Chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu cho cấp lãnh đạo, điều hành của một số trường hành chính công

(Quanlynhanuoc.vn) – Do tính ưu việt của các chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu cho cấp lãnh đạo, điều hành (LĐĐH) của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) hàng đầu trên thế giới về chính sách công, hành chính công, nên hằng năm đã thu hút rất nhiều học viên là các nhà LĐĐH các cấp từ nhiều quốc gia đến tham gia khóa học. Dưới đây xin nêu một số trường để Học viện Hành chính Quốc gia tham khảo kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi trọng tâm ĐTBD xuất phát từ sự thay đổi chức năng của Học viện theo Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Hội thảo quốc tế “Đào tạo nhân lực cho nền công vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và hội nhập quốc tế”. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường phát biểu tại Hội thảo (nguồn: https://www.moha.gov.vn).
Chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu cho cấp lãnh đạo, điều hành của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu1

Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (LKYSPP) là trường đào tạo sau đại học tự quản trực thuộc Trường Đại học Quốc gia Xinh-ga-po. Trường được đánh giá là một trong những cơ sở ĐTBD hàng đầu về chính sách công ở châu Á (chính thức ra mắt vào năm 2004). Bên cạnh chương trình đào tạo cấp bằng, Trường cung cấp các chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ LĐĐH, phục vụ nhu cầu của các chuyên gia làm việc bị hạn chế về thời gian, những người muốn củng cố kiến thức, kỹ năng và kỹ thuật quản lý.

Từ năm 2007, LKYSPP đã hợp tác với các chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và khu vực phi lợi nhuận ở Xinh-ga-po và trên toàn thế giới để cung cấp các chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu. Hằng năm, Trường bồi dưỡng cho khoảng 1.500 học viên  từ 104 quốc gia bao gồm những người bắt đầu được bổ nhiệm vào vị trí điều hành cho đến nhà quản lý cấp cao. Các giảng viên, chuyên gia cùng với đội ngũ quản lý chương trình của Trường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đối tác trong thiết kế, phát triển và cung cấp phương pháp học tập hiệu quả, có tính ứng dụng cao trong công việc. Bao gồm:

– Thiết kế chương trình: LKYSPP hợp tác với các cơ quan, tổ chức để đánh giá nhu cầu, thách thức và mục tiêu mong đợi của tổ chức. Chương trình có thể kéo dài từ vài ngày tới vài tháng và được giảng dạy tại Trường hoặc tổ chức đối tác.

– Phát triển chương trình: LKYSPP phác thảo một chương trình nhằm hướng tới kết quả mong đợi và lựa chọn đội ngũ giảng viên, nhà khoa học của Trường và các nhà LĐĐH thực tiễn nhiều kinh nghiệm để cùng phát triển giáo trình và tài liệu.

– Cung cấp chương trình: trang bị cho học viên các kiến thức có thể vận dụng vào thực tiễn; các giảng viên sử dụng các phương pháp giảng dạy có sự tương tác cao, như tham gia các chương trình ngoại khóa, trao đổi không chính thức với các nhà lãnh đạo uy tín, mô phỏng, nghiên cứu từng trường hợp cụ thể.

–  Đánh giá chương trình: tiến hành đánh giá hiệu quả chương trình thông qua phản hồi của học viên, trên cơ sở đó, phối hợp với tổ chức đối tác đưa ra các điều chỉnh nhằm hoàn thiện chương trình được cung cấp cho lần tiếp theo.

