Phát triển trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương, hướng tới xây dựng thành phố thông minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trung tâm Hành chính công (TTHCC) tỉnh Bình Dương là mô hình thực hiện thủ tục hành chính “một cửa, liên thông” theo hướng tập trung, hiện đại, chuyên môn hóa, gắn liền với sự ra đời tòa nhà hành chính tập trung đầu tiên ở Việt Nam. Nỗ lực này được xem là một khởi đầu đột phá cho đề án thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương, góp phần mang đến thành công vượt bậc về kinh tế – xã hội Bình Dương từ năm 2014 đến nay, đáp ứng nhu cầu mới của người dân và doanh nghiệp (DN), đặt nền tảng bước vào kỷ nguyên 4.0.

 

Tòa nhà Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương (Nguồn: http://laodongbinhduong.org.vn).
Sự ra đời Trung tâm Hành chính công của tỉnh Bình Dương

Giai đoạn 1997 – 2014: cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư và người dân.

Một trong những giải pháp chủ lực của Bình Dương trong chính sách “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư từ năm 1997 là tập trung giải quyết nhanh gọn các TTHC, nhất là về lĩnh vực đầu tư, phối hợp cùng DN tháo gỡ khó khăn về chính sách, pháp luật trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Tỉnh đã liên tục rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tiêu biểu như thời gian cấp phép đầu tư từ 15 – 30 ngày được giảm xuống còn 1 – 3 ngày1. Bình Dương được đánh giá là một trong những tỉnh sớm đi đầu về cải cách TTHC2, triển khai cơ chế “một cửa” ở các cơ quan cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện, thực hiện thành công quy trình “một cửa liên thông” trong thủ tục đăng ký DN. Trong bối cảnh nhu cầu phát triển tăng nhanh, các cơ quan, ban, ngành đã có sự  phối hợp, liên kết thực hiện TTHC. Ban quản lý các khu công nghiệp cùng đồng hành, hỗ trợ DN trước và sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhất là trong thực hiện các thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép lao động nước ngoài, thuế, hải quan…

Việc tích cực thực hiện cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư đã góp phần giúp Bình Dương từ một tỉnh còn dựa vào nông nghiệp (năm 1997) vươn lên trở thành một trong những tỉnh công nghiệp trọng yếu của cả nước (năm 2014). Việc liên tục vượt chỉ tiêu về thu hút đầu tư và đầu tư nước ngoài trong hơn 10 năm đã giúp số lượng DN của Bình Dương tăng nhanh, kéo theo số lượng TTHC – đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế tăng đột biến. Hội nhập và phát triển nhanh đặt ra những yêu cầu mới về xử lý TTHC, giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy nền hành chính Bình Dương tìm những giải pháp đột phá mới.

Việc hiện đại hóa hệ thống, chuyên môn hóa đội ngũ làm công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC để tăng năng suất làm việc trở thành một nhu cầu bức thiết. Ngoài ra, để tháo gỡ cho DN, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành phối hợp giải quyết và khẩn trương xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương về các vấn đề vượt cấp. Từng bước, ý tưởng về một trung tâm hành chính tập trung, kết nối các cơ quan đã được hình thành để đáp ứng thời kỳ phát triển tiếp theo của Bình Dương.

Giai đoạn từ năm 2014 đến nay: hình thành tòa nhà hành chính – chính trị tập trung và TTHCC.

Với tiền đề từ giai đoạn trước, cùng với nhu cầu thực tiễn ở giai đoạn mới, Bình Dương đã xây dựng và khánh thành tòa nhà hành chính – chính trị tập trung đầu tiên của cả nước vào tháng 02/2014, với tên gọi TTHCC Bình Dương3. Tòa nhà được đặt trong khu liên hợp công nghiệp – đô thị – dịch vụ thành phố mới Bình Dương, một khu vực được quy hoạch đồng bộ, hiện đại để trở thành trung tâm chính trị, xã hội, là điểm sáng của đề án TPTM Bình Dương, kết nối các đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ trong và liên tỉnh.

Tòa nhà (bao gồm hai tháp 23 tầng) là trụ sở làm việc của hầu hết các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh thuộc Tỉnh ủy, UBND, Hội đồng nhân dân và cơ quan đoàn thể. Tầng trệt của tòa nhà được dành cho khu vực tiếp đón và nhận hồ sơ, trả kết quả đối với hầu hết các TTHC cấp tỉnh cho người dân và DN. Đồng thời, để quản lý và phát triển hiệu quả, tháng 12/2014, tỉnh quyết định thành lập bộ phận TTHCC Bình Dương (giai đoạn đầu thuộc Sở Nội vụ và chuyển sang thuộc Văn phòng UBND tỉnh kể từ tháng 3/2019) để tiếp quản và giám sát hoạt động khu vực này. Từ đây, cải cách TTHC của tỉnh chuyển sang một bước ngoặt mới, ngày càng đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả xử lý hồ sơ, đẩy mạnh tinh thần hành chính dịch vụ – phục vụ Nhân dân, liên tục đổi mới, cải tiến để làm hài lòng người dân, nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Đặc biệt, TTHCC ra đời khi Bình Dương đang mạnh mẽ đổi mới trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh đã phối hợp cùng thành phố Eindhoven ở Hà Lan để nghiên cứu hình thành đề án TPTM, một chương trình đột phá kinh tế – xã hội Bình Dương, nhằm đưa nền sản xuất công nghiệp còn mang tính truyền thống lên một nền dịch vụ – công nghiệp công nghệ cao, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đô thị xanh sạch, đáng sống, hướng tới kinh tế tri thức, kinh tế số, đón làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Như vậy, công tác cải cách hành chính mà TTHCC là một điểm sáng, đã trở thành chìa khóa trong một chương trình đột phá tổng thể. Việc sớm hình thành được tầm nhìn toàn diện, hành động đồng bộ đã tạo được một nền tảng mạnh mẽ cho Bình Dương phát triển không ngừng.

Trung tâm Hành chính công – điểm sáng đột phá của Bình Dương

Sau khi đi vào hoạt động, TTHCC Bình Dương đã tạo được nhiều nét mới, mang lại nhiều giá trị lớn, đóng góp tích cực vào nền hành chính ngày càng năng động, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển bứt phá, hướng tới TPTM của Bình Dương, trong đó có các điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, xây dựng phong cách làm việc theo hướng phục vụ, thân thiện.

TTHCC có không gian rộng đến 4.000 m2, chia làm 2 khu vực A và B, đồng thời, phân luồng khách thành 2 nhóm đối tượng là DN và người dân. Các quầy “một cửa” của tất cả cơ quan, ban, ngành được bố trí liền kề, có các phòng tiếp khách dùng chung, cùng các dịch vụ bổ trợ như: tư vấn pháp luật miễn phí, bưu điện, viễn thông, ATM, photocopy, máy bán hàng tự động, căn-tin… Tỉnh cũng đã đưa nhiều tiện ích vào Trung tâm để phục vụ cho mọi đối tượng như nước uống miễn phí, tivi, nhạc để thư giãn trong thời gian chờ…

Một khu làm việc bên trong tòa nhà Trung tâm hành chính công (Nguồn: http://laodongbinhduong.org.vn).

Gần đây nhất, năm 2020, tỉnh đã bố trí xe điện để chuyên chở khách từ nhà xe đến khu vực “một cửa”. Đội ngũ tình nguyện viên sẵn sàng tiếp đón, hướng dẫn lấy số thứ tự và chỉ dẫn vị trí các quầy làm việc cho người dân và DN. Người dân được hướng dẫn chi tiết thao tác trên máy tính bảng ở mỗi quầy. Cán bộ nhận hồ sơ của các sở được tập huấn, bồi dưỡng cả về chuyên môn và kỹ năng giao tiếp, định hướng thái độ phục vụ thân thiện, nhã nhặn. Toàn bộ quy trình tiếp đón và thực hiện TTHC này được người dân trực tiếp đánh giá chất lượng phục vụ bằng phần mềm riêng của tỉnh. Sau đó, kết quả giải quyết TTHC được gửi về nhà thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Từ những nỗ lực trên, dịch vụ của tỉnh được người dân và DN đánh giá cao. Chỉ số SIPAS của tỉnh tăng đều 10 bậc mỗi năm, đến 2019 đạt 88,02%, xếp hạng 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và hạng nhất vùng Đông Nam Bộ4.

Thứ hai, trang bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngay từ khi triển khai, mỗi quầy “một cửa” luôn được trang bị tối thiểu một máy tính, máy in, máy tính bảng, máy quét mã vạch. Để phục vụ người dân, trung tâm một cửa luôn để sẵn 22 ki-ốt, 24 máy tính, 10 màn hình tivi giải trí, tuyên truyền5. Hiện nay, tỉnh đang chủ trương ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ trong hành chính. Tỉnh đã sử dụng phần mềm một cửa điện tử phiên bản tập trung cho tất cả các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cổng dịch vụ công cấp tỉnh kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện TTHC trực tuyến mức độ 3, 4.

Tỉnh đã triển khai tuyên truyền, thông tin và thông báo tình trạng hồ sơ qua ứng dụng Zalo. Mọi thông tin người dân có thể liên lạc ngay với chính quyền qua nhiều kênh, trong đó có tổng đài tin nhắn 8283 của TTHCC, hay đường dây nóng 1022 của tỉnh và hệ thống mạng xã hội trả lời mọi câu hỏi và phản ánh của người dân 24/7. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang triển khai thực hiện thí điểm thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến qua ngân hàng và đã bước đầu hoàn thành khung kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 1.0, hướng tới chính quyền số trong tương lai.

Thứ ba, quy trình thực hiện TTHC được công khai, minh bạch với sự giám sát của người dân và Nhà nước.

DN, người dân khi đến làm TTHC được trao đổi trực tiếp với cán bộ “một cửa”, được đánh giá mức độ hài lòng về chất lượng dịch vụ, có thể gọi điện đến văn phòng và đăng ký gặp trực tiếp lãnh đạo sở, ngành nếu cần thiết. Tỉnh bố trí quầy tiếp nhận hồ sơ của văn phòng UBND tỉnh và quầy trực của Hội đồng nhân dân tỉnh để giám sát và tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân. Trong khu vực một cửa luôn sẵn sàng phòng tiếp công dân của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, văn phòng TTHCC, phòng tư vấn pháp luật của trung tâm trợ giúp pháp lý.

Hệ thống camera hiện đại, giám sát trực tiếp và ghi nhận, truy xuất dữ liệu khi cần. Các màn hình lớn công bố công khai số liệu về lượng hồ sơ tiếp nhận và tỷ lệ giải quyết, tỷ lệ hài lòng ở thời gian thực. Thông tin được truyền trực tiếp đến Văn phòng UBND tỉnh, cổng thông tin điện tử dichvucong.binhduong.gov.vn. Thông tin về quy trình, thành phần hồ sơ, phí, lệ phí và thời gian chờ kết quả được công khai minh bạch trên website, bảng thông báo. TTHC thường xuyên được rà soát bởi trung tâm và phòng kiểm soát TTHC, dựa trên các phản ánh, kiến nghị của người dân6.

Trên thực tế, từ khi có TTHCC và những định hướng triển khai quyết liệt trên, tốc độ xử lý hồ sơ nhanh chóng được cải tiến. Hiện nay, tỉnh đã đạt gần 150.000 hồ sơ được xử lý mỗi năm. Như vậy, trung bình một ngày, một cán bộ tiếp nhận từ 15 – 17 hồ sơ, trong khi đó, số lượng hồ sơ hoàn thành luôn đạt trên 96% mỗi năm.

Đặc biệt, Bình Dương là một tỉnh công nghiệp tăng trưởng nhanh nên việc xử lý hồ sơ cho DN là một bài toán lớn luôn được ưu tiên. Nếu năm 2014, có gần 2.000 hồ sơ đăng ký DN được hoàn thành thì đến năm 2019, con số này là 6.100 hồ sơ, tức là trung bình  mỗi giờ làm việc hành chính có 3,2 DN được thành lập mới.

Như vậy, TTHCC kể từ khi ra đời đã đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày càng lớn của Bình Dương, góp phần không nhỏ vào việc bứt phá các chỉ số kinh tế – xã hội của tỉnh. Ví dụ, số lượng DN của tỉnh từ hơn 17.000 năm 2014, đã vượt lên gần 44.000 DN vào (tháng 3/2020), hay thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh vươn lên đạt 3 tỷ 67 triệu đô la năm 2019, đứng thứ ba cả nước7.

Như vậy, TTHCC có thể xem là một ví dụ tiêu biểu của định hướng chính quyền thân thiện, cởi mở, hiệu quả, minh bạch ở Bình Dương. Thời gian qua, Trung tâm đã tạo được bước đột phá đáng kể trong cải cách TTHC, góp phần quan trọng vào Đề án TPTM Bình Dương, thúc đẩy tăng trưởng vượt bậc kinh tế – xã hội. Trong tương lai, theo chương trình TPTM, Bình Dương sẽ kết nối các nguồn lực xã hội để tiếp tục xây dựng TTHCC theo hướng ngày càng hiện đại, ứng dụng công nghệ và số hóa mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Bình Dương trong kỷ nguyên 4.0.

Chú thích:
1. Nguyễn Văn Hiệp. Cải cách hành chính ở Bình Dương giai đoạn 2001 – 2005. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 3/2020.
2. Phạm Văn Thắng, Huỳnh Văn Vạn. Đảng bộ tỉnh Bình Dương lãnh đạo thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (2005 – 2015). Tạp chí Khoa học Khoa học xã hội và nhân văn, số 2/2018.
3. Quyết định số 76/QĐ-UBND ngày 13/01/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc thành lập Ban Quản lý tòa nhà Trung tâm Chính trị – Hành chính tỉnh Bình Dương.
4. Bình Dương dẫn đầu chỉ số hài lòng khu vực Đông Nam Bộ. BaoBinhduong.vn, ngày 2/6/2020.
5, 6. Báo cáo Kết quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, 2020.
7. Báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và niên giám thống kê tỉnh các năm 2014 – 2019.
TS. Nguyễn Việt Long – Trường Đại học Thủ Dầu Một; Tổng Công ty Becamex
ThS. Đoàn Thị Ánh Ngọc – Trường Đại học Thủ Dầu Một