10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Long An

(Quanlynhanuoc.vn) – Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) bộ mặt nông thôn của tỉnh Long An đã có nhiều đổi mới rõ rệt với kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư theo hướng hiện đại và đồng bộ. Đặc biệt, hệ thống đường giao thông nông thôn phát triển nhanh, đến tháng 9/2019, toàn tỉnh đã có 86/166 xã đạt tiêu chí giao thông, tăng 81 xã so với năm 2010 và tăng 25 xã so với năm 2015; 100% các xã có đường ô tô (đường nhựa hoặc bê tông) đến trung tâm xã1.

 

Diện mạo nông thôn Long An ngày một đổi mới. (Ảnh: Minh Khuê)

Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới ở Long An

Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Toàn tỉnh đã xác định được 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại được tăng cường. Việc giám sát chuỗi sản phẩm an toàn được thực hiện bước đầu có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa.

Tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đặc biệt đầu tư trường học tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, góp phần giảm sự chênh lệch về giáo dục giữa các vùng trong tỉnh.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư ngày càng sâu rộng và có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh có 29 đơn vị trực thuộc Sở Y tế, trong đó tuyến tỉnh có 7 bệnh viện, 4 trung tâm tuyến tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình và Trường Trung cấp Y tế; 15 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; tuyến xã gồm 177 trạm y tế xã, phường. Ngoài ra, y tế tư nhân có 2 bệnh viện đa khoa và hơn 800 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh2. Tỷ lệ người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế ngày càng tăng, đặc biệt là người nghèo, người có thu nhập thấp. Tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh đã có 117/166 xã đạt y tế3.

Các hoạt động văn nghệ, thể dục – thể thao ngày càng phong phú và được chú trọng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân nông thôn. Nhà ở dân cư là một trong những tiêu chí quan trọng, vừa góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn, vừa nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Vì vậy, các cấp, các ngành đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân cải tạo, nâng cấp nhà ở, xây dựng tường rào và các công trình vệ sinh, tạo cảnh quan sạch đẹp.

Việc xây dựng NTM đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội, trong đó các tổ chức chính trị – xã hội đã phát động nhiều phong trào thi đua đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân nông thôn. Đã tổ chức cấp 6.000 cuốn sổ tay hướng dẫn xây dựng NTM và 27.420 cuốn tài liệu tuyên truyền về xây dựng NTM cho các cấp, các ngành; xây dựng và vận hành có hiệu quả Trang thông tin điện tử NTM của tỉnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM; các hội và đoàn thể tích cực tham gia xây dựng mô hình hộ NTM với 4 tiêu chí: “Xanh – Sạch – Đẹp và An toàn”; tổ chức Hội thi tìm hiểu về xây dựng NTM.

Việc huy động người dân đóng góp xây dựng NTM được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Trong xây dựng NTM, chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” được các cấp, các ngành quán triệt sâu sắc, dân chủ ở nông thôn được cải thiện và ngày càng phát triển. Hệ thống chính trị ở nông thôn hoạt động ngày càng hiệu quả và có nhiều đổi mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững, quốc phòng được củng cố và tăng cường.

Một số hạn chế và nguyên nhân

Thứ nhất, chất lượng tăng trưởng ngành Nông nghiệp và khả năng cạnh tranh của một số nông sản hàng hóa chưa cao; sản xuất nông nghiệp ở một số nơi còn tự phát, hiệu quả thấp; quản lý chất lượng nông sản hàng hóa còn bất cập.

Thứ hai, phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả thấp, mức độ ứng dụng công nghệ cao và khả năng liên kết với thị trường còn nhiều hạn chế.

Thứ ba, thu nhập ở nông thôn tuy có tăng nhưng vẫn còn ở mức thấp, khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn còn cao.

Thứ tư, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn còn diễn biến phức tạp như: chất thải trong chăn nuôi chưa được xử lý triệt để; việc sử dụng quá nhiều vật tư nông nghiệp làm ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra ở một số nơi; việc tổ chức lễ hội, họp mặt, ma chay, cưới hỏi gây lãng phí, tốn kém nhưng chưa được khắc phục, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng.

Thứ năm, về huy động nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn: vốn ngân sách nhà nước đầu tư còn thấp so với nhu cầu, vốn huy động trong Nhân dân chưa tương xứng với tiềm năng; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ở một số nơi nhanh xuống cấp, nhất là các xã thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, dân số cơ học tăng nhanh tạo áp lực lớn đối với trường học, giao thông, môi trường và an toàn thực phẩm;

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, trong đó nguyên nhân chính là do: xuất phát điểm của một số huyện còn thấp; một số địa phương, sở, ngành chưa quan tâm sâu sát, người đứng đầu chưa dành nhiều thời gian cho việc kiểm tra, chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM; một số nơi còn đầu tư dàn trải, việc phối hợp, lồng ghép các nguồn vốn trong xây dựng NTM chưa chặt chẽ…

Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

(1) Nhóm giải pháp về truyền thông, tuyên truyền.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động xây dựng NTM, trong đó chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng NTM, đem lại sự chuyển biến tích cực, rõ nét ngay trong từng hộ gia đình, từng ấp.

(2) Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách.

– Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM đồng bộ, linh hoạt và phù hợp với từng nhóm xã (xã phấn đấu đạt chuẩn NTM hằng năm; xã đã đạt chuẩn NTM; xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao hằng năm; xã đạt chuẩn NTM hoặc NTM nâng cao không nằm trong lộ trình hằng năm,…).

– Nâng cao hiệu quả đầu tư của các nguồn lực, bảo đảm không chồng chéo, không lãng phí các nguồn lực đầu tư trong xây dựng NTM.

(3) Nhóm giải pháp về phát triển sản xuất.

Tập trung phát triển sản xuất, dịch vụ gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó:

– Thực hiện nhanh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư.

– Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ gắn với kết nối thị trường tiêu thụ.

– Phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Chú trọng phát triển thương mại dịch vụ nông thôn để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ nông sản.

– Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

– Đổi mới phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng “gắn đào tạo nghề với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cụ thể, theo nhu cầu hoặc dự án đầu tư ở nông thôn của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế”.

(4) Nhóm giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội.

Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Coi trọng hình thức hợp tác đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong xây dựng hạ tầng thiết yếu ở nông thôn (giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế xã,…), tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.

(5) Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn.

– Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất y tế, giáo dục, văn hóa và môi trường thiết thực đối với người dân, tạo điều kiện để phát triển các hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao trên địa bàn xã, ấp.

– Tập trung giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất (thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chăn nuôi, nước thải khu – cụm công nghiệp,…) và xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn “xanh – sạch – đẹp”.

– Thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu dân cư (xã, ấp) đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”. Xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản bảo vệ an ninh trật tự ở xóm, ấp.

(6) Nhóm giải pháp về huy động nguồn lực.

– Thực hiện lồng ghép, thống nhất cơ chế đầu tư, hỗ trợ theo cơ chế của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

– Huy động tối đa các nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Các khoản đóng góp của Nhân dân phải được thực hiện theo từng dự án cụ thể và theo nguyên tắc tự nguyện, do Hội đồng nhân dân xã thông qua.

(7) Nhóm giải pháp về kiểm tra, giám sát.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng NTM; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng NTM.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, ngày 14/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An.

ThS. Trần Cao Tùng
Học viện Hành chính Quốc gia