Học viện Hành chính Quốc gia tổng kết, đánh giá công tác bồi dưỡng theo chức vụ lãnh đạo, quản lý và bồi dưỡng nâng cao năng lực, phương pháp sư phạm cho giảng viên

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 29/12/2020 Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác bồi dưỡng theo chức vụ lãnh đạo, quản lý và bồi dưỡng nâng cao năng lực, phương pháp sư phạm cho giảng viên quản lý nhà nước. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu: Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, Phân viện Học viện tại TP. Huế và Phân viện Học viện tại Khu vực Tây Nguyên. TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện chủ trì Hội nghị.

 

TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có: đồng chí Lại Đức Vượng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ; đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn – Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ, Bộ Nội vụ; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ; lãnh đạo các cơ sở, phân viện, khoa, ban, đơn vị thuộc Học viện cùng toàn thể cán bộ, viên chức Ban Quản lý bồi dưỡng của Học viện.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Đặng Xuân Hoan nhấn mạnh: Công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, điều này xuất phát từ vị trí, vai trò và yêu cầu về năng lực đối với đội ngũ CBCCVC trong từng thời kỳ phát triển của đất nước. Hiện nay, trước yêu cầu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, tranh thủ cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ CBCCVC là nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, do vậy luôn phải có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Học viện Hành chính Quốc gia thực hiện chức năng ĐTBD năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý (LĐQL) cho đội ngũ CBCCVC đã và đang nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong đó, giảng viên là đội ngũ quyết định chất lượng, hiệu quả các khóa bồi dưỡng, do vậy, đội ngũ giảng viên luôn được chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy.

Giám đốc Học viện đề nghị, thông qua Hội nghị này, các đại biểu tham dự phát huy trí tuệ tập thể, tập trung đánh giá kết quả thực hiện và đề ra phương hướng, giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng trong năm 2021 theo các nội dung: kế hoạch tổ chức bồi dưỡng; xây dựng dự toán, thanh toán và giải ngân kinh phí ngân sách; phân công, bố trí giảng viên; công tác quản lý, phối hợp; cơ sở vật chất, thiết bị; tài liệu học tập; công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng bồi dưỡng… trong việc tổ chức các lớp bồi dưỡng LĐQL cấp vụ và tương đương, cấp sở và tương đương, cấp huyện và tương đương; bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy cho giảng viên quản lý nhà nước (QLNN).

Thay mặt lãnh đạo Ban Quản lý bồi dưỡng, ThS. Tống Đăng Hưng – Phó Trưởng ban đã trình bày Báo cáo thực trạng tổ chức quản lý hoạt động bồi dưỡng theo chức vụ LĐQL và bồi dưỡng nâng cao năng lực, phương pháp sư phạm cho giảng viên QLNN năm 2020 của Học viện. Theo đó, trong năm 2020, Học viện đã mở được 172 lớp với 8.786 học viên tham gia (trong đó các lớp từ nguồn ngân sách là 28 lớp, với 1.054 học viên tham gia).

Bên cạnh việc đánh giá những thuận lợi, báo cáo cũng nêu rõ những khó khăn đối với công tác tổ chức, quản lý hoạt động bồi dưỡng đối với các loại hình bồi dưỡng này, cụ thể như: nhiều bộ, ngành địa phương chưa có kế hoạch đăng ký mở lớp từ đầu năm, do vậy, Học viện gặp khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch mở lớp; diễn biến của đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch bồi dưỡng; còn hạn chế về chất lượng và số lượng báo cáo viên; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong Học viện còn chưa kịp thời, cơ chế tài chính còn gặp khó khăn, chưa xây dựng được cơ chế tài chính, thanh quyết toán; cơ sở vật chất còn hạn chế, trang thiết bị phục vụ loại hình đào tạo từ xa đang bước đầu được hoàn thiện… Trên cơ sở đó, đề xuất các phương hướng, giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả bồi dưỡng theo chức vụ LĐQL và bồi dưỡng giảng viên QLNN trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Đồng chí Lại Đức Vượng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ

Tại Hội nghị, đại diện Vụ ĐTBD CBCCVC, Bộ Nội vụ; các phân viện, khoa, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện đã có các tham luận, tích cực trao đổi về các mặt hoạt động liên quan tới công tác ĐTBD CBCCVC của Học viện nói chung, hoạt động bồi dưỡng theo chức danh LĐQL và bồi dưỡng giảng viên QLNN nói riêng.

Nhìn chung, các ý kiến ghi nhận và đánh giá cao sự phát triển về số lượng và chất lượng của các lớp bồi dưỡng đối với các loại hình bồi dưỡng theo chức danh LĐQL và bồi dưỡng giảng viên QLNN. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung trao đổi về các định hướng lớn trong việc đổi mới hoạt động bồi dưỡng theo chức danh LĐQL của Học viện trong bối cảnh mới; đồng thời, đề xuất các giải pháp trên nhiều mặt để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình bồi dưỡng, như: về thể chế, tổ chức; cơ chế tài chính; công tác lập kế hoạch và xây dựng dự toán các lớp bồi dưỡng; thanh toán, quyết toán; chế độ thanh toán, chế độ công tác phí, quản lý phí,…

Tham luận trực tuyến từ Phân viện Học viện tại TP. Huế
TS. Bùi Huy Tùng – Trưởng Ban quản lý bồi dưỡng phát biểu ý kiến.

Kết thúc Hội nghị, TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện đã đánh giá cao các ý kiến trao đổi và góp ý của các đại biểu tham dự; đồng thời nhấn mạnh tới một số nhiệm vụ mà các cơ sở, phân viện, khoa, ban, đơn vị có liên quan trong Học viện cần chủ trì hoặc phối hợp thực hiện: (1) Tập trung xây dựng kế hoạch về ĐTBD các lớp cấp vụ, sở, huyện; (2) Tăng cường cơ sở vật chất, tổ chức các lớp bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo của Học viện. Đối với các lớp đào tạo từ xa, Văn phòng Học viện sử dụng các phòng nghỉ của giảng viên để lắp đặt thành phòng giảng trực tuyến; (3) Ban Quản lý bồi dưỡng chủ trì nghiên cứu về phương thức quản lý học viên, cùng với đó, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý để áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tế giảng dạy của Học viện; (4) Trưởng các khoa chịu trách nhiệm việc phân công giảng viên tham gia giảng dạy; (5) Ban Kế hoạch – Tài chính phối hợp với các đơn vị dự toán cấp 3 xây dựng và thẩm định dự toán phù hợp với các loại hình lớp để các đơn vị thực hiện; (6) Việc mua sắm văn phòng phẩm, in ấn, xuất bản các giáo trình cần phải được tập trung một đầu mối tránh tình trạng mua sắm nhỏ lẻ…

Tin, ảnh: Hoàng Hậu