Những yếu tố ảnh hưởng đến đạo đức công vụ của cán bộ, công chức cấp xã tỉnh Thanh Hóa

(Quanlynhanuoc.vn) – Đạo đức công vụ là hệ thống các nguyên tắc, quy tắc, giá trị chuẩn mực về hành vi ứng xử trong công vụ nhằm điều chỉnh ý thức, thái độ, trách nhiệm, lương tâm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng trong thực thi công vụ do nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: internet).
Tác động của những yếu tố khách quan

Một là, yếu tố về kinh tế – xã hội.

Điều kiện kinh tế của đất nước, của tỉnh Thanh Hóa, của các địa phương đã ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quá trình hình thành, phát triển, hoàn thiện các giá trị đạo đức công vụ (ĐĐCV) của cán bộ, công chức (CBCC) nói chung và CBCC cấp xã nói riêng. Kinh tế phát triển hay trì trệ đều ảnh hưởng đến đạo đức của người CBCC từ việc xây dựng, hoạch định chủ trương, kế hoạch, xác định các giá trị chuẩn mực, cho đến các nguồn lực xây dựng công sở văn minh, hiện đại; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, thái độ làm việc; cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc cho CBCC.

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng ta, kinh tế – xã hội và đời sống Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Thanh Hóa thể hiện khát vọng thịnh vượng, phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển kinh tế: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Thanh Hóa. Đội ngũ CBCC cấp xã có nhiều chuyển biến tích cực về năng lực, thái độ trách nhiệm, sự tận tụy phục vụ Nhân dân trong thực thi công vụ (TTCV). Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường vẫn còn những mặt trái tác động tiêu cực đến ĐĐCV; nếu không có biện pháp khắc phục sẽ dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, vi phạm ĐĐCV của CBCC cấp xã. Thực tế cho thấy, tình trạng không ít CBCC cấp xã tham nhũng, lãng phí tài sản Nhà nước, quan liêu, sách nhiễu, xa rời thực tế, xa rời dân; cục bộ địa phương… gây nhiều khó khăn và thách thức cho việc xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.

Ngoài ra, cơ chế, chính sách về tiền lương cho CBCC cấp xã còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được cuộc sống hằng ngày. Thu nhập về lương, thưởng chưa thực sự tạo động lực làm việc cho CBCC và khó thu hút nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị cấp xã trên địa bàn tỉnh. Do đó, vẫn còn CBCC tranh thủ đi muộn, về sớm, làm việc riêng, đến công sở trong giờ làm việc bán hàng trên mạng xã hội; có những CBCC vì lợi ích kinh tế đã nhũng nhiễu, tham ô, tham nhũng vi phạm ĐĐCV, vi phạm các quy định của pháp luật; suy thoái về phẩm chất đạo đức, vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Hai là, những yếu tố về giá trị văn hóa.

Thanh Hóa là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được đúc kết qua hàng ngàn năm bảo vệ quê hương, đất nước; lao động sáng tạo của Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Người Thanh Hóa có truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất; tinh thần đoàn  kết, tương thân, tương ái; lòng nhân ái khoan dung, trọng tình, trọng nghĩa, trọng đạo lý; truyền thống hiếu học; cần cù, sáng tạo trong lao động, tinh thần vượt khó để vượt lên…

Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp là động lực, nguồn lực nội sinh góp phần hình thành, nuôi dưỡng và phát triển các giá trị chuẩn mực cho người CBCC cấp xã tỉnh Thanh Hóa hiện nay. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ CBCC cấp xã trên địa bàn tỉnh luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân, với Tổ quốc; tận tụy phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp trong TTCV; có hành vi, thái độ ứng xử đúng mực với đồng chí, đồng nghiệp và Nhân dân.

Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, ở Thanh Hóa vẫn còn tồn tại những tư tưởng bảo thủ, tiểu nông, địa phương, cục bộ; giải quyết công việc theo tình cảm, gia đình, người thân, người quen; vẫn tồn tại cơ chế “xin – cho” trong giải quyết công việc của một bộ phận CBCC cấp xã tỉnh Thanh Hóa. Những yếu tố đó đã và đang tác động tiêu cực đến quá trình hình thành và phát triển hệ thống các nguyên tắc, giá trị chuẩn mực về ĐĐCV cho đội ngũ CBCC cấp xã hiện nay.

Ba là, yếu tố công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức công vụ.

