Vai trò của thanh tra xây dựng trong hoạt động phòng, chống tham nhũng

(Quanlynhanuoc.vn) – Thanh tra là một trong những khâu quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước. Thanh tra được ví như “tai mắt” của các cấp lãnh đạo, quản lý và được tổ chức thành một hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Chính vì vậy, hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra xây dựng nói riêng góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

 

Thanh tra xây dựng giám sát tháo dỡ công trình vi phạm trên địa bàn quận Ba Đình- Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Thực trạng hoạt động phòng, chống tham nhũng của thanh tra xây dựng

Thanh tra  là một trong những cơ quan có nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh chống tham nhũng. Điều 60 Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 quy định: “Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.

Trong những năm qua, các cơ quan thanh tra nói chung và thanh tra xây dựng nói riêng đã tích cực thực hiện vai trò của mình trong công tác PCTN và đạt được những kết quả khả quan. Ngành Xây dựng mà cơ quan quản lý là Bộ Xây dựng cũng đặc biệt chú trọng đến công tác PCTN.

Một là, thực hiện PCTN  qua hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng.

Trong những năm gần đây, các hành vi tiêu cực làm thất thoát, lãng phí trong hoạt động đầu tư xây dựng có chiều hướng diễn biến phức tạp. Nhằm mục đích hạn chế tình trạng trên và đưa Chương trình hành động của Bộ Xây dựng về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành một số văn bản chỉ đạo công tác này, như: Chỉ thị số 01/CT-BXD ngày 23/01/2013 về tăng cường việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN; Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 12/11/2015 về tăng cường việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN; Chỉ thị số 03/CT-BXD ngày 03/9/2019 về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ…

Bộ Xây dựng cũng ban hành các kế hoạch để triển khai thi hành Luật PCTN; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác PCTN, phòng chống tội phạm trong hoạt động xây dựng theo nhiệm vụ được giao tại các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương và Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo Thanh tra Bộ ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN tại các đơn vị trực thuộc Bộ; chỉ đạo 66 đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện và hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã thực hiện 20 báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ và Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ về phòng ngừa vi phạm pháp luật và phòng, chống tội phạm trong hoạt động xây dựng1.

Tất cả các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng đều được quán triệt cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Nhà nước về PCTN; nghiêm túc thực hiện chế độ, thông tin báo cáo về công tác PCTN; thực hiện công khai tài chính đúng quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm túc Luật Đấu thầu và việc kê khai, minh bạch tài sản thu nhập theo quy định…

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN, như: tham gia “Chương trình minh bạch trong hoạt động xây dựng” cùng với Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành khác; tham gia một số kỳ đối thoại về PCTN với vai trò là đồng chủ trì cùng với Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành khác; phối hợp với Bộ Công an tiến hành kiểm tra và sơ kết 2 năm việc thực hiện Thông tư liên tịch số 04/2007/ TTLT-BXD-BCA ngày 07/7/2007 giữa Bộ Xây dựng và Bộ Công an hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng của các sở Xây dựng.

Nghiên cứu và tiến hành triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp nhằm phòng ngừa tham nhũng, như: tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định và pháp luật về PCTN trong lĩnh vực xây dựng, tạo tiền đề tích cực để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng và loại bỏ dần cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng; tiến hành cải cách thủ tục hành chính; rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các định mức kinh tế kỹ thuật…

Hai là, kết quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng qua hoạt động thanh tra.

Trong hoạt động PCTN nói chung của ngành Xây dựng, thanh tra xây dựng đã tích cực thực hiện vai trò của mình thông qua hoạt động tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng và ban hành các văn bản về công tác PCTN hoặc liên quan đến biện pháp PCTN trong lĩnh vực xây dựng .

Hằng năm, thanh tra Bộ Xây dựng đều ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra xây dựng địa phương triển khai thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, đồng thời phê duyệt kế hoạch thanh tra trách nhiệm đối với ngành, địa phương theo định hướng được Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ phê duyệt cũng như thanh tra đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng. Đồng thời, phối hợp với Thanh tra Chính phủ trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu, kinh nghiệm về công tác PCTN; qua đó nắm bắt thường xuyên thông tin về tình hình, công PCTN, phục vụ có hiệu quả cho việc tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng và kiến nghị chính sách, giải pháp PCTN; thực hiện các hoạt động tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác PCTN thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và tổng kết kinh nghiệm về hoạt động PCTN trong lĩnh vực xây dựng.

