Bồi dưỡng tư duy chiến lược cho cán bộ lãnh đạo, quản lý

(Quanlynhanuoc.vn) – Tư duy chiến lược là yêu cầu cần thiết đối với cán bộ lãnh đạo. Có tư duy chiến lược sẽ giúp cho chủ thể có tầm nhìn xa trông rộng, sớm phát hiện các tín hiệu của sự thay đổi, các bước ngoặt, kịp thời phát hiện cái mới hợp quy luật. Người nào có được tư duy chiến lược đúng, vạch ra được những chủ trương, chính sách phát triển mang tầm chiến lược sẽ giúp tổ chức phát triển. Đồng thời, tư duy chiến lược là cần thiết cho bản thân mỗi cán bộlãnh đạo.

 

Ảnh: Internet
Lãnh đạo và năng lực cần có của lãnh đạo

Lãnh đạo và năng lực lãnh đạo là những khái niệm quan trọng nhất trong khoa học về tổ chức nhân sự. Một tổ chức, một nhóm, đoàn thể có vững mạnh và hoạt động hiệu quả hay không phần lớn được quyết định bởi năng lực của người lãnh đạo.

Nhìn vào sự nghiệp của các nhà lãnh đạo kiệt xuất cho thấy, lãnh đạo không phải là tập trung quyền lực và đưa ra những mệnh lệnh mang tính nguyên tắc cao. Lãnh đạo là một quá trình gây ảnh hưởng mang tính xã hội, trong đó người lãnh đạo tìm kiếm sự tham gia tự nguyện của cấp dưới nhằm đạt mục tiêu của tổ chức. Lãnh đạo là quá trình gây ảnh hưởng và dẫn dắt hành vi của cá nhân hay nhóm người nhằm hướng tới mục tiêu của tổ chức.

Theo các nhà nghiên cứu và tổng kết của các giáo sư Mc Shane và Von Glinow trong giáo trình của Mc Graw, để trở thành người lãnh đạo cần hội tụ 7 nhân tố sau:

(1) Mức độ nhạy cảm cao. Yếu tố này là yếu tố cần thiết nhất. Thể hiện trong việc chỉ số EQ phải cao. Lãnh đạo luôn cần có cảm nhận về thái dộ, tình cảm, mong muốn, buồn, vui… của người xung quanh mình, thậm chí của tất cả quần chúng, dù khả năng tiếp xúc của họ cũng bị hạn chế như mọi người. Việc nhạy cảm với tất cả những gì có ở xung quanh giúp người lãnh đạo thâu nhận được nhiều thông tin, làm chủ được tình hình.

(2) Hành động chính trực vì lợi ích tập thể, cộng đồng. Đây là điều công chúng mong đợi. Sự chính trực này làm cho công chúng cảm thấy tin tưởng; một nhân tố quan trọng để họ quyết định có đi theo lãnh đạo hay không. Nếu không, ít nhất lãnh đạo phải làm cho công chúng thấy là mình chính trực.

(3) Nghị lực phi thường. Nghị lực giúp vượt qua các khó khăn nội tại và từ ngoại cảnh. Yếu tố này ở người lãnh đạo phải hơn người khác để đạt được sự nể phục của quần chúng.

(4) Tự tin và bản lĩnh. Người lãnh đạo phải thể hiện là người luôn tự tin vào bản thân và công việc. Đồng thời, họ cũng phải có bản lĩnh để vượt qua những khó khăn, trở ngại. Đó là những năng lực rất cần thiết để làm việc và thuyết phục công chúng.

(5) Có động lực. Người lãnh đạo có thể tỏ ra họ có tham vọng hay không, song trên thực tế họ luôn cần có động lực để làm lãnh đạo mới có thể là lãnh đạo thực thụ. Khát vọng lãnh đạo giúp các nhà lãnh đạo thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình, trở thành người ưu tú, chiếm được niềm tin tưởng của quần chúng.

(6) Năng lực phân tích hơn người, có tầm nhìn xa trông rộng. Người lãnh đạo thành công phần lớn là do khả năng phân tích hơn người. Họ thường là người có tầm nhìn xa trông rộng, phán đoán tình hình mau chóng và đưa ra những quyết định xuất sắc.

(7) Tri thức sâu rộng. Ở người lãnh đạo phải có là một nguồn tri thức dồi dào trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực chuyên môn phụ trách. Tri thức chuyên sâu giúp người lãnh đạo nhìn nhận và phán đoán về công việc một cách mau chóng, từ đó có sự phân công chính xác cho từng cá nhân, giúp cho công việc diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, đạt kết quả cao.

Vai trò của người lãnh đạo

Không phải tất cả những người tài giỏi đều có thể trở thành một người lãnh đạo tốt. Không ít những nhân viên tài năng sau khi thăng lên vị trí cấp cao trong các doanh nghiệp phải chật vật với vai trò là người lãnh đạo. Vậy, vai trò của người lãnh đạo là gì và làm thế nào để trở thành nhà lãnh đạo thành công, người được các thành viên trong tổ chức tin tưởng, ủng hộ và đi theo.

Trong bài báo “Leadership, When Management is Not Enough” (tạm dịch: Lãnh đạo là chưa đủnếu chỉ Quản lý), tác giả Peter Dimov đưa ra sự so sánh giữa những nhà lãnh đạo và quản lý để phân biệt họ và thể hiện mối quan hệ giữa họ. Dimov định nghĩa quản lý là: “tính kỷ luật của việc tạo ra mạng lưới những người sản xuất hàng hoá và dịch vụ một cách liên tục và có thể dự đoán. Chức năng chính của quản lý là tạo ra kết quả đáng tin cậy. Lãnh đạo sự thay đổi và được định nghĩa là khả năng tạo ra một tầm nhìn chung mà các cá nhân phải nhận ra, hoặc chấp thuận nó và thuyết phục họ nhận ra điều đó”1.

Cả nhà quản lý và lãnh đạo đều xác định được cái cần phải làm, nhưng sự khác biệt giữa nhà quản lý và nhà lãnh đạo được mô tả như sau:

– Người quản lý tập trung vào việc lập kế hoạch (giảm nhẹ rủi ro) trong khi nhà lãnh đạo tập trung vào việc thiết lập hướng đi (xem bức tranh tổng thể và thực hiện các rủi ro đã được tính toán).

– Người quản lý tập trung vào việc tổ chức và nhân sự (kỹ năng chuyên môn) trong khi nhà lãnh đạo đang tìm cách sắp xếp người (tích hợp các kỹ năng đa dạng).

– Người quản lý tập trung vào việc kiểm soát và giải quyết vấn đề (xác định sai lệch) trong khi người lãnh đạo tập trung vào việc thúc đẩy và truyền cảm hứng (trao quyền cho người khác).

Điều khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ người quản lý sang lãnh đạo (hoặc tích hợp hiệu quả ở cả hai) là việc tổ chức giải quyết vấn đề và kỹ năng chuyên môn cần phải mở rộng hơn; cần tạo ra sự đoàn kết trong tập thể để sẵn sàng thay đổi. Người lãnh đạo thành công là trao quyền cho người khác để họ gánh vác nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất. Các nhà lãnh đạo giỏi chấp nhận mọi sự đóng góp, lắng nghe những gì mọi người nói, cảm ơn họ, công nhận nỗ lực và quan trọng nhất là thật lòng bày tỏ sự khen ngợi.

Tác giả Howard Gardner trong cuốn sách “Leading minds”2 viết về một số nhà lãnh đạo vĩ đại của thế kỷ XX, gọi lãnh đạo là “một cá nhân mà có ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và/hoặc hành vi của con người thông qua lời lẽ hoặc minh chứng cá nhân”. Theo đó, để một nhà lãnh đạo thành công cần:

(1) Là nhà lãnh đạo phục vụ: những nhà lãnh đạo tốt nhất trước hết phải tự xem họ như những người phục vụ. Điều này giúp họ học tập và phát triển từ chính những trải nghiệm, kinh nghiệm như những khách hàng cho dịch vụ lãnh đạo của mình.

(2) Là người định hướng: một cơ quan, tổ chức muốn phát triển được cần phải có một chiến lược dài hạn và phù hợp. Tất nhiên chiến lược đó phải là tầm nhìn về tương lai trong môi trường kinh doanh mục tiêu. Chiến lược đề ra thường dài hạn, người lãnh đạo phải luôn tư duy tìm cách thích ứng mang lại cơ hội tốt nhất cho doanh nghiệp. Nhiều công ty đã có những chuyển biến chiến lược, chẳng hạn như Samsung. Ban đầu Samsung là công ty nhỏ. Năm 1960 bắt đầu đa dạng hóa ngành nghề như sản xuất điện tử, bất động sản. Thập niên 70 của thế kỷ XX xuất hiện công nghiệp đóng tàu. Thập niên 80, tách thành 4 tập đoàn Samsung, Shinsegae, CJ, Hansol. Đến thập niên 90, Samsung mở rộng hoạt động trên quy mô toàn cầu, tập trung vào lĩnh vực điện tử, điện thoại di động và chất bán dẫn… Điểm chung của thời kỳ này là những thay đổi quan trọng, như: đa dạng hóa ngành nghề, mở rộng thị trường… thường do người đứng đầu công ty quyết định.

(3) Là người quản lý những tiêu chuẩn cao và kết quả tốt: dù chia sẻ quyền ra quyết định bao nhiêu và gắn kết với mọi người như thế nào, người lãnh đạo vẫn phải chịu trách nhiệm cho việc giành được kết quả và việc đạt được các mục tiêu.

(4) Là người huấn luyện: có vai trò trong việc động viên những người khác, giúp nhân viên xác định điều gì họ thực sự mơ ước từ công việc và nghề nghiệp.

(5) Là người làm chủ sự thay đổi: không ngừng thay đổi sáng tạo.

(6) Là người làm gương: việc lãnh đạo tự nó thể hiện ra trong cách cư xử, hành động, nêu gương.

(7) Hỗ trợ nhân viên kịp thời:một nhà lãnh đạo cần phải xuất hiện đúng lúc khi nhân viên gặp khó khăn cần sự hỗ trợ. Nhiều khi nhân viên gặp khó khăn và họ cảm thấy chán nản vì không đủ sáng suốt tìm ra hướng giải quyết. Điều quan trọng của nhà lãnh đạo lúc này là phải giúp nhân viên tìm ra điểm mấu chốt gây ra khúc mắc. Bởi chỉ khi tìm ra những giải pháp cho những điểm chặn thì hệ thống mới thông suốt được.

(8) Truyền cảm hứng, quy tụ sức mạnh: truyền cảm hứng đề quy tụ mọi người hoạt động vì một mục đích chung. Sự khích lệ tinh thần cho nhân viên đúng lúc sẽ tạo động lực to lớn cho nhân viên hoàn thành tốt công việc và vượt qua những khó khăn. Người lãnh đạo không cần phải có mặt mọi lúc, mọi nơi nhưng phải là người tạo nên văn hóa, người thổi hồn vào văn hóa cơ quan, tổ chức. Bên cạnh đó, người lãnh đạo cũng cần phải định hướng mục tiêu của cho các cá nhân đúng với định hướng chung, bởi chính sự hoàn thành các mục tiêu cá nhân sẽ đóng góp vào việc thực hiện mục đích cơ quan.

Tựu trung lại, người lãnh đạo sẽ là định hướng tầm nhìn, sứ mệnh và truyền cảm tạo nên sự đoàn kết trong cơ quan, tổ chức… Khi cơ quan hoạt động tốt, ổn định thì người lãnh đạo phải có biện pháp duy trì tình trạng đó lâu hơn. Khi cơ quan xuống dốc thì người lãnh đạo nắm vai trò động viên cho toàn thể nhân viên để khích lệ tinh thần cho họ, đồng thời tìm ra hướng giải quyết tích cực sớm thoát khỏi tình trạng đó.

Bồi dưỡng tư duy chiến lược cho người lãnh đạo trong quản lý phát triển

Để phục vụ tốt xã hội của dân, do dân và vì dântầm nhìn của người lãnh đạo phải luôn gắn với các giá trị cốt lõi: con người (lấy con người làm trung tâm và tạo giá trị cho mỗi người dân), liêm chính (đề cao sự thật) và sự hài lòng của người dân (nỗ lực vượt qua các giới hạn). Mỗi người lãnh đạo phải luôn tự bồi dưỡng tự học tập để nâng cao phẩm chất đạo đức của mình. Phải luôn gắn giữa lý thuyết sách vở với thực tế ở đơn vị, địa phương mình quản lý để tìm ra những mô hình hay, sáng tạo phải lấy tư tưởng luôn luôn đổi mới là yếu tố trọng tâm.

