(Quanlynhanuoc.vn) – Việc xây dựng các chương trình bồi dưỡng dành cho đội ngũ thứ trưởng và tương đương là vấn đề cực kỳ quan trọng, được đặc biệt quan tâm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Bài viết tập trung vào việc giới thiệu kinh nghiệm bồi dưỡng thứ trưởng và các quan chức cấp cao ở một số quốc gia phát triển trên thế giới, qua đó, rút ra một số kinh nghiệm cho việc thiết kế, xây dựng chương trình bồi dưỡng thứ trưởng và tương đương ở Việt Nam hiện nay.

Chương trình bồi dưỡng thứ trưởng của một số quốc gia
Kinh nghiệm bồi dưỡng thứ trưởng ở Ca-na-đa
Ở Ca-na-đa, thứ trưởng là vị trí giao thoa giữa chính trị và hành chính, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giới chính khách và bộ máy hành chính. Thứ trưởng là những người từng kinh qua nhiều vị trí với nhiều kinh nghiệm dày dặn, do vậy, kiến thức và kỹ năng đòi hỏi với đội ngũ này cũng rất cao và đa dạng. Yêu cầu bồi dưỡng đối với đội ngũ này là phải hiểu rõ bản chất, mục tiêu hoạt động của khu vực công; những nguyên tắc, nhiệm vụ mà khu vực công phải thực hiện; có năng lực sử dụng hiệu quả nguồn lực của tổ chức; có khả năng kết nối và điều phối các bộ phận thuộc quyền để hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, các thứ trưởng phải biết cách tối ưu hóa việc sử dụng nguồn ngân sách thuộc thẩm quyền được giao. Trong chương trình bồi dưỡng cấp thứ trưởng ở Ca-na-đa, thường có từ 6 – 7 chuyên đề về quản lý ngân sách.
Chương trình bồi dưỡng thứ trưởng được thiết kế gồm các chuyên đề: Quản lý khủng hoảng (kỹ năng quan trọng hàng đầu của thứ trưởng ở Ca-na-đa); Đổi mới trong Chính phủ; Quản lý ngân sách; Đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật; Quản lý sự thay đổi; Quản lý chất lượng thực thi công vụ (huấn luyện kèm cặp); Kỹ năng lãnh đạo: xây dựng các nhóm công cụ lãnh đạo; Thiết kế và thực thi chính sách; Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ; Tư duy chiến lược và quản lý các mối quan hệ liên minh.
Ngoài ra, các thứ trưởng cũng được bồi dưỡng các kiến thức liên quan đến các công cụ để thực thi hiệu quả công việc của mình; hoạch định, thực thi và đánh giá tác động chính sách; tổ chức chính phủ và phi chính phủ nhằm làm rõ mối tương tác giữa hai khối này, quản lý sự phát triển bền vững; tư duy chiến lược và tạo mối liên hệ liên minh để thực hiện chiến lược đó; hỗ trợ, tạo động lực làm việc đối với cấp dưới và kỹ năng giao tiếp tự tin, tôn trọng người khác,…
Cơ sở đào tạo thường xuyên có mối quan hệ phối hợp và cung cấp các chương trình bồi dưỡng cho Chính phủ Ca-na-đa là Trường Hành chính Quốc gia (ENAP). Khi Chính phủ cần một chương trình bồi dưỡng nào đó, Chính phủ sẽ liên hệ với ENAP để cùng trao đổi và thiết kế chương trình, sau đó, ENAP sẽ tổ chức các hội thảo, tọa đàm để trao đổi rõ hơn và thu thập các yêu cầu cụ thể để thiết kế các chương trình bồi dưỡng tương ứng. Sau đó, tiến hành tổ chức thí điểm khoảng 3 – 4 khóa và rút kinh nghiệm để hoàn thiện chương trình trước khi tiến hành tổ chức ở quy mô rộng rãi1.
Ca-na-đa áp dụng phương pháp đào tạo mới, không có lớp học mà chỉ có những tình huống được đưa ra để cùng trao đổi, chia sẻ các vấn đề gặp phải trong năm. Qua đó, người học phải tự tìm cách để giải quyết, tháo gỡ vấn đề hoặc chia sẻ để cùng nhau tìm phương án giải quyết thông qua các buổi thảo luận, tọa đàm, làm việc nhóm. Người học chỉ gặp giảng viên khi cần/muốn giải quyết một vấn đề nào đó. Việc đánh giá kết quả học tập đối với học viên cũng được thực hiện thông qua giải quyết các tình huống cụ thể.
Kinh nghiệm bồi dưỡng thứ trưởng ở Liên bang Nga
Chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao ở Liên bang Nga nói chung và bồi dưỡng thứ trưởng nói riêng tập trung chủ yếu vào việc cung cấp tài liệu liên quan cho người học tự nghiên cứu, học hỏi thông qua chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các tình huống trong thực tiễn. Nội dung chương trình đào tạo được xây dựng có tính đặc thù với những chương trình được thiết kế riêng dành cho các cán bộ dự nguồn, quy hoạch, dự bị, cán bộ đương chức, cán bộ đang làm việc tại các khu vực kinh tế – xã hội.
Chương trình đào tạo thứ trưởng ở Nga đòi hỏi người học phải tự thiết kế, xây dựng dự án, chương trình, kế hoạch của bản thân; xây dựng các tình huống, dự báo, chia nhóm làm việc để xây dựng các phương án khả thi nhằm tăng cường kiến thức thực tế và chuyên môn. Trước khi tham gia chương trình đào tạo, người học phải trải qua hoạt động chuẩn đoán cá nhân thông qua bài kiểm tra trắc nghiệm để đánh giá năng lực của từng người, nhằm xác định những năng lực hiện có, những tiềm năng trong tương lai, cũng như những kiến thức, kỹ năng còn thiếu hụt với yêu cầu của từng vị trí chức danh. Trên cơ sở kết quả chuẩn đoán cá nhân, cơ sở ĐTBD xác định xem mỗi cá nhân cần phải được bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng nào cho phù hợp.
Chương trình học tập được kết hợp với nghiên cứu, trải nghiệm thực tế thông qua chương trình thực tập ở nước ngoài và tham gia hoạt động ở các địa phương (khoảng 1 tuần ở các địa phương). Khóa đào tạo dành cho thứ trưởng được thiết kế gồm 5 chuyên đề chung và tập trung vào bồi dưỡng, phát triển năng lực tư duy, tầm nhìn của các thứ trưởng, như: Những nhiệm vụ chủ chốt trong phát triển kinh tế và toàn cầu; Phương pháp hiện đại phát triển và thực hành khoa học xã hội kỹ thuật; Phát triển khu vực và phát triển không gian; Nâng cao chất lượng hành chính nhà nước; Nâng cao chất lượng cá nhân lãnh đạo. Mỗi chuyên đề kéo dài khoảng 1 tuần2.
Sau khi kết thúc các chuyên đề ĐTBD chung, căn cứ vào trình độ, năng lực cũng như yêu cầu của từng ngành, lĩnh vực mà thứ trưởng đang phụ trách để lựa chọn và thực hiện các chương trình ĐTBD phù hợp.
Kinh nghiệm bồi dưỡng thứ trưởng và các quan chức cấp cao của Cộng hòa Pháp
Trường Hành chính Quốc gia (ENA) là trường đào tạo cán bộ lãnh đạo cao cấp của Pháp, đào tạo mang tính liên ngành, liên bộ và đào tạo mang tính thực hành, tập trung vào phát triển năng lực lãnh đạo. Nội dung ĐTBD rất đa dạng, linh hoạt theo yêu cầu cụ thể trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, hành chính, tài chính, ngoại giao,…
ENA không có đội ngũ giảng viên biên chế mà sử dụng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng ở các bộ, ngành, địa phương và khu vực tư nhân. Giảng viên của ENA chủ yếu là những chuyên gia đang hoạt động thực tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, được mời đến giảng dạy dựa trên những tình huống để học viên phân tích, xử lý. Chỉ có rất ít các giảng viên của các trường đại học được mời giảng cho các khoá đào tạo đặc biệt này. Cán bộ của ENA không trực tiếp tham gia giảng dạy mà chỉ đóng vai trò là cầu nối giữa người học và người dạy trong các khóa học.
Chương trình bồi dưỡng ở ENA chủ yếu dựa trên các tình huống thực tế (chiếm khoảng 90% chương trình bồi dưỡng). ENA chú trọng đào tạo theo định hướng thực hành, tập trung rèn luyện kỹ năng xử lý các vấn đề trong công việc. Có ít nhất 50% thời gian khóa học là học thực tế tại các cơ quan hành chính. Ví dụ, một môn học 4 tháng thì 1 tháng học lý thuyết, 3 tháng còn lại là thời gian dành cho thực tập, trực tiếp tham gia xử lý công việc tại các cơ quan. Việc chọn nơi thực tập do ENA quyết định, học viên không được lựa chọn nơi thực tập nhằm bảo đảm tính công bằng, khách quan của hoạt động thực tập3. Phương pháp học tập của Trường bắt buộc người học và người dạy phải chủ động, không phụ thuộc sách vở mà phải độc lập suy nghĩ, sáng tạo để tiếp thu kiến thức, nâng cao trình độ và khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống cụ thể trong thực tiễn cuộc sống.
