Hiện tượng tôn giáo mới và một số biện pháp quản lý nhà nước

 (Quanlynhanuoc.vn) – Hiện tượng tôn giáo mới là thuật ngữ chung, dùng để chỉ những hình thức tín ngưỡng, tôn giáo mà ít ai biết đến, đó là “đạo lạ”, “hiện tượng tôn giáo mới” hay “phong trào tôn giáo mới”… Sự xuất hiện này đã phần nào đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân, song cũng gây ra những xáo trộn, mâu thuẫn trong đời sống xã hội, cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác tôn giáo; tạo thuận lợi cho đồng bào thực hành tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng pháp luật. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc nhằm chia rẽ đại đoàn kết dân tộc, qua đó, góp phần tạo dựng môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước.

 

Hoạt động của “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” (Ảnh nguồn internet)

1. Từ cuối năm 1990, nước ta xuất hiện khoảng trên 80 hiện tượng tôn giáo mới (TGM)1. Hiện tượng TGM này chính là “đạo lạ”. Sự xuất hiện các hiện tượng TGM đã đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) của một bộ phận người dân, song cũng gây ra không ít xáo trộn, mâu thuẫn trong đời sống xã hội, cộng đồng dân cư.

Những hiện tượng TGM tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số với một bộ phận người dân tin theo những tín điều mang tính cực đoan. Đặc biệt, chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và một số địa phương miền Trung, sau đó lan rộng ra cả nước.

Hiện tượng TGM có tính chất nửa tôn giáo, nửa tín ngưỡng, vì chưa có đầy đủ yếu tố cấu thành như một tôn giáo truyền thống. Theo đó, thường có giáo chủ, hệ thống những người hoạt động chuyên nghiệp; giáo lý, giáo luật, lễ nghi, tổ chức tôn giáo. Các hiện tượng TGM về cơ bản đều chưa có tổ chức giáo hội, chưa hình thành tổ chức mang tính hệ thống, thống nhất. Họ thường “vay mượn” hệ thống giáo lý của các tôn giáo truyền thống, tín ngưỡng dân gian, pha tạp bởi nhiều giáo lý của các tôn giáo khác nhau, thậm chí kế thừa những phong tục, tập quán của các dân tộc. Nghi lễ sinh hoạt, thờ cúng của hầu hết TGM này mang tính đơn giản, chắp vá những giáo lý của Công giáo, Tin lành.

Hiện tượng TGM ở nước ta có giáo chủ,  chủ yếu là nữ giới, họ tự xưng là “Đấng tiên tri”, “Đấng cứu thế” và cho rằng mình là người có khả năng “siêu phàm”, có thể liên hệ, nói chuyện với các thần linh, được các thần linh trao nhiệm vụ giải thoát hoặc cứu vớt loài người. Đơn cử, như: Bà Điền, giáo chủ Hoàng Thiên Long cho là Thánh ngự tại điện Hoàng Thiên Long phong cho bà ta là Nữ thần giao liên và truyền lệnh cho bà thay trời hành đạo để cứu nhân độ thế cho trần giới và bà có thể chữa khỏi cho những người bị mắc bệnh hiểm nghèo bằng phương pháp tâm linh và uống “Nước thánh”2. Giáo chủ đạo Hà Mòn là Y Gyin cho rằng mình là người được Đức mẹ nhập vào để sáng lập ra một TGM và “Ai theo Đức mẹ thì mọi nợ nần về vật chất và tinh thần đều được xóa bỏ, kể cả nợ ngân hàng; ốm đau không chữa cũng khỏi bệnh; người đã theo thì không được bỏ, nếu bỏ đạo gia đình sẽ ly tán”3;  giáo chủ Dương Văn Minh tự cho mình có khả năng nói chuyện được với thần linh, với Thiên chúa, theo y cầu nguyện, không làm cũng có ăn, không học cũng biết chữ, người già sẽ lột xác, ốm đau sẽ tự khỏi, nơi hành lễ là “nhà đòn”, dựng ở đâu tùy thích, thờ phụng con ve sầu, chim én, cóc gỗ thay vì thờ cúng tổ tiên như trước đây4.

Có thể thấy, hoạt động của các hiện tượng TGM ở nước ta, về mặt tích cực đã phần nào đáp ứng nhu cầu tinh thần, bù đắp được niềm tin cho một số bộ phận Nhân dân trước những thách thức, khó khắn trong cuộc sống. Một số hiện tượng TGM có những nội dung sinh hoạt gắn với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa; trân trọng những người có công với đất nước và dân tộc.

