Nội dung và phạm vi trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Tiếp cận theo logic của quá trình quản trị, nhà quản trị có trách nhiệm trong việc sử dụng các nguồn lực đầu vào (gồm nhân lực, vật lực, tài lực, thông tin), trách nhiệm thực hiện các hoạt động quản trị (gồm lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra) và trách nhiệm về kết quả đầu ra của quá trình1. Tất cả những nội dung trên nhằm trả lời câu hỏi: người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm về cái gì, với ai và phạm vi trách nhiệm đến đâu?

 

Hội thảo khoa học về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước được Bộ Nội vụ tổ chức năm 2019.
Nội dung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước

Trách nhiệm sử dụng các nguồn lực đầu vào

Mọi tổ chức, bất kỳ loại gì, vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận, lớn hay nhỏ, đều dùng đến bốn nguồn lực chủ yếu: nhân lực, tài lực, vật lực và thông tin2. Do đó, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng các nguồn lực này trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước, bao gồm:

– Trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức.

– Trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công.

– Trách nhiệm trong quản lý, sử dụng các tài sản công.

– Trách nhiệm trong quản lý, sử dụng thông tin.

Nhìn chung, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm quản lý, sử dụng các nguồn lực này nhằm bảo đảm tính hiệu lực, đúng quy định pháp luật, phục vụ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước, sau đó, có trách nhiệm bảo đảm tính hiệu quả, không để xảy ra lãng phí, thất thoát, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước và sự đóng góp của người dân.

Trách nhiệm thực hiện các hoạt động lãnh đạo, quản lý

Người đứng đầu đóng vai trò là người lãnh đạo, quản lý, do đó, họ có trách nhiệm thực hiện tốt vai trò này. Các khía cạnh quan trọng nhất của quản lý, lãnh đạo bao gồm: lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra; đồng thời, xác định tương lai sẽ như thế nào và truyền cảm hứng cho nhân viên để họ hoàn thành mục tiêu bất chấp những trở ngại. Nếu các chức năng này thực hiện không tốt sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực đầu vào và ảnh hưởng đến kết quả đầu ra của quá trình lãnh đạo, quản lý.

Trách nhiệm về kết quả đầu ra của quá trình quản lý, lãnh đạo

Quan niệm “kết quả” là “những gì có được sau quá trình quản lý”3. Kết quả của quản lý hành chính nhà nước được chia thành hai loại: (1)Kết quả về khối lượng công việc cụ thể hoàn thành, gồm các quyết định ban hành hay lượng dịch vụ được cung cấp, thường được gọi là “kết quả trực tiếp” hay “kết quả trung gian”. (2) Sự tác động cuối cùng của hoạt động quản lý hành chính nhà nước dẫn đến thay đổi tích cực đến các quá trình xã hội và tạo nên phúc lợi xã hội, thường được gọi là “kết quả cuối cùng”4.

Với cách tiếp cận này, trách nhiệm về kết quả đầu ra của quá trình quản lý, lãnh đạo của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước được thể hiện qua hai nhóm nội dung sau:

Thứ nhất, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm ban hành các quyết định quản lý nhằm thực hiện các chức năng quản lý nhà nước, đồng thời, có trách nhiệm quản lý việc cung cấp cho xã hội các loại hình dịch vụ công cơ bản, như: dịch vụ hành chính công (cấp phép, kiểm duyệt, công chứng, chứng thực…), dịch vụ sự nghiệp công (giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, thể thao, văn hóa – xã hội…), dịch vụ công cộng (cung cấp điện, nước sạch, xử lý nước và chất thải, cây xanh, chiếu sáng công cộng, vận tải, tài chính ngân hàng, bảo hiểm…).

Thứ hai, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm nâng cao chất lượng và mức sống của con người, tạo ra được một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực mình quản lý. Đây là kết quả cuối cùng mà người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cần đạt đến khi thực hiện trách nhiệm. Nó chỉ ra kết quả hoạt động từ góc độ xã hội và là trách nhiệm cao nhất, quan trọng nhất của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước.

Phạm vi trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước

Thứ nhất, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm đối với hệ thống các cơ quan nhà nước, bao gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây là trách nhiệm đối với nội bộ của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ hai, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp – đối tượng chịu sự tác động của hoạt động quản lý nhà nước và là chủ thể thụ hưởng các dịch vụ công do cơ quan hành chính nhà nước cung cấp. Đây là trách nhiệm đối với xã hội của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước.

Trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước

Trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức hay trách nhiệm bên trong của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước được hiểu là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước đối với các chủ thể trong phạm vi hệ thống bộ máy nhà nước, là sự cam kết của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ứng xử phù hợp với các quy định của các cơ quan nhà nước.

Trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, bao gồm:

– Trách nhiệm với các cơ quan đại diện cử tri – Quốc hội, Hội đồng nhân dân;

– Trách nhiệm với các cơ quan hành chính nhà nước, gồm: cơ quan hành chính nhà nước cấp trên, cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới, cơ quan hành chính nhà nước ngang cấp, bản thân cơ quan hành chính nhà nước mà người đứng đầu có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý;

– Trách nhiệm với các cơ quan xét xử và kiểm sát.

Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước phải có trách nhiệm đối với hệ thống các cơ quan nhà nước, bởi Nhà nước thành lập các cơ quan hành chính nhà nước để thực hiện những chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, trong đó có chức vụ người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước với những thẩm quyền nhất định. Cơ quan nhà nước cũng thực hiện các chức năng kiểm tra, giám sát, xét xử… nhằm bảo đảm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình và phải chịu trách nhiệm khi thực hiện không đúng những nhiệm vụ, quyền hạn đó.

Việc thực hiện trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước thể hiện qua nhiều hoạt động như: tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thực hiện trách nhiệm báo cáo, giải trình về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó; chịu sự kiểm tra, giám sát, thanh tra về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; chịu các hình thức chế tài trách nhiệm trước các cơ quan nhà nước khi thực hiện không đúng, không tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn…

Trách nhiệm đối với xã hội của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước

Trách nhiệm đối với xã hội của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước được hiểu là sự cam kết ứng xử của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước phù hợp với lợi ích của xã hội trong các hoạt động liên quan đến lợi ích của xã hội, của người dân. Trách nhiệm đối với xã hội hướng đến mục tiêu lớn nhất là lợi ích của người dân, của xã hội, vì sự phát triển bền vững, tốt đẹp của xã hội.

Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm đối với xã hội bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, trách nhiệm đối với xã hội là sứ mệnh cơ bản của nhà nước. Từ thời cổ đại, Aritxtot đã cho rằng sứ mệnh của nhà nước, của những nhà cầm quyền không chỉ bảo đảm cho con người sống bình thường, mà còn phải làm sao để cho con người sống hạnh phúc. “Mục đích của nhà nước là cuộc sống phúc lợi…bản thân nhà nước là sự giao thiệp của các gia tộc và dân cư nhằm đạt được sự tồn tại một cách hoàn thiện và tự lập5, tức là đạt được một cuộc sống ưu việt, mà theo ông không chỉ về phương diện của cải vật chất mà còn là bảo đảm công lý.

Ngày nay, các làn sóng cải cách chính phủ đều nhằm hướng đến gia tăng trách nhiệm đối với xã hội của các chính phủ. Chính phủ ngày càng phải tốt hơn do áp lực ngày càng tăng từ phía công chúng đối với việc cải thiện dịch vụ và hoạt động đáp ứng của một nền hành chính phục vụ các công dân chứ không phải ra lệnh cho họ6. Đặt trong bối cảnh đó, trách nhiệm đối với xã hội hay là trách nhiệm bên ngoài của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước là loại hình trách nhiệm cần được quan tâm sâu sắc, là phương tiện để thực hiện trách nhiệm đối với xã hội của nhà nước.

Thứ hai, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện trách nhiệm của nhà nước đối với xã hội. Có thể khẳng định như vậy, bởi hệ thống các cơ quan hành pháp được coi là trung tâm của bộ máy nhà nước. “Xét cho cùng trung tâm hoạt động của nhà nước mỗi quốc gia là hoạt động của hành pháp7.

Hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước là nhân tố sống còn trong việc tạo ra, duy trì, điều hành, hiện thực hóa các chính sách của nhà nước, là thiết chế quan trọng nhất mang lại tự do và hạnh phúc cho người dân. Chính vì thế, nếu nói rằng trách nhiệm đối với xã hội là sứ mệnh cơ bản của nhà nước thì cũng có thể nói đó chính là sứ mệnh cơ bản của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước – chủ thể quyết định việc hiện thực hóa và biến trách nhiệm này như một khái niệm vĩ mô, chung chung thành những biểu hiện cụ thể, vi mô trong đời sống hằng ngày, hằng giờ của từng người dân, từng tổ chức trong xã hội.

Biểu hiện trách nhiệm đối với xã hội của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước rất đa dạng, ví dụ: đặt lợi ích của người dân lên trên hết; gắn kết quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước với sự hài lòng của xã hội; tăng cường, huy động sự tham gia của dân vào quá trình quản lý và cung cấp dịch vụ công… Nhìn chung, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước được coi là thực hiện tốt trách nhiệm đối với xã hội khi cả trong nhận thức, thái độ và hành vi của họ luôn đặt lợi ích của xã hội, của người dân lên trên hết.

Một cách ngắn gọn, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm đối với xã hội thì “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm; Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh8. Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cần coi con người là trung tâm trong các thiết kế chính sách, đồng nghĩa với các chính sách phải đặt nhu cầu, lợi ích của người dân lên trên hết. “Một nhà nước không biết đến những nhu cầu của những bộ phận lớn dân chúng trong việc thiết lập và thực thi chính sách thì không phải là một nhà nước có năng lực9.

Để thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước phải làm nhiều hơn những gì pháp luật quy định, phải vượt qua những lợi ích mang tính “nội bộ” của hệ thống cơ quan nhà nước để hướng đến xã hội, làm cho đời sống xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Nếu chỉ thực hiện trách nhiệm theo các quy định được văn bản hóa, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước vẫn thực hiện trách nhiệm của mình nhưng có thể họ chỉ hoạt động như những “cái máy phục vụ” – thực thi trách nhiệm bằng đôi bàn tay mà thiếu sự sáng tạo của khối óc và sự cảm nhận của trái tim.

Để thực hiện tốt trách nhiệm đối với xã hội, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước phải luôn hun đúc một tâm niệm rằng sứ mệnh của cơ quan hành chính nhà nước là phải luôn bảo đảm và tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước phải “nghĩ ra” việc cần làm vì ý thức được vai trò của mình đối với xã hội chứ không chỉ đơn giản là tuân thủ các quy định của các cơ quan nhà nước. Tâm niệm đó phải đến từ sự tự nguyện, từ đạo đức, từ văn hóa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước.

Mối quan hệ giữa trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức và trách nhiệm đối với xã hội của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước

Giữa trách nhiệm đối với nội bộ và trách nhiệm đối với xã hội của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có mối quan hệ mật thiết. Trước hết, đây là mối quan hệ giữa hai chức năng cơ bản của mọi nhà nước là chức năng “cai trị” và chức năng “phục vụ”. Việc thực hiện trách nhiệm đối với nội bộ về cơ bản nhằm phục vụ cho mục đích quản lý, cai trị của nhà nước. Việc thực hiện trách nhiệm đối với xã hội về cơ bản phục vụ cho mục đích duy trì trật tự xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển trên các mặt đời sống xã hội của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Hai chức năng này được thực hiện cân bằng, hài hòa với nhau là cơ sở cho sự ổn định, phát triển của nhà nước và xã hội. Ngược lại, khi mục tiêu thực hiện trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức và trách nhiệm đối với xã hội mâu thuẫn với nhau sẽ gây ra những bất ổn trong quá trình quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa hai loại hình trách nhiệm này là quan hệ giữa Phương tiện và Mục đích, trong đó trách nhiệm đối với xã hội là Mục đích và trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức là Phương tiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đề cập đến mối quan hệ giữa trách nhiệm đối với nội bộ và trách nhiệm đối với xã hội của người cán bộ, công chức, Người viết: “Có tinh thần phụ trách trước cấp trên, trước Đảng và Chính phủ là đúng nhưng mới chỉ đúng một nửa, để hiểu rõ, mỗi chúng ta phải trả lời cho đươc câu hỏi: “Chính phủ và Đảng vì ai mà làm việc đó? Và phụ trách trước ai?10

Theo Người câu trả lời thật đơn giản: “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà chịu trách nhiệm trước nhân dân11. Do đó, việc người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của cơ quan nhà nước chỉ là phương tiện, là cách thức để họ thực hiện sứ mệnh trước xã hội, trước người dân. Xuất phát từ mối quan hệ này, có thể thấy giữa trách nhiệm đối với nội bộ và trách nhiệm đối với xã hội có những ranh giới phân biệt, nhưng nhiều khi sự phân định này không thực sự rõ ràng.

Chú thích:
1,2. Đại học Kinh tế Quốc dân, Khoa Khoa học Quản lý. Giáo trình Quản trị học. H. NXB Tài chính, 2009, tr. 14, 10.
3,4. Nguyễn Đăng Thành (chủ biên). Đo lường và đánh giá hiệu quả quản lý hành chính nhà nước – Những thành tựu trên thế giới và ứng dụng ở Việt Nam. H. NXB Lao động, 2012, tr. 32, 23.
5. Nguyễn Hữu Vui (Chủ biên): Lịch sử triết học, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 207.
6. S. Chiavo-Campo và P.S.A. Sundaram: Phục vụ và duy trì: Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh”, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 78.
7. Nguyễn Đăng Dung: Chính phủ trong nhà nước pháp quyền, NXB. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2008, tr. 106.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr. 47.
9. Ngân hàng thế giới: Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi, Báo cáo về tình hình phát triển thế giới 1997, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 139.
10, 11. Hồ Chí Minh. Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.5, 2000, tr. 245.

 TS. Bùi Thị Ngọc Mai
Học viện Hành chính Quốc gia