Bên cạnh đó, thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai tốt các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về PCTN, tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTN. Thông qua công tác chỉ đạo, tiến hành thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, nhất là đầu tư xây dựng cơ bản.

Năm 2019, đã thực hiện 44 đoàn thanh tra theo kế hoạch trong các lĩnh vực: lập và quản lý quy hoạch; hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở; vật liệu xây dựng; quản lý dự án đầu tư xây dựng; trong đó gồm 2 đoàn thanh tra đột xuất theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng và lãnh đạo Bộ yêu cầu thực hiện (tại trường Đại học Y và Ban Quản lý đầu tư xây dựng chuyên ngành Bộ Xây dựng)2.

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã ban hành 93 kết luận các đoàn thanh tra (bao gồm 86 kết luận thanh tra ban hành năm 2019 và 7 kết luận thanh tra ban hành năm 2018). Trong đó, kiến nghị, yêu cầu xử lý về kinh tế, bao gồm cả những kết luận thanh tra năm 2019 và các năm trước chuyển sang: tổng số tiền 626,97 tỷ đồng (gồm: yêu cầu phê duyệt lại dự toán 208,67 tỷ đồng; yêu cầu giảm trừ thanh quyết toán 25,3 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 377,6 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ 15,4 tỷ đồng). Đồng thời, ban hành 74 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4,037 tỷ đồng3.

Năm 2019, sau khi có kết quả thanh tra, thanh tra Bộ đã ban hành 42 quyết định thu hồi tiền, 41 văn bản đôn đốc yêu cầu thực hiện kết luận thanh tra, 17 văn bản đôn đốc yêu cầu thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Kết quả về thực hiện kết luận thanh tra (theo kế hoạch năm 2019 và các năm trước): tổng số tiền là 43,169 tỷ đồng (gồm: phê duyệt lại dự toán 31,7 tỷ đồng; giảm trừ thanh quyết toán 1,7 tỷ đồng; thực hiện thu hồi về tài khoản tạm giữ của thanh tra Bộ 9,7 tỷ đồng; số tiền nộp về tài khoản của chủ đầu tư 69 triệu đồng); thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4,5 tỷ đồng (tổng số tiền xử phạt năm 2019 và các năm trước chuyển sang). Về việc xử lý hành chính: theo báo cáo của các đơn vị và qua công tác kiểm tra, đã có 25 tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm, rút kinh nghiệm4.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, có thể thấy, những vi phạm chủ yếu được phát hiện bao gồm: việc ban hành một số quy định phục vụ công tác quản lý tài chính chưa đầy đủ; chưa xây dựng một số định mức kinh tế – kỹ thuật phù hợp với đặc điểm kinh tế – kỹ thuật, ngành nghề kinh doanh; công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng còn sai sót về trình tự, thủ tục đấu thầu…

Như vậy, có thể thấy vai trò của thanh tra xây dựng trong công tác PCTN là hết sức to lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc PCTN của thanh tra xây dựng vẫn còn một số hạn chế, như: việc phối hợp trao đổi thông tin và xử lý các vụ việc tham nhũng còn bất cập; kết quả phát hiện tham nhũng còn thấp; việc đánh giá tình hình, hiệu quả PCTN còn chậm và chưa sát với thực tế; việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về PCTN ở các nước còn chưa thường xuyên…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, trong đó, có thể thấy, PCTN là lĩnh vực rộng, phức tạp, nhạy cảm; đối tượng tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, khả năng che giấu hành vi vi phạm. Do đó, qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong nhiều trường hợp rất khó phát hiện, nhất là việc chứng minh động cơ “vụ lợi” khi đã phát hiện được hành vi cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm cũng hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, do tác động của nhiều yếu tố mà hiện nay, công tác phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, công an, viện kiểm sát, tòa án vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, đặc biệt, thiếu sự phối hợp trong việc trao đổi thông tin về các hành vi tham nhũng hoặc về tội phạm tham nhũng…

Một số giải pháp tăng cường hoạt động của thanh tra xây dựng trong hoạt động phòng, chống tham nhũng

Để nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh PCTN, cần phát huy hơn nữa vai trò của thanh tra xây dựng đối với hoạt động này. Theo đó, cần tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về vai trò của cơ quan thanh tra xây dựng đối với công tác PCTN. Chức năng cơ bản của thanh tra là kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành chính sách, pháp luật của các đối tượng bị thanh tra. Chính từ quá trình thực hiện các chức năng cơ bản này, thanh tra có thể hiểu rõ những khiếm khuyết trong cơ chế chính sách làm phát sinh hành vi tham nhũng. Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, một mặt, cần đề cao vai trò, trách nhiệm Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, mặt khác, phải bảo đảm tính độc lập tương đối của thanh tra Bộ Xây dựng với chính cơ quan quản lý cùng cấp, tăng cường tính hệ thống theo ngành giữa thanh tra Bộ Xây dựng với cơ quan thanh tra cấp dưới.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về các biện pháp bảo đảm việc thi hành các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra nhằm nâng cao hiệu lực hoạt động thanh tra PCTN.

