Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế dự phòng  

(Quanlynhanuoc.vn) – Y tế dự phòng đóng vai trò “gác cổng” trong công tác chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. Vấn đề đặt ra là làm sao để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt là tuyến cơ sở nhằm thu hút người dân tin tưởng đến khám, chữa bệnh ban đầu? Bài viết đề xuất các giải pháp trong đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế dự phòng.

 

Bộ Y tế trao tặng, truy tặng Giải thưởng Đặng Văn Ngữ đợt I cho 20 tập thể, 99 cá nhân nhân dịp kỷ niệm 60 năm Y tế dự phòng Việt Nam (nguồn: https://vfa.gov.vn).
Hoạt động của hệ thống y tế dự phòng hiện nay

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới nêu rõ quan điểm: xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng (YTDP) là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng…

Thực hiện công tác YTDP là trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế, chính trị – xã hội và của mỗi người dân. YTDP là áp dụng các phương pháp dự phòng bệnh tật bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, di truyền, tác nhân gây bệnh, lối sống, hành vi… YTDP tập trung vào việc bảo vệ, tăng cường và duy trì sức khỏe, dự phòng bệnh tật, tàn phế và tử vong.

Hoạt động dự phòng nhằm áp dụng các biện pháp ngăn ngừa việc hình thành các yếu tố nguy cơ về sức khỏe, như: giảm hút thuốc lá, tăng cường thể dục – thể thao,… Trong đó, dự phòng cấp một là áp dụng các biện pháp hạn chế phơi nhiễm với yếu tố nguy cơ như đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, tiêm vắc-xin phòng bệnh… Dự phòng cấp hai là áp dụng các biện pháp chẩn đoán phát hiện sớm ở giai đoạn chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng bằng các kỹ thuật, như đo huyết áp thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm nhằm làm giảm nguy cơ của các bệnh tim mạch; xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung… Dự phòng cấp ba là áp dụng các biện pháp điều trị bệnh và phục hồi chức năng hiệu quả nhằm làm giảm tàn phế và tử vong. Dự phòng cấp bốn là áp dụng các biện pháp làm giảm lạm dụng các can thiệp điều trị không cần thiết. Hiệu quả của các hoạt động dự phòng là rất rõ rệt, bảo vệ sức khỏe dự phòng bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống, làm giảm chi phí trong chẩn đoán và điều trị.

Hiện nay, hệ thống YTDP Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, góp phần đưa nền y học nước nhà dần tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đã khống chế được nhiều dịch bệnh; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm; thể trạng của người Việt Nam được cải thiện; công tác vệ sinh môi trường và vệ sinh thực phẩm được tăng cường… Tuy nhiên, những dịch bệnh mới nổi, bệnh không lây nhiễm vẫn ở mức cao và ngày càng khó kiểm soát. Bên cạnh đó, sự giao lưu, đi lại, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự biến chủng của vi sinh vật gây bệnh, đại dịch bệnh Covid-19… tiếp tục là thách thức mới đối với ngành Y tế nói chung và YTDP nói riêng.

Những năm gần đây, số lượng cán bộ y tế đã tăng lên đáng kể. Mức độ tăng ở nhóm nhân lực y tế có trình độ đại học như bác sỹ, điều dưỡng lớn hơn so với nhóm có trình độ thấp hơn như y sỹ, điều dưỡng trung học, dược tá… Việc phân bố nguồn nhân lực y tế đã được cải thiện, làm tăng độ bao phủ của mạng lưới y tế và nhân viên y tế rộng khắp từ trung ương đến từng thôn bản, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế, các dịch bệnh tại các địa phương được khống chế kịp thời.

YTDP được tăng cường đã giúp ngăn chặn các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch lớn. Các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe như môi trường, thực phẩm, rèn luyện thân thể, đời sống tinh thần… được quan tâm hơn. Năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, tiếp cận được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Lĩnh vực dược, thiết bị y tế có bước tiến bộ. Mô hình kết hợp quân – dân y được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đặc biệt, trong tình huống dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên khắp thế giới khiến các quốc gia đều phải chủ động ứng phó, Việt Nam đã được ghi nhận là quốc gia có phương pháp và cách thức ứng phó với dịch bệnh rất tốt, được các quốc gia tham khảo kinh nghiệm.