Những năm qua, ngành giáo dục – đào tạo của tỉnh Thanh Hóa không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng. Quy mô mạng lưới trường lớp phát triển hợp lý; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư hợp lý. Chất lượng giáo dục – đào tạo từng bước được nâng lên. Trong đó, đã chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên; bồi dưỡng ĐĐCV cho CBCC luôn được quan tâm đúng mức. Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, với chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCC cho hệ thống chính trị của tỉnh, đã tập trung chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các nội dung có liên quan đến ĐĐCV, như: công vụ, công chức; đánh giá TTCV; ĐĐCV… góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ của CBCC về ĐĐCV để vận dụng và thực hiện trong thực thi chức trách, nhiệm vụ của bản thân.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân tự giác, tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương được chú trọng. Nhờ đó, CBCC cấp xã đã có bước chuyển về trách nhiệm nêu gương, nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng về đạo đức, lối sống. Tuy nhiên, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các tầng lớp Nhân dân nói chung, giáo dục ĐĐCV cho đội ngũ CBCC nói riêng, trong thời gian qua chuyển biến còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận CBCC cấp xã đang có những biểu hiện lệch lạc, xuống cấp; vi phạm phải xử lý kỷ luật; tham ô, tham nhũng; suy thoái cả về tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Những yếu tố chủ quan

Một là, sự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức công vụ; trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh trong TTCV.

Yếu tố về tự thân tu dưỡng, rèn luyện ĐĐCV của mỗi CBCC cấp xã có tính quyết định đến việc hình thành, phát triển ĐĐCV. Những nội dung về nguyên tắc, giá trị chuẩn mực của ĐĐCV, CBCC cấp xã được tiếp cận qua nhiều kênh thông tin khác nhau với nhiều biện pháp, cách thức khác nhau. Song, để biết, hiểu, vận dụng và giải quyết những nội dung đó trong hoạt động công vụ, đòi hỏi mỗi người phải tự thân rèn luyện, phấn đấu không ngừng để nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt, có đủ kiến thức cần thiết thực hiện nhiệm vụ tốt được giao; có bản lĩnh vững vàng vượt qua những cám dỗ về vật chất, sống và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Nếu mỗi CBCC cấp xã không tự thân rèn luyện, tu dưỡng ĐĐCV sẽ chắc chắn không thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; thậm chí còn có thể bị tha hóa, biến chất trước sự tác động đa chiều của đời sống xã hội.

Trách nhiệm của CBCC nói chung và CBCC cấp xã đã được quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước. Trong đó, phải kể đến một số yếu tố căn bản, như: Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân.

Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

CBCC phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ.

CBCC phải có thái độ lịch sự, tôn trọng đồng nghiệp; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; phải lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp; công bằng, vô tư, khách quan khi nhận xét, đánh giá; thực hiện dân chủ và đoàn kết nội bộ; khi thi hành công vụ, CBCC phải mang phù hiệu hoặc thẻ công chức; có tác phong lịch sự; giữ gìn uy tín, danh dự cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đồng nghiệp.

CBCC phải gần gũi với Nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho Nhân dân khi thi hành công vụ.

CBCC có ý thức đầy đủ và không vi phạm vào những việc mà CBCC không được làm như: trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công; sử dụng tài sản của Nhà nước và của Nhân dân trái pháp luật; lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi; phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức…

Hai là, năng lực của cán bộ công chức cấp xã trong TTCV.

Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp, quan trọng đến việc chủ động tích cực thực hiện chức trách, nhiệm vụ của CBCC cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong TTCV. Trong quá trình TTCV, đội ngũ CBCC cấp xã cần phải có kiến thức, kỹ năng, thái độ và sức khỏe  để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ của vị trí công tác ở xã, phường, thị trấn. Trình độ, mức độ hiểu biết chuyên môn của CBCC lãnh đạo, quản lý và công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cũng tùy thuộc vào từng vị trí cụ thể. Theo đó, năng lực sẽ ảnh hưởng đến quá trình TTCV theo thang, bậc, như:

Về kiến thức: biết – hiểu – vận dụng – xử trí.

Về kỹ năng làm việc: làm theo – tự làm – làm thuần thục – làm sáng tạo.

Về thái độ làm việc: theo nghĩa vụ – có trách nhiệm – tận tâm, tận lực – cống hiến, hy sinh.

Như vậy, mỗi CBCC cấp xã có năng lực trong TTCV phải có kiến thức sâu về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ và am hiểu các lĩnh vực khác; tận tụy với công việc, tận tụy phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc; biết phát huy sức dân, trí dân, lực dân; tăng cường mối quan hệ  mật thiết giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị – xã hội với Nhân dân; nâng cao trách nhiệm công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và ĐĐCV của CBCC cấp xã.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019.
3. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
4. Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn, quy định chức trách của công chức cấp xã.
TS. Lê Văn Phong
                               Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa