Nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

(Quanlynhanuoc.vn) – Chiến lược dân số là một trong những vấn đề hàng đầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế – xã hội; là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Vì vậy, đầu tư cho công tác dân số là đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao. Do đó, cần phải coi chất lượng dân số là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao vị thế con người và sự phát triển đất nước phồn vinh.

 

Ảnh: http://dansohcm.gov.vn

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới đã khẳng định: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân… Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế để bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số”.

Trên quan điểm chỉ đạo của Đảng, ngày 22/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, trong đó khẳng định mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

1. Chiến lược Dân số Việt Nam đã đề ra 8 mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Trong  đó, mục tiêu 4 là nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể, tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm; Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á1.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; tuổi thọ trung bình tăng nhanh; tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh.

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam đạt 96,2 triệu người, đứng vị trí thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Chất lượng dân số đã được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ người dân tiếp tục tăng, đạt trung bình khoảng 73,5 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người2.

Cũng theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 10 năm, dân số tăng 10,4 triệu người, bình quân tăng 1,14%/năm. Công tác dân số ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, cơ cấu dân số thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3; tỷ số tử vong mẹ giảm 3/4 so với năm 1990. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi năm 2018. Số năm sống trung bình sau khi đạt 60 tuổi của người Việt Nam đã tương đương nhiều nước châu Âu. Trình độ dân trí của người Việt đã được cải thiện, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết tăng mạnh3; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đến trường, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh trong thập kỷ qua.

2. Tuy nhiên, chất lượng dân số của Việt Nam vẫn còn thấp khi HDI còn nằm ngoài tốp 100; các vấn đề về chiều cao, cân nặng, tầm vóc, sức bền thể lực của người dân chưa được cải thiện đáng kể. Tuổi thọ bình quân là 73,5 tuổi, nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh còn thấp, chỉ đạt 64 tuổi4.

Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện, trong 30 năm chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng được 3 cm. Việc bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10.000 người còn hạn chế, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi.

Hơn nữa, cũng theo thống kê gần nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia, Việt Nam là quốc gia có chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam 164 cm ở nam, 153 cm ở nữ, thấp hơn nhiều so với người Nhật, Hàn và châu Âu. Thống kê của Viện dinh dưỡng quốc gia cho thấy, người Việt Nam thấp nhất khu vực châu Á. Qua 3 thập kỷ, người Việt có cao lên nhưng rất chậm, 10 năm chỉ tăng thêm một cm. Hiện chiều cao trung bình của nam thanh niên nước ta là 164 cm, nữ 153 cm, thấp hơn 8 cm so với người Nhật, 10 cm so với Hàn Quốc. Hiện tại, thanh niên Nhật Bản trung bình cao 172 cm với nam và 158 cm với nữ. Ở Hàn Quốc, chiều cao trung bình nam thanh niên là 174 cm, nữ 161 cm. Thanh niên các nước châu Âu, Hoa Kỳvà Ốt-xtrây-li-acao hơn nhiều so với các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng5.

Hơn nữa, tổ chức bộ máy làm công tác dân số đang có những bất cập nhất định. Về bộ máy làm công tác dân số ở địa phương, bộ máy này đang được hợp nhất một cách cơ học. Bộ máy làm công tác dân số từ cấp huyện trở xuống đang dần dần bị thu hẹp đi và nảy sinh gây nhiều khó khăn trong việc triển khai công tác dân số. Việc cán bộ dân số được đưa vào biên chế trạm y tế xã dẫn đến sự khủng hoảng của đội ngũ cán bộ dân số ở địa phương. Với việc đưa 11 ngàn cán bộ dân số chuyên trách cấp xã vào viên chức ở các trạm y tế xã khiến mỗi năm tiêu tốn một lượng lớn cho quỹ lương cán bộ dân số này. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện lại không cao do quản lý điều hành bị thay đổi. Các cán bộ dân số này hoạt động theo sự chỉ đạo của trạm trưởng trạm y tế xã, phải thực hiện các nhiệm vụ chung của trạm y tế.

Bên cạnh đó, nội dung của dân số thay đổi rất nhiều do quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Hiện nay, hầu hết cán bộ làm công tác dân số phải giải quyết toàn bộ các vấn đề của dân số như làm sao để cân bằng được giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số. Vì vậy, có nhiều nội dung trong công tác dân số phải đào tạo lại kiến thức cho cán bộ dân số cho phù hợp với tình hình hội nhập toàn cầu.

3. Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, để tiếp tục nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững, chúng ta cần tập trung vào các giải pháp sau đây:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân số. Nâng cao chất lượng dân số cần sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và toàn xã hội. Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, người khuyết tật để nâng cao chất lượng dân số. Mặt khác, xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế lồng ghép các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu về dân số và phát triển, nhất là các vấn đề mới, trọng tâm là chất lượng và lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực.

Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân.

