Học viện Hành chính Quốc gia bồi dưỡng ngạch chuyên viên theo hình thức từ xa – Thực trạng và giải pháp

(Quanlynhanuoc.vn) – Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những giải pháp hiệu quả, chất lượng nhằm đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng nhằm bảo đảm hoạt động bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và cải cách hành chính. Mục đích chính của nghiên cứu này là đánh giá thực trạng triển khai hoạt động bồi dưỡng từ xa (BDTX) của Học viện Hành chính Quốc gia, đồng thời phân tích một số đặc điểm, rào cản đối với hoạt động BDTX nhằm định hướng, đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách quy định BDTX của Học viện Hành chính Quốc gia.

 

Theo số liệu báo cáo tổng hợp hiện có hơn 20 cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước cung cấp các khóa học trực tuyến theo các hình thức trực tuyến hoàn toàn, hình thức kết hợp giữa học truyền thống và học trực tuyến hoặc một phần các chương trình dành cho viên chức chuyên ngành1.

Ở Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin với các mức độ khác nhau được triển khai tại các trường đại học như: trực tuyến, từ xa và kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Điển hình như các trường Đại học Mở, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh… thực hiện các mô hình đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn dãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19.

Trước những yêu cầu triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC năm 2020, Học viện Hành chính Quốc gia triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu (bài giảng điện tử, học liệu điện tử) và phát triển phần mềm quản lý nội dung học tập (LCMS) tùy biến cho các chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương theo hình thức từ xa và đang dần chứng tỏ được lợi thế trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nền công vụ quốc gia.

Các hình thức bồi dưỡng từ xa

Ba hình thức bồi dưỡng dựa trên công nghệ thông tin-truyền thông:

Hình thức thứ nhất là, học trực tuyến mở từ xa – MOOCs. Đặc điểm của hình thức này là mở cho tất cả sinh viên học không giới hạn về khoảng cách, kinh tế hay nhân thân. Hình thức thứ hai là, hình thức lai giữa học trực tuyến và học trên giảng đường (Blended Learning). Với hình thức này, các thảo luận sâu giữa sinh viên, giảng viên về các bài học được thực hiện linh hoạt ngoài giờ học trên lớp, ví dụ như sử dụng diễn đàn, email, nhóm cộng đồng… Đây là hình thức được các trường đại học trên thế giới sử dụng. Ưu điểm của hình thức này là hiệu quả và ít rủi ro vì có thể sử dụng linh hoạt các công nghệ khác nhau trong quá trình chuyển đổi.

Gần đây, xuất hiện hình thức học tỏ ra hiệu quả hơn là hình thức lớp học đảo ngược (flipping the classroom). Trong hình thức này, sinh viên xem trước các video giảng dạy và thời gian. Khi đến lớp, các hoạt động chính là thảo luận giải quyết các vấn đề chính của bài học và làm việc nhóm. Hình thức này giúp môi trường học năng động hơn và nhiều tương tác hơn giữa sinh viên và các giảng viên. Vai trò các giảng viên lúc này chuyển dịch gần hơn với vai trò của huấn luyện viên hướng dẫn sinh viên đạt được mục tiêu học tập của mình.

Hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS):

Được nghiên cứu mạnh trong thời gian từ 2013 đến 2017, cho phép người học tương tác với bạn học trên các nền tảng web. Trong các khóa học ngoại ngữ, các hệ thống này được triển khai hiệu quả với hình thức học blended learning. Để triển khai tốt hệ thống này, giảng viên cần được nâng cao các kiến thức và kỹ năng sử dụng hệ thống. Bên cạnh đó, sinh viên cần có kỹ năng cao trong quản lý thời gian và tự tạo động lực cho bản thân.

Hệ thống trợ giảng thông minh:

Là hệ thống sử dụng máy tính, hay điện thoại di động mô phỏng các trợ giảng để hỗ trợ sinh viên. Hệ thống sẽ cá nhân hóa cho từng học sinh bằng cách điều chỉnh các bài tập, bước giải cho sinh viên theo đặc trưng, nhu cầu và lộ trình học. Các hệ thống này được so sánh với 6 hình thức học truyền thống khác nhau: hướng dẫn trên lớp; đọc sách giáo khoa, đọc sách điện tử; học với máy tính hỗ trợ không có trí tuệ nhân tạo; tự học; học với gia sư.

Đã có đánh giá đưa ra kết luận các hệ thống trợ giảng thông minh không tốt hơn so với gia sư trợ giảng ở hình thức một-một, nhưng vượt trội so với các hình thức học còn lại. Hệ thống trợ giảng thông minh có hiệu quả vượt trội so với các hình thức học đại trà, học từ sách giáo khoa, học từ các hệ thống không có trí tuệ nhân tạo; tuy nhiên, không hiệu quả hơn việc học gia sư cá nhân hay gia sư nhóm nhỏ.