Tuy nhiên, về cơ bản các hiện tượng TGM đã gây ra không ít những khó khăn cho các gia đình và xã hội. Có nhiều gia đình phải ly tán, khuynh gia, bại sản hoặc mất người thân cũng chỉ vì tin theo “đạo lạ”. Không ít người vì tin vào những tín điều của giáo  chủ  “đạo lạ” mà có những việc làm gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của mình và người thân. Một số giáo chủ đã mê hoặc Nhân dân, tuyên truyền mê tín, dị đoan, tuyên truyền về “ngày tận thế”, “Đức mẹ hiện hình”, “cứu vớt chúng sinh” hoặc kích động một số người tin theo hành xác… (Đạo Dương Văn Minh).  Một số đối tượng truyền bá mê tín dị đoan nhằm trục lợi hoặc mượn danh tiếng lãnh tụ để phòng, chống tham nhũng nhưng thực chất là chống phá Đảng và Nhà nước…

2. Trước thực trạng trên, để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về TNTG, cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Một là, tuyên truyền sâu rộng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về TNTG, nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013  của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới;  Luật TNTG năm 2016; Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNTG.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác vận động và thuyết phục quần chúng bằng những hoạt động và phong trào thiết thực, hiệu quả gắn với tình hình thực tiễn đặc thù của từng địa phương. Tăng cường giáo dục truyền thống “uống nước – nhớ nguồn”, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tăng cường phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp nhóm người yếu thế trong xã hội.

Ba là, chủ động nắm vững diễn biến tình hình an ninh, trật tự trên từng địa bàn dân cư, chú trọng xây dựng phong trào tự quản ở địa phương.

Bốn là, tìm hiểu về nguyên nhân hình thành và phát triển của hiện tượng TGM, qua đó, xác định phương hướng quản lý nhà nước đối với những hiện tượng đó. Thu thập các thông tin về hiện tượng “đạo lạ”, TGM ở cơ sở, đặc biệt, về nguồn gốc, đặc điểm, mục đích và nội dung hoạt động để có cơ sở đánh giá và phân loại đúng hiện tượng TGM, qua đó, có phương án ứng xử phù hợp.

Năm là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị để chia sẻ thông tin, nắm bắt tình hình, kinh nghiệm và thống nhất phương hướng giải quyết.

Sáu là, phát huy vai trò của chức sắc, tín đồ các tôn giáo truyền thống trong việc đấu tranh đối với những hành vi lợi dụng TNTG; xây dựng các quy ước, hương ước, phong trào tự quản tại điểm dân cư, trong đó, có nội dung đấu tranh với những hiện tượng “tà đạo”.

(1) Đối với hiện tượng TGM có tính chất mê tín, dị đoan, cần sử dụng biện pháp xử phạt hành chính, tuyên truyền thủ đoạn lừa bịp, lôi kéo của những đối tượng cầm đầu để Nhân dân biết và dần loại bỏ.

(2) Đối với hiện tượng TGM có tính “cực đoan”, phản văn hóa, hoặc mang màu sắc chính trị, cần kiên quyết loại bỏ, xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu, cốt cán nhằm mang tính răn đe.

(3) Đối với hiện tượng tôn giáo khác, du nhập từ bên ngoài, không xác định rõ nguồn gốc, cần vận động, tuyên truyền để Nhân dân cảnh giác; đồng thời, hướng dẫn Nhân dân sinh hoạt tôn giáo tại gia đình, theo đúng quy định pháp luật.

Hiện tượng TGM là một hiện thực mang tính lịch sử và khách quan của xã hội trong quá trình vận động và phát triển. Công tác quản lý nhà nước đối với những hiện tượng TGM luôn gặp nhiều  khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp chính quyền từ trung ương đến cơ sở cần có giải pháp mang tính chiến lược đem lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu TNTG của Nhân dân. Đồng thời, bảo đảm an ninh để người dân thực hành TNTG theo đúng quy định của pháp luật.

Chú thích:
1. Ban Tôn giáo Chính phủ. Tôn giáo và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2017, tr. 103.
2. Sở Nội vụ thành phố Hà Nội. Báo cáo chuyên đề về một số “đạo lạ” trên địa bàn năm 2015.
3. Hoàng Minh Đô. Hiện tượng tôn giáo mới – tà đạo, đặc điểm nhận dạng và vấn đề đặt ra. Tạp chí Tuyên giáo, ngày 26/5/2018.
4. Thiên Đức, Yên Sơn. Tuyên Quang ngăn chặn tà đạo xâm nhập vùng dân tộc thiểu số. Tạp chí Dân tộc và Phát triển, ngày 10/9/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
2. Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Nguyễn Văn Minh. Các hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 11 (84) – 2014.
TS. Vũ Thế Duy
Học viện Hành chính Quốc gia