Tính khả thi của Hiệp ước Marakesh trong bối cảnh Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 29/12/2020, Hội thảo tham vấn báo cáo về “Tính khả thi của Hiệp ước Marrakesh trong bối cảnh của Việt Nam” và công bố nghiên cứu đánh giá chính sách cho người khuyết tật được tổ chức bởi UNDP Việt Nam.

 

Chị Đào Thu Hương – Cán bộ về Quyền người Khuyết tật, UNDP báo cáo tóm tắt 2 nghiên cứu chính sách về người khuyết tật.

Đây là một diễn đàn mở nhằm thu thập các ý kiến đóng góp từ đại diện các bộ ban, ngành, lãnh đạo của các tổ chức vì người khuyết tật, đại diện của các viện nghiên cứu, trường học, các nhà xuất bản, thư viện, đoàn luật sư,… để hoàn thiện hồ sơ đề xuất Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh.

Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc UNDP Việt Nam đang hỗ trợ Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh – Hiệp ước đã được lãnh đạo các nước trên thế giới thông qua để chuyển đổi, phân phối và chia sẻ các tài liệu dễ tiếp cận trong nước và xuyên biên giới được thuận lợi hơn. Ngoài ra, hai nghiên cứu đánh giá chính sách liên quan đến quyền và việc làm của người khuyết tật tại Việt Nam cũng lần đầu tiên được công bố.

Tiếp cận tri thức là quyền cơ bản của mỗi người, đặc biệt trong thời kỳ giãn cách xã hội của đại dịch Covid-19 và trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, Hiệp hội Người mù thế giới đã ước tính chỉ có khoảng dưới 1% số ấn phẩm in được chuyển sang các định dạng dễ tiếp cận ở các nước đang phát triển cho những người không đọc được văn bản in (còn gọi là người khuyết tật chữ in). Tình trạng khan hiếm sách này vẫn được gọi là nạn đói sách, nó làm giảm đi những cơ hội tiếp cận với y tế, giáo dục, việc làm hoặc tham gia vào đời sống kinh tế – chính trị – văn hóa – xã hội của người khuyết tật, trong đó có người khiếm thị, tự kỷ, người gặp khó khăn tronghọc tập hoặc người khuyết tật vận động không cầm được sách và lật trang sách.

Ngày 27/6/2013, Hiệp ước Marrakesh đã được tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới thông qua tại Marrakesh, Morocco. Đây là hiệp ước đầu tiên về sở hữu trí tuệ tạo điều kiện choviệc sản xuất, phân phối và chia sẻ xuyên biên giới các cuốn sách ở định dạng dễ tiếp cận, bảo vệ quyền tiếp cận thông tin cho những người khiếm thị và khuyết tật nói chung. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều nước gia nhập Hiệp ước Marrakesh, trong đó có Mỹ, Liên minh châu  Âu, Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan.

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 1 triệu người khiếm thị và đây là con số chưa kể đến những người khuyết tật chữ in. Từ năm 2015, UNDP liên tục hỗ trợ các nước châu Á phê chuẩn và thi hành Hiệp ước Marrakesh như một phần trong cam kết tạo ra môi trường phát triển bền vững, hòa nhập cho người khuyết tật và giảm đi những bất bình đẳng. UNDP đã thành công trong việc giúp cho Hiệp ước này được phê chuẩn ở Thái Lan và In-đô-nê-xi-a, và đang tiếp tục hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam để làm được điều đó.

Phát biểu tại hội thảo, Trợ lý Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, Bà Diana Torres nêu rõ: “Những rào cản trong việc tiếp cận với các ẩn phẩm ở định dạng dễ tiếp cận hay nạn đói sách đang cản trở nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện thực hóa những nguyên tắc của các Mục tiêu phát triển bền vững là không để ai bị bỏ lại phía sau và trước tiên, vươn tới hỗ trợ những người ở phía sau cùng. Để chúng ta có thể đạt được Mục tiêu phát triển bền vững, những rào cản thông tin đối với người khuyết tật chữ in cần được xóa bỏ và Hiệp ước Marrakesh chính là giải pháp mà chúng ta đang tìm kiếm”.

Dựa vào lộ trình đã được các bên liên quan xây dựng và thống nhất trong hội thảo do UNDP và Hội Người mù Việt Nam chủ trì vào tháng 10/2019, UNDP đang thực hiện nghiên cứu về tính khả thi của Hiệp ước này trong bối cảnh của Việt Nam. Nghiên cứu không chỉ phân tích tính phù hợp của Hiệp ước Marrakesh với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đang và sẽ gia nhập, mà còn đánh giá tác động của Hiệp ước tới điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh và quốc phòng của Việt Nam.