Thực tế cho thấy, YTDP ở nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thay đổi mô hình bệnh tật, bảo vệ hàng chục triệu người khỏi các bệnh dịch nguy hiểm. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc. Đạo đức, phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được chú trọng, nâng cao. Nhiều tấm gương y bác sỹ tận tụy chăm sóc, cứu chữa người bệnh được xã hội trân trọng, ghi nhận.

 Những hạn chế và nguyên nhân

Mặc dù Nhà nước và Bộ Y tế đã có những nỗ lực rất cao trong đầu tư nhân lực và trang thiết bị cho các cơ sở YTDP trên cả nước, nhưng do yêu cầu tăng lên không ngừng, có tính bùng nổ về số lượng và chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân trước những nguy cơ của bệnh dịch, biến đổi khí hậu, môi trường xã hội… đã dẫn đến nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Y tế nói chung, YTDP nói riêng. Hầu hết bác sỹ của hệ YTDP đều từ hệ điều trị chuyển sang, thiếu những người được đào tạo chính quy, đúng chuyên ngành về YTDP.

Nhân lực YTDP còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, số cán bộ được đào tạo chuyên YTDP còn ít; tuyến trung ương mới đáp ứng được 77% nhu cầu, tuyến tỉnh đáp ứng được 54% nhu cầu, tuyến huyện đáp ứng 41,6% nhu cầu. Sự mất cân đối về cơ cấu và phân bố không đều nguồn nhân lực y tế thể hiện rất rõ trong lĩnh vực YTDP. Tỷ lệ nhân lực YTDP trong tổng số nhân lực ngành Y rất thấp, đặc biệt ở các khu vực phát triển, nơi có nhiều bệnh viện lớn. Số cán bộ điều trị nhiều gấp 6 lần cán bộ hệ YTDP, đây là điều bất hợp lý với phương châm “xây dựng nền y tế hiện đại theo định hướng y học dự phòng” của nước ta1.

Công tác tuyển dụng cán bộ của các đơn vị hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu cơ cấu cán bộ theo vị trí việc làm và khó tuyển dụng được cán bộ bảo đảm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Việc phân bổ chỉ tiêu biên chế chưa phù hợp và chưa thật đầy đủ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo cán bộ YTDP còn thiếu và lạc hậu. Tình trạng phòng thí nghiệm thực hành của cơ sở đào tạo xuống cấp hoặc chưa được trang bị tốt tương đối phổ biến, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo cũng như kỹ năng, năng lực nghiên cứu khoa học của các cơ sở này.

Chương trình và loại hình đào tạo chưa có sự thống nhất, chậm đổi mới, nặng về lý thuyết, ít thời gian thực hành, chưa có định hướng loại hình đào tạo một cách ổn định, chưa có sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và cơ quan sử dụng nhân lực. Tài liệu đào tạo chưa được chuẩn hóa trong toàn quốc, chưa chú trọng tính đặc thù riêng biệt của chuyên ngành y học dự phòng. Chính sách đãi ngộ đối với nhân lực hoạt động trong lĩnh vực YTDP chưa đủ sức thu hút nên một số địa phương không thể tuyển được bác sỹ y khoa, bác sỹ YTDP, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực YTDP.  Trước hết, đó là YTDP chưa có được sự quan tâm thích đáng của xã hội, đôi khi còn được coi là lĩnh vực của riêng ngành Y tế. Nhiều chính sách, quy hoạch về phát triển kinh tế – xã hội chưa chú trọng, đề cập đầy đủ đến những vấn đề liên quan tới công tác YTDP. Tổ chức YTDP tuyến tỉnh, thành phố và quận, huyện bị chia tách thành nhiều đầu mối dẫn tới thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đầu tư dàn trải…

Việc thành lập các chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình ở các tỉnh, thành phố trong một thời gian ngắn dẫn tới nhu cầu nhân lực tăng đột biến và dịch chuyển cán bộ từ tuyến dưới lên tuyến trên.

Bên cạnh đó, còn có những hạn chế trong đào tạo nhân lực YTDP, cụ thể, theo Đề án quy hoạch phát triển nhân lực YTDP giai đoạn 2011 – 2020, chỉ tiêu đào tạo hệ YTDP hằng năm thấp hơn nhiều so với hệ điều trị, chiếm khoảng 10 – 15% tổng số chỉ tiêu đào tạo ngành Y2. Đối với loại hình đào tạo cử tuyển hoặc đào tạo theo hợp đồng có địa chỉ, các địa phương thường đăng ký đào tạo hệ điều trị, rất ít đăng ký đào tạo hệ YTDP. Việc đào tạo kỹ thuật viên YTDP tại các tỉnh chưa được quan tâm.

Chế độ, chính sách đối với cán bộ YTDP còn nhiều bất cập, như: chính sách thu hút các nguồn lực, chính sách khuyến khích đầu tư và sự tham gia của các thành phần kinh tế, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác YTDP; chưa có chính sách thu hút cán bộ YTDP làm việc ở vùng sâu, vùng xa; chưa có chính sách ưu tiên đào tạo cán bộ YTDP. Do vậy mà việc tuyển dụng, duy trì nguồn nhân lực và khuyến khích sinh viên y khoa theo học YTDP gặp nhiều khó khăn.

Đổi mới công tác đào tạo – giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế dự phòng

Để giải quyết thách thức trong ứng phó dịch bệnh, các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, phải tăng cường đầu tư vào hệ thống YTDP để chuẩn bị tốt hơn trong dự báo, phát hiện và ứng phó kịp thời với dịch bệnh. Theo đó, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cho YTDP, quan tâm đầu tư từ quá trình đào tạo đến cơ chế tài chính, chế độ đãi ngộ, sử dụng nguồn lực. Bởi lẽ, đội ngũ nhân lực làm YTDP đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa là “cái gốc” của y tế. Tiếp tục mở rộng các mô hình đào tạo, tập huấn, đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức và các biện pháp phòng, chống bệnh… cho các cán bộ y tế nhằm tạo cơ hội cho các thầy thuốc, cán bộ trong ngành tiếp cận và cập nhật các kiến thức chuyên khoa ở trong nước cũng như quốc tế.

Nội dung đổi mới quan trọng, có tính thiết thực trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực YTDP là coi trọng quá trình tự đào tạo, thúc đẩy về mặt nhận thức lẫn hành động sao cho mỗi nhân viên YTDP thấy rõ và phải coi việc tự học tập nâng cao trình độ, năng lực là công việc thường xuyên, liên tục.

Tăng cường kèm cặp, huấn luyện trong lĩnh vực YTDP. Đây là một phương pháp đào tạo phát triển năng lực tại chỗ mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, đưa nguồn nhân lực YTDP từ tuyến dưới lên tuyến trên học tập, bồi dưỡng. Ưu tiên xây dựng kế hoạch và thực hiện đào tạo liên tục cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế tuyến huyện và tuyến xã. Đánh giá hiệu quả của các chính sách, có biện pháp thu hút, duy trì, tăng cường năng lực nguồn nhân lực YTDP tại vùng sâu, vùng xa để điều chỉnh cho phù hợp.

Tăng cường các hình thức đào tạo, cập nhật, chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Hoàn thiện chính sách đầu tư để tăng cường nguồn nhân lực cho YTDP và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nhà nước cần quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo nhân lực y tế nói chung và YTDP nói riêng trên cơ sở xác định nhu cầu thực tiễn.

Trước thực tiễn thiếu nhân lực YTDP chất lượng cao tại tuyến y tế cơ sở, đòi hỏi Nhà nước phải ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ y tế cho tuyến này bằng cách: đầu tư ngân sách nhiều hơn cho đào tạo mới, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho các vùng còn thiếu nhân viên y tế và nhân lực YTDP. Tuyển chọn những cán bộ giỏi, cán bộ trẻ có phẩm chất và năng lực để đào tạo, bồi dưỡng cho hệ thống chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu của địa phương.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần mở rộng hơn nữa lĩnh vực hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, lựa chọn những cán bộ, sinh viên có đủ năng lực, phẩm chất đi học tập, nghiên cứu những kỹ thuật cao, phương pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tiên tiến của khu vực và thế giới.

Trong phát triển ngành Y tế nói chung, YTDP nói riêng, bên cạnh việc xây dựng khung khổ pháp lý thống nhất; xây dựng mạng lưới y tế đồng bộ trong toàn quốc; đầu tư nguồn lực tài chính một cách thỏa đáng để ngành Y tế nói chung và hệ thống YTDP nói riêng có thể làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Nhà nước cần xây dựng, đào tạo đủ và phân bổ hợp lý nguồn nhân lực cho ngành Y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân.

Chú thích:
1. Bộ Y tế. Niên giám Y tế năm 2017 – 2018.
2. Bộ Y tế. Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2011 – 2020.

ThS. Lâm Đình Tuấn Hải
Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh