Các yếu tố cấu thành năng lực thực thi công vụ của công chức

(Quanlynhanuoc.vn) – Năng lực thực thi công vụ chính là khả năng thực tế của mỗi công chức trong việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Có nhiều yếu tố cấu thành nên năng lực, trong đó: kiến thức; kỹ năng; thái độ, hành vi là những yếu tố cốt lõi. Điều quan trọng là phải biết kết hợp, biết tổng hòa các yếu tố đó trong quá trình thực thi công vụ.

 

Công chức Hà Nội thực hiện cuộc vận động 5 Không (Ảnh minh họa).                                              

Năng lực của mỗi con người là một yếu tố khó định lượng. Nó được hình thành và tổng hợp hài hòa bởi nhiều yếu tố. Theo Christian Batal (nhà nghiên cứu người Pháp): “Năng lực thực thi công vụ là khả năng của mỗi công chức trong việc sử dụng tổng hợp các yếu tố như: kiến thức; kỹ năng, trình độ; thái độ, hành vi để làm được công việc được giao, xử lý tình huống và để thực hiện một nhiệm vụ trong mục tiêu xác định”1. Theo cách diễn giải này, năng lực của công chức sẽ là tổng hòa các yếu tố cơ bản sau:

Kiến thức

Kiến thức là những hiểu biết về một lĩnh vực cụ thể. Kiến thức của mỗi người có được do quá trình học tập, lao động, tạo nên cho người đó một thế giới quan khoa học, óc nhận xét, khả năng tư duy, xét đoán và quyết định hành động đúng quy luật, đúng mức độ và đúng thời cơ.

Thông thường trình độ kiến thức của mỗi công chức được đánh giá qua các yếu tố: trình độ giáo dục phổ thông, trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý nhà nước và trình độ chuyên mô, nghiệp vụ.

Trình độ giáo dục phổ thông (ở Việt Nam thường gọi là: trình độ văn hóa) là yếu tố cơ bản và là yêu cầu tối thiểu đối với mỗi công chức. Trên thực tế, trình độ giáo dục phổ thông được biểu hiện trên những văn bằng đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân: tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trình độ lý luận chính trị là những kiến thức mà công chức được trang bị nhận thức về chế độ xã hội, về bản chất của Nhà nước và về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Có được những kiến thức đó, cán bộ, công chức sẽ hoạt động đúng định hướng chính trị, giúp cho quá trình tuyên truyền, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách đó vào trong quần chúng đạt hiệu quả cao hơn.

Trình độ quản lý nhà nước: hoạt động của các công chức là hoạt động quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực họ phụ trách nên mỗi công chức phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất về quản lý nhà nước. Những kiến thức này sẽ cho họ hiểu sâu sắc hơn, cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của mình và qua đó cũng cung cấp những công cụ, kỹ năng, phương pháp quản lý điều hành giúp họ giải quyết công việc có kết quả và đúng pháp luật.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là những kiến thức, khả năng chuyên môn của mỗi người trên lĩnh vực mà họ phụ trách. Nó tạo nên nét đặc thù trong công việc của mỗi cán bộ công chức, nhất là công chức chuyên môn.

Kiến thức không phải là yếu tố duy nhất tạo nên năng lực nhưng nó có một vai trò rất quan trọng. Trong quá trình thực thi công vụ, kiến thức sẽ là nền tảng cho sự nhận thức tiếp thu đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng những chủ trương, chính sách đó vào cuộc sống. Kiến thức cũng là nền tảng để phát triển kỹ năng, thái độ và hành vi của công chức.

Kỹ năng hành chính

Kỹ năng là khả năng làm chủ các kỹ thuật, phương pháp và công cụ để giải quyết công việc. Kỹ năng hành chính được quan niệm một cách khái quát là cách thức mà công chức vận dụng những kiến thức, đặc biệt kiến thức thuộc lĩnh vực hành chính để đạt được kết quả trong thực hiện công vụ.

