gia đình trở lên; ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo phải có từ 150 hộ gia đình trở lên” (Điều 7); trong trường hợp đặc biệt, các TDP nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch dãn dân, tái định cư hoặc điều chỉnh địa giới hành chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc do việc di dân đã hình thành các cụm dân cư mới ở vùng núi cao, vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi có địa hình chia cắt, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, đòi hỏi phải thành lập TDP mới thì điều kiện (quy mô) thành lập TDP mới có thể thấp hơn so với quy định trên. Để triển khai, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 7144/UBND-NCPC ngày 10/9/2012 về việc triển khai chỉ đạo của Bí thư Thành ủy tại Hội nghị sắp xếp lại TDP, trong đó quy định: quy mô TDP bình quân là 30 hộ (trường hợp trong 1 nhà có nhiều hộ khẩu thì vẫn tính là 1 hộ).

Trong trường hợp địa giới hành chính không thể chia tách hoặc tại các khu chung cư thì có thể xem xét số hộ/TDP nhiều hơn hoặc ít hơn nhưng không quá 40 hộ/TDP hoặc ít hơn 20 hộ/TDP và các trường hợp này phải xin ý kiến của UBND thành phố trước khi thực hiện. Với quy định này, toàn thành phố Đà Nẵng có 5.749 TDP. Về quy mô: số tổ có quy mô số hộ dưới mức quy định của thành phố (dưới 30 hộ) là 2.231 tổ, chiếm tỷ lệ 38,8%; số tổ có quy mô số hộ đúng theo quy định của thành phố (từ 30 – 40 hộ) là 2.992 tổ, chiếm tỷ lệ 52%; số tổ có quy mô số hộ trên quy định của thành phố (trên 40 hộ) là 526 tổ, chiếm tỷ lệ 9,2%3.

Đối với chính sách cho cán bộ TDP, thành phố Đà Nẵng quy định: (1) Mỗi TDP có tổ trưởng, không có tổ phó… và mức phụ cấp hàng tháng theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Quyết định số 05/2014/QĐ-UBND ngày 21/01/2014 và quy định mức phụ cấp hàng tháng đối với tổ trưởng TDP: hệ số phụ cấp 0,50. (2) Chế độ bảo hiểm y tế: ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế đối với tổ trưởng TDP,… (trừ những người đang được hưởng chế độ bảo hiểm y tế). (3) Khen thưởng theo niên hạn: tổ trưởng TDP, có thời gian công tác đủ 15 (mười lăm) năm trở lên (được cộng dồn năm công tác nếu thời gian công tác bị ngắt quãng), hoàn thành nhiệm vụ (trừ trường hợp bị bãi nhiệm) thì sẽ được UBND thành phố xem xét tặng bằng khen.

2. Qua kết quả khảo sát và báo cáo của các quận, huyện của thành phố Đà Nẵng cho thấy, hầu hết TDP trên địa bàn thành phố đã đi vào hoạt động ổn định, tích cực, tương đối đồng đều. Quy mô TDP nhỏ nên tạo thuận lợi cho việc quản lý cư trú, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội được chặt chẽ hơn. Tỷ lệ nhân dân tham gia sinh hoạt TDP theo định kỳ tăng cao hơn so với khi chưa thực hiện chia tách tổ, địa điểm sinh hoạt TDP linh động hơn; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được truyền tải đến với người dân một cách đầy đủ, thuận lợi hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, ổn định an ninh – trật tự tại địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế do nguyên nhân khách quan và chủ quan, như: tình trạng tổ trưởng TDP thiếu kinh nghiệm, hạn chế về kỹ năng điều hành hoạt động cũng như khả năng truyền đạt thông tin, vận động nhân dân tham gia các hoạt động phong trào xã hội tại địa phương. Công tác phối hợp giữa TDP với ban công tác Mặt trận đôi lúc thiếu đồng bộ; có chi bộ khu dân cư chỉ quản lý từ 2 – 3 TDP, việc xây dựng các chi hội đoàn thể trong khu dân cư khó khăn, không có người làm nhưng không được kiêm nhiệm nên hoạt động không hiệu quả, nhất là phong trào Đoàn Thanh niên4.

Trước những bất cập đó, thành phố đã giao cho Sở Nội vụ tiến hành điều tra, khảo sát cán bộ tại cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể, chính quyền, Công an thành phố; các quận, huyện, phường, xã; bí thư chi bộ, tổ trưởng TDP và trưởng thôn với 1.134 phiếu khảo sát về nội dung sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động TDP, thôn trên địa bàn thành phố để xây dựng “Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2016”. Thời gian khảo sát từ ngày 26/7/2016 –  03/8/2016; tổng số lượng phiếu thu được là 1.102 phiếu (chiếm 97,7%).

Kết quả khảo sát về quy mô TDP cho thấy: 59% cho rằng nên tăng quy mô TDP lên từ 60 – 80 hộ (gấp 2 hiện tại); 28,5% cho rằng nên giữ nguyên quy mô hiện nay (30 – 40 hộ) và dưới 11% ý kiến nên tăng quy mô TDP từ 90 – 120 hộ (gấp 3 hiện tại). Qua đó, nhận xét quy định hiện hành và những đề xuất, kiến nghị về quy mô TDP, đa số các đối tượng tham gia khảo sát cho rằng nên tăng quy mô TDP từ 60 – 80 hộ (gấp 2 lần hiện tại)… Trường hợp đặc biệt không thể chia tách hoặc sáp nhập thì có thể quy mô dưới 60 hộ nhưng không quá 50 hộ hoặc trên 100 hộ. Đối với trường hợp không đúng theo quy mô nêu trên thì các địa phương phải xin ý kiến của UBND thành phố trước khi thực hiện. Sau khi sắp xếp lại quy mô TDP theo phương án này thì toàn thành phố sẽ có khoảng 2.760 TDP (giảm 2.989 TDP).

Bên cạnh đó, phương án này dự kiến sẽ giảm 2.989 TDP; do đó, số lượng tổ trưởng TDP cũng giảm theo, đồng thời tăng 2.760 tổ phó TDP5. Sau khi thực hiện sắp xếp TDP với quy mô theo phương án đề xuất nêu trên thì dự kiến sẽ giảm 2.989 tổ trưởng TDP và tăng 2.760 tổ phó TDP. Do đó, tổng số lượng dự kiến giảm là 229 cán bộ so với hiện nay6. Mức phụ cấp hằng tháng đối với tổ phó TDP bằng 0,3 lần mức lương cơ sở (theo Nghị quyết số 109/2017/NQ-HĐND ngày 07/7/2017 của HĐND thành phố Đà Nẵng).

3. Trên cơ sở Đề án nêu trên, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành các nghị quyết, quyết định như: Nghị quyết 108/NQ-HĐND ngày 07/7/2017 về việc sắp xếp các TDP trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 4069/QĐ-UBND ngày 27/7/2017 về việc sắp xếp lại TDP trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, theo đó, các quận, phường trên địa bàn thành phố đã tiến hành sắp xếp TDP bao gồm 2.784 TDP, giảm 2.965 (chiếm 51,6 %) TDP so với trước đây.

Cụ thể: quận Hải Châu từ 1.283 TDP còn 645 TDP; quận Thanh Khê  từ 1.278 TDP, còn 598 TDP; quận Sơn Trà từ 1.034 TDP còn 515 TDP; quận Ngũ Hành Sơn từ 483 TDP còn 257 TDP; quận Liên Chiểu từ 878 TDP xuống còn 372 TDP; quận Cẩm Lệ từ 793 TDP, còn 406 TDP. Số TDP có quy mô dưới 50 hộ là 12 TDP (tỷ lệ 0,4%); số TDP có quy mô dưới 50 hộ – 90 hộ là 2.603 tổ (tỷ lệ 93,5%); số TDP có quy mô trên  90 hộ là 169 TDP (tỷ lệ 6,1%)7.

Sau thời gian thực hiện chủ trương sáp nhập TDP, đến nay, hoạt động của TDP ở nhiều địa phương đã phát huy những mặt tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động tại khu dân cư, tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả Đề án “Thành phố 4 an”, xây dựng văn hóa, văn minh đô thị và thành phố môi trường. Để kịp thời động viên người hoạt động không chuyên trách và người tham gia công việc ở TDP, thôn, HĐND thành phố cũng đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 278/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 ban hành quy định về số lượng, chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và người tham gia công việc ở TDP, thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc quản lý TDP vẫn còn những bất cập, khó khăn, nhất là đối với các TDP có từ 150 – 200 hộ dân. Đặc biệt, đối với khu đô thị biệt thự sinh thái công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước nằm tách biệt, không liên cư, liên địa nhưng buộc phải ghép với một TDP khác, nâng số hộ lên trên 200 hộ8, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, nhất là các vấn đề về an ninh trật tự, an sinh xã hội. Hiện ở nhiều nơi còn thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng nên gặp khó khăn về địa điểm tổ chức hội họp tại địa phương. Trình độ, năng lực của một số tổ trưởng, tổ phó TDP chưa đồng đều, ảnh hưởng đến điều hành TDP.

Mặt khác, một số chi bộ khu dân cư lãnh đạo nhiều TDP trong khi Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chỉ có 1 TDP, gây áp lực, khó khăn trong công tác lãnh đạo của cấp ủy chi bộ. Chế độ, chính sách phụ cấp khá thấp so với quy định hiện nay, trong khi khối lượng công việc tương đối nhiều, khiến một bộ phận cán bộ TDP chưa tâm huyết và nhiệt tình trong công việc, dẫn đến công tác quản lý và tổ chức hoạt động của một số TDP còn yếu so với yêu cầu đặt ra.

4. Để khắc phục những bất cập trên, nhiều địa phương đã đề xuất, kiến nghị thành phố cần sớm có những giải pháp linh hoạt để phù hợp với thực tế.

Đối với tình trạng sáp nhập nhưng không liên cư, liên địa, các quận đã kiến nghị lên Sở Nội vụ cho ý kiến về chủ trương để thành lập TDP mới tại các khu đô thị biệt thự sinh thái công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước. Cụ thể, trên cơ sở các nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND thành phố, nên phân quyền quyết định cho phép sắp xếp, chia tách, sáp nhập quy mô TDP về cho UBND quận, huyện, từ đó có thể nắm rõ tình hình thực tế TDP của mỗi phường, xã, thị trấn nhằm chủ động cho quận, huyện sắp xếp TDP phù hợp với quy mô, tránh tình trạng có nhiều TDP phát sinh số hộ dân gấp 2 – 3 lần quy định của thành phố.

Theo quy định, cấp quận, huyện không có thẩm quyền để tự tổ chức thành lập TDP mới, đối với các trường hợp TDP bảo đảm đủ điều kiện thành lập mới (quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 14/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ) thì cần đề nghị và gửi hồ sơ cung cấp của UBND các quận, huyện, Sở Nội vụ thành phố sẽ thẩm định báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét, quyết định thành lập mới… Trường hợp có phát sinh hộ dân mà không đủ điều kiện về quy mô để thành lập TDP mới thì UBND quận, huyện chủ động nghiên cứu thực hiện ghép vào các TDP, thôn lân cận để người dân tham gia sinh hoạt và bảo đảm hiệu quả trong công tác quản lý. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích việc sáp nhập các TDP có quy mô hộ dân nhỏ theo chủ trương của Trung ương trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết để có chủ trương, giải pháp phù hợp.

Chú thích:
1. Cục Thống kê Đà Nẵng. Niên giám thống kê Đà Nẵng. H. NXB Thống kê, 2019.
2, 3, 4, 6. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đà Nẵng, tháng 12/2016.
8. Phát huy hiệu quả sau sáp nhập tổ dân phố. Báo Đà Nẵng online, ngày 29/8/2019.
5, 7. Quyết định số 4069/QĐ-UBND ngày 27/7/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc sắp xếp lại tổ dân phố trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

PGS.TS. Lê Văn Đính
Học viện Chính trị khu vực III