Hoàn thiện quy định pháp luật về chính quyền đô thị

(Quanlynhanuoc.vn) – Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2019 nhưng những chế định về chính quyền đô thị trong Luật còn nhiều bất cập. Nguyên nhân quan trọng nhất đó là những xung đột pháp lý về thể chế giữa Luật Tổ chức chính quyền địa phương với các ngành luật khác, như: Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc, Luật Quy hoạch đô thị… Bên cạnh đó, từ ngày 01/01/2021 sẽ thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội và Đà Nẵng để từng bước tiến đến hoàn thiện cơ chế pháp lý cho chính quyền đô thị trong tương lai. Do vậy, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với cơ chế đặc thù và khác biệt của chính quyền đô thị.

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị góp ý vào Dự thảo Nghị định thí điểm mô hình chính quyền đô thị (Ảnh: VGP/Gia Huy).

1. Điều 111 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định”. Do vậy, chính quyền địa phương (CQĐP) được tổ chức theo mô hình nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt để phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.

Điều 4 Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 quy định: “Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã. Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn”. Luật Tổ chức CQĐP đã được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực vào ngày 01/7/2020, tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số bất cập liên quan đến những chế định về chính quyền đô thị (CQĐT).

Thứ nhất, mâu thuẫn giữa Luật Tổ chức CQĐP  và các ngành luật khác như:

(1) Luật Xây dựng năm 2014 mâu thuẫn về việc xác định CQĐT và chính quyền nông thôn trong việc cấp giấy phép xây dựng.

Tại khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng quy định về cấp giấy phép xây dựng: “Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; … khu di tích lịch sử – văn hoá”. Luật Xây dựng chưa đồng nhất với Luật Tổ chức CQĐP về nội hàm đô thị và nông thôn.

(2) Luật Kiến trúc năm 2019 trong việc phân loại CQĐT thành các loại I, II, III, IV, V và CQĐP ở đô thị gồm CQĐP ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn chưa được phân định rõ ràng trong việc tích hợp với Luật Tổ chức CQĐP.  Cụ thể, Điều 11 Luật Kiến trúc quy định yêu cầu đối với kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn:

– Kiến trúc đô thị phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: “Hài hòa với không gian, kiến trúc, cảnh quan chung của khu vực xây dựng công trình kiến trúc; gắn kết kiến trúc khu hiện hữu, khu phát triển mới, khu bảo tồn, khu vực giáp ranh đô thị và nông thôn, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên; sử dụng màu sắc, vật liệu, trang trí mặt ngoài của công trình kiến trúc phải bảo đảm mỹ quan, không tác động xấu tới thị giác, sức khỏe con người, môi trường và an toàn giao thông… yêu cầu sử dụng, thẩm mỹ và tính chất của đô thị.

– Kiến trúc nông thôn phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều này và các yêu cầu sau đây: Bảo đảm kế thừa giá trị kiến trúc truyền thống,… chống thiên tai”.

(3) Khoản 2 Điều 4 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 phân loại đô thị thành 6 loại đô thị: đặc biệt I, II,III, IV và V.

a) Thành phố trực thuộc trung ương phải là đô thị loại đặc biệt hoặc đô thị loại I.

b) Thành phố thuộc tỉnh phải là đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III.

c) Thị xã phải là đô thị loại III hoặc loại IV.

d) Thị trấn phải là đô thị loại IV hoặc loại V.

Quy định này không đồng nhất với Luật Tổ chức CQĐP, bên cạnh đó, Luật Quy hoạch đô thị  năm 2009 không có mô hình CQĐT là thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

Thứ hai, ngày 27/11/2019, Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và ngày 19/6/2020, ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Cả hai văn bản này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và có một số quy định như:

– Nghị quyết số 97/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này.

– Nghị quyết số 119/2020/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì việc áp dụng do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định.

Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật. Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Do vậy, hiệu lực thi hành của 2 nghị quyết trên có phù hợp với nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành?

Song song đó, cả 2 nghị quyết đều đưa ra mô hình thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận và phường ở Đà Nẵng và không tổ chức Hội đồng nhân dân ở phường ở thành phố Hà Nội.

– Nghị quyết số 97/2019/QH14  quy định tổ chức mô hình CQĐT tại thành phố Hà Nội như sau:

a) Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

b) Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là Ủy ban nhân dân phường.

Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã”.

– Nghị quyết số 119/2020/QH14 quy định tổ chức mô hình CQĐT tại thành phố Đà Nẵng như sau:

a) Chính quyền địa phương ở thành phố Đà Nẵng là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố;

b) Chính quyền địa phương ở các quận thuộc thành phố Đà Nẵng là Ủy ban nhân dân quận.

Ủy ban nhân dân quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố;

c) Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận tại thành phố Đà Nẵng là Ủy ban nhân dân phường.

Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận”.

Nội dung 2 nghị quyết trên mâu thuẫn với Điều 111 Hiến pháp năm 2013: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định”.

Đồng thời, Điều 119 Hiến pháp năm 2013 quy định : “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý”.

2. Dựa trên những phân tích trên, để xây dựng CQĐT mang lại hiệu lực, hiệu quả trên thực tiễn thì trước tiên phải hoàn thiện thể chế về CQĐT trên cơ sở điều chỉnh sửa đổi một số quy định pháp luật cho phù hợp với thực tế:

Một là, sửa đổi một số nội dung quy định pháp luật cụ thể như sau:

– Sửa đổi khoản 2 Điều 111 của Hiến pháp, trong đó có thể thay đổi nội hàm của CQĐP không bao gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

– Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng phải thay đổi khi thực tế CQĐT cấp dưới chỉ có Ủy ban nhân dân làm việc theo chế độ thủ trưởng và chủ tịch là công chức thì Ủy ban nhân dân cũng không còn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, như vậy thì sẽ mâu thuẫn với Luật hiện hành cũng như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2020.

Hai là, quy định đồng nhất đối với nội hàm về đô thị, nông thôn dựa trên quy chuẩn chung là Luật Tổ chức CQĐP cho tất cả các luật khác tham chiếu. Đồng thời, cũng từ đó triển khai CQĐT, nông thôn theo đơn vị hành chính từng cấp phù hợp theo chuẩn chung của Luật Tổ chức CQĐP. Ví dụ: tương ứng CQĐT là thành phố trực thuộc trung ương là đô thị loại mấy?

CQĐT là đơn vị hành chính cấp quận, phường tương ứng là loại đô thị loại mấy  trong Luật Kiến trúc phù hợp với Luật Tổ chức CQĐP.

Ba là, dựa trên tinh thần của 2 nghị quyết thí điểm và thực trạng thực thi các quy định của CQĐT, cần phải tạo một cơ chế phù hợp và chủ động cho người đứng đầu của CQĐT như một số quốc gia trên thế giới: Niu Oóc (Hoa Kỳ), Béc-lin (CHLB Đức), Xê-un (Hàn Quốc),… dù xây dựng CQĐT với những mô hình khác nhau nhưng đều tạo nên sự chủ động trong việc thiết lập quyền lực cũng như cơ chế chủ động trong việc tự chủ xây dựng CQĐT của người đứng đầu, đồng thời, vẫn bảo đảm sự thống nhất với chính quyền trung ương. Vì vậy, người đứng đầu CQĐT phải  là người do người dân ở đô thị bầu ra và có thẩm quyền quyết định đối với các vị trí giúp việc cho mình.

Mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với nhu cầu phát triển của từng đơn vị hành chính. Vì thế, xây dựng CQĐT là quá trình tất yếu của sự phát triển xã hội. Trong thời gian tới, cần hoàn thiện các cơ chế pháp lý phù hợp để CQĐT từng bước được hiện thực hóa trong đời sống thực tế.

Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi năm 2019).
3. Luật Xây dựng năm 2014.
4. Luật Kiến trúc năm 2019.
5. Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
6. Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
7. Chính quyền đô thị: Tinh gọn để nâng cao chất lượng cán bộ thực thi. https://dangcongsan.vn, ngày 02/10/2018.
8. Mô hình chính quyền đô thị và cơ chế chính sách đặc thù của Đà Nẵng có gì đặc biệt? https//www.tienphong.vn, ngày 20/6/2020.
9. Báo cáo chính quyền đô thị tại Việt Nam: Nghiên cứu tình huống từ TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. https://asiafuoundation.org.
ThS. Lê Nguyễn Thị Ngọc Lan
Trường Chính trị tỉnh Bình Phước