Giải pháp triển khai hiệu quả luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2019  

(Quanlynhanuoc.vn) – Để  khắc phục những bất cập trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, nhất là chủ thể thực hiện ủy quyền chưa được quy định rõ, Luật số 47/2019/QH14 đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22/11/2019 quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn, chính quyền địa phương cấp tỉnh và giữa các cấp chính quyền địa phương. Theo đó, việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện về ngân sách và nguồn nhân lực của các địa phương; đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp.

 

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ tám (http://media.quochoi.vn).

Quy định mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019

Về phân cấp, phân quyền, ủy quyền

Trước đây, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã quy định các nội dung mang tính nguyên tắc về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp (PQPC), ủy quyền đối với chính quyền địa phương (CQĐP) tại Điều 11, 12 và 14. Tuy nhiên, một số quy định của Luật về phân định thẩm quyền, PQPC, ủy quyền chưa được quy định rõ, nhất là chủ thể thực hiện ủy quyền, gây khó khăn trong việc áp dụng và hạn chế hoạt động của CQĐP các cấp.

Để khắc phục những quy định trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức CQĐP năm 2019 (sau đây viết tắt là Luật năm 2019) quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn, CQĐP cấp tỉnh và giữa các cấp CQĐP. Theo đó, việc PQPC cho các cấp CQĐP phải bảo đảm điều kiện về ngân sách và nguồn nhân lực của các địa phương. CQĐP thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được PQPC và chịu trách nhiệm trong phạm vi được PQPC (điểm e khoản 2 Điều 11).

Việc phân quyền cho các cấp CQĐP được quy định trong Luật năm 2019. Đồng thời, trong trường hợp này, Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà các cấp CQĐP không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác (khoản 1 Điều 12). Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho CQĐP hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn (khoản 3 Điều 13).

Về ủy quyền, Luật năm 2019 quy định trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên và Ủy ban nhân dân (UBND) có thể ủy quyền cho UBND cấp dưới trực tiếp; UBND có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản, đồng thời phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác.

Có thể khẳng định, với những điểm mới trên, việc PQPC giờ đây đã được yêu cầu phải thể hiện cụ thể bằng Luật và các luật khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước phải bảo đảm không chồng chéo nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các cơ quan. Các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ thì không được quy định các nhiệm vụ đó đối với CQĐP. Các nhiệm vụ, quyền hạn đã quy định thuộc thẩm quyền của CQĐP cấp này thì không được quy định nhiệm vụ, quyền hạn đó đối với CQĐP cấp khác.

Để bảo đảm hơn tính khả thi khi áp dụng các quy định của Luật năm 2019, đồng thời khắc phục một số bất cập, vướng mắc từ thực tiễn triển khai thực hiện ở các địa phương trong 4 năm (2015 – 2019), Luật năm 2019 quy định rõ theo hướng khi thực hiện PQPC phải gắn phân quyền với phân cấp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm các điều kiện cụ thể về ngân sách, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho các địa phương; quy định cụ thể hơn các chủ thể được thực hiện ủy quyền; trách nhiệm của các cơ quan khi thực hiện ủy quyền và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền.

Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể để tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu lực quản lý trong thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, Luật cũng quy định rõ khi thực hiện PQPC phải gắn với hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm các điều kiện về ngân sách, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện; quy định cụ thể các trường hợp được thực hiện phân cấp, ủy quyền để tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Luật năm 2019 đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 Luật Tổ chức CQĐP năm 2015, khẳng định nguyên tắc Hiến định: CQĐP được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Theo đó, quy định mới theo hướng CQĐP ở quận, phường là cấp CQĐP có Hội đồng nhân dân (HĐND) và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp CQĐP để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng đô thị.

Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo chia thành các đơn vị hành chính cấp xã thì tại đơn vị hành chính cấp xã tổ chức cấp CQĐP, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp CQĐP, cấp CQĐP tại đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện ở hải đảo gồm có HĐND và UBND (khoản 2 Điều 72) và giao Chính phủ quy định việc tổ chức các cơ quan thuộc CQĐP ở địa bàn hải đảo (khoản 3 Điều 72). Đối với các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, việc tổ chức CQĐP sẽ do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đó (Điều 75).

