Vận dụng lý luận về sở hữu của chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn Việt Nam  

(Quanlynhanuoc.vn) – Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước bắt đầu bằng đổi mới tư duy đã thu được những thành tựu to lớn. Từ một nước nông nghiệp có nền kinh tế phát triển chậm, thường xuyên phải nhập lương thực, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Có được thành tựu đó, phải kể đến những đổi mới trong lĩnh vực kinh tế  mà quan trọng nhất là đổi mới nhận thức về sở hữu. Tuy nhiên, trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, cần tiếp tục hoàn thiện các vấn đề về sở hữu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam gắn với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số.

 

Ảnh minh họa (nguồn:internet).

Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về sở hữu

Trong các tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, Bản thảo kinh tế triết học năm 1844, C. Mác cho rằng, sở hữu là một quan hệ xã hội có tính lịch sử, sở hữu không chỉ bao gồm quan hệ con người chiếm hữu tư liệu sản xuất, của cải mà điều cốt yếu là đề cập đến quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất và tái sản xuất xã hội1.

Mác nghiên cứu vấn đề sở hữu gắn với việc nghiên cứu các hình thái kinh tế – xã hội và phát hiện ra quy luật cơ bản của sự phát triển xã hội loài người là quan hệ sản xuất (QHSX) phải phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất. Theo C. Mác, phương pháp luận nghiên cứu vấn đề sở hữu là phải đi từ nền sản xuất xã hội – quá trình tạo ra của cải vật chất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của con người. Để tiến hành sản xuất phải có hai yếu tố là tư liệu sản xuất và sức lao động. Điều này đồng nghĩa với việc phải có những người chủ sở hữu tư liệu sản xuất đó, dù là sở hữu của cá nhân hay của cộng đồng, của xã hội. Theo C. Mác, sở hữu là một quan hệ xã hội, là QHSX mang tính lịch sử cụ thể. Nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (TBCN) ở giai đoạn tự do cạnh tranh, C. Mác vạch rõ đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản nhằm xây dựng một xã hội mới dựa trên sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất. Việc xóa bỏ quan hệ sở hữu (QHSH) tư nhân TBCN được coi là một tất yếu khách quan.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăng-ghen khẳng định: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản…”2. C. Mác khẳng định, vấn đề sở hữu cần phải giải quyết hai nội dung cơ bản: xóa bỏ QHSH tư nhân TBCN và xây dựng QHSH xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN). Tuy nhiên, quá trình xóa bỏ QHSH tư nhân TBCN không phải là quá trình phủ định sạch trơn mọi QHSH, mà là quá trình xóa bỏ sự đối lập gay gắt giữa hai cực “tư bản” và “lao động làm thuê”… Về các hình thức sở hữu tư nhân, những người cộng sản phải có thái độ đúng mực, nhất là đối với sở hữu của những người tiểu nông…

Kế thừa và phát triển lý luận của C. Mác và Ph. Ăng-ghen trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn độc quyền và đặc biệt là trong điều kiện trực tiếp lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga, V.I. Lê-nin đã đưa ra hàng loạt luận điểm quan trọng về sở hữu. Ông khẳng định: “Để thực sự giải phóng giai cấp công nhân, cần phải có cuộc cách mạng xã hội, xuất phát một cách tự nhiên từ toàn bộ sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tức là phải thủ tiêu chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, chuyển các tư liệu đó thành sở hữu công cộng và thay thế nền sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa bằng việc tổ chức sản xuất sản phẩm theo lối xã hội chủ nghĩa…”3.

Đồng thời, V.I. Lê-nin cũng cho rằng, chủ nghĩa xã hội không hề xóa bỏ tất cả các quyền sở hữu của quần chúng nhân dân lao động, mà chỉ muốn xóa bỏ quyền sở hữu của địa chủ và tư bản. Ông chỉ rõ đặc điểm kinh tế nổi bật nhất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là sự tồn tại nền kinh tế với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế (TPKT)…

Trên cơ sở đó, ngay sau Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, V.I. Lê-nin đã đề ra và chỉ đạo thi hành Chính sách kinh tế mới (NEP), làm sống lại nền kinh tế của đất nước với chế độ đa sở hữu, đa thành phần kinh tế, kể cả các thành phần phú nông và tư sản thành thị. Nhờ đó, nền kinh tế – xã hội được khởi sắc, góp phần quan trọng tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc XHCN trong điều kiện mới.

