Mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương là một mô hình mới, chưa có trong tiền lệ

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh được 100% tổng số đại biểu tán thành, tại Phiên họp thứ 51, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021. Sau khi thành lập, TP. Thủ Đức có diện tích 211,56km2 và quy mô dân số 1.013.795 người, với 34 phường. Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch đầu tư để phát triển 8 trung tâm trọng điểm của TP. Thủ Đức.
TP. Thủ Đức – Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố sẽ góp phần hình thành chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao.
Hướng phát triển đột phá  

TP. Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt, đông dân nhất cả nước; là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ; là cửa ngõ giao thương quốc tế, đồng thời là trung tâm kinh tế, văn hóa – du lịch, giáo dục – khoa học kỹ thuật, y tế lớn của cả nước và khu vực. Kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh với mục tiêu xây dựng thành phố thành đô thị thông minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững và là đầu tàu kinh tế của cả nước. UBND TP. Hồ Chí Minh đánh giá, trong bối cảnh kinh tế quốc tế và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, việc xây dựng Đề án đô thị thông minh – đô thị công nghệ cao, dựa trên mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức đang là những định hướng phát triển mang tính đột phá của thành phố. Hướng đi này được đúc rút từ những cách làm mới, mô hình thí điểm trước đó của thành phố như: khu chế xuất, công viên phần mềm, trung tâm công nghệ sinh học, khu công nghệ cao…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trình bày quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết thành lập TP. Thủ Đức. Chính phủ đề xuất thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, tạo tiền đề pháp lý tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, giảm biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền các cấp. Từ đó, TP. Hồ Chí Minh có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một thành phố lớn trong khu vực và quốc tế. Chính phủ cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ về tài chính ngân hàng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và tốc độ đô thị hóa đã dẫn tới dân cư tập trung với mật độ cao; cần tập trung quản lý nhà nước thống nhất trên địa bàn 3 quận, tạo điều kiện để kinh tế – xã hội tiếp tục phát triển, xây dựng nơi đây trở thành một đô thị sáng tạo, tương tác cao, là động lực phát triển của TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, khu vực quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức hiện nay có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Năm 2019, cả 3 quận phát triển với tốc độ cao, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước (xét về quy mô, chỉ sau GRDP của Hà Nội, lớn hơn GRDP của tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai). Giai đoạn 2016 – 2019, thu ngân sách đạt 37.158 tỷ đồng, chi ngân sách đạt 11.174 tỷ đồng.

Mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương là một mô hình mới, chưa có trong tiền lệ nhưng đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (Điều 110), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Điều 2) và mới đây nhất là Nghị quyết số 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh. TP. Thủ Đức hiện có hơn 1.000.000 người, đáp ứng quy định quy mô dân số của thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương từ 150.000 người trở lên. TP. Thủ Đức có diện tích 211,56km2 đạt yêu cầu theo quy định từ 150km2 trở lên. Sau khi thành lập TP. Thủ Đức có 34 phường trên tổng số 34 đơn vị hành chính cấp xã, đạt tỷ lệ 100% và đã được công nhận là đô thị loại 1. Về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội, TP. Thủ Đức bảo đảm đạt theo đúng quy định. Hiện TP. Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Quá trình điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện đồng thời với việc lập quy hoạch đô thị sáng tạo phía đông là TP. Thủ Đức. Theo đó, quy hoạch TP. Thủ Đức sẽ gắn trong quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành và trình Thủ tướng phê duyệt năm 2022.

“Vùng lõi” của vùng kinh tế trọng điểm

Năm 1997, huyện Thủ Đức được giải thể và hình thành 3 quận mới trên diện tích của huyện Thủ Đức gồm: quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Qua hơn 20 năm phát triển, trên địa bàn 3 quận đã hình thành nhiều cơ sở kinh tế, giáo dục đào tạo, hạ tầng mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển thành phố như: Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (giai đoạn 2010 – 2020 thu hút trên 7 tỷ USD đầu tư và xuất khẩu 77 tỷ USD); Cụm Đại học phía Đông thành phố (với hơn 100.000 sinh viên và 2000 giảng viên trình độ tiến sĩ); Vành đai 3; Tàu điện ngầm Bến Thành – Suối Tiên; Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Cảng container Cát Lái – lớn nhất Việt Nam…

Thành lập TP. Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức là một đề án mà TP. Hồ Chí Minh đã ấp ủ trong nhiều năm qua, là mô hình “thành phố trong thành phố” nhằm giúp nơi đây thành “hạt nhân”, một “cực” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển vượt bậc trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. TP. Thủ Đức – Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố sẽ góp phần hình thành chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, từ khâu sáng tạo tri thức mới, đào tạo nhân lực, thí nghiệm các ý tưởng mới, cung cấp giải pháp và sản phẩm, đến thương mại hóa giải pháp và sản phẩm chất lượng cao, với sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho nghiên cứu khoa học, quá trình khởi nghiệp sáng tạo và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

TP. Hồ Chí Minh đã chủ động tổ chức thành công thi tuyển quốc tế về ý tưởng thiết kế quy hoạch Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố (nay là TP. Thủ Đức) nhằm hình thành Vùng động lực phát triển mới của thành phố. Theo đó, thành phố đã lựa chọn 8 trung tâm quan trọng của TP. Thủ Đức gồm: Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao (khu công nghiệp công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu chế xuất); Trung tâm giáo dục, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao (gồm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Fullbright, Đại học Nông Lâm và các đại học lân cận…); Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái – Khu vực Tam Đa và Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và Cảng container Cát Lái và Khu đô thị cảng Trường Thọ – đô thị tương lai.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức sẽ được liên kết với nhau một cách bài bản và khai thác, vận dụng với nhau một cách trơn tru nhất, khai thác những thế mạnh của nhau. Những phát triển của khu đô thị sáng tạo công nghệ cao này sẽ hỗ trợ và tạo tiền đề phát triển cho cả TP. Hồ Chí Minh. Ngược lại, TP. Hồ Chí Minh phát triển thì cũng có sức hút, thúc đẩy và tạo nhiều thuận lợi cho khu đô thị sáng tạo, đó chính là một TP. Thủ Đức phát triển.

Đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP. Thủ Đức định hướng sẽ là vùng lõi của vùng kinh tế trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh và có vị trí cửa ngõ Đông – Bắc của thành phố nên giữ vai trò đầu mối giao thương với quốc tế, với phía Nam và của cả nước; có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, tạo thành “tiểu vùng đô thị trung tâm” khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố; giữ vai trò hạt nhân sáng tạo, trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm giáo dục đại học, trung tâm tài chính, thúc đẩy sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh và liên kết, hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển.

Nhật Trường
Nguồn: daibieunhandan.vn