 Về tổ chức Hội đồng nhân dân

Luật sửa đổi lần này có bổ sung tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu HĐND, trong đó quy định có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (khoản 1 Điều 7). Quy định này cũng nhằm bảo đảm sự chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn. Đây sẽ là cơ sở cho việc xử lý đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND có đồng thời quốc tịch Việt Nam và quốc tịch một nước khác.

Luật năm 2019 quy định rõ khung số lượng đại biểu HĐND theo hướng giảm từ 10 – 15% số lượng đại biểu HĐND ở từng loại hình đơn vị hành chính cụ thể, từ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định về trách nhiệm của đại biểu HĐND với cử tri, về tiếp xúc cử tri và thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND. Đặc biệt, quy định rõ hơn các trường hợp phải thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu HĐND là cán bộ, công chức nhà nước hoặc viên chức thuộc đơn vị sự nghiệp công lập không còn công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị và không cư trú tại đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu thì phải thôi làm nhiệm vụ đại biểu.

Thường trực HĐND được quy định thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Luật năm 2019 và các quy định khác của luật chuyên ngành khác mà có quy định; đồng thời chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND. Thành viên của Thường trực HĐND không thể đồng thời là thành viên của UBND cùng cấp. Luật cũng bỏ quy định chánh Văn phòng trong Thường trực HĐND cấp tỉnh và quy định rõ số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh (nếu chủ tịch hoạt động chuyên trách thì có 1 phó chủ tịch; nếu chủ tịch hoạt động không chuyên trách thì có 2 phó chủ tịch). Còn đối với chức danh phó trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, nếu trưởng ban hoạt động chuyên trách thì có 1 phó trưởng ban; nếu trưởng ban hoạt động không chuyên trách thì có 2 phó trưởng ban.

Thường trực HĐND huyện gồm: chủ tịch HĐND, 1 phó chủ tịch HĐND và các ủy viên là trưởng ban của HĐND huyện. Như vậy, cơ cấu thường trực HĐND cấp huyện giảm 1 phó chủ tịch HĐND cấp huyện (từ 2 người xuống còn 1 người).

Thường trực HĐND xã gồm: chủ tịch HĐND, 1 phó chủ tịch HĐND và các ủy viên là trưởng ban của HĐND xã. Phó chủ tịch HĐND xã là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Như vậy là có bổ sung trưởng ban của HĐND cấp xã là ủy viên thường trực HĐND cấp xã.

Việc quy định giảm số lượng đại biểu HĐND, phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và quy định một phó trưởng ban HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW  ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) và quy định giảm số lượng phó chủ tịch HĐND ở tất cả đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong cơ cấu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước.

 Một số quy định khác

Luật năm 2019 đã bổ sung thẩm quyền của HĐND cấp xã, thị trấn thông qua kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm của xã, thị trấn trước khi trình UBND huyện phê duyệt. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách thị trấn… Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn theo quy định của pháp luật hằng năm của cấp xã (do UBND cấp xã xây dựng) trước khi trình UBND cấp huyện phê duyệt (quy định tại Điều 33, 61, 68). Đồng thời, bổ sung quy định cơ cấu của UBND cấp xã loại II có không quá 2 phó chủ tịch (theo quy định trước đây, xã loại II và loại III có một phó chủ tịch) nhằm khắc phục khó khăn trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã.

Về bộ máy giúp việc của CQĐP, được quy định: HĐND và UBND cấp tỉnh, cấp huyện có cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động theo quy định của pháp luật (không quy định cụ thể tên các văn phòng như trước) và giao Chính phủ quy định cụ thể.

Để thực hiện việc tổ chức lại các đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên và quy mô dân số không đạt tiêu chuẩn theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị, Luật đã quy định theo hướng: khuyến khích việc nhập các đơn vị hành chính cùng cấp. Thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Ngoài các nội dung nội dung nêu trên, Luật còn sửa đổi một số cụm từ cho phù hợp với thực tiễn, như: thay cụm từ “họp bất thường” thành “họp chuyên đề, họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất” đối với kỳ họp HĐND và phiên họp UBND).

Giải pháp thực hiện hiệu quả Luật năm 2019

Một là, tổ chức quán triệt và tuyên truyền, phổ biến Luật năm 2019. Các bộ, ngành liên quan cần tổ chức quán triệt thực hiện và tuyên truyền, phổ biến những nội dung mới của Luật năm 2019 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và người dân thuộc phạm vi của bộ, ngành mình quản lý.

Đối với các địa phương, sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, các sở, ngành, cơ quan liên quan và các huyện, thị xã, thành phố triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung và điểm mới của Luật này. Đồng thời, cung cấp thông tin cập nhật nhất về những nội dung sửa đổi có liên quan đến phân cấp, phân quyền và ủy quyền đối với CQĐP cùng các văn bản hướng dẫn Luật cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong địa bàn tỉnh để làm tài liệu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến Luật năm 2019.

Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình trên địa bàn tích cực tuyên truyền, phổ biến những điểm mới của Luật năm 2019 và các văn bản hướng dẫn Luật. Các cơ quan thông tin đại chúng ở các địa phương cần phối hợp với sở Nội vụ phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật để xây dựng chuyên trang, chuyên mục phổ biến, tuyên truyền. HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã triển khai tổ chức giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến Luật năm 2019 bằng hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương (thông qua lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật mới theo kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật).

Hai là, tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức CQĐP năm 2019 để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định của luật chuyên ngành và các văn bản của HĐND, UBND các cấp với các quy định của Luật. Các địa phương cần thực hiện hiệu quả Nghị định số 69/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 quy định số lượng phó chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND.

Hiện nay, Chính phủ đã và đang triển khai ban hành 6 nghị định (sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các nghị định hiện hành với nhiều nội dung liên quan tới tổ chức và hoạt động của CQĐP. Đây cũng là nhiệm vụ cần thực hiện nhằm triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ưong 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội.

Ba là, CQĐP các cấp cần tích cực triển khai thực hiện các nội dung có liên quan được quy định trong Luật năm 2019. Theo đó, UBND cấp tỉnh cần sớm xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện các quy định của Luật năm 2019 trên địa bàn địa phương. Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, cơ quan liên quan và chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong phạm vi quản lý của sở, ngành và địa phương mình chủ động, tích cực triển khai thực hiện kế hoạch theo nhiệm vụ được phân công, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí.

UBND cấp huyện, cấp xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành kế hoạch triển khai các quy định mới của Luật năm 2019, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Để bảo đảm điều kiện chuyển tiếp, Luật cũng đã quy định: từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến khi bầu ra HĐND nhiệm kỳ 2021 – 2026, số lượng đại biểu HĐND tại các đơn vị hành chính, cơ cấu thường trực HĐND cấp tỉnh và cấp xã; số lượng phó chủ tịch HĐND và phó trưởng ban của Ban thuộc HĐND cấp tỉnh, phó chủ tịch HĐND cấp huyện, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn loại II tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức CQĐP năm 2015.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện, bảo đảm nghiêm túc và hiệu quả. Để thực hiện nhiệm vụ này, Văn phòng UBND cấp tỉnh cần theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan trong việc triển khai kế hoạch thực hiện Luật năm 2019. Các cơ quan được giao chủ trì có trách nhiệm hoàn thành các nội dung, bảo đảm tiến độ công việc. Các cơ quan phối hợp có trách nhiệm tham gia với cơ quan chủ trì thực hiện các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch thực hiện tích cực, nghiêm túc và đúng pháp luật.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019.
3. Nghị định số 69/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 quy định số lượng phó chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân.
4. Công văn số 764/BNV-CQĐP ngày 20/02/2019 của Bộ Nội vụ về việc đăng tải Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trần Quốc Toản
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên