Mô hình chính quyền đô thị – Sức bật mới cho TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Để tổ chức và vận hành tốt mô hình chính quyền đô thị, TP. Hồ Chí Minh phải sắp xếp bộ máy hợp lý, lựa chọn những đại biểu Hội đồng nhân dân có tâm, có tầm và phát huy vai trò làm chủ của người dân.
Một góc đô thị TP. Hồ Chí Minh.

Sáng 16/11, trong chương trình kỳ họp thứ 10, với 87,14% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và việc tổ chức chính quyền đô thị được thực hiện từ ngày 01/7/2021.

Phát huy vai trò đầu tàu

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, với 420/428 đại biểu có mặt tán thành đã thể hiện sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của Quốc hội đối với Đề án Chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh. Nghị quyết này sẽ tạo điều kiện để TP. Hồ Chí Minh tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố hoạt động hiệu quả, đáp ứng sự phát triển của một Thành phố năng động, dân số đông.

Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, TP. Hồ Chí Minh phải hành động ngay từ bây giờ. Bởi đến kỳ bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử HĐND nhiệm kỳ 2021-2026, Thành phố phải tổ chức sắp xếp bộ máy cán bộ hợp lý. Cụ thể, trong bối cảnh chính quyền cấp quận, huyện chỉ còn là Ủy ban hành chính, việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền của chủ tịch UBND thành phố cho chủ tịch UBND các quận, huyện phải cụ thể. Bên cạnh đó, mô hình cấp chính quyền thành phố trong thành phố cũng đề cập chức năng, nhiệm vụ của HĐND, chủ tịch UBND thành phố trong thành phố.

Còn ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc thông qua nghị quyết không chỉ là một sự ưu ái của Quốc hội dành cho TP. Hồ Chí Minh mà còn là thể hiện trách nhiệm của cơ quan này đối với cử tri, với nhân dân TP. Hồ Chí Minh. “Với TP. Hồ Chí Minh, đây không phải là áp lực, Thành phố đã có thời gian trải nghiệm hơn 8 năm về vấn đề này”.

Cũng theo ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê, trách nhiệm của TP. Hồ Chí Minh bây giờ là thực hiện thật tốt mô hình chính quyền đô thị theo tinh thần Thành phố vì cả nước. “Đây là lúc các điều kiện chín muồi và mong mỏi của người dân, của cử tri, chính quyền Thành phố đã được đáp ứng”. ĐBQH tin tưởng nghị quyết sẽ tạo ra sức bật mới cho TP. Hồ Chí Minh phát huy được lợi thế trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa rất nhanh; khẳng định được vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Nghị quyết cũng sẽ tạo điều kiện để TP. Hồ Chí Minh có những bước phát triển mới trong quá trình thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về việc phát triển TP. Hồ Chí Minh “đi trước về trước”, tạo xung lực để Thành phố trở thành hạt nhân kinh tế vùng. Tuy nhiên, khi triển khai nghị quyết, công tác cán bộ sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. “Việc sắp xếp, sàng lọc, bố trí lại cán bộ là điều tất nhiên nhằm bảo đảm chính quyền đô thị vận hành tốt nhất. Từng cán bộ phải tự rà soát, khảo nghiệm mình xem có đáp ứng được yêu cầu của chính quyền đô thị hay không” – ông Khuê nhấn mạnh.

Cần đại biểu HĐND có tâm, có tầm

Theo nghị quyết của Quốc hội, TP. Hồ Chí Minh được tăng số lượng đại biểu HĐND (lên 95 người). ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, thông qua sự đồng ý này, Quốc hội mong muốn Đảng bộ và người dân TP. Hồ Chí Minh phải lựa chọn cho được những gương mặt ĐBQH, HĐND có tâm, có tầm và có bản lĩnh. Bà Tâm đặc biệt nhấn mạnh đến đại biểu HĐND chuyên trách, phải chọn những người đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ. “Đó là người phải toàn tâm, toàn ý hoạt động với tư cách là đại biểu dân cử; phải có bản lĩnh, kiến thức, năng lực, vì dân phục vụ…”.

“Nghị quyết của Quốc hội đã có rồi nhưng triển khai phải có quyết tâm chính trị rất cao” – ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, khi không tổ chức HĐND ở quận/huyện, phường thì quyền làm chủ, ý chí, nguyện vọng của người dân phải được bảo đảm và quan tâm nhiều hơn để mối liên hệ giữa đại biểu và cử tri khăng khít. Có như vậy thì mô hình chính quyền đô thị mới phát huy hiệu quả.

Thuý Vân
Nguồn: ttbc-hcm.gov.vn