Hướng đi mới trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ

(Quanlynhanuoc.vn) – Lâm Thao là huyện đồng bằng tỉnh Phú Thọ, có 14 đơn vị hành chính (2 thị trấn và 12 xã), với diện tích 9769 km2, dân số 140.000 người. Năm 2015, Lâm Thao đã được công nhận là huyện chuẩn xây dựng nông thôn mới, năm 2018, 100% các xã của huyện đã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới1.

 

Lãnh đạo huyện Lâm Thao kiểm tra mô hình sản xuất và xây dựng xã nông thôn mới nâng cao ở Vĩnh Lại (Nguồn: http://nongthonmoiphutho.vn).
Kinh nghiệm của Lâm Thao trong xây dựng nông thôn mới

Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành

Huyện ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Lâm Thao đã cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng thành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, xác định lộ trình cụ thể, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, huyện luôn thể hiện sự quyết tâm, vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh, tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, huyện đã chỉ đạo lựa chọn lộ trình cho từng xã, ưu tiên các xã có xuất phát điểm cao, điều kiện sản xuất thuận lợi (như: Cao Xá, Sơn Dương, Hợp Hải, Thạch Sơn, Tứ Xã) để tập trung nguồn lực triển khai. Chỉ đạo các xã xây dựng nghị quyết, kế hoạch, đề án cụ thể, lồng ghép nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (XDNTM0 với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

– Tiến hành phân công các thành viên Ban Chỉ đạo XDNTM huyện phụ trách các xã chỉ đạo, hỗ trợ thực hiện các tiêu chí XDNTM. Đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai thực hiện các tiêu chí, qua đó, kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc cũng như định hướng các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện.

Xây dựng bộ máy chỉ đạo thực hiện

UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo XDNTM của huyện do chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, các phó chủ tịch UBND huyện làm phó ban, thành viên là trưởng các đoàn thể, thủ trưởng các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện, chủ tịch UBND các xã. Chỉ đạo các xã thành lập Ban Chỉ đạo XDNTM do Bí thư Đảng ủy làm trưởng ban; Ban Quản lý XDNTM do chủ tịch UBND xã làm trưởng ban; Ban Phát triển thôn, do trưởng khu dân cư làm trưởng ban.

Nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới ở các cấp

Phối hợp với văn phòng điều phối XDNTM của tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho 585 lượt cán bộ của Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý XDNTM của huyện, xã, trưởng khu dân cư. Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã biên soạn tài liệu hỏi – đáp về XDNTM, tổ chức 3 lớp tập huấn cho 345 đồng chí là cấp ủy, bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư. Hội Cựu chiến binh huyện đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 110 cán bộ cơ sở. Hội Nông dân huyện và cơ sở đã tổ chức 5 đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm về XDNTM ở các địa phương trong và ngoài tỉnh2.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới

Các phòng, ban, đoàn thể, các xã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình trong XDNTM; lấy phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ” làm mục tiêu định hướng cho nội dung tuyên truyền vận động. Nội dung tuyên truyền tập trung vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Kết quả thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”

Toàn huyện đã thực hiện tốt nội dung cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Huy động các nguồn lực đầu tư XDNTM giai đoạn 2010 – 2019 với số tiền là 10.048 tỷ đồng3.

Chỉ đạo thực hiện khâu đột phá về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, như: mở rộng Cụm công nghiệp Hợp Hải – Kinh Kệ lên 39,7 ha, đến nay tỷ lệ lấp đầy đạt 81%; quy hoạch khu làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Vi diện tích 8,6 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 90%; điểm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở Hùng Sơn 3,8 ha; quy hoạch Cụm công nghiệp Bắc Lâm Thao diện tích 43 ha. Toàn huyện có 308 doanh nghiệp, tăng 198 doanh nghiệp so với 2010, với 7.437 lao động; 6 làng nghề đạt tiêu chí theo quy định. Hằng năm, giải quyết việc làm mới cho 2.200 lao động; xuất khẩu lao động từ 300 – 400 người/năm, là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về công tác xuất khẩu lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,5%4.

Trong công tác bảo vệ môi trường, đã vận động Nhân dân làm nắp đậy cống, rãnh thoát nước thải ở khu dân cư, trị giá 660 triệu đồng (ở xã Tứ Xã, Hợp Hải); lắp mới và thay thế trên 15.100 bóng đèn chiếu sáng trong khu dân cư, kinh phí là 5,7 tỷ đồng; đặc biệt, phát động  phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững”.

Hội Phụ nữ huyện đã triển khai phong trào “Phụ nữ Lâm Thao tích cực tham gia XDNTM và đô thị văn minh”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”.

Ban Chỉ huy quân sự huyện đã triển khai, xây dựng Kế hoạch Quân đội chung sức XDNTM, phối hợp với các xã huy động cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân tham gia nạo vét được 3.800 m kênh mương cấp 25.

 Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát

HĐND huyện và các ban của HĐND huyện đã tổ chức trên 20 cuộc giám sát về XDNTM ở cấp huyện, xã6. Nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực, như: thu gom xử lý rác thải sinh hoạt; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nông thôn; đầu tư kiên cố hóa trường lớp; thực hiện chính sách người có công; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tiêu chí XDNTM ở các xã.

Một số giải pháp trong thời gian tới

Một là, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển.

Tập trung chỉ đạo, tổ chức sản xuất theo định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp), tạo chuyển biến về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Mở rộng diện tích trồng các loại cây rau, củ, quả có giá trị kinh tế cao, quy hoạch vùng sản xuất rau củ, quả tại các xã. Khuyến khích đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, nhà kính với các loại sản phẩm nông nghiệp đặc sản.

Tập trung đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp huyện, cụm làng nghề thủ công mỹ nghệ nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đóng góp tự nguyện của Nhân dân, bảo đảm thuận lòng dân, khơi dậy tinh thần yêu nước của Nhân dân, xác định rõ người dân chính là chủ thể, là hạt nhân để XDNTM, thực hiện phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Hai là, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nêu cao trách nhiệm, kỷ cương của chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng thường xuyên, sát thực, thực hiện lồng ghép phong trào XDNTM với đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cùng Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Bốn là, tập trung triển khai các kế hoạch giảm nghèo; đồng thời, thực hiện tốt các chính sách, như: chính sách hỗ trợ tín dụng, chính sách hỗ trợ y tế, dạy nghề, chính sách hỗ trợ giáo dục,…

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế. Khuyến khích đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, mạng lưới đại lý và chợ nông thôn, hình thành các chợ đầu mối và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tại các vị trí thích hợp. Huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh nông sản chủ lực, có lợi thế của huyện. Tập trung đẩy nhanh tiến độ dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai hình thành các trang trại, vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức chuyển giao ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chế biến với công nghệ hiện đại. Phát triển nông nghiệp cần gắn với phát triển đô thị và thương mại dịch vụ, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng huyện Lâm Thao thành vùng quê đáng sống, giàu đẹp và hiện đại.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Ủy ban nhân dân huyện Lâm Thao giai đoạn 2010 – 2020.
Tài liệu tham khảo:
Nghị quyết số 26-NQTW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
2. Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
3. Nghị quyết số 28/NQ-TV ngày 20/11/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ về phát triển nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ.
TS. Đặng Thị Hà
Học viện Hành chính Quốc gia