Các báo cáo đã cho thấy, nạn đói sách vẫn còn là một thực trạng chưa nhận được nhiều sự quan tâm, ít được biết đến và việc gia nhập, cũng như thực thi Hiệp ước Marrakesh đóng một vai trò quan trọng trong việc xóa nạn đói sách đối với người khuyết tật chữ in.

Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam.

Theo bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam, việc tiếp cận thông tin, tài liệu của người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng sách báo, tài liệu được chuyển đổi, sản xuất ở định dạng dễ tiếp cận còn rất hạn chế. Số lượng sách giáo khoa tiểu học bằng chữ Braille mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, còn số lượng các sách THCS, THPT ít hơn rất nhiều. Các sinh viên khiếm thị tham gia học đại học, cao đẳng, trên đại học thì luôn phải đối diện với sự thiếu thốn các giáo trình, tài liệu học tập. Tỷ lệ các tài liệu khác được chuyển đổi còn rất nhỏ so với kho tàng các tác phẩm đã công bố. Bởi vậy, cơ sở pháp lý về vấn đề tiếp cận thông tin, tài liệu cho người khuyết tật được cải thiện và thực thi hiệu quả sẽ tạo cơ hội cho người khiếm thị có điều kiện tốt hơn để nâng cao kiến thức, kỹ năng, hòa nhập với sự phát triển chung của xã hội.

Cũng theo bà Đinh Việt Anh, việc phê chuẩn và thực hiện Hiệp ước Marrakesh sẽ góp phần thúc đẩy việc cải thiện khả năng tiếp cận thông tin và tri thức, là yếu tố thiết yếu giúp người khuyết tật nâng cao kiến thức kỹ năng, tạo việc làm, thu nhập, giảm tỷ lệ đói nghèo cho người khuyết tật.

Theo ông Đoàn Hồng Sơn – chuyên gia tư vấn của UNDP, những tác động của Hiệp ước Marrakesh đối với Việt Nam về mặt xã hội là nhằm lan toả về nhận thức của xã hội về nạn “đói sách”, về nhu cầu của người khiếm thị được đọc sách nhằm bồi dưỡng tri thức, giảm gánh nặng cho xã hội, thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững tại Việt Nam. Về mặt chính trị, an ninh, quốc phòng sẽ giúp Việt Nam thực hiện chính sách bảo đảm quyền con người, phù hợp với các cam kết quốc tế, góp phần giảm bất bình đẳng, giảm đói nghèo và nguy cơ tệ nạn xã hội, cải thiện an ninh, trật tự xã hội. Những tác động về giới góp phần cải thiện bất bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Về kinh tế sẽ giúp tiết kiệm về mặt thời gian, nhân lực và kinh phí giúp người không có khả năng đọc chữ in có cơ hội học tập hiệu quả hơn, tham gia nhiều ngành nghề hơn, nâng cao điều kiện và thu nhập cá nhân, hoà nhập tốt hơn trong xã hội,… Thúc đẩy quá trình sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về quyền tác giả theo hướng tạo thêm nhiều ngoại lệ phù hợp với Hiệp ước.

Trong chương trình tham vấn đối với các báo cáo về: “Tính khả thi của Hiệp ước Marakesh trong bối cảnh Việt Nam” đã được các chuyên gia của UNDP, Hội Người mù Việt Nam và các tổ chức có liên quan tham gia trao đổi, nghiên cứu sâu về chính sách cho người khuyết tật; đưa ra những phát hiện chính về tính khả thi của Hiệp ước Marakesh trong bối cảnh ở Việt Nam; định vị về vị trí của Việt Nam trên lộ trình gia nhập Hiệp ước; tính tương thích của Hiệp ước với các điều ước quốc tế và tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.

Trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá sâu, đề xuất các khuyến nghị nhằm xây dựng và triển khai Chương trình hành động quốc gia về thực hiện Hiệp ước Marakesh, như: xây dựng thể chế, chính sách, xây dựng pháp luật (sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu Trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành); tuyên truyền nâng cao nhận thức về Hiệp ước; kế hoạch thực hiện các giải pháp thực thi Hiệp ước và cơ chế thực hiện đồng bộ các giải pháp đó để tối ưu lợi ích cho đối tượng thụ hưởng và hài hoà lợi ích của các chủ thể có liên quan.

Các chuyên gia, đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Kết quả của 2 nghiên cứu về thống nhất hóa Luật Người khuyết tật với Công ước quốc tế về quyền người khuyết tật (CRPD) và Chương trình cải thiện chính sách việc làm cho Người khuyết tật tại Việt Nam do UNDP phối hợp cùng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện là 2 báo cáo được triển khai kịp thời với những phát hiện và khuyết nghị góp phần vào việc sửa đổi Luật Người khuyết tật. Bên cạnh đó, kết quả của hai báo cáo cũng đã làm nổi bật lên sự tham gia tích cực và chủ động của người khuyết tật trong quá trình xây dựng và sửa đổi luật.

Thúy Vân