Công nghệ của tương lai:

Công nghệ thực tế ảo tăng cường cho phép các ứng dụng trên máy tính hay điện thoại thông minh chèn thêm các đối tượng 3D, các văn bản vào môi trường thật để có thể tương tác. Các ứng dụng của công nghệ này vẫn đang ở giai đoạn sơ khai nhưng các kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy có nhiều tiềm năng. Nhờ việc trực quan hóa và liên kết các thông tin, công nghệ được đánh giá tăng hiệu quả giảng dạy, đơn giản hóa việc học, giúp học sinh thích học hơn, bảo đảm việc nhớ lâu, tăng các kỹ năng không gian. Công nghệ này được ứng dụng phù hợp trong giai đoạn đầu tiên chủ yếu ở các ngành khoa học, kỹ sư và y khoa.

Đánh giá thực hiện hoạt động bồi dưỡng từ xa ngạch chuyên viên tại Học viện Hành chính Quốc gia

Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt2, thực hiện các chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho CBCCVC; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.

Học viện Hành chính Quốc gia từng bước khẳng định vị thế của mình và là địa chỉ tin cậy trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước, có nhiệm vụ và thế mạnh, điều kiện thuận lợi để góp phần thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án: “Sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT- truyền thông” tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/9/2010. Đề án nhấn mạnh mục tiêu phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng hiệu quả CNTT trong mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh. Đề án đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, trong đó tập trung vào các vấn đề như: phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn; ứng dụng hiệu quả CNTT trong cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.

Vì vậy, nghiên cứu triển khai ứng dụng CNTT trong đào tạo, bồi dưỡng từ xa (E-NAPA) chính là khẳng định vị thế của Học viện, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nền công vụ quốc gia.

Học viện Hành chính Quốc gia bồi dưỡng ngạch chuyên viên theo hình thức từ xa (chương trình E-NAPA) theo 02 giai đoạn, cụ thể:

– Giai đoạn 1: (từ tháng 01/2019 đến tháng 4/2019) đầu tư và trang bị, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ triển khai E-NAPA.

– Giai đoạn 2: (từ tháng 4/2019 đến tháng 6/2019) tổ chức triển khai xây dựng học liệu điện tử cho chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và với 5 chuyên đề chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính.

Trước đó, để phục vụ triển khai xây dựng học liệu điện tử phục vụ chương trình E-NAPA, Học viện tiến hành tập huấn đào tạo cho giảng viên và đội ngũ kỹ thuật viên tham gia chương trình E-NAPA. Hệ thống quản lý học tập (LCMS) tại địa chỉ https://e-napa.napa.vn, được triển khai xây dựng trên cơ sở phần mềm Moodle được tùy biến cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của Học viện.

Học viện Hành chính Quốc gia tập huấn giảng viên tham gia chương trình E-NAPA – ngày 22/2/2019.

Đến nay, Học viện đã triển khai được 30 khóa bồi dưỡng từ xa ngạch chuyên viên với hơn 1000 học viên từ các bộ, ngành và địa phương trên phạm vi toàn quốc. Các học viên tham gia khóa học được cấp tài khoản và mật khẩu truy cập hệ thống quản lý nội dung học tập của Học viện để được nghiên cứu các video bài giảng, hệ thống tài liệu tham khảo, hệ thống câu hỏi trắc ngiệm. Kết thúc khóa học, học viên đủ điều kiện được tổ chức thi cấp chứng chỉ bồi dưỡng ngạch chuyên viên tại trụ sở chính Học viện tại Hà Nội và các phân viện khu vực: Huế, Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh.

Xác định nhu cầu bồi dưỡng ngạch chuyên viên từ xa (E-NAPA)

Để có những phản hồi từ phía người học, Học viên đã gửi phiếu khảo sát chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên từ xa như hiểu biết về chương trình, nội dung chuyên đề phù hợp với đối tượng và tính chất công việc, thời lượng, lợi ích của chương trình, hướng dẫn giải đáp của học liệu điện tử đáp ứng nhu cầu của mình hay không?

Nội dung chương trình E-NAPA được quảng bá thông qua văn bản tuyển sinh của Học viện (58,9%), thông qua trang web Học viện (30,9%).

Hình thức bồi dưỡng từ xa không những sẽ mở ra nhiều cơ hội học tập cho CBCCVC đang đảm nhiệm khối lượng công việc lớn, không bố trí được thời gian bồi dưỡng tập trung liên tục do thiếu hụt về nhân sự, ngoài ra sẽ khắc phục khó khăn trong việc chi trả chế độ trợ cấp bồi dưỡng. Mà còn, thực hiện giảng dạy từ xa, giảm bớt các thủ tục hành chính cho công tác giáo vụ như tổ chức và quản lý lớp học. Các giảng viên cũng có thể giảm thời gian đi lại, tăng cường thảo luận với học viên thông qua các công nghệ hiện đại, vì vậy có thể tham gia giảng dạy, cống hiến nhiều hơn với phạm vi lớn hơn hình thức bồi dưỡng truyền thống.

Giải pháp hoàn thiện chính sách  

Bên cạnh những ưu điểm nổi trội của BDTX kể trên, hình thức dạy học này còn tiềm ẩn một số hạn chế, là các rào cản mà trong quá trình tổ chức hoạt động BDTX cần khắc phục.

(1) Về phía người học

Tham gia học tập qua mạng đòi hỏi người học phải có khả năng làm việc độc lập với ý thức tự giác cao độ. Bên cạnh đó, cũng cần thể hiện khả năng hợp tác, chia sẻ qua mạng một cách hiệu quả với giảng viên và các thành viên khác.

Người học cũng cần phải biết lập kế hoạch phù hợp với bản thân, tự định hướng trong học tập, thực hiện tốt kế hoạch học tập đã đề ra.

Giải pháp

– Tăng cường nâng cao nhận thức của người học về mục tiêu, mục đích của việc tự học là nâng cao năng lực chuyên môn, gắn với các động cơ cá nhân và ý thức chủ động của người học.

– Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về cách lập kế hoạch học tập cho cá nhân, các phương pháp học tập hiệu quả với hình thức học tập qua mạng.

– Có các cơ chế, chính sách phù hợp và hợp lý nhằm khuyến khích, động viên việc bồi dưỡng từ xa

– Thiết lập quy chế kiểm tra, kiểm soát nghiêm túc việc hoàn thành các nhiệm vụ học tập qua mạng, bằng các công cụ tự động của các hệ thống CNTT, cũng như sự giám sát thủ công của bộ phận bảo đảm chất lượng.

(2) Về phía giảng viên

Một trong những yếu tố quan trọng, dẫn đến sự thất bại của nhiều triển khai trong thực tế giảng dạy từ xa là giảng viên chưa có đủ các năng lực cần thiết cho việc giảng dạy từ xa.

Người dạy có nhiều lý do cá nhân cho việc chưa sẵn sàng hoặc dạy đối phó như: ngại thay đổi, ngại đổi mới phương pháp, tài liệu dạy học chưa phù hợp với hình thức giảng dạy từ xa, nhiều giảng viên lớn tuổi có sự khó khăn trong việc làm chủ các công nghệ, kỹ thuật.

Đối với dạy học cho người lớn, một yếu tố rất quan trọng là hoạt động nhóm, tương tác khơi dậy sự chủ động khai thác kinh nghiệm thực tế và nền tảng đào tạo của người học chưa được người dạy quan tâm cũng như khó khăn khi triển khai.

Giải pháp

– Nâng cao nhận thức của người dạy, giảng viên về dạy học từ xa, kết hợp với các biện pháp quản lý đội ngũ giảng viên.

– Nâng cao năng lực dạy học từ xa bao gồm: đồng bộ các kiến thức, kỹ năng về dạy học cho người lớn; thiết kế các hoạt động – tình huống sư phạm giảng dạy cho người lớn; thiết kế nội dung dạy học từ xa – bài giảng, tư liệu, câu hỏi, bài tập, kiểm tra đồng bộ với các hoạt động, tình huống dạy học; kỹ năng sử dụng, khai thác các kỹ thuật, công cụ CNTT phục vụ cho dạy học từ xa.

– Hoàn thiện các quy chế đối với dạy học từ xa như thời lượng dạy học từ xa so với thời lượng chung của học phần; quy chế tài chính, chuyên môn đối với dạy học từ xa; quy chế thi và kiểm tra từ xa, quy chế kiểm tra, giám sát việc dạy học từ xa.

(3) Về nội dung chuyên đề bồi dưỡng

Nội dung bồi dưỡng từ xa hiện nay đa phần mới chỉ là số hóa các nội dung trên giấy, một số videoclip bài giảng mà chưa hình thành một hệ thống nội dung đồng bộ cho phép người dạy chủ động trong việc triển khai các hoạt động và người học chủ động khai thác các nội dung bồi dưỡng từ xa. Đây chính là mặt mạnh của việc bồi dưỡng từ xa với khả năng vô tận trong việc khai thác các tài nguyên số.

Giải pháp

– Tạo ra môi trường đồng bộ các nội dung, gắn với ngữ cảnh/tình huống cụ thể của các chuyên đề.

– Sử dụng các nội dung đa phương tiện, đa liên kết và các nội dung bồi dưỡng mang tính tương tác, cộng tác giữa người dạy và người học nhằm giúp cho sự hình thành cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ.

– Áp dụng các phương pháp sư phạm như giải quyết tình huống, học theo dự án nhằm tăng cường mặt mạnh của hạ tầng công nghệ và kỹ thuật, tăng cường năng lực của học viên.

– Gắn các nội dung học tập qua mạng với kho dữ liệu số, thư viện số theo hai chiều – nội dung học tập lấy từ và bổ sung cho kho dữ liệu và thư viện số.

(4) Về yếu tố công nghệ

Sự hạn chế về kỹ năng sử dụng công nghệ của người học sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả, chất lượng bồi dưỡng từ xa.

Yếu tố công nghệ của bồi dưỡng từ xa thể hiện sự đồng bộ giữa các hạ tầng kỹ thuật – tin học, phần cứng, phần mềm, các công cụ tạo nội dung cũng như các hệ thống quản lý học tập. Mà hiện tại, rào cản rất lớn ở đây trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng là thiếu sự đồng bộ, thiếu thiết kế mang tính tổng thể dựa vào nhu cầu và đặc điểm thực tế. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin (mạng internet, băng thông, chi phí…) cũng ảnh hưởng đáng kể tới tiến độ, chất lượng bồi dưỡng.

Một rào cản về công nghệ nữa có thể chỉ ra là sự thiếu hụt về nhân lực kỹ thuật vận hành, khai thác, chính sách đối với những cán bộ kỹ thuật – tin học, làm cho rất nhiều hệ thống sau khi lắp đặt không hoặc khó triển khai thực tế.

Giải pháp

– Bồi dưỡng, nâng cao năng lực bồi dưỡng từ xa cho học viên thông qua chương trình bồi dưỡng cụ thể, chuẩn năng lực CNTT.

– Tăng cường đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất về mạng và trường quay ghi hình đứng tại Học viện.

– Xây dựng môi trường kết hợp đầy đủ về phần cứng mạng và thông tin, hệ thống phần mềm, công cụ, quy trình vận hành khai thác, tổ chức nhân lực quản lý, khai thác và hỗ trợ. Đây là vấn đề quan trọng, ví dụ, thiếu quy chế tổ chức, khai thác thì có thể cả hệ thống trang bị rất đắt tiền có thể không hoạt động hoặc không hiệu quả.

Đẩy mạnh bồi dưỡng từ xa cho CBCCVC là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số, góp phần giải quyết nhiều thách thức, hạn chế của bồi dưỡng truyền thống. Thông qua chương trình E-NAPA, Học viện Hành chính Quốc gia đề xuất: “Mở rộng bồi dưỡng từ xa ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương trên cơ sở áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tạo ra cơ hội học tập tại chỗ cũng như lựa chọn lộ trình tương thích, giúp người học có thể tiếp cận được những tri thức mới nhất của quản lý hành chính công với chi phí hợp lý, thời gian nhanh nhất”.

Chú thích:
1. Báo cáo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo loại hình từ xa trong thời gian qua và định hướng giai đoạn 2021 – 2025. Bộ Nội vụ, Hà Nội 10/2020.
2. Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 23/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia.
Tài liệu tham khảo:
1. Kulik, James & Fletcher, J. D.(2015). Effectiveness of Intelligent Tutoring Systems: A Meta-Analytic Review. Review of Educational Research. 86. 10.3102/0034654315581420.
2. Ma, W., Adesope, O. O., Nesbit, J. C., & Liu, Q. (2014). Intelligent tutoring systems and learning outcomes: A meta-analysis. Journal of Educational Psychology, 106(4), 901-
3. Sırakaya, Mustafa & Alsancak Sırakaya, Didem. (2018). Trends in Educational Augmented Reality Studies: A Systematic Review. Malaysian Online Journal of Educational Technology. 6. 60-74. 10.17220/mojet.2018.02.005.
4. Terzioglu, Y., & Kurt, M. (2019). A Meta-Analysis Study: Barriers to Learning Management Systems in EFL Classrooms. Journal of ELT Research: The Academic Journal of Studies in English Language Teaching and Learning, 4(2), 189-204.
TS. Nguyễn Việt Hùng PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu
Học viện Hành chính Quốc gia