Việc thiết kế chương trình này hoàn toàn mang tính linh hoạt, gồm các chuyên đề sau: (1) Công nghệ: thành phố thông minh, tinh thần doanh nghiệp và khởi nghiệp, chính phủ điện tử và dữ liệu lớn, cách mạng công nghiệp lần thứ 4; (2) Quản lý công và quản trị: chống tham nhũng và đạo đức, tư duy tương lai và dự báo các kịch bản, quản lý các bên liên quan và cam kết, quản lý hiệu suất và tài năng, đổi mới khu vực công và tư duy thiết kế, giao tiếp công chúng, lãnh đạo khu vực công và ra quyết định; (3) Chính trị và đối ngoại: hội nhập ASEAN, chính sách công nghiệp, phát triển khu vực tư, địa chính trị, đối ngoại và an ninh; (4) Phát triển bền vững: chính sách giao thông, quản lý nước và sự lãnh đạo, quản lý quy hoạch và đô thị, chính sách môi trường; (5) Chính sách kinh tế và phân tích: hiểu biết sâu sắc hành vi, đối tác công – tư, chính sách đầu tư và hỗ trợ thương mại, cạnh tranh kinh tế, phân tích rủi ro; (6) Chính sách xã hội: chính sách giáo dục, chính sách y tế, an sinh xã hội, lương hưu và phúc lợi, đa văn hóa và hội nhập.

Chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu cho cấp lãnh đạo, điều hành của Viện Sau đại học về nghiên cứu chính sách quốc gia của Nhật Bản2

Viện Sau đại học về nghiên cứu chính sách quốc gia của Nhật Bản (GRIPS) – được thành lập vào năm 1997 với tư cách là một viện sau đại học độc lập. GRIPS được đánh giá là Trường hàng đầu khu vực châu Á về chính sách với sự vượt trội trong việc cung cấp các chương trình liên ngành cho các nhà lãnh đạo tương lai trong khu vực công và nghiên cứu về các vấn đề chính sách đương đại để tạo ra các giải pháp sáng tạo. Giảng viên của GRIPS bao gồm các học giả tầm cỡ thế giới và các nhà thực tiễn nổi tiếng có chuyên môn về xây dựng và quản lý chính sách khu vực công.

Các chương trình cấp bằng thạc sỹ và tiến sỹ hầu hết được giảng dạy bằng tiếng Anh, GRIPS cũng cung cấp các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn cho cấp LĐĐH trong nước và ngoài nước, đặc biệt là quan chức chính phủ cấp cao, cấp trung và các chuyên gia chính sách công. Để cung cấp các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn này, Trung tâm Phát triển LĐĐH toàn cầu (CGL) đã được thành lập vào năm 2013. Các chương trình do CGL cung cấp bao gồm: quản lý và phát triển lãnh đạo trong thế kỷ XXI; quản lý công tổng quát; cơ cấu và quy trình của chính phủ; quản lý tổ chức; hệ thống dịch vụ công và quản lý nguồn nhân lực; công cụ của chính phủ; hệ thống pháp luật và đánh giá lập pháp; cải cách hành chính và đổi mới; quản trị tốt; niềm tin vào chính phủ; đạo đức và chống tham nhũng; quản trị địa phương; quản lý tài chính chính quyền địa phương; quản lý quan hệ liên chính phủ; phân tích chính sách công; các chính sách cụ thể như môi trường; phát triển bền vững; kinh tế – xã hội…

Chương trình bồi dưỡng cho các nhà LĐĐH được thiết kế theo yêu cầu cụ thể như sau: (1) Các bài giảng chuyên đề của các giáo sư từ GRIPS và các trường đại học khác, các quan chức chính phủ, LĐĐH của doanh nghiệp và các chuyên gia trong các tổ chức nghiên cứu…; (2) Các chuyến đi thực tế ở các cơ quan, tổ chức của chính phủ và các địa điểm liên quan đến chủ đề bồi dưỡng; (3) Thảo luận nhóm, hội thảo với các quan chức chính phủ và sinh viên GRIPS (quan chức chính phủ nước ngoài); (4) Viết bài chính sách và thuyết trình.

Chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu cho cấp lãnh đạo, điều hành của Trường Quản lý nhà nước Kenedy Hoa Kỳ3

Trường Quản lý nhà nước Kenedy (HKS), được thành lập năm 1936, trực thuộc Đại học tư thục Havard nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với Chính phủ. Trường đảm nhận việc đào tạo ở trình độ sau đại học đối với các chuyên ngành hành chính công và chính sách công. Ngoài các chương trình cấp bằng thạc sỹ và tiến sỹ, Trường còn cung cấp các chương trình liên quan tới phát triển quốc tế và chương trình bồi dưỡng cho cấp LĐĐH, trong đó có chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu.

