Một số giải pháp thực hiện pháp luật dân chủ cấp xã ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An

(Quanlynhanuoc.vn) – Dân chủ là việc Nhân dân sở hữu và thực hiện đầy đủ các quyền làm chủ của mình trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội. Thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã nhằm làm cho những quy định của pháp luật về dân chủ cấp xã đi vào đời sống xã hội, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của chính quyền, cán bộ, công chức cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách thôn, tổ dân phố; của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và người dân địa phương.
Trung tâm huyện Anh Sơn, Nghệ An (Nguồn:http://baoquehuong.vn).
Kết quả thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã trên địa bàn huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An

Thứ nhất, kết quả thực hiện pháp luật (THPL) về dân chủ cấp xã (DCCX) của huyện Anh Sơn về quyền được biết, quyền được bàn và quyết định trực tiếp và quyền được tham gia các nội dung liên quan đến đời sống kinh tế – xã hội.

Những năm qua, huyện Anh Sơn đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 28/3/2002 về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Thông báo số 159-TB/TW ngày 15/11/2004 của Ban Bí thư về kết quả 6 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và tiếp tục chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ của Ban Bí thư Trung ương, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH/11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XI cùng các văn bản khác của các bộ, ban, ngành, tỉnh, huyện bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp.

Cấp ủy, chính quyền cấp xã huyện Anh Sơn đã quan tâm, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tổ chức thông báo công khai để Nhân dân biết, tham gia bàn bạc và quyết định mức đóng góp kinh phí (toàn bộ hoặc một phần) để xây dựng hạ tầng, các công trình an sinh xã hội, công trình phúc lợi đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đường liên thôn, liên bản, xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, bản… cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương.

Nhân dân có quyền tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định, trong đó đối với nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của chính quyền cấp xã, đều có kế hoạch rất cụ thể về cách thức triển khai, thời gian và trách nhiệm tổ chức thực hiện; sau đó, chính quyền cấp xã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Nhân dân tổ chức thực hiện kế hoạch đã được thông qua. Nhân dân giám sát hoạt động của Nhà nước, cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức Nhà nước. Chính quyền cấp xã, Mặt trận Tổ quốc đã tăng cường công tác phổ biến quán triệt, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, qua tủ sách pháp luật và phát tờ rơi, phổ biến tại các hội nghị dân cư…, để Nhân dân hiểu rõ những nội dung mà Nhân dân có quyền giám sát theo quy định của pháp luật.

Ở nhiều xã trên địa bàn huyện Anh Sơn, Ban Thanh tra Nhân dân còn tập trung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, thị trấn.

Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội đạt được nhiều kết quả nổi bật; thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm góp phần làm giảm tội phạm và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết các vụ án và thi hành án hình sự. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được duy trì, đổi mới về nội dung và hình thức.

Thứ hai, về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.

Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã chủ động và đóng vai trò là nòng cốt trong việc phối hợp xây dựng và vận động, tổ chức để Nhân dân thực hiện hương ước, quy ước. Việc sửa đổi bổ sung hương ước, quy ước dần theo hướng công khai, dân chủ, phù hợp với các quy định của pháp luật, nội dung gắn với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, bảo đảm phát huy thuần phong mỹ tục, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang; vận động thực hiện chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa…

Thứ ba, về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã có tác dụng thực sự trong việc nâng cao ý thức pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn, những quy định của Nhà nước có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, như: đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm, nghĩa vụ thuế, xây dựng nông thôn mới… đã được người dân thực hiện tương đối bảo đảm ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Hoàn thành việc xây dựng hệ thống loa truyền thanh đến tận các bản của 21 xã, thị trấn để phổ biến kịp thời và đầy đủ các văn bản luật có liên quan thiết thực đến đời sống hàng ngày, đến các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội của bà con Nhân dân.

Thứ tư, về việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo.

Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án kết hợp huy động các nguồn lực trong Nhân dân gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Các phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng mô hình dân vận khéo được bà con đồng bào dân tộc, tôn giáo tích cực hưởng ứng. Qua 4 năm tổ chức thực hiện Đề án số 02-ĐA/HU ngày 04/5/2016 của huyện ủy Anh Sơn về công tác dân vận vùng đặc thù (giai đoạn 2016 – 2020) đã xây dựng được nhiều mô hình dân vận khéo trong sản xuất – kinh doanh, trong văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng, vận động các tầng lớp nhân dân vùng đặc thù hiến trên 15.896m2 đất và hàng ngàn cây ăn quả, hàng vạn ngày công, hàng chục tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn mới.

Điển hình làm tốt các bản dân tộc Bản Bến Cơi (xã Bình Sơn) và 2 bản Ồ Ồ, Già Hóp (xã Tường Sơn) bà con đồng bào dân tộc đã tự nguyện đóng góp hơn 50 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa bản, các hộ gia đình đều có công trình nước sạch bảo đảm sinh hoạt. Ở Bản Mới xã Thành Sơn hiến hơn 400 m2 đất vườn ở, đóng góp hàng trăm ngày công và 56 triệu đồng làm được 2 km đường giao thông. Đối với các thôn vùng có đạo, chỉ tính riêng ở 4 giáo xứ, 15 giáo họ bà con đã đóng góp 4,7 tỷ đồng bằng tiền mặt, ngày công lao động, vật liệu xây dựng, di dời, tháo dỡ 8.000 m bờ rào, hiến 7.500 m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn; làm mới 2.154 m kênh mương; đào đắp và làm mới 3.297 m đường nội đồng phục vụ sản xuất1.

Hoạt động tự quản của người dân đã phát triển rất rõ rệt. Đến tháng 6/2020, trên địa bàn huyện đã thành lập 21 ban chỉ đạo tự quản, 159 ban tự quản, 1.275 tổ tự quản; xây dựng 21 mô hình điển hình tiên tiến. Ý thức của Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội được nâng lên, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, không để xảy ra “điểm nóng”2.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã cần thiết một hệ thống giải pháp mang tính đồng bộ, toàn diện.

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy ở huyện Anh Sơn trong THPL về DCCX. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân góp ý cho cán bộ, đảng viên theo tinh thần vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của các cấp uỷ Đảng, gắn đổi mới phương thức lãnh đạo với chỉnh đốn Đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy, bảo đảm thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền, các đoàn thể, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; hướng mạnh về cơ sở, nắm bắt và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Thực hiện nhất thể hóa một số chức danh, tổ chức; tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng các cơ quan tham mưu, đội ngũ làm công tác tham mưu, giúp việc của cấp ủy. Duy trì tiếp xúc đối thoại với Nhân dân để nắm bắt và chỉ đạo giải quyết kịp thời những tồn tại ở cơ sở; thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của cấp ủy, phân công cụ thể trách nhiệm của từng cấp ủy viên đối với các lĩnh vực, gắn liền với chế độ trách nhiệm cá nhân trong hướng dẫn, kiểm tra, nắm bắt và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, vướng mắc.

Thứ hai, đổi mới và nâng cao vai trò tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở huyện Anh Sơn trong THPL DCCX.

(1) Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nghiêm túc thực hành dân chủ trong đảng. Tổ chức tốt các việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, khơi dậy trí tuệ và mọi nguồn lực trong dân, lãnh đạo việc kiểm tra, giám sát, tổng kết thực tiễn.

(2) Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền cấp xã ở huyện Anh Sơn. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; thực hiện tốt hơn nữa phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, minh bạch trong quản lý tài chính, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản; thực hiện dân chủ phải đi đôi với giữ gìn kỷ cương phép nước. Thực hiện tốt Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

(3) Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục Nhân dân thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là nhiệm vụ của địa phương. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; thực hiện tốt vai trò trung tâm phối hợp thống nhất nhận thức và hành động với các tổ chức thành viên; tập hợp, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Cùng với các tổ chức thành viên nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nâng cao chất lượng công tác đối thoại giữa cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.

Thứ ba, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân ở huyện Anh Sơn.

Phổ biến, giáo dục pháp luật về DCCX cho Nhân dân ở huyện Anh Sơn nhằm mục đích cung cấp, trang bị cho mỗi người dân kiến thức, hiểu biết pháp luật về DCCX, bao gồm các quyền dân chủ của Nhân dân, trách nhiệm của chính quyền, CBCC cấp xã, trưởng thôn, bản, Nhân dân trong THPL về DCCX. Từ đó, hình thành trong Nhân dân huyện Anh Sơn thái độ, niềm tin với pháp luật, tạo dựng thói quen, lối sống, hành vi xử sự tích cực trong THPL về DCCX ở huyện Anh Sơn.

Bên cạnh việc hiện đại hóa hệ thống truyền thanh xã, các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cũng cần được đa dạng hóa như phát miễn phí các tài liệu pháp luật về thực hiện DCCX cho hộ gia đình, cho các tổ chức tự quản ở thôn, bản để nghiên cứu; hoặc lồng ghép các nội dung phổ biến trong các hội nghị sinh hoạt của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở xã và các buổi sinh hoạt thôn, bản làng, tổ dân phố. Nội dung tuyên truyền đa dạng, như: họp báo, thông cáo báo chí; phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

Nội dung tuyên truyền cần lồng ghép với các văn bản pháp luật liên quan nhiều đến quyền con người và đời sống xã hội trên địa bàn cơ sở, như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật An toàn giao thông, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, các chế độ, chính sách đối với các hộ nghèo…

Thứ tư, hoàn thiện pháp luật về DCCX.

Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn cũng đang bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập cụ thể: chưa có quy định thẩm quyền, chức năng của các cấp cao hơn trong việc theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc cấp xã THPL về DCCX như thế nào; không đề cập đến sự giám sát độc lập việc thực hiện DCCX bởi các tổ chức công tác xã hội khác như Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; không đề cập đến tính chịu trách nhiệm của các chủ thể cụ thể liên quan đến hệ quả của việc tuân thủ hoặc không tuân thủ pháp luật về thực hiện DCCX; nguồn lực (nhân lực, vật lực) để THPL về DCCX vẫn còn là một dấu hỏi lớn về cách triển khai thực hiện.

Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn cũng chưa có quy định về nâng cao nhận thức, tập huấn pháp luật hoặc xây dựng năng lực cho các CBCC đóng vai trò quyết định trong việc thực thi Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, như: chủ tịch UBND xã, người đứng đầu các tổ chức, đoàn thể, trưởng thôn… Trong khi đó, những yêu cầu và nội dung thực hiện DCCX đã có nhiều điểm mới, nhất là vấn đề đất đai, phòng chống tham nhũng, vấn đề lợi dụng DCCX…, đã vượt ra khỏi phạm vi tác động của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường thị trấn.

Những bất cập, hạn chế trong thể chế thực hiện DCCX là nguyên nhân quan trọng dẫn đến công tác THPL dân chủ trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như ở nhiều nơi thực hiện DCCX còn mang tính hình thức, quyền làm chủ của người dân bị xâm hại, mức độ suy giảm niềm tin của một số người vào chế độ gia tăng, một số điểm nóng chính trị – xã hội xuất hiện và có mức độ lan tỏa nhanh. Từ thực tế đó, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về DCCX theo hướng khắc phục những hạn chế bất cập; mở rộng hơn nữa hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp của Nhân dân ở cấp xã.

Mặt khác, theo tinh thần nội dung Hiến pháp năm 2013, liên quan đến dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh nguyên tắc “kiểm soát quyền lực” như một yêu cầu khách quan trong cơ chế minh bạch trong quản trị nhà nước và dân chủ hóa đời sống xã hội. Theo đó, sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện những quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của Nhân dân, mở rộng, tạo điều kiện để người dân phát huy vai trò làm chủ của mình trong phát triển kinh tế – xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt  các quy định về DCCX. Thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”. Đồng thời, với phát huy dân chủ là yêu cầu tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội.

Chú thích:
1. Huyện ủy Anh Sơn. Báo cáo tổng kết 4 năm thực hiện đề án số 02-ĐA/HU ngày 04/5/2016 về công tác Dân vận vùng đặc thù giai đoạn 2016 – 2020.
2. Huyện ủy Anh Sơn. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XX trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Tài liệu tham khảo:
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Giáo trình Trung cấp lý luận Chính trị – Hành chính. H. NXB Lý luận chính trị, 2017, tr. 329.
2. Hiến pháp năm 2013.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 232.

TS. Nguyễn Thị Hoài An
 Trường Chính trị tỉnh Nghệ An