Xây dựng nông thôn mới tại xã Cư Ni, huyện Eakar, tỉnh Đăk Lăk

(Quanlynhanuoc.vn) – Xã Cư Ni nằm ở phía Nam của huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk được thành lập tháng 10/1988 với diện tích đất tự nhiên là 5.821 ha, dân số có 4.170 hộ với 18.277 khẩu có 7 thành phần dân tộc1. Xã được chọn là một trong xã điểm về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) mới của huyện, với mục tiêu đề ra đến hết năm 2018, xã Cư Ni sẽ về đích trong XDNTM.

 

Ảnh minh họa
Kết quả đạt được

Cư Ni được huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk chọn là đơn vị phấn đấu về đích năm 2018 trong giai đoạn thực hiện 2016 – 2020 của tỉnh.

Khi mới triển khai thực hiện XDNTM vào năm 2011, Cư Ni chỉ đạt được 9 tiêu chí. Đến năm 2018, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí (tăng 10 tiêu chí so với năm 2011), trong đó có những tiêu chí quan trọng, như: quy hoạch, giao thông nông thôn, y tế, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư và thu nhập. Tổng vốn triển khai thực hiện XDNTM tại xã Cư Ni là: 41.479 triệu đồng, trong đó: ngân sách 28.479 triệu đồng; doanh nghiệp 2.65 triệu đồng; huy động người dân 9.650 triệu đồng (tiền mặt 9.650  triệu đồng; 2731 ngày công lao động, 23. 450 m2 đất, 1. 324 cây cối các loại)2.

Xã Cư Ni bắt đầu triển khai thực hiện XDNTM vào tháng 01/2018 với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự nỗ lực, cố gắng của người dân. Sau 3 năm triển khai, diện mạo xã đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư đồng bộ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ nét, an ninh trật tự luôn giữ vững3… Kết quả trên có được nhờ sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả của ngành chuyên môn, phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong việc thực hiện các tiêu chí; sự đóng góp tích cực của cả hệ thống chính trị mà vai trò “người đứng đầu” thuộc về Ban Quản lý Điều hành XDNTM của xã.

Đảng ủy, chính quyền xã Cư Ni xác định: XDNTM phải dựa trên Bộ tiêu chí của tỉnh để định hướng hành động và là thước đo để đánh giá kết quả. Quá trình triển khai thực hiện xã căn cứ vào điều kiện, lợi thế và nhu cầu thiết thực của người dân để xác định rõ cách làm, lựa chọn các tiêu chí thực hiện trong từng thời điểm, từng thời kỳ, phù hợp với điều kiện của xã và lộ trình hoàn thành 19 tiêu chí đã đề ra. Xã đã chỉ đạo lập quy hoạch XDNTM với phương châm: “Đồng bộ, phù hợp tiêu chí, sát với thực tiễn, dân chủ, có tính khả thi cao; lựa chọn những dự án phù hợp với khả năng kinh phí và nhu cầu của người dân với cách làm “việc gì dễ thì làm trước, việc gì khó làm sau, công trình nào, phần việc nào do hộ gia đình, do dân đóng góp thực hiện thì làm trước…”

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của một trong các xã điển hình của huyện, các cán bộ, lãnh đạo trong Ban Điều hành XDNTM của xã đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát huy lợi thế, tháo gỡ khó khăn, huy động tổng lực trên các mặt, từng bước xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí về XDNTM. Một số giải pháp cơ bản đã được triển khai.

Thứ nhất, chú trọng chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên theo phương châm: “Cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước, nhân dân tiếp bước làm theo”. Quan tâm đến việc cải thiện và nâng cao năng lực của cán bộ xã trong công tác XDNTM. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, công việc, kinh phí… để cán bộ xã tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội, ngoại ngữ, tin học.