Các chương trình này được HKS xây dựng trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các tổ chức – khách hàng trên toàn thế giới. Trước hết, Trường tiến hành đánh giá kỹ lưỡng mục tiêu và nhu cầu của tổ chức đối tác, trên cơ sở đó, chương trình với các chuyên đề và kế hoạch bồi dưỡng được thiết kế phù hợp với nhu cầu của tổ chức, dưới sự chủ trì của một chuyên gia của HKS và sự tham gia của các chuyên gia trong nước và ngoài nước. Tiếp theo, chương trình được giảng dạy tại cơ sở của Trường, tổ chức – khách hàng, địa điểm giảng dạy, học tập hoặc học trực tuyến. Chương trình được tiến hành đánh giá khi kết thúc và làm cơ sở cho việc hoàn thiện các chương trình sau này.

Việc thiết kế nội dung các chương trình mang tính chuyên biệt cao, không hề có sự trùng lặp giữa các chương trình của các đối tác – khách hàng khác nhau. Do đó, xác định các chuyên đề trong chương trình và các thành tố cấu thành chương trình hoàn toàn dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu, sự quan tâm cũng như mục tiêu phát triển của từng tổ chức có yêu cầu bồi dưỡng. Chẳng hạn, Chương trình Lãnh đạo quản lý cao cấp Việt Nam (VELP) do HKS cung cấp hằng năm theo yêu cầu của đối tác là Chính phủ Việt Nam đã tập trung cung cấp những quan điểm và nhận thức mới, sâu sắc về những vấn đề kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU (đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam); thảo luận với những chuyên gia hàng đầu thế giới về các lĩnh vực liên quan tới hoạch định chính sách kinh tế Việt Nam, các thách thức chính sách công chủ yếu của Việt Nam, nhất là những yếu tố liên quan đến triển vọng duy trì tăng trưởng cao…4.

Một số gợi ý cho Việt Nam trong phát triển chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu

Học viện Hành chính Quốc gia (HCQG) – trung tâm quốc gia về hành chính công và chính sách công của Việt Nam, trong những năm qua, chủ yếu tập trung vào thực hiện chức năng bồi dưỡng theo ngạch, chức vụ, chức danh theo quy định của pháp luật. Thực tế hiện nay, nguồn học viên của các chương trình ĐTBD của Học viện ngày càng bị thu hẹp (không còn chức năng đào tạo hệ đại học theo Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg), cùng với đó là sự cạnh tranh từ các cơ sở ĐTBD đối với các chương trình bồi dưỡng theo ngạch, chức vụ, chức danh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu của Học viện nói chung và việc làm, thu nhập của viên chức nói riêng.

Để giải quyết tình trạng này, việc chủ động hợp tác với các chính phủ, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ trong nước và ngoài nước nhằm phát triển các chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu như kinh nghiệm của LKYSPP, GRIPS, HKS là một giải pháp phù hợp cho Học viện.

Thời gian qua, Học viện đã bắt đầu triển khai một số chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu. Việc phối hợp với Bưu điện Việt Nam trong xây dựng chương trình bồi dưỡng về hành chính công cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp cao và cấp trung của ngành Bưu điện là một bước đi đúng đắn để Học viện tiếp tục mở rộng, phát huy trong thời gian tới, tuy nhiên, trên thực tế, việc tổ chức thực hiện chương trình này vẫn còn chưa thực sự bài bản và khoa học.

Trên cơ sở tìm hiểu các chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của LKYSPP, GRIPS và HKS – chương trình góp phần tạo ra uy tín và thương hiệu “trường hàng đầu thế giới và khu vực về chính sách công và hành chính công” của các cơ sở đào tạo này và từ thực tiễn chương trình bồi dưỡng tại Học viện HCQG, tác giả đề xuất một vài gợi ý nhằm xây dựng và phát triển chương trình bồi dưỡng quản lý, điều hành theo yêu cầu của Học viện trong thời gian tới một cách hiệu quả. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về mục tiêu, đối tượng bồi dưỡng.

Việc xác định rõ mục tiêu và đối tượng bồi dưỡng, Học viện HCQG mới có thể xây dựng và phát triển chương trình bồi dưỡng phù hợp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của học viên.

Thời gian qua, mục tiêu của các chương trình bồi dưỡng của Học viện chủ yếu là cung cấp các kiến thức, kỹ năng về quản lý nhà nước, giúp học viên đáp ứng tiêu chuẩn ngạch, chức vụ, chức danh, do đó, đối tượng bồi dưỡng chủ yếu là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong nước. Mặc dù một vài năm trở lại đây, Học viện có một số chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cho nhóm đối tượng cấp cao và cấp trung của Lào và Băng-la-đét5 nhưng số lượng khá hạn chế và không thường xuyên. Trong khi đó, đối tượng của LKYSPP, GRIPS và HKS rất đa dạng, từ người mới bắt đầu vị trí quản lý, điều hành cho tới quản lý cấp cao, từ các tổ chức của Chính phủ tới các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới. Do đó, Học viện nên mở rộng nhóm đối tượng bồi dưỡng, cụ thể hướng tới các nhóm đối tượng là những người mới bắt đầu vị trí quản lý, điều hành cả ở khu vực công và khu vực tư, trong nước và ngoài nước nhưng có nhu cầu được trang bị hay củng cố các kiến thức về hành chính, quản lý,…

Thứ hai, về xây dựng chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu.

Học viện có thể áp dụng quy trình xây dựng bồi dưỡng theo yêu cầu của LKYSPP và HKS gồm 4 giai đoạn: (1) Khảo sát nhu cầu của cơ quan, tổ chức đối tác để xây dựng chương trình; (2) Thiết kế chương trình gồm các thành tố cấu thành như bài giảng chuyên đề, khảo sát thực địa, hội thảo với các quan chức cấp cao của Chính phủ, nghiên cứu trường hợp… trên cơ sở phối hợp chặt chẽ của các nhà khoa học, nhà thực tiễn uy tín trong và ngoài nước và cơ quan, tổ chức -khách hàng; (3) Cung cấp chương trình với sự tham gia của đội ngũ giảng viên uy tín, nhiều kinh nghiệm trong và ngoài trường; (4) Đánh giá chương trình.

Tuy nhiên, để thực hiện quy trình này có hiệu quả, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, quy trình này cần được phổ biến rộng rãi tới giảng viên, các chuyên viên quản lý bồi dưỡng, các đối tác – khách hàng và những người quan tâm để họ nắm được, trên cơ sở đó, triển khai sự hợp tác có chất lượng giữa Học viện với các đối tác tại các giai đoạn. Cụ thể, có thể công bố quy trình này trên website chính thức của Học viện (http://www1.napa.vn) như cách thức LKYSPP và HKS đang thực hiện hoặc trên các tờ giới thiệu, quảng bá chương trình bồi dưỡng kèm theo các công văn gửi tới các cơ quan, tổ chức.

Hai là, do trọng tâm của các chương trình bồi dưỡng là quản lý mối quan hệ giữa trường và các khách hàng là các tổ chức của chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, giá trị về mặt thiết kế và cung cấp chương trình phụ thuộc vào kiến thức về nhu cầu khách hàng của các nhà quản lý bồi dưỡng của các trường và đòi hỏi họ phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để “giao dịch” với khách hàng. Do vậy, Học viện cần có một đội ngũ chuyên viên quản lý bồi dưỡng có kiến thức và kỹ năng về marketing, phân tích thống kê, kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc khoa học, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phối hợp, kỹ năng đánh giá chất lượng, có năng lực ngoại ngữ.