Thực tế cho thấy, từ mùa xuân năm 1921, nước Nga chuyển sang giai đoạn mới của Cách mạng. Chính sách cộng sản thời chiến không còn thích hợp với bối cảnh hiện tại, thậm chí còn trở thành lực cản đối với sự phát triển vì đã làm triệt tiêu động lực của những người sản xuất. V.I.  Lê-nin cùng với Đảng Bôn-sê-vích Nga đưa ra và thực hiện Chính sách kinh tế mới để thay thế Chính sách cộng sản thời chiến với nhiều nội dung khác nhau, trong đó có nội dung cơ bản là sử dụng sức mạnh kinh tế của nhiều hình thức sở hữu, nhiều TPKT… Việc thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần được coi là phát triển nền kinh tế dựa trên nhiều hình thức sở hữu khác nhau và sự phát triển đan xen giữa các hình thức sở hữu ấy có sự điều tiết và định hướng của Nhà nước XHCN để hướng tới mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và nhiều hình thức sở hữu đồng thời với việc mở rộng hợp tác kinh tế với nước ngoài là phương thức huy động và sử dụng các nguồn lực cả trong và ngoài nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Như vậy, Chính sách kinh tế mới của V.I.  Lê-nin là sự vận dụng sáng tạo quy luật về sự phù hợp của QHSX với trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất trong điều kiện cụ thể của nước Nga.

Quan điểm về sở hữu của Đảng ta và việc vận dụng vào thực tiễn Việt Nam

Thời kỳ trước đổi mới, ở Việt Nam cũng như ở các nước XHCN đã đồng nhất sở hữu với tư cách là một quan hệ pháp lý với sở hữu là quan hệ kinh tế khách quan; tách QHSH với quan hệ tổ chức, quản lý và quan hệ phân phối; nhấn mạnh QHSX, mà cơ bản là QHSH, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển; từng giải quyết vấn đề sở hữu bằng những biện pháp hành chính đơn thuần nhằm “tước đoạt”, “xóa” sở hữu cũ, tạo dựng sở hữu mới một cách duy ý chí, trái quy luật khách quan…4

Bước vào công cuộc đổi mới đất nước năm 1986, Đảng ta đã nhận thức và vận dụng đúng đắn hơn quy luật QHSX phù hợp với trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất; thực hiện chính sách nhất quán lâu dài phát triển nền kinh tế quá độ với nhiều hình thức sở hữu, nhiều TPKT; phân biệt rõ QHSH và quan hệ chiếm hữu; chủ thể sở hữu, đối tượng sở hữu…; nội dung kinh tế và nội dung pháp lý của sở hữu; chế độ sở hữu, loại hình sở hữu, hình thức sở hữu; quyền sở hữu và quyền sử dụng (quyền sản xuất – kinh doanh); thể chế sở hữu và hoàn thiện thể chế sở hữu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Từ Đại hội VI và sau này là Đại hội VII, VIII và IX, Đảng ta đã chủ trương đa dạng hóa các hình thức sở hữu với nhiều TPKT khác nhau. Các TPKT được hình thành trên cơ sở của ba hình thức sở hữu cơ bản là: sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Đảng đã đề ra chủ trương thực hiện cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm 100% vốn; sáp nhập, giải thể, cho phá sản những doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả…

Như vậy, trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta luôn kiên định và nhất quán đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều TPKT, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Đảng ta luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách phát triển đồng bộ các TPKT. Các TPKT hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Tất cả các loại hình sở hữu đều là những phương tiện để đạt tới mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đáng chú ý, sự đổi mới căn bản trong nhận thức về sở hữu được thể hiện ở chủ trương, chính sách đối với các TPKT dựa trên sở hữu tư nhân. Nếu như thời kỳ trước đổi mới, TPKT tư bản tư nhân bị xóa bỏ, TPKT cá thể bị cải tạo và thu hẹp dần thì từ sau Đại hội VI đến nay, Đảng ta không ngừng thay đổi chủ trương, chính sách theo hướng khuyến khích, hỗ trợ các TPKT đó phát triển.

