Quản lý nhà nước về lao động trong doanh nghiệp trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, việc quản lý nguồn lao động trong doanh nghiệp ở Việt Nam đang được thực hiện bằng hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật và tổ chức, hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về lao động trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, một trong những hạn chế, yếu kém căn bản của công tác này chính là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Vì vậy, cần tìm ra giải pháp quản lý phù hợp để phát huy đội ngũ lao động tại doanh nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

 

Xưởng sản xuất hàng may mặc của một doanh nghiệp tại Long An. (Nguồn: https://dantocmiennui.vn).

Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển và hội nhập mới. Song hành cùng quá trình này là cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 với những cơ hội và thách thức không nhỏ. Các yêu cầu về quản lý, nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo… đang được đặt ra cùng những tiêu chí mới, đòi hỏi cao, buộc người lao động (NLĐ) phải có đủ kiến thức, kỹ năng làm chủ công nghệ, thích ứng với môi trường làm việc và những cơ chế, chính sách trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Quản lý nhà nước về lao động trong doanh nghiệp trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Lao động là một hoạt động cơ bản của con người và xã hội loài người, nó vừa mang tính kinh tế, vừa mang tính xã hội sâu sắc. Các doanh nghiệp (DN) là khu vực đóng góp phần lớn thu nhập quốc dân và tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Quản lý lao động trong DN đòi hỏi các DN phải có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ pháp luật của Nhà nước, phát huy tốt các chính sách của Nhà nước mà đặc biệt là chính sách ưu đãi cho DN. Hoạt động quản lý nhà nước (QLNN) về lao động trong DN đặt ra việc giữ gìn, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nhân lực, đóng vai trò quyết định thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của thời kỳ mới. Chính vì vậy, Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 28/01/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ, cần: “Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lao động trong các doanh nghiệp”.

Tại Việt Nam, những năm qua, lao động trong DN ngày một tăng cao và đã có nhiều đóng góp lớn trong việc tạo ra các nguồn lợi kinh tế – xã hội. Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 DN đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 20181. Nếu năm 2012, lực lượng lao động trong DN là 10,9 triệu lao động thì đến năm 2017 đã đạt 14 triệu lao động, tăng 28,2%. Năm 2018, tổng số lao động làm việc trong các DN đang hoạt động có kết quả sản xuất – kinh doanh là 14,82 triệu người2. Những năm qua, công tác QLNN đối với lao động trong các DN đã đạt được một số kết quả nhất định.

Thứ nhất, bằng hệ thống pháp luật, Nhà nước đã thiết lập một hành lang pháp lý cho hoạt động QLNN về lao động trong DN, bao gồm phạm vi, phương thức và nội dung quản lý với những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh chủ yếu, như: Hiến pháp năm 2013; Bộ luật Lao động năm 2012; Luật Công đoàn năm 2012; Luật DN năm 2014; Luật Đầu tư  năm 2013; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Luật Việc làm năm 2013… cùng các văn bản hướng dẫn thi hành. Nhà nước đã xây dựng tiêu chuẩn của lao động thông qua những quy định của pháp luật, đồng thời quy định về công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Hệ thống pháp luật ban hành không chỉ bảo đảm cho quan hệ làm công hưởng lương được khuyến khích phát triển mà còn bảo đảm quyền bình đẳng của các thành phần kinh tế, quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, các thiết chế của thị trường lao động, cơ chế vận hành và giám sát… trong nền kinh tế thị trường đạt được kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, pháp luật điều chỉnh quan hệ lao động trong DN cũng còn những hạn chế nhất định, như: thiếu tính pháp điển, thiếu những định nghĩa cơ bản, chính xác, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Một số nội dung được ban hành trong các văn bản thiếu tính thực tế, như các hoạt động liên quan đến tố tụng lao động, trọng tài lao động, thương lượng tập thể… Vai trò của các tổ chức đại diện, nhất là tổ chức Công đoàn mới chỉ dừng lại ở việc thăm hỏi động viên NLĐ, phần lớn cán bộ công đoàn chưa thoát ly khỏi sự lệ thuộc của các chủ DN. Đối thoại xã hội để tìm hiểu những tâm tư nguyện vọng trong hợp tác giữa người lao động và chủ DN còn hạn chế.

Chính vì vậy đã xảy ra nhiều trường hợp NLĐ biểu tình hoặc có những phản ứng quyết liệt khi quan hệ lợi ích có mâu thuẫn với chủ DN. Nội dung pháp luật còn chưa theo kịp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, công ước về lao động, các quy luật lao động trong xu thế quốc tế hóa nền kinh tế thế giới và sự lan tỏa của CMCN 4.0.

Thứ hai, về các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật lao động trong DN. Các nội dung thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong DN hiện tập trung vào những vấn đề cơ bản, như: kiểm tra các thỏa ước lao động tập thể; tuyên bố thỏa thuận vô hiệu; hủy các thỏa thuận trong hợp đồng lao động khi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ; kiểm tra việc thực hiện chế độ tiền lương, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội; tiến hành xử lý vi phạm và tổ chức cưỡng chế thi hành…

Hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật lao động trong DN được giao cho nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện với những mục đích, phương thức và tính chất không hoàn toàn giống nhau. Hệ thống thanh tra lao động còn mỏng và yếu về một số lĩnh vực chuyên môn nên việc thanh tra, kiểm tra chưa bài bản, còn mang tính hình thức. Hiện tượng vi phạm pháp luật về lao động trong DN vẫn diễn ra. Về cơ bản, việc giải quyết tranh chấp, xung đột và mâu thuẫn giữa NLĐ và chủ DN đã có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức: cơ quan hành chính, cơ quan tài phán, hội đồng trọng tài lao động, hội đồng hòa giải lao động và cả tổ chức công đoàn…, giúp các bên tranh chấp giải quyết mâu thuẫn theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, xung đột giữa NLĐ và DN, việc hòa giải, đàm phán, thương lượng còn mang đậm tính mệnh lệnh, hành chính. Vì vậy, khó để hai bên nhận ra và tự nguyện giải quyết vấn đề một cách triệt để. Hơn nữa, tình trạng đình công đang là một vấn đề nhức nhối xảy ra khá phổ biến ở các DN hiện nay. Hoạt động này chủ yếu diễn ra một cách tự phát, nằm ngoài khuôn khổ pháp lý về tranh chấp lao động tập thể. Đình công trong lao động được sử dụng như một thứ “vũ khí đầu tiên” để NLĐ bảo vệ quyền lợi của mình. Trong khi bản thân NLĐ cũng như các cơ quan nhà nước đã bỏ qua vai trò của công đoàn cơ sở để giải quyết vấn đề này.

Thứ ba, về tổ chức và hoạt động của bộ máy QLNN về lao động trong DN. Quản lý lao động trong DN được quy định tại Điều 235 Bộ luật Lao động năm 2012, gồm một số nội dung cơ bản, như: ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về lao động; theo dõi, thống kê, cung cấp thông tin về cung cầu, sự biến động cung cầu lao động và đề ra những chính sách để bảo đảm phát triển nguồn nhân lực cũng như sử dụng lao động xã hội; tổ chức và tiến hành nghiên cứu khoa học về lao động, thống kê, thông tin lao động và thị trường lao động, mức sống, thu nhập của NLĐ; thanh tra, kiểm tra, khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm pháp luật về lao động…

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện QLNN về lao động trong các lĩnh vực cơ bản, như: việc làm và bảo hiểm thất nghiệp; dạy nghề; lao động, tiền lương; bảo hiểm xã hội; an toàn lao động… Bên cạnh việc thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ và chủ DN thì thời gian qua, việc tổ chức và quản lý lao động trong DN vẫn còn một số tồn tại nhất định. Theo đó, việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật còn nhiều thiếu sót, nhất là việc đóng bảo hiểm xã hội, việc bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động cho NLĐ… Về phía cán bộ quản lý vẫn còn tình trạng yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, xa rời thực tiễn, quan liêu và chưa giải quyết triệt để, thấu đáo các nội dung tranh chấp. Những bất cập này có một phần nguyên nhân do thiếu thông tin, do phương pháp quản lý yếu kém. Hơn nữa, cơ quan nhà nước cũng chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nên công tác quản lý lao động trong DN chưa hiệu quả.

Thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với công tác quản lý về lao động trong doanh nghiệp hiện nay
 Thời cơ

Cuộc CMCN 4.0 đã tạo ra những đột phá lớn trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời tạo ra những cơ hội mới làm gia tăng hiệu quả trong QLNN về lao động trong DN, cung cấp các thông tin một cách đầy đủ và chính xác,  dự báo về việc sử dụng nguồn lao động… CMCN 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội đối với  QLNN về lao động trong DN, theo đó, việc ứng dụng công nghệ mới cho phép thúc đẩy hiệu quả của quá trình quản lý. Công nghệ sẽ tạo nên sự bứt phá lớn, khắc phục được những hạn chế, như: bộ máy quản lý cồng kềnh, nhiều thủ tục rườm rà, cơ chế, chính sách thiếu linh hoạt… đang tồn tại trong quản lý nguồn lao động tại các DN hiện nay.

Bên cạnh đó, CMCN 4.0 thúc đẩy khả năng biến đổi, tạo cơ hội cho các hệ thống sản xuất sử dụng có hiệu quả hơn nguồn nhân lực lao động trong chính cơ sở sản xuất và ngoài xã hội. Ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 sẽ hỗ trợ các hoạt động tuyển dụng, đãi ngộ, sắp xếp nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển tiềm lực khoa học – công nghệ và công nghiệp. Thể chế cho hoạt động quản lý của Nhà nước sẽ được chú trọng xây dựng để thúc đẩy khoa học, kỹ thuật và công nghệ không chỉ đối với QLNN về lao động trong DN mà trong cả quá trình quản lý nguồn lao động nói chung.

Đồng thời, tạo cơ hội đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu công nghệ vào quá trình quản lý của Nhà nước, đặc biệt là các nghiên cứu mô phỏng, nghiên cứu tương tác người – máy hỗ trợ trong xử lý các số liệu.

Việc ứng dụng khoa học – công nghệ trong quản lý làm cho hệ thống nguồn nhân lực trong quản lý tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng vai trò quản lý của Nhà nước trong các DN hiện nay.

Thách thức

Bên cạnh các cơ hội thì CMCN 4.0 cũng tạo ra rất nhiều thách thức trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó sự bất bình đẳng ngày một gia tăng. Sự bất bình đẳng trong lao động thể hiện rõ ở sự chênh lệch trình độ của NLĐ, cơ hội việc làm và nguồn thu nhập, dẫn tới hậu quả gây xáo trộn hoặc có thể phá vỡ thị trường lao động. Hơn nữa, thúc đẩy nguy cơ tự động hóa thay thế lao động chân tay, robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực.

Về cơ bản, cuộc CMCN 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức đối với QLNN về lao động trong DN, đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức đầy đủ về bản chất, tác động của cuộc cách mạng này và khả năng tư duy, quản lý điều phối tích hợp các yếu tố công nghệ, phi công nghệ, giữa con người và máy móc, giữa thực và ảo.

Để Nhà nước tham gia vào quá trình quản lý theo xu hướng công nghệ 4.0, đòi hỏi phải có sự phát triển dựa trên tích lũy nền tảng cả về khoa học và công nghệ; đồng thời, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực quản lý công phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhìn chung chưa có kỹ năng, trình độ cao, nhất là trình độ ngoại ngữ nên năng lực tiếp cận khoa học – công nghệ còn hạn chế.

Bên cạnh đó, chúng ta đang thiếu các trung tâm khoa học lớn; thiếu cơ chế quản lý khoa học, đặc biệt là cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cơ chế thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài…

Các yêu cầu đặt ra đối với quản lý nhà nước về lao động trong doanh nghiệp

Trong bối cảnh CMCN 4.0, Nhà nước cần đổi mới phương thức quản lý lao động trong DN, tập trung ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, đổi mới sáng tạo trong mô hình tổ chức và phương thức quản lý theo hướng sau:

Một là, quản lý lao động trong DN dựa trên tích hợp công nghệ số hóa, tích hợp các hệ thống cảm biến, hệ thống điều khiển, mạng truyền thông để quản lý nguồn nhân lực; đưa ra những thông tin chính xác nhằm dự báo nguồn nhân lực, thực trạng và xu thế phát triển của nguồn nhân lực, từ đó đề xuất những giải pháp để phát huy lợi thế của nguồn nhân lực. Lưu trữ và sử dụng hiệu quả các dữ liệu lớn dựa trên điện toán đám mây; thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn để cung ứng những nguồn thông tin chính xác và kịp thời trong hoạt động quản lý lao động. Trên cơ sở này, Nhà nước có thể hỗ trợ các DN phát huy được lợi thế cạnh tranh về nguồn lao động, đặc biệt là các DN nước ngoài.

Hai là, tối ưu hóa mô hình quản lý lao động của Nhà nước theo đúng cơ chế, chính sách hiện hành. Nhà nước cần phát triển các kỹ năng mới cho DN và cá nhân NLĐ trong dự báo nguồn nhân lực, xu thế lựa chọn nghề nghiệp, trong quản lý đào tạo và đào tạo lại nguồn lao động cho DN và các cơ sở giáo dục đào tạo. Ứng dụng và sử dụng có hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh, gắn kết chặt chẽ hơn giữa nhu cầu của thị trường lao động và các DN, hỗ trợ về cơ chế, chính sách trong việc xây dựng thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Ba là, quản lý nguồn nhân lực hiệu quả. Thông qua thành tựu công nghệ của CMCN 4.0, Nhà nước sẽ có những phân tích hiệu quả để nhanh chóng đưa ra những giải pháp tốt hơn nhằm quản lý tài sản trí tuệ trong thời đại số, có giải pháp thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao trong xây dựng và phát triển DN, tạo ra bước đột phá để DN vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy được lợi thế của mỗi DN.

Bốn là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, NLĐ và người sử dụng lao động trong DN. Thông qua công nghệ thông tin, số hóa, Nhà nước có thể quản lý hoạt động của DN trực tiếp trên hệ thống máy móc như: đóng bảo hiểm cho NLĐ, ký kết hợp đồng lao động, thực hiện chế độ cho NLĐ, đóng thuế, kiểm soát, ngăn ngừa hành vi trục lợi bảo hiểm của DN hoặc NLĐ, bảo đảm đúng quy định pháp luật hiện hành. Sử dụng thành tựu về máy móc của công nghệ 4.0 trong thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm điều kiện bảo hộ lao động, vệ sinh, an toàn trong môi trường làm việc của NLĐ.

Năm là, có cơ chế quản lý đào tạo và tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo lao động. Thông qua ứng dụng thành tựu của công nghệ 4.0. Nhà nước sử dụng những dữ liệu số hóa để phân tích nhu cầu thị trường lao động trong nước và thế giới nhằm quản lý hoạt động đào tạo, kiểm định chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của các trường đại học và các cơ sở đào tạo nghề, bảo đảm đạt chuẩn đầu ra gắn với thị trường lao động, thích ứng với nhu cầu phát triển lực lượng lao động trong điều kiện cách mạng công nghệ, làm cơ sở cung cấp thông tin cần thiết, tin cậy cho các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào theo nhu cầu của các DN.

Như vậy, CMCN 4.0 đã có những tác động to lớn trong toàn bộ hệ thống sản xuất của thế giới nói chung và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam nói riêng. Việc sử dụng thành tựu của CMCN 4.0 đặt ra những yêu cầu mới trong vấn đề đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ vào QLNN, đòi hỏi các nhà quản lý phải có cái nhìn nhạy bén, chính xác để từ đó có các giải pháp ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 đối với QLNN về lao động trong DN, mang lại hiệu quả cao, tận dụng tối đa các nguồn lực nhằm phát triển bền vững.

Chú thích:
1, 2. Thông cáo báo chí Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 của Tổng cục Thống kê, ngày 28/4/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thị Vân Hoa (chủ biên). Cách mạng công nghiệp 4.0 vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2018.
2. Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
3. Klaus Schwab. The fourth industrial revolution. NXB Thế giới, 2018.
4. Vũ Minh Tiến. Quản lý nhà nước về lao động trong doanh nghiệp ở Việt Nam. H. NXB Lao động, 2013.
5. Tổng cục Thống kê. Kết quả chính thức Tổng điều tra Kinh tế năm 2017.

ThS. Nguyễn Thị Hồng
Học viện Hành chính Quốc gia