Thứ hai, xác định công tác tuyên truyền là khâu then chốt, cần được quan tâm chú trọng, phải làm sâu rộng để nâng cao nhận thức của Nhân dân trên địa bàn về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách của Nhà nước trong XDNTM. Qua đó, xã đã lồng ghép nội dung Chương trình XDNTM vào các hoạt động tuyên truyền của địa phương; tham gia các chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao, tổ chức tọa đàm lấy chủ đề chính là chương trình XDNTM để người dân được trực tiếp tham gia, nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã cùng các tổ chức thành viên tích cực vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân tham gia thực hiện chương trình thông qua các hoạt động, phong trào bằng nhiều hình thức đa dạng phù hợp với thực tiễn từng thôn, buôn, nhóm cộng đồng dân cư. Từ đó, góp phần củng cố thêm niềm tin để mọi tầng lớp nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân cùng XDNTM vững chắc.

Thứ tư, thành lập và nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy hoạt động đồng bộ và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới đề ra. Ban hành quy chế quản lý theo quy hoạch, thực hiện việc rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội – môi trường nông thôn… Chỉ đạo triển khai thực hiện bám sát các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành và các văn bản hướng dẫn của tỉnh, của huyện nhằm bảo đảm thực hiện theo đúng các nội dung hướng dẫn của Chương trình. Chỉ đạo các bộ phận chuyên môn đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở. Ðặc biệt, trong quá trình triển khai phải luôn bảo đảm sự công khai, minh bạch, tuân thủ chủ trương, pháp luật.

Thứ năm, quán triệt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”; đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn, buôn đã luôn tích cực gần dân, sát dân, nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng chính đáng của Nhân dân để có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Trong công tác dân vận, ngoài tuyên truyền, phổ biến các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về xây dựng nông thôn mới, Ban Điều hành đã chú trọng tuyên truyền tới người dân về vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM, nhấn mạnh phát huy nội lực là chính, tận dụng tối đa nguồn lực cũng như các thế mạnh sẵn có của địa phương để dần tự lực trong việc XDNTM một cách lâu dài và bền vững.

Thứ sáu, việc tiếp nhận quản lý nguồn ngân sách của tỉnh, của huyện được đặc biệt quan tâm, tuân thủ nguyên tắc tài chính và những quy định cụ thể về trình tự các bước của Luật Xây dựng, bảo đảm tính khách quan, dân chủ. Tăng cường nguồn vốn tín dụng, tranh thủ nguồn vốn của cấp trên; đồng thời, vận động sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, sự đóng góp của các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn xã nhằm huy động tốt nội lực cộng đồng.

Thứ bảy, xây dựng và nhân rộng các mô hình văn hóa, lành mạnh hóa việc cưới, việc tang, chống hủ tục lạc hậu; xây dựng hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư. Triển khai và nghiêm túc quán triệt thực hiện Quy định số 10-QĐ/TU ngày 11/8/2015 và Quyết định số 534-QĐ/TU ngày 12/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; sử dụng hiệu quả thời gian làm việc; không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc đối với cán bộ, đảng viên”.

Thứ tám, chỉ đạo tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường, như: cấp nước sạch; thu gom xử lý nước thải, rác thải, thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chăn nuôi… Xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp.

Thứ chín, tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và khuyến khích đầu tư chế biến sản phẩm nông nghiệp, phát triển dịch vụ, ngành nghề. Tổ chức và phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, tiếp tục tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, xây dựng mô hình, đào tạo nghề, nâng cao số vốn vay cho người nghèo.

Thứ mười, tiếp tục đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn an ninh, trật tự xã hội ở nông thôn. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng. Bên cạnh đó, tổ chức nghiên cứu thực tế XDNTM ở các xã được chọn làm điểm, có phong trào XDNTM tiêu biểu ở trong và ngoài tỉnh để đội ngũ cán bộ trong Ban Điều hành của xã được tham quan, học hỏi kinh nghiệm, vận dụng vào thực tiễn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh sai sót..

XDNTM là chủ trương đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân; các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đã đáp ứng được nguyện vọng người dân, thu hút sự tham gia của cộng đồng, nhờ đó huy động được nguồn lực cho XDNTM.

Có thể thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy tốt vai trò chủ thể của Nhân dân, dưới sự lãnh đạo tập trung của các cấp, cùng với sự giúp đỡ kịp thời có hiệu quả của các ban, ngành chức năng,… là những yếu tố quan trọng, đóng góp tích cực vào sự thành công của xã Cư Ni trong tiến trình XDNTM thời gian qua. Đồng thời, là động lực mạnh mẽ để địa phương quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới đúng thời điểm dự kiến.

Bài học kinh nghiệm từ xây dựng thành công xã nông thôn mới

Một là, muốn triển khai thành công XDNTM, toàn thể hệ thống chính trị của địa phương phải vào cuộc. Công tác tuyên truyền là quan trọng để làm sao cho người dân tự giác tham gia, không ỷ lại vào Nhà nước.

Hai là, phải có sự phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể, thôn buôn. Cán bộ địa phương phải xác định rõ vai trò của mình trong việc triển khai và phải gương mẫu thực hiện. Người lãnh đạo điều hành phải hiểu ngọn ngành từng phần công việc và phải xác định được việc gì trước việc gì sau. Trực tiếp giải quyết các vấn đề vướng mắc một cách kịp thời và hiệu quả và tạo sự tin tưởng trong Nhân dân.

Ba là, người đứng đầu cần năng động sáng tạo trong điều hành cho phù hợp; biết kết hợp huy động với vận động Nhân dân, các tổ chức tham gia. Gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ; không lé tránh đùn đẩy.

Bốn là, biết tận dụng các nguồn lực của địa phương, của Nhà nước, đầu tư lồng ghép các chương trình cho phù hợp.

Một số kiến nghị đối với chính quyền cấp trên  

Thứ nhất, cần tích cực hỗ trợ để xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thiện các tiêu chí XDNTM nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết các cấp đã đề ra.

Thứ hai, hỗ trợ xã về mặt tài chính để đầu tư kịp thời hoàn thiện các tiêu chí đang gặp khó khăn, nhất là kinh phí xây dựng các công trình chưa có nguồn vốn đầu tư nhưng lại là yếu tố mang tính quyết định cho việc hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, hướng dẫn xã trong công tác giải ngân kinh phí thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để xã có thể kiểm tra, giám sát và đôn đốc tiến độ thực hiện các công trình đang triển khai, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.

Thứ tư, có chủ trương, chính sách hỗ trợ kinh phí, thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị vừa cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động và mức độ thành công trong quá trình XDNTM.

Thứ năm, sớm bổ sung các văn bản hướng dẫn còn thiếu một cách cụ thể, rõ ràng để xã triển khai thực hiện đúng hướng. Rà soát, xem xét, điều chỉnh hoặc bãi bỏ một số quy định chồng chéo cũng như thống nhất cách đánh giá các tiêu chí để xã kịp thời điều chỉnh và định hướng hoạt động.

Chú thích
1, 2. Tác giả tổng hợp từ các nguồn: Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện năm các năm (2014, 2015, C2016, 2017, 2018 ) và phương hướng  thực hiện nhiệm vụ các năm (2015, 2016, 2017, 2018, 2019) của UBND xã Cư Ni; Báo cáo nhu cầu vốn và kế hoạch thực hiện các tiêu chí nông thôn mới các năm 2015, 2016, 2017, 2018 và 2019 của UBND xã Cư Ni.
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
2. Thông tư số 54/2009 ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
3. Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.
4. Nghị quyết số 03 – NQ/TU ngày 22/4/2011 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về xây dựng nông thôn mới giai đọan 2010 – 2015 và định hướng 2020.
5. Sáng kiến kinh nghiệm: “Một số kinh nghiệm trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành tại UBND xã Cư Ni, huyện Eakar, tỉnh Đăk Lăk giai đoạn 2016 – 2020” của Bí thư – Chủ tịch xã Cư Ni – Phạm Duy Hùng.
TS. Đặng Thị Hà
Học viện Hành chính Quốc gia