Người lãnh đạo phải luôn chú trọng đổi mới về tư duy nhận thức thông qua các chương trình, nội dung được đào tạo, được thiết kế nhằm tạo ra một số phẩm chất quan trọng trong tư duy lãnh đạo chiến lược. Tư duy đại cục, tổng thể dựa trên tri thức về bối cảnh. Việc này không những đòi hỏi phải hiểu thấu đáo khía cạnh kỹ thuật mà còn phải biết vận dụng linh hoạt các khái niệm có liên quan, bao gồm việc lập ra một trình tự và môi trường kinh tế chính trị tổng thể. Tinh thần làm chủ số phận, vận mệnh quốc gia, dân tộc, thông qua đổi mới và sáng tạo để tìm cơ hội tồn tại và phát triển.

Một ví dụ như ở Xinh-ga-po đã chứng minh được năng lực lấy yếu thế làm lợi thế, biến các yếu tố bất định thành cơ hội sáng tạo, vận hành quy trình thử – sai – làm lại cho tốt hơn. Là một quốc gia có diện tích nhỏ – Xinh-ga-po hình thành chiến lược lấn biển; vì thấy rõ nguy cơ ô nhiễm – hình thành chiến lược biến rác thải thành nguồn năng lượng sinh học; vì thiếu năng lượng tự nhiên (từ than đá…) – tìm kiếm khí đốt từ đáy biển, khai thác năng lượng gió…; vì thiếu nước sạch – ứng dụng công nghệ để biến nước thải và nước biển thành nước sạch sinh hoạt… Tinh thần này đặt trọng tâm vào trí tuệ và nghị lực của con người: nếu dám chấp nhận rủi ro để sáng tạo và nếu có thể thay đổi, đổi mới thì có thể phát triển. Lãnh đạo đất nước Xinh-ga-po quan niệm: vì đất nước chúng ta quá nhỏ để có thể có ảnh hưởng đến tiến trình của thế giới, chúng ta cần liên tục điều chỉnh chính mình cho phù hợp, nên cách thức nào không hiệu quả thì cần dũng cảm bỏ đi3.

Tư duy phục vụ công thiện, làm việc tốt cho cộng đồng, xã hội thông qua phương châm tư duy một cách cẩn trọng (ví dụ như thận trọng trước các nguy cơ tàn phá môi trường), dự báo và tích hợp, liên ngành (liên ngành, tích hợp, phối hợp trong và ngoài – nên thường xuyên so sánh và liên hệ bài học trong và ngoài nước).

Chú trọng tính lâu dài, nhấn mạnh đến tư duy chiến lược, tầm nhìn, chú trọng tầm nhìn xa, trông rộng, nhưng sát với thực tiễn, có tính thực tế. Lãnh đạo quốc gia thì không nên nhìn vào cái mình không có (tài nguyên, đất đai,…) mà nên nhìn vào cái mình có thể. Chẳng hạn, để thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài, thuyết phục người tài toàn thế giới đến sống, học tập và cống hiến, Xinh-ga-po đã xây dựng Công viên chim như một minh chứng sống động về sự trong lành của không khí.

Chú trọng bồi dưỡng các giá trị. Trước hết, đó là các giá trị, đạo đức và nguyên tắc thượng tôn công vụ. Các khóa đào tạo luôn phân tích, quán triệt đề cao phẩm chất đạo đức (công vụ) hàng đầu là liêm chính; nguyên tắc hàng đầu trong công vụ là minh bạch; trách nhiệm công vụ hàng đầu là giải trình. Mục tiêu tối thượng là phục vụ – “Người dân là chủ, là trên hết”. Cần quan niệm rằng, không thể thay đổi lối nghĩ, lối sống của người dân chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động thiết thực, như có chính sách tài chính hợp lý cho vay mua nhà, các gói hỗ trợ, bảo đảm an sinh như xây dựng nhà trẻ chất lượng…

Chú trọng giáo dục các giá trị xã hội mang màu sắc Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh mối quan tâm đến xây dựng gia đình, xây dựng lối sống lành mạnh, tìm kiếm sự cân bằng sống và làm việc, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới nhờ vào sự than thiện của con người vào nền chính trị ổn định. Giáo dục giá trị và định hướng năng lực lãnh đạo theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Bồi dưỡng kỹ năng quản trị điều hành, bao gồm: Đa dạng cấp độ: thể hiện ở cả nội dung bồi dưỡng và những minh họa được lựa chọn về các mô hình, cách thức quản trị điều hành với thành công và thất bại, cả cấp độ quốc gia và quốc tế. Tiếp cận so sánh: so sánh những tiềm năng lợi thế của Việt Nam so với thế giới từ đó có chiến lược đưa đất nước phát triển mạnh mẽ. Chú trọng các năng lực lãnh đạo đặc biệt. Trong các chính sách đánh giá kết quả thực thi của công chức nói chung và lãnh đạo nói riêng, phải vừa quan tâm đến thực tại (thiết kế hệ thống chỉ số thực thi như kết quả đầu ra, chất lượng công việc, khả năng phản ứng với stress, áp lực, năng lực tổ chức, ý thức về chất lượng dịch vụ, tinh thần làm việc nhóm) nhưng đồng thời đề cao đánh giá tiềm năng.

Trong các tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo, thì tiềm năng lãnh đạo “xuất chúng” có năng lực “cất cánh như trực thăng” được đặt lên hàng đầu. Tiếp đó là năng lực phân tích, tưởng tượng, hình dung; ý thức về thực tế. Năng lực và tầm nhìn “xuất chúng” được hiểu là khả năng nhìn xa, trông rộng, đánh giá được đại cục, lâu dài, khả năng xử lý các vấn đề để thoát ra khỏi mớ hỗn độn, các yếu tố bất định, để nhìn vượt qua các nhiễu loạn chính trị ngắn hạn, xác lập và theo đuổi những gì tốt đẹp lâu dài và vĩ mô cho đất nước.

Chú trọng tiêu chí về tính kinh tế trong quản trị quốc gia. Do sự hạn chế về nguồn lực, chính phủ thường phải quyết định hai vấn đề trong việc phân bổ ngân sách: (1) Cách thức đưa ra thứ tự ưu tiên đối với các nhu cầu có tính cạnh tranh nhau về các chương trình và dịch vụ công. (2) Cách thức tối đa hóa đầu ra cho một giới hạn cam kết về nguồn lực. Việc phân tích lợi ích – chi phí, một kỹ thuật mang tính hệ thống để thực hiện ước lượng các tác động hiệu quả của các chương trình và dịch vụ công, có thể hỗ trợ cho những người ra quyết định về hai vấn đề này.

Thực tiễn công vụ nói chung và nội dung đào tạo, bồi dưỡng nói riêng thể hiện cách tiếp cận đối với nền công vụ và các phẩm chất của lãnh đạo theo quan niệm các nước phát triển, như quản trị quốc gia tốt, tính kinh tế, tính hiệu lực, tính hiệu quả, tính công bằng.Cầnchú trọng đào tạo, bồi dưỡng tư duy, tầm nhìn lãnh đạo thông qua thực tế. Bên cạnh các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo trường lớp, có chứng chỉ; hoạt động đào tạo được luân chuyển thường xuyên qua các lĩnh vực khác nhau, kể cả trong thời gian ngắn.

Việc đổi mới tư duy lãnh đạo trong tình hình mớinhìn từ mô hình lãnh đạo thành công trong khu vực (Xinh-ga-po là một ví dụ điển hình) cho thấy,để người lãnh đạo có thể đưa đất nước, địa phương phát triển luôn bắt đầu bằng đổi mới tư duy (mô hình khoán hộ ở Vĩnh Phúc những năm trước đổi mới là ví dụ), đổi mới tư duy lãnh đạo là cơ sở để xây dựng nên những thành tựu trong thay đổi vận mệnh quốc gia. Chính vì vậy, xây dựng tư duy chiến lược cho các cấp lãnh đạo là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị, là điều kiện tiên quyết đưa nước ta hội nhập và phát triển.

Chú thích:
1. Báo cáo xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố năm 2019.
2. Báo cáo xếp hạng Chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2018 – 2019 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố.
3. Một triết lý lãnh đạo được nhắc đến trong nhiều chuyên đề bồi dưỡng lãnh đạo là triết lý phát triển đất nước do Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đưa ra “Để Xinh-ga-po tồn tại được, chúng ta không thể chỉ là một quốc gia bình thường. Chúng ta phải nỗ lực phi thường, chúng ta phải trở nên khác biệt”, Kinh nghiệm đào tạo lãnh đạo chiến lược của Xinh-ga-po.
ThS. Trần Thị Nga
Học viện Hành chính Quốc gia