Công tác tham mưu của lãnh đạo cấp phòng thuộc sở ở tỉnh Quảng Ngãi

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác tham mưu (CTTM) luôn được coi là mảng hoạt động quan trọng của người lãnh đạo, quản lý cấp phòng. Một đơn vị, tổ chức hoạt động thông suốt, hiệu quả một phần nhờ vào CTTM này. Chính vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng là cơ sở quan trọng giúp cho CTTM và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của lãnh đạo cấp phòng (LĐCP) ngày càng đạt hiệu quả.

 

Lãnh đạo Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Quảng Ngãi chụp ảnh cùng 11 cán bộ cấp phó phòng và tương đương trong lễ trao quyết định (Nguồn: baoquangngai.vn).
 Công tác tham mưu của lãnh đạo cấp phòng thuộc sở ở tỉnh Quảng Ngãi

Thời gian qua, LĐCP thuộc sở tại tỉnh Quảng Ngãi đã có những bước chuyển biến tích cực. Qua khảo sát tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động – Thương binh Xã hội, Sở Nội vụ cho thấy: (1) Cơ cấu giới tính: nữ  (56,2%), nam (43,8%); (2) Độ tuổi: dưới 30 tuổi (6,25%), từ 30 đến dưới 40 tuổi (31,35%), từ 40 đến dưới 50 tuổi (56,25%), từ 50 đến dưới 60 tuổi (6,25%); (3) Trình độ đào tạo: đại học (37,5%), thạc sỹ (37,5%); (4) Chức vụ đang đảm nhiệm: phó phòng (56,25%), trưởng phòng (43,75%); (5) Thời gian đảm nhiệm chức vụ: dưới 1 năm (18,75%), từ 1 đến dưới 5 năm (18,75%), từ 5 đến dưới 10 năm (18,75%), từ 10 năm trở lên (43,75%)1.

Qua số liệu cho thấy, phần lớn LĐCP đang ở độ tuổi “chín” về nghề nghiệp, có kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đã được chuẩn hóa. Đặc biệt, tỉnh còn quán triệt trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm gắn với hình thức đào tạo. Tại Kết luận số 859/KL/TU ngày 28/12/2018 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 14 (khóa XIX) về điều chỉnh tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn để bổ nhiệm đối với cấp tỉnh, cấp huyện: “Những đồng chí sinh từ năm 1965 – 1975, trường hợp không tốt nghiệp đại học chính quy có thể xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh phó trưởng phòng và tương đương trở lên có phẩm chất đạo đức tốt được cơ quan, đơn vị tín nhiệm và cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liền kề hoặc nếu có bằng thạc sỹ thì hoàn thành tốt nhiệm vụ 3 năm liền kề. Những đồng chí sinh sau năm 1975 trở về sau phải tốt nghiệp đại học chính quy”2.

Như vậy, chuẩn hóa về đào tạo, bồi dưỡng LĐCP thuộc sở  tỉnh Quảng Ngãi luôn được quan tâm, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm của công chức LĐCP.

Về trách nhiệm của công chức LĐCP.

Để thực hiện CTTM, trước hết, bản thân công chức LĐCP phải luôn kịp thời nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và được cấp trên  tin tưởng giao nhiệm vụ – điều này vừa thể hiện trách nhiệm của công chức với công việc nhưng cũng là thuận lợi đối với công chức khi được sự tin tưởng từ phía lãnh đạo. Đồng thời, bản thân LĐCP làm CTTM cũng nhận thấy tuy công việc khó khăn, vất vả nhưng lại có những cơ hội từ chính công việc. Đơn cử như: (1) LĐCP được rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn; (2) Có cơ hội học tập nâng cao trình độ, năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ; (3) Thông qua nhiệm vụ được giao, LĐCP còn được tham mưu với lãnh đạo Ủy ban nhân dân, (đây cũng là cơ hội để khẳng định năng lực và nhận được sự tín nhiệm của đồng nghiệp, lãnh đạo cấp trên); (4) Có cơ hội học hỏi, thăng tiến và phát triển. Từ vị trí CTTM của LĐCP có thể đem lại cơ hội cho mỗi cá nhân từ chính công việc họ đang đảm nhiệm.

 Về phía lãnh đạo cơ quan.

(1) Được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ và định hướng công việc để cấp dưới tham mưu, triển khai thực hiện.

(2) Luôn được tiếp cận kịp thời với các văn bản, thông tin chỉ đạo, điều hành mới nhất.

(3) Được lãnh đạo sở luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

(4) Luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm từ các đồng nghiệp và những người đi trước. Đây chính là động lực để cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu của mình.

Về môi trường tổ chức.

Môi trường tổ chức là yếu tố quan trọng  không thể thiếu để giúp LĐCP hoàn thành tốt CTTM. Điều này được LĐCP khẳng định: (1) Được làm trong môi trường hành chính chuyên nghiệp; (2) Nhận được sự hỗ trợ, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ của các đồng nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong CTTM tại cơ quan, đơn vị; (3) Được lãnh đạo và đồng nghiệp tin tưởng, tôn trọng, tạo được sự gần gũi với mọi người khi làm việc; (4) Được làm việc trong môi trường có mối quan hệ tương tác với các đồng nghiệp luôn đoàn kết, hợp tác và thống nhất cao, có tinh thần tương trợ.

Những hạn chế tồn tại

Bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn một số khó khăn nhất định, như:

(1) Khó khăn từ chính nhiệm vụ được giao.

– Nhiệm vụ chuyên môn nhiều, các chính sách mới thường xuyên sửa đổi và bổ sung. Do đó, cần phải có thời gian nghiên cứu, tiếp cận để CTTM đạt hiệu quả.

– Lĩnh vực được giao phụ trách rộng, nhiều văn bản của cấp trên hướng dẫn về thực hiện các chế độ, chính sách còn chồng chéo, tính khả thi và hiệu quả chưa cao. Nên LĐCP gặp rất nhiều khó khăn trong CTTM và triển khai thực hiện nhiệm vụ.

– Công việc được giao nhiều, biên chế ít, quá trình tham mưu có lúc, có nơi còn chậm.

(2) Khó khăn đến từ chính bản thân LĐCP.

– Trong CTTM, bản thân nhiều LĐCP còn hạn chế về một số kỹ năng, như: kỹ năng phát hiện và lựa chọn vấn đề; kỹ năng chuẩn bị thông tin, căn cứ, lý lẽ; kỹ năng lựa chọn phương pháp và dự kiến kết quả; kỹ năng trình bày và thuyết phục… Một số LĐCP chưa mạnh dạn chủ động, đề xuất, tham mưu, dự báo với lãnh đạo sở. Công tác phân tích và xử lý các thông tin liên quan trước khi làm báo cáo chưa bao quát toàn diện.

Sở dĩ có những khó khăn, bất cập trên là do:

– Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập… đòi hỏi trong CTTM cần có sự cập nhật kiến thức, kỹ năng. Tuy nhiên, có những vấn đề từ chính sự thay đổi này đụng chạm đến lợi ích của người dân, lợi ích của công chức… nảy sinh từ trong công việc, gây ra nhiều khó khăn trong CTTM.

– Do thay đổi một số văn bản dưới Luật, dẫn đến CTTM đôi khi bị sai sót vì chưa cập nhật hết hoặc căn cứ vào một số văn bản đã hết hiệu lực. Mặt khác, số liệu thống kê được cung cấp để tham mưu đôi khi còn chậm và chưa chính xác.

– Một bộ phận công chức có tâm lý an phận, sức ỳ trong công việc ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết công việc. Mặt khác, vẫn còn tư tưởng định kiến giới trong đánh giá khả năng và sự đóng góp của phụ nữ.

– Vẫn còn một bộ phận công chức chạy theo lợi ích cá nhân, xảy ra hiện tượng bè phái dẫn tới trong mối quan hệ công việc phải “dè chừng” trong từng lời nói, hành động… dẫn đến bầu không khí nghi kị, căng thẳng trong cơ quan.

– Việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức dẫn tới công việc nhiều hơn nhưng chế độ, chính sách chưa thay đổi nên đã tác động không nhỏ đến tinh thần, thái độ làm việc của công chức.

– Một bộ phận công chức lãnh đạo có thái độ hách dịch, xem thường đồng nghiệp, thiếu tinh thần trách nhiệm, cho mình quyền ban phát ơn huệ cho người khác, tạo cơ chế “xin – cho”, gây sách nhiễu, phiền hà, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công việc và diện mạo của cơ quan. Tình trạng kết bè kéo cánh, địa phương chủ nghĩa, sao nhãng việc công, đủng đỉnh trong công việc, giờ giấc tự do… dẫn đến hiệu quả tham mưu, đề xuất chưa cao.

Một số giải pháp đề ra

Thứ nhất, đối với Bộ Nội vụ, cần nghiên cứu khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới chương trình phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao nghiệp vụ của LĐCP.

Thứ hai, đối với lãnh đạo địa phương,  tiếp tục chỉ đạo và xây dựng nguồn nhân lực cho địa phương theo lộ trình, mang tính chiến lược, gắn công tác quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng. Từ đó nâng cao hiệu quả công tác ở từng địa phương nói riêng và toàn ngành nói chung.

Thứ ba, đối với lãnh đạo sở, cần thống nhất trong chỉ đạo, ứng dụng khoa học – công nghệ, tạo cơ hội và điều kiện cho LĐCP được khẳng định năng lực. Xây dựng lộ trình trong công tác nhân sự gắn với các khâu từ tuyển dụng, phân công, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm.

Thứ tư, đổi mới phương pháp và phong cách lãnh đạo, khắc phục bệnh quan liêu, bảo thủ. Xây dựng, thay đổi văn hóa tổ chức cho phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập. Xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, thân thiện, tạo động lực làm việc cho các thành viên trong tổ chức. Phát huy vai trò của các tổ chức Đảng, đoàn thể cùng với chính quyền trong các hoạt động chuyên môn và hoạt động ngoại khóa.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá về tính cập nhật, tính hiệu quả, tính sáng tạo… trong CTTM của LĐCP.

Thứ sáu, xây dựng kho dữ liệu thông tin nội bộ, giúp cho việc cập nhật và xử lý thông tin hiệu quả, từ đó, nâng cao hiệu quả CTTM.

Như vậy, CTTM của LĐCP thuộc sở là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đòi hỏi người làm công tác này phải có năng lực, tư duy, khả năng dự báo, dự đoán, tổng hợp và xử lý thông tin mang tính khoa học, khách quan và hợp lý để mang lại hiệu quả cao nhất trong công việc.

Chú thích:
1. Khảo sát của tác giả tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi, tháng 7/2020.
2. Kết luận số 859/KL/TU ngày 28/12/2018 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 14 (khóa XIX) về điều chỉnh tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn để bổ nhiệm đối với cấp tỉnh, cấp huyện.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Nội vụ. Tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng (ban hành kèm theo Quyết định số 1151/QĐ-BNV ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Hà Nội, 2020.
2. Để đội ngũ tham mưu ngang tầm nhiệm vụ. Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, ngày 16/10/2019.

PGS.TS. Nguyễn Thị Vân Hương
Học viện Hành chính Quốc gia