Để có được đội ngũ này, ngoài việc lựa chọn những người đáp ứng sẵn các tiêu chuẩn trên từ bộ phận quản lý bồi dưỡng hay từ các đơn vị khác, giải pháp lâu dài vẫn là tăng cường ĐTBD đội ngũ chuyên viên quản lý bồi dưỡng. Đặc biệt, trong bối cảnh Học viện HCQG không có bộ phận chuyên về marketing và truyền thông như LKYSPP hay HKS – bộ phận hỗ trợ các nhà quản lý bồi dưỡng trong quá trình phối hợp với các đối tác, việc trang bị các kiến thức và kỹ năng về marketing và truyền thông cho các chuyên viên quản lý bồi dưỡng là rất cần thiết.

Ba là, thiết kế các chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu, Học viện có thể xây dựng sẵn một danh sách các nhóm chuyên đề và các chuyên đề cụ thể dự kiến (có thể ở dưới dạng đề cương) để trong quá trình hợp tác, tổ chức – khách hàng có thể dễ dàng đưa ra các lựa chọn hoặc là tập trung vào một nhóm chuyên đề hoặc kết hợp các nhóm chuyên đề để phát triển chương trình bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu riêng của mình. Danh sách các nhóm chuyên đề và các chuyên đề cụ thể mà LKYSPP và GRIPS cung cấp cho tổ chức – khách hàng có thể là một gợi ý cho Học viện trong quá trình thiết kế các chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng LĐĐH theo yêu cầu của Học viện.

Bốn là, lựa chọn các giảng viên là những nhà khoa học và nhà thực tiễn có uy tín và năng lực tham gia phát triển giáo trình và tài liệu học tập và giảng dạy cho các chương trình bồi dưỡng. Kinh nghiệm của LKYSPP, GRIPS, HKS cho thấy, đội ngũ giảng viên chất lượng là một trong những yếu tố quyết định thành công của các chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu, đem lại uy tín và thương hiệu cho trường. Các trường chính sách công và hành chính công nói trên đều có những giảng viên xuất sắc, có bằng tiến sỹ từ các trường hàng đầu thế giới và có các công trình nghiên cứu được cộng đồng khoa học thế giới công nhận. Ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu, còn thu hút một đội ngũ giảng viên hợp đồng ngắn hạn, giảng viên thỉnh giảng, là những học giả và nhà thực tiễn có tên tuổi trong nước và ngoài nước.

Trong khi đó, việc tham gia của các học giả có tên tuổi người nước ngoài và người Việt Nam làm việc tại nước ngoài trong các lĩnh vực ĐTBD của Học viện còn rất hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới, Học viện cần có chính sách thu hút nhóm đối tượng này thông qua việc xây dựng mạng lưới các chuyên gia giàu kinh nghiệm và có sức ảnh hưởng, kêu gọi sự cống hiến, ưu tiên nguồn tài chính cho việc thu hút… Bên cạnh đó, nên có chính sách bố trí, sử dụng hiệu quả và phát triển đội ngũ giảng viên sẵn có của Học viện là những người đã được đào tạo bài bản tại nước ngoài, có khả năng tham gia phát triển giáo trình, tài liệu và tham gia giảng dạy tại các chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu, trong đó có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh.

Chú thích:
1. Website của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu. https://lkyspp.nus.edu.sg, ngày 10/02/2020.
2. Website của Viện Sau đại học vể nghiên cứu chính sách của Nhật Bản. http://www.grips.ac.jp, ngày 23/02/2020.
3. Website của Trường Quản lý nhà nước Kenedy. http://www.hks.harvard.edu, ngày 07/3/2020.
4. Chương trình lãnh đạo quản lý cao cấp Việt Nam 2019. https://fulbright.edu.vn, ngày 07/3/2020.
Website của Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam. https://www1.napa.vn, ngày 21/12/2019.
TS. Phạm Ngọc Hà
Học viện Hành chính Quốc gia