Đề xuất thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 5/11, tại TPHCM, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” với mục đích để các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí trao đổi, đề xuất, tìm ra các giải pháp, từng bước giải quyết vấn đề, góp phần xây dựng và phát triển môi trường báo chí lành mạnh, trung thực và tôn trọng bản quyền.

 

Các đại biểu tham dự diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”.

Dự diễn đàn có ông Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông); ông Lê Quang Tự Do – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông); TS Trịnh Tuấn Thành – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch); TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước cùng hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo toàn quốc.

TS. Trịnh Tuấn Thành – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, hiện nay luật về quyền tác giả, các quyền liên quan đang từng bước được tôn trọng.

Phát biểu tại diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”, TS. Trịnh Tuấn Thành – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, hiện nay luật về quyền tác giả, các quyền liên quan đang từng bước được tôn trọng. Tuy nhiên, ông nhận định tình trạng xâm phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn đang diễn ra tràn lan ở nhiều lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến sự sáng tạo.

Ông Nguyễn Thanh Vân – Phó Trưởng ban kiểm tra Đài Truyền hình Việt Nam cho biết có 2 công ty đã phải bồi thường 500 triệu đồng vì khai thác trái phép phim “Bí thư Tỉnh ủy” và “Chạy án” của VTV. Ngay đầu năm 2020, VTV cũng yêu cầu một công ty truyền thông bồi thường thiệt hại gần 300 triệu đồng do khai thác trái phép chương trình của VTV trên YouTube…

Nhà báo Nguyễn Minh Đức – Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị cho rằng: Diễn đàn bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với cơ quan báo chí về chưa quan tâm, bảo vệ tài sản của chúng ta. Trong 10 – 20 năm trước, việc các bài báo được lấy lại là vinh dự thì nay nhận thức đã khác. Chúng ta mất đi tài sản, lợi ích kinh tế, thương hiệu. Ông cho biết: Chúng tôi đối diện vấn đề này vài năm rồi, có một trang thông tin điện tử của một doanh nghiệp bất động sản, họ đã lấy và sử dụng thông tin của báo Kinh Tế & Đô Thị mà không xin phép. Sau khi bị phát hiện, họ xin, đề xuất xin đền bù, đàm phán chấm dứt vi phạm. Cần nhận diện được vi phạm, kể cả cơ quan nhà nước cũng vi phạm, hội nghề nghiệp lấy thông tin tràn lan… Vấn đề đặt ra bảo vệ tác quyền tác phẩm báo chí bằng cách nào? Tại sao chúng ta không học các hội nghề khác, uỷ quyền cho bên thứ 3 bảo vệ quyền lợi chuyên nghiệp. Đã đến lúc cần áp dụng công nghệ để bảo vệ bản quyền. Cục Báo chí có Cục bảo vệ bản quyền, có chế tài quản lý nhà nước là lợi thế, nên giao cho Cục bảo vệ bản quyền làm đại diện để bảo vệ quyền lợi của các tờ báo, các tờ báo nộp phí. Ngoài ra, cũng cần rà soát lại cơ chế, chính sách về vấn đề bảo vệ tác quyền.

PGS,TS. Nguyễn Thành Lợi – Uỷ viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo cho rằng, vấn đề bản quyền các tác phẩm báo chí được bàn nhiều, có một thực trạng là các cơ quan báo chí lấy tin bài của nhau. Dù là một tác phẩm báo chí nhỏ thì cơ quan báo chí vẫn phải đầu tư nhưng hiện nay có quy định, tin tức thời sự, phản ánh thông thường không được bảo hộ bản quyền. Việc thành lập trung tâm bảo hộ bản quyền báo chí, vấn đề cũng đã được nêu lên trước đây. Vấn đề ai đứng ra, ai làm? Có một thực trạng, các cơ quan báo chí khi bị xâm phạm bản quyền ít lên tiếng, lên tiếng cũng không mạnh mẽ lắm. Khi thành lập liên minh rồi, phải truyền thông, việc vi phạm bản quyền chắc chắn sẽ được chấn chỉnh. Chúng ta nói rất nhiều về fake news (tin giả) nhưng hiện nay còn có báo chí nhái, trang tin hoạt động giống tờ báo, dân đọc những trang tin điện tử, có thông tin sai lệch, rất nguy hiểm. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay có xử lý vấn đề xâm phạm đạo đức nghề nghiệp. Người bị xâm phạm có đơn đề nghị hội đồng xử lý thì hội đồng sẽ xử lý. Cái khó hiện nay là chưa có bộ tiêu chí đánh giá, thế nào là vi phạm, vi phạm thế nào. Cục Báo chí, lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông cần có quy định rõ hơn.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử chia sẻ rằng, một cơ quan báo chí không thể một mình chống lại tình trạng vi phạm bản quyền, mà cần có một bộ phận chuyên nghiệp. Bộ phận này phải gồm cả các chuyên gia pháp lý xử lý việc này. Tiếp theo, tiến tới hình thành một liên minh hoặc một trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá, thực trạng vi phạm bản quyền có một phần nguyên nhân từ lịch sử.

Phát biểu kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá, thực trạng vi phạm bản quyền có một phần nguyên nhân từ lịch sử. Trước đây số lượng báo chí rất ít, chủ yếu là báo in. Phát thanh truyền hình chủ yếu là cơ quan nhà nước và được bao cấp hoàn toàn. Do đó, hình thành nên quan niệm được quyền chia sẻ thông tin của nhau. Ngoài ra, các loại hình báo điện tử, trang tin điện tử phát triển nhanh chóng, có những ứng dụng giúp thực hiện việc sao chép một cách nhanh chóng. Và chính cơ quan báo chí cũng chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề bản quyền.

Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, trước hết các cơ quan báo chí cần liên kết với nhau thực hiện đúng quy định của pháp luật. “Liên minh” này ngoài cơ quan báo chí còn phải có cơ quan quản lý, các doanh nghiệp công nghệ, phát triển mạng xã hội… Mỗi cơ quan đều có thế mạnh riêng, cần ngồi lại với nhau trên cơ sở hợp đồng chia sẻ quyền lợi. Nhưng cho dù có “liên minh” này thì các cơ quan báo chí cũng phải có cơ chế tự bảo vệ mình trước tiên. Các cơ quan báo chí cũng phải tự mình phát hiện, lưu vết và có báo cáo về trung tâm. Còn cách thức thực hiện như thế nào sẽ được trung tâm này hướng dẫn cụ thể.

PV
Nguồn: Ngươilambao.vn