Nghiên cứu để sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 theo hướng nâng cao địa vị pháp lý, vai trò, tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra về các hoạt động, quyết định của mình. Đây chính là định hướng đã được xác định rõ tại Nghị quyết số 48/2005/NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 21/2009/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ về Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về PCTN và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, thanh tra viên ngành Xây dựng. Để nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức trách nhiệm của thanh tra xây dựng, mỗi cán bộ, thanh tra viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, PCTN, cần tổ chức, quán triệt kịp thời, sâu rộng các quy định của Luật PCTN, đồng thời, góp phần vào việc tuyên truyển, phổ biến giáo dục về công tác PCTN trong các tầng lớp nhân dân để tạo sự chuyển biến tích cực thống nhất về nhận thức và hành động.

Ngoài ra, thanh tra Bộ Xây dựng cần trực tiếp chỉ đạo các cơ quan thanh tra cấp dưới tích cực tuyên truyền, phổ biến về vị trí, vai trò của cơ quan thanh tra trong công cuộc đấu tranh PCTN. Đặc biệt, cần quán triệt để thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước nhận thức đúng về vị trí, vai trò của cơ quan thanh tra đối với công tác PCTN.

Xây dựng chiến lược đào tạo cán bộ thanh tra với các giải pháp dài dạn, trung hạn, ngắn hạn cùng lộ trình hợp lý, khoa học. Nghiên cứu, xây dựng khung chương trình cũng như nội dung của chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra PCTN một cách phù hợp cho cán bộ, thanh tra viên ngành Xây dựng.

Thứ ba, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về PCTN. Thực tế đã chứng minh, qua công tác thanh tra, cơ quan thanh tra đưa ra rất nhiều kiến nghị mà việc thực hiện chúng đã hạn chế được các vụ việc tham nhũng phát sinh, vì vậy, cần tăng cường vai trò của cơ quan thanh tra trong hoạt động này. Theo đó, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm những biểu hiện “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau”. Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án xây dựng gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, được dư luận xã hội quan tâm.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, thanh tra Bộ Xây dựng ngoài việc thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra của mình, cần hướng dẫn cơ quan thanh tra cấp dưới xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra của ngành Xây dựng.

Thanh tra Bộ cũng cần tham mưu với Lãnh đạo Bộ Xây dựng kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp trong việc thực hiện pháp luật về PCTN, coi đây là một trong những biện pháp để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động PCTN của ngành.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu và ban hành đồng bộ các chính sách liên quan đến PCTN, lãng phí, như: vấn đề giải phóng mặt bằng; lựa chọn nhà thầu; cấp phép xây dựng; quản lý chất lượng công trình… Chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng làm cơ sở để PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thứ tư, xây dựng, kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống quản lý ngành Xây dựng trong cả nước, đặc biệt quan tâm đến hệ thống tổ chức và lực lượng quản lý xây dựng các cấp; hệ thống quản lý chất lượng công trình xây dựng; tư vấn quy hoạch xây dựng; thanh tra xây dựng.

Hằng năm, ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra của ngành và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra của đơn vị, tập trung vào các dự án, các lĩnh vực có khả năng xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí cao.

Thứ năm, xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ, thanh tra ngành Xây dựng nói chung, trong đó có những cán bộ làm công tác đấu tranh PCTN nói riêng để họ yên tâm công tác, qua đó nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

Việc thực hiện một cách nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp nâng cao vai trò của thanh tra xây dựng đối với công tác PCTN, giúp đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở đó, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng vững mạnh.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Báo cáo số 174/BC-BXD ngày 24/12/2019 của Bộ Xây dựng về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
2. Chỉ thị số 01/CT-BXD ngày 23/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về tăng cường việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
3. Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 12/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về tăng cường việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
4. Chỉ thị số 03/CT-BXD ngày 03/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.
5. Quyết định số 1369/QĐ-BXD ngày 24/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành kế hoạch thanh tra năm 2019.
6. Văn bản số 1411/TTCP-C.IV ngày 30/6/2009 của Thanh tra Chính phủ về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

ThS. Vũ Chí Cương
Bộ Xây dựng