Nội dung chương trình đào tạo công chức cấp cao của ENA gồm ba khối kiến thức cơ bản: một là, khối kiến thức liên quan đến Liên minh châu Âu; hai là, những nội dung về quản lý hành chính công mà trọng tâm là các kiến thức, kỹ năng làm việc ở cấp trung ương; ba là, những nội dung về quản lý hành chính địa phương.
Ngoài ra, còn có một số kỹ năng được đặc biệt coi trọng trong chương trình ĐTBD cán bộ cấp cao của ENA là: kỹ năng tiếp xúc với báo chí, kỹ năng trình bày và thuyết phục, kỹ năng làm việc nhóm. Mục tiêu của việc ĐTBD các kỹ năng này là nhằm giúp cho các công chức cao cấp có khả năng sẵn sàng thích ứng và làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế liên tục biến đổi và nhiều phức tạp. Kết thúc mỗi học phần và khóa học, học viên phải trải qua các bài kiểm tra đánh giá thông qua kỹ năng xử lý các tình huống thực tế.
Kinh nghiệm bồi dưỡng thứ trưởng ở Hoa Kỳ
Các quan điểm đào tạo lãnh đạo ở Hoa Kỳ xuất phát từ một số luận cứ: Thứ nhất, quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ đã nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi lãnh đạo phải có năng lực cao hơn. Thứ hai, cần những nhà lãnh đạo chủ động, tích cực để có thể ứng phó trước những thay đổi của thế giới. Thứ ba, đặc trưng quan trọng của việc học tập để trở thành một nhà lãnh đạo là dựa vào chính niềm tin và sự lựa chọn của con người đó.
Từ những năm 90 của thế kỷ XX, chương trình đào tạo lãnh đạo theo các quan điểm mới được thực thi thông qua các dự án thử nghiệm. Một số trường đại học được các quỹ tài trợ đã tiến hành phát triển các khóa đào tạo lãnh đạo theo hướng liên ngành. Hầu hết các trường được tham gia dự án là những trường đã có kinh nghiệm trong việc đào tạo lãnh đạo ở Hoa Kỳ. Chương trình đào tạo lãnh đạo tập trung vào một số kỹ năng cơ bản như: (1) Kỹ năng tự đánh giá về bản thân, khả năng nhận thức; (2) Xây dựng kỹ năng cá nhân như giải quyết mâu thuẫn, tư duy sáng tạo, khả năng giao tiếp; (3) Kỹ thuật giải quyết vận dụng; (4) Giáo dục kiến thức về văn hóa; (5) Phục vụ và cống hiến (môn học này giúp người học hiểu rõ trách nhiệm của mình với tổ chức, với quốc gia); (6) Chính sách công…4.
Với chương trình bồi dưỡng thứ trưởng, sau khi hoàn thành các chương trình đào tạo tập trung, các thứ trưởng sẽ đến các trung tâm nghiên cứu độc lập phản biện chính sách của Chính phủ, tư vấn, đề xuất chính sách mới cho Chính phủ.
Một số kinh nghiệm cho Việt Nam khi triển khai chương trình bồi dưỡng thứ trưởng và quan chức cấp cao
Ở Việt Nam, thứ trưởng và tương đương là đối tượng được quy định tại Điều 4 Nghị định 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, theo đó: “Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ giúp Bộ trưởng thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Bộ trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công”.
Với đặc điểm về trình độ, kinh nghiệm công tác cũng như đặc thù và yêu cầu công việc hiện nay, việc thiết kế các chương trình bồi dưỡng cho thứ trưởng và tương đương là rất quan trọng. Điều này cũng phù hợp với Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Để thiết kế chương trình bồi dưỡng cho thứ trưởng và tương đương, chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm xây dựng, thiết kế chương trình của các quốc gia phát triển, đồng thời cũng cần phải căn cứ vào thực tiễn cụ thể ở Việt Nam để thiết kế chương trình thực sự phù hợp, hiệu quả.
Một là, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm tốt và cách thức thiết kế, xây dựng chương trình của các quốc gia phát triển thông qua các chương trình tham quan, khảo sát, học hỏi từ các nhóm chuyên gia trong và ngoài nước.
Hai là, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cũng như khung năng lực cần thiết của vị trí chức danh thứ trưởng, cũng như những yêu cầu đặc thù đối với từng ngành, lĩnh vực mà mỗi thứ trưởng đảm nhiệm để xác định những kiến thức, kỹ năng cần thiết phải được bồi dưỡng. Trên cơ sở đó, xây dựng những mô-đun cụ thể trong chương trình bồi dưỡng.
Ba là, nghiên cứu, khảo sát xác định những vấn đề chính sách mà Chính phủ đang gặp phải để xác định những ưu tiên trong chương trình bồi dưỡng; khảo sát nhu cầu được bồi dưỡng của các thứ trưởng để có căn cứ xác đáng xây dựng chương trình bồi dưỡng.
Bốn là, nội dung bồi dưỡng nên bao gồm hai nội dung: bồi dưỡng các kiến thức chung mang tầm chiến lược đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thứ trưởng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay và bồi dưỡng các kỹ năng cụ thể phù hợp với đặc thù từng ngành, lĩnh vực mà mỗi thứ trưởng đang đảm nhiệm. Nội dung bồi dưỡng cần được xây dựng theo hướng tăng thời lượng thực hành, thảo luận, giảm thời lượng lý thuyết. Bồi dưỡng theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, chú trọng bồi dưỡng tư duy, phương pháp, kỹ năng giải quyết công việc thông qua các tình huống thực tiễn kết hợp với tổ chức nghiên cứu thực tế tại địa phương.
Năm là, phương thức bồi dưỡng nên được vận dụng linh hoạt cho phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và thực tiễn công việc của thứ trưởng, đó là: kết hợp tham gia bồi dưỡng tập trung với việc cung cấp tài liệu điện tử, các khoá học trực tuyến với các học giả trong và ngoài nước, tăng cường việc tự học, tự cập nhật của người học.
Sáu là, đội ngũ giảng viên tham gia chương trình bồi dưỡng nên áp dụng mô hình kết hợp giữa đội ngũ giảng viên cơ hữu, các nhà khoa học tại các cơ sở ĐTBD cán bộ, công chức của Việt Nam (như Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) với đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia, các cán bộ lãnh đạo hoặc nguyên lãnh đạo cao cấp trong các ngành, lĩnh vực liên quan đến nội dung bồi dưỡng. Tăng cường và mở rộng mạng lưới giảng viên thỉnh giảng ở bên ngoài cơ sở đào tạo là giải pháp quan trọng để gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng các chương trình bồi dưỡng thứ trưởng và tương đương. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho giảng viên cơ hữu tại Học viện có nhiều cơ hội để cập nhật thông tin và kỹ năng thực tế để gắn kết giữa lý luận và thực tiễn thông qua các chương trình trải nghiệm thực tế tại địa phương, bộ, ngành.
Bảy là, xây dựng và thực hiện việc đánh giá kết quả chương trình bồi dưỡng với những tiêu chí đánh giá cụ thể để đo lường hiệu quả của chương trình bồi dưỡng, đồng thời có cơ sở để phát huy hiệu quả hoặc cải tiến chương trình bồi dưỡng cho phù hợp.
Chú thích:
1. Moktar Lamari. Kinh nghiệm thiết kế chương trình bồi dưỡng cấp thứ trưởng tại Ca-na-đa. Tọa đàm “Thiết kế chương trình bồi dưỡng Thứ trưởng và tương đương” tại Học viện Hành chính Quốc gia, ngày 15/5/2019.
2. Phát biểu của GS Vladimir Alexandrovich Mau – Giám đốc Học viện Kinh tế và Hành chính công trực thuộc Tổng thống Nga (RANEPA) nhân dịp đón tiếp Đoàn cán bộ, lãnh đạo của Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam sang thăm và làm việc, ngày 19/3/2018.
3. Ngô Thành Can. Công chức và đào tạo công chức ở nước Cộng hòa Pháp. Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 8/2008, tr. 39 – 43.
4. Trần Văn Ngợi. Kinh nghiệm đào tạo và phát triển công chức lãnh đạo cấp cao ở một số nước trên thế giới. Tạp chí Tổ chức nhà nước, số tháng 11/2013.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Thị Thục. Đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp cao ở Cộng hòa Pháp và một số kinh nghiệm cho Việt Nam. Tạp chí Lý luận chính trị, số 2/2019, tr. 41 – 45.
2. Tham gia chương trình bồi dưỡng do Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức là điều kiện để bổ nhiệm cấp Thứ trưởng và tương đương. http://www1.napa.vn, ngày 14/6/2019.
TS. Phạm Thị Diễm
Học viện Hành chính Quốc gia