Đồng thời, cần có chính sách nhằm thích ứng với già hóa dân số, tận dụng cơ cấu dân số vàng. Từ năm 2011, dân số 60 tuổi trở lên của nước ta chiếm khoảng 10%, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Như đã phân tích, nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số6. Tuy nhiên cơ cấu “dân số vàng” không khai thác thì sẽ mất vào khoảng năm 2040. Vì vậy, cần khẩn trương tận dụng cơ hội quý hiếm này để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Ba là, cần bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác dân số, đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số, tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu như duy trì mức sinh thay thế, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Để bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện công tác dân số, cần kiện toàn tổ chức bộ máy và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác dân số. Cần có đội ngũ mạnh cả về số lượng và chất lượng, được quan tâm nhất định về chế độ đãi ngộ cũng như đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ này. Việc phát triển mạng lưới cán bộ làm công tác dân số phải được xem là khâu trọng yếu trong việc thực hiện tốt chiến lược dân số đến năm 2030. Cần có đội ngũ cán bộ làm công tác dân số am hiểu, có kinh nghiệm và tâm huyết với công việc. Nhiệm vụ tuyên truyền, vận động này đòi hỏi mỗi cán bộ cần luôn bám sát cơ sở, gõ từng nhà, đến từng người. Công tác dân số luôn đặt ra những yêu cầu cơ bản như phải kiên nhẫn, thường xuyên và rất sát sao. Có như vậy, mục tiêu của Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 mới có thể đạt được.

Bốn là, bên cạnh việc bảo đảm nguồn nhân lực là yêu cầu bảo đảm nguồn lực tài chính cho việc triển khai thực hiện công tác dân số. Đồng thời, bố trí các chương trình, dự án về dân số vào kế hoạch, chương trình đầu tư công. Thực hiện phân bổ kinh phí công khai, có định mức rõ ràng, tập trung cho cơ sở, phù hợp với các vùng, miền, địa phương. Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác dân số; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cho công tác dân số; có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, phân phối, cung cấp các phương tiện, dịch vụ trong lĩnh vực dân số. Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đẩy mạnh việc đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ cộng đồng, doanh nghiệp, tư nhân cho công tác dân số. Ngân sách nhà nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho triển khai toàn diện công tác dân số và thực hiện chính sách đối với các đối tượng được nhà nước chi trả.

Năm là, đổi mới truyền thông, tuyên truyền, vận động về dân số. Điều này thể hiện vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc tuyên truyền, vận động thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc vận dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… nhằm phục vụ cho mục tiêu của Chiến lược dân số là điều tất yếu đặt ra. Thực hiện có hiệu quả các phương tiện truyền thông này sẽ giúp mỗi người dân hiểu hơn về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dân số, từ đó góp phần đắc lực vào sự phát triển bền vững.

Sáu là, để góp phần nâng cao chất lượng dân số cần phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Mặc dù đã chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển, việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình vẫn không được bỏ qua. Đây là điều kiện quan trọng giúp cho mỗi gia đình có điều kiện chăm sóc, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển ở mức tốt nhất; đồng thời là cơ sở để xây dựng và hình thành mạng lưới an sinh xã hội phù hợp. Chất lượng dân số được nâng cao cũng phụ thuộc không nhỏ vào công tác kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm cho mỗi gia đình tạo điều kiện tốt cho việc chăm sóc từng thành viên trong giai đình.

Để thích ứng với quá trình già hóa dân số đòi hỏi phải can thiệp đồng bộ cả việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế kết hợp với việc đầu tư cơ sở y tế chuyên ngành lão khoa và tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh mà nguyên nhân gốc rễ chính là bất bình đẳng về giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn, đã gây áp lực cho phụ nữ sinh con một bề là gái. Nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

Mặt khác, để góp phần nâng cao chất lượng về dân số, trong đó bao gồm chất lượng về thể lực cần có nhiều giải pháp đồng bộ, tăng cường chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao thể trạng cho người Việt Nam (như đã phân tích, theo con số thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, chiều cao trung bình của người Việt Nam đang thấp nhất Đông Nam Á). Cần áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để nâng cao thể trạng cho người Việt Nam. Đây cũng là một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Bảy là, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế. Hệ thống thông tin về dân số cần luôn được cập nhật để từ đó có những biện pháp kịp thời góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi các cấp các ngành, trong đó đặc biệt là những cơ quan phụ trách công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, cũng góp phần đưa Việt Nam vững bước phát triển trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

Chú thích:
1. Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
2. Xem Website củaTổng cục Thống kê. https://www.gso.gov.vn.
3. Phấn đấu thực hiện 6 mục tiêu chính trong công tác dân số. https://soyte.hanoi.gov.vn, ngày 06/5/2020.
4. Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019. https://www.gso.gov.vn.
5. Người Việt Nam 10 năm chỉ cao thêm một cm. https://vnexpress.net, ngày 01/3/2019.
6. Già hóa dân số nhanh cần quan tâm hơn nữa đến người cao tuổi. http://soytetiengiang.gov.vn, ngày 07/01/2015.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIIvề công tác dân số trong tình hình mới.
2. Việt Hùng. Hội thảo tập huấn nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Tạp chí Dân số và Phát triển, số tháng 3/2018.
3. Lê Văn Dụy. Suy nghĩ về chính sách dân số Việt Nam. Tạp chí Dân số và Phát triển, số 3/2018.
4. Thảo Vân. Thích ứng với già hóa dân số nhanh ở Việt Nam: Con đường phía trước.Tạp chí Dân số và Phát triển, số 5/2018.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà
Học viện Hành chính Quốc gia