Kỹ năng có thể bao gồm các yếu tố: phương pháp, khả năng, kinh nghiệm, kỹ xảo… cùng với cả sự khéo léo năng động, sáng tạo trong khi giải quyết công việc. Ở mỗi người, kỹ năng được hình thành từ nhiều con đường. Có thể do khổ luyện, thâm niên công tác hay do tính chuyên môn hóa hoạt động cao. Nhưng dù có hình thành bằng con đường nào đi chăng nữa thì trên thực tế kỹ năng vẫn là khả năng thực sự của công chức, giúp họ hoàn thành nhiệm vụ được giao, giải quyết công việc nhanh chóng, tạo sự hài lòng của những người liên quan. Như vậy, việc nâng cao kỹ năng làm việc là rất quan trọng đối với mỗi công chức và cũng là vấn đề đáng quan tâm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Thái độ, hành vi.

Thái độ, hành vi chính là làm chủ thái độ, hành vi; làm chủ trạng thái tinh thần của bản thân. Việc đánh giá khách quan loại hình năng lực thái độ, hành vi khó hơn đánh giá các loại năng lực khác, tuy nhiên càng ngày nó càng được các nhà quản lý và khách hàng của nền công vụ quan tâm hơn, bởi đây là một yếu tố không kém phần quan trọng trong khi thực hiện nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức. Thực tế cho thấy, một người có đầy đủ kiến thức, kỹ năng làm việc nhưng không tâm huyết với công việc thì kiến thức, kỹ năng đó cũng trở nên ít ý nghĩa.

Thái độ, hành vi chính là sự biểu hiện cụ thể nhất của đạo đức công chức. Ở mỗi vị trí công việc, công chức phải hành động theo những giá trị, những hành vi chuẩn mực được pháp luật công vụ quy định. Đối với các công chức, mà đặc trưng công việc là sử dụng quyền lực nhà nước trong thực thi công vụ thì khả năng làm chủ thái độ, hành vi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thái độ, hành vi được hình thành trong cùng một điều kiện như hình thành kỹ năng. Nhưng việc học tập các “thái độ, hành vi” đó đòi hỏi mỗi công chức phải ý thức được tầm quan trọng của yếu tố ‘thái độ, hành vi” trong công việc, đồng thời việc học tập các “thái độ, hành vi” còn là nghĩa vụ theo luật định đối với công chức.

Ngoài ra, để cấu thành năng lực thực thi công vụ còn một số yếu tố khác như: tác phong, sức khoẻ… Nhưng khung năng lực với 3 yếu tố trên vẫn là quan điểm được nhiều nhà khoa học đi sâu nghiên cứu và công nhận.

Tuy nhiên năng lực thực thi công vụ không phải là tổng của các yếu tố trên. Mà quan trọng nó là sự quy tụ đồng thời, là sự phối kết hợp chặt chẽ các yếu tố trong những điều kiện hoàn cảnh nhất định nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Năng lực thực thi công vụ chính là khả năng thực tế của mỗi người công chức trong việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Có nhiều yếu tố cấu thành nên năng lực nhưng nói tóm lại thì có 3 yếu tố chính: kiến thức; kỹ năng; thái độ, hành vi. Điều quan trọng là phải biết kết hợp, biết tổng hòa các yếu tố đó trong quá trình thực thi công vụ.

Nhận thức năng lực giúp hoạt động quản lý nguồn nhân lực trong khu vực nhà nước có khả năng đạt hiệu quả, bởi năng lực được xác định dựa trên những yếu tố có thể định lượng được. Với cách nhận thức về năng lực nêu trên, các nhà quản lý có thể tiến hành các hoạt động như tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng công chức có căn cứ cụ thể, sát thực, giảm thiểu những lãng phí nguồn lực của tổ chức.

Chú thích:
1. Christian Batal. Quản lý nguồn nhân lực trong khu vực nhà nước. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 232.
Tài liệu tham khảo:
1. Isabelle Denys. Tập bài giảng Quản lý năng lực. Trường Hành chính Ca-na-đa (ENAP) và Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp tổ chức, tháng 6/2007.
2. Võ Kim Sơn. Giáo trình Tổ chức nhân sự hành chính nhà nước. H. NXB Giáo dục, 2005.

ThS. Nguyễn Hồng Hoàng
Học
viện Hành chính Quốc gia