Đặc biệt, để phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Nghị quyết số 10-NQ/TW đã xác định mục tiêu tổng quát: phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, cần tiếp tục hoàn thiện các vấn đề về sở hữu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó cần chú trọng một số vấn đề sau:

Thứ nhất, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các bộ quy tắc, luật lệ để xác định chủ sở hữu, đối tượng sở hữu; phạm vi QHSH, hình thức sở hữu và chế độ sở hữu; lợi ích của chủ sở hữu và người sử dụng; các quy tắc điều chỉnh, công cụ điều chỉnh và chế định các hành vi chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối tượng sở hữu5.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế: quyền tài sản của công dân và doanh nghiệp; tài sản công và tài sản công tại doanh nghiệp; sở hữu, sử dụng đất đai và các tài nguyên khác và thể chế về sở hữu trí tuệ… Cùng với đó, hoàn thiện vị trí, vai trò, chức năng, năng lực, quyền tài sản, nguyên tắc sử dụng quyền tài sản; nguyên tắc bảo vệ quyền sở hữu và lợi ích của chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu; nguyên tắc sử dụng tài sản và phương thức thực hiện lợi ích của các chủ thể tham gia. Cần lưu ý những vấn đề mới như sở hữu và quyền sở hữu trong nền kinh tế số. Chẳng hạn, trước đây, đối tượng sở hữu tài sản (cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…) thường ở các dạng như: tài sản cố định, tài sản lưu động, tài sản hữu hình và tài sản vô hình là một với tỷ lệ góp vốn khác nhau trong ngành hàng kinh doanh. Tuy nhiên, trong nền kinh tế số, vấn đề sở hữu các loại tài sản này đã có sự thay đổi. Đối tượng sở hữu tài sản hữu hình với đối tượng sở hữu tài nguyên số có thể tách rời. Họ kết hợp với nhau để tạo ra việc cung cấp hàng hóa hay dịch vụ cho khách hàng một cách nhanh nhất, giá thành rẻ6.

Thứ ba, trong quá trình phát triển không nóng vội xóa bỏ hay xác lập hình thức sở hữu nào đó một cách chủ quan mà phải luôn luôn quan tâm giải quyết từng bước QHSX, nhất là QHSH sao cho phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất mới và lợi ích của người lao động để giảm dần sự bất bình đẳng trong xã hội. Một khi đã nhận thức được vai trò động lực của sở hữu thì sẽ có tác động rất lớn đến mọi hoạt động kinh tế của đất nước nói riêng và của toàn bộ đời sống xã hội nói chung7.

Thứ tư, cần có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về sở hữu nói chung và vấn đề sở hữu trong nền kinh tế số nói riêng. Bởi, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà nòng cốt là chuyển đổi số sẽ làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế, xã hội, quản trị quốc gia theo hướng công nghệ số, từ đó làm thay đổi vấn đề sở hữu. Đối tượng sở hữu tài sản hữu hình (theo quan niệm truyền thống) với đối tượng sở hữu tài nguyên số có thể tách rời. Đối tượng sở hữu tài nguyên số cũng đa dạng thuộc nhiều TPKT. Ngoài ra, với xu thế công nghệ tác động đến mọi lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội và vấn đề quyền sở hữu ngày càng được quan tâm, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, cách thức tổ chức, thiết chế và các quy tắc, thủ tục cho các tổ chức khi giải quyết tranh chấp về lợi ích phát sinh từ quyền sở hữu để đạt mục đích của các chủ thể.

Chú thích:
1. Tác giả tổng hợp từ nguồn: C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập. H. NXB. Chính trị quốc gia, 1995.
2, 3. V.I. Lê-nin. Toàn tập. H. NXB. Chính trị quốc gia, 2006, tr. 36, 362 – 363.
4, 5. Vận dụng lý luận về sở hữu của chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. http://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 17/6/2020.
6. Trần Thị Hằng, Nguyễn Thị Hoài Thu. Vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về sở hữu trong nền kinh tế số. Tạp chí Lý luận chính trị số 10/2019, tr. 26.
7. Nguyễn Thị Phương Dung. Vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về sở hữu trong phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam. Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2020, tr. 36.

Trần Thị Hương
Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp