Những thuận lợi và khó khăn của TP. Hồ Chí Minh trong xây dựng đô thị thông minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Để xây dựng đô thị thông minh, chính quyền đô thị cần xác lập mục tiêu, lộ trình, nhiệm vụ – giải pháp cụ thể trên tất cả các lĩnh vực của đô thị. Trong đó, chuyển đổi quản trị chính quyền đô thị là quan trọng nhất để chính quyền trở nên “thông minh hơn”, xác định tầm nhìn, mục tiêu quản lý hiệu quả hơn.

 

Các đồng chí lãnh đạo TP. hồ Chí Minh thực hiện nghi thức ra mắt không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số (nguồn: https://www.hcmcpv.org.vn).

Đô thị thông minh (ĐTTM) là thuật ngữ chỉ giai đoạn phát triển cao của đô thị, được xây dựng dựa trên cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh với ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại trong hoạt động quản trị của chính quyền; hoạt động kinh tế – xã hội (KTXH) của cư dân, doanh nghiệp (DN) và du khách.

Xây dựng đô thị thông minh ở TP. Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh là thành phố năng động, sáng tạo và là một trong hai thành phố lớn nhất Việt Nam, với dân số là 8.993.082 người1. Là nơi đầu tàu về phát triển kinh tế, giai đoạn 1996 – 2000 chiếm 17%, giai đoạn 2001 – 2010 chiếm 20% và giai đoạn 2011 – 2019, chiếm hơn 22% kinh tế cả nước2. Tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước của Thành phố cũng ngày càng tăng, giai đoạn 2001 – 2010 chiếm 26,5%, đến giai đoạn 2011 – 2019 chiếm 27,5%3.

Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành ĐTTM là điều kiện cần để Thành phố phát triển bền vững trong những thập kỷ tiếp theo. Đồng thời, mang lại lợi ích thiết thực cho từng người dân của Thành phố trong bối cảnh mới, với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Để khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 6179/QĐ-UBND ngày 23/11/2017 về phê duyệt đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành ĐTTM giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025, trong đó xác định: “TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị”; Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 03/7/202 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh cũng nêu rõ mục đích: “Đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh với đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số”; Quyết định số 4250/QĐ-UBND ngày 28/9/2018 phê duyệt kiến trúc CQĐT TP. Hồ Chí Minh; Quyết định số 2392/QĐ-UBND ngày 03/7/2020 về xây dựng và cập nhật kiến trúc CQĐT của TP. Hồ Chí Minh.

Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh được xác định với 4 mục tiêu chung: (1) Bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và hướng đến kinh tế tri thức; (2) Nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; (3) Quản trị đô thị hiệu quả; (4) Tăng cường sự tham gia quản lý của người dân – phát huy trí tuệ Nhân dân. Đồng thời, được xây dựng trên 4 nguyên tắc: (1) Tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; (2) Luôn thấu hiểu người dân; (3) Công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển; (4) Huy động mọi nguồn lực tham gia4.

Kết quả qua gần 3 năm thực hiện, Đề án đã tập trung xây dựng được 4 trung tâm:

(1) Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở.

Kho dữ liệu dùng chung  giai đoạn 1 đã và đang phục vụ tích cực cho công tác chỉ đạo điều hành của Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố. Cụ thể,  kho dữ liệu đã tích hợp được cơ sở dữ liệu văn bản điện tử, một cửa điện tử, khiếu nại, tố cáo, đường dây nóng, đăng ký DN, đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư công, địa chính, các cơ sở khám, chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề, các cơ sở giáo dục, dịch vụ giáo dục,… tại cổng dữ liệu thành phố https://data.hochiminhcity.gov.vn. Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu dân cư đang được tích cực triển khai xây dựng5.

(2) Trung tâm điều hành ĐTTM.

Về lĩnh vực giao thông, Thành phố đưa vào sử dụng Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị giai đoạn 1 bao gồm ca-me-ra giám sát với 775 chiếc; hệ thống giám sát và điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt tại 216 chốt cùng với 70 bảng thông tin giao thông điện tử. Hệ thống có khả năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích nâng cao dữ liệu và cùng một lúc có hàng chục ca-me-ra nhận diện khuôn mặt, nhận dạng các loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh, trật tự, hay những sự cố bất thường khác trên mạng lưới giao thông thành phố6.

Về lĩnh vực y tế, thành phố triển khai cổng thông tin của ngành Y tế cung cấp nhiều chuyên mục thuộc các lĩnh vực khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, cải cách hành chính. Đồng thời, cổng thông tin cho phép tra cứu trực tuyến về giấy phép, phạm vi hoạt động của cá nhân người hành nghề và cơ sở y tế khám, chữa bệnh. Thực hiện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại Bệnh viện quận Thủ Đức, hướng đến xây dựng “Bệnh viện không giấy”; thực hiện kết nối liên thông cơ sở dữ liệu của trên 6.000 cơ sở cung ứng thuốc với cơ sở dữ liệu dược quốc gia…7.

Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đã triển khai xây dựng kiến trúc tổng thể về công nghệ thông tin của ngành Giáo dục và Đào tạo, làm cơ sở để xây dựng và triển khai mô hình chính quyền điện tử, ĐTTM. Đồng thời, triển khai cổng thông tin điện tử với gần 2.000 website thành viên là các website của các đơn vị giáo dục8. Bên cạnh đó, đã triển khai hàng loạt các hình thức dạy học tiên tiến, hiện đại, như: dạy học theo dự án, học sinh nghiên cứu khoa học, phương pháp dạy học định hướng STEM…, nhằm từng bước xây dựng mô hình lớp học điện tử, trường học điện tử theo mô hình giáo dục thông minh.

(3) Trung tâm mô phỏng và dự báo KTXH.

Đến nay, thành phố đã hoàn thành tài liệu tổng hợp các phương pháp dự báo khoa học, từ đó, ứng dụng các mô hình dự báo một số chỉ tiêu KTXH chủ yếu cho năm 2019 và 2020; phát triển mô hình kinh tế lượng: các bộ dữ liệu vĩ mô và vi mô được khai thác trong điều kiện kỹ thuật cho phép để mô hình hóa, nhằm phân tích một số nội dung thuộc về đặc điểm KTXH trên địa bàn thành phố.

(4) Trung tâm An toàn thông tin.

Thành phố đã phê duyệt đề án thành lập Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin vào tháng 4/2019, chấp thuận cho Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn góp vốn thành lập và nắm giữ 75% cổ phần của Công ty vào tháng 6/20209.

Trung tâm An toàn thông tin là 1 trong 4 trung tâm trụ cột của Đề án, góp phần bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Đồng thời, cung cấp dịch vụ an toàn thông tin và các sản phẩm khác nhằm bảo toàn vốn trong ngắn hạn và phát triển kinh doanh dài hạn.

Chủ động kết nối và thu thập các thông tin về tình hình an ninh thông tin, internet từ các đối tác, các nhà cung cấp, lỗi bảo mật, các nguy cơ tiềm ẩn. Qua đó, cảnh báo nhanh về các sự cố an ninh thông tin đối với các cơ quan, đơn vị được bảo vệ. Tất cả các tính năng này sẽ hỗ trợ công tác quản lý của chính quyền thành phố và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trên địa bàn.

Một số kết quả đã đạt được ở trên được coi là trụ cột chính của xây dựng ĐTTM, làm tiền đề quan trọng để tiếp tục thực hiện các giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, cơ sở nền tảng công nghệ, mặt bằng dân trí đều là những thuận lợi cơ bản, góp phần quan trọng trong xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành ĐTTM.

Một số hạn chế trong quá trình xây dựng đô thị thông minh của Thành phố

Một là, năng lực quản trị của chính quyền các cấp.

Việc nâng cao năng lực của chính quyền các cấp nói chung và năng lực của từng cán bộ, công chức, viên chức nói riêng, đáp ứng yêu cầu quản trị tiến trình xây dựng và quản lý ĐTTM là một nhiệm vụ khó khăn. Trong đó, năng lực dự báo chiến lược và năng lực nhận diện các vấn đề KTXH là những năng lực quan trọng nhất và cũng là những năng lực khó nhất của từng cán bộ, công chức, viên chức và của các cấp chính quyền Thành phố.

Ngoài ra, việc nghiên cứu, dự báo để xác lập cơ chế quản trị hiệu lực, hiệu quả trong môi trường số cũng là những thách thức lớn.

Hai là, nguồn lực hạn chế.

Hiện nay, tỷ lệ ngân sách được trích lại cho Thành phố ngày càng giảm dần, năm 2000, tỷ lệ ngân sách được giữ lại là 33%, nhưng chỉ còn 18% trong giai đoạn 2017- 202010. Thực tế này dẫn đến nguồn lực ngày càng giảm, gây nhiều khó khăn trong cân đối, điều tiết phát triển cũng như đầu tư xây dựng ĐTTM và thực hiện chương trình chuyển đổi số.

Ba là, việc triển khai thực hiện giải pháp công nghệ.

Xây dựng ĐTTM đòi hỏi phải bám sát công nghệ hiện đại. Đồng thời, trong quá trình triển khai cần phải dự đoán, dự báo sự phát triển công nghệ trong tương lai để có thể lựa chọn công nghệ mang tính mở, có khả năng chuyển đổi, tích hợp giữa công nghệ hiện tại và tương lai. Ngoài ra, các giải pháp khoa học – công nghệ và công nghệ thông tin có sự phát triển, thay đổi liên tục. Trong khi đó, quy trình thực hiện dự án theo Luật Đầu tư công năm 2014 và Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 thì thời gian kéo dài, dẫn đến việc khi dự án được thông qua thì giải pháp công nghệ không còn phù hợp.

Bốn là, sự chi phối bởi nhiều vấn đề khác.

Tiến trình xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành ĐTTM bị chi phối trước một loạt các vấn đề cần giải quyết, như: chống ngập lụt,  giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông… Những vấn đề này ngày càng trở nên cấp bách, đòi hỏi chính quyền thành phố cần quan tâm, xử lý triệt để.

Một số giải pháp thực hiện

Thứ nhất, bảo đảm nguồn lực hiệu quả.

Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án xin Trung ương nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 18% như hiện nay lên 33%, thời gian thực hiện theo lộ trình 10 năm. Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025, tỷ lệ điều tiết là 24%; giai đoạn 2026 – 2030 là 33%, đây chính là mức điều tiết bằng năm 200311.

Thứ hai, bảo đảm sự nhất quán xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành ĐTTM trong các chương trình, đề án phát triển.

Chính quyền Thành phố cần lồng ghép, tích hợp tầm nhìn, mục tiêu trong xây dựng ĐTTM. Thực hiện chương trình chuyển đổi số và các chương trình, đề án khác nhằm nâng cao hiệu quả, tính đồng bộ, tiết kiệm nguồn lực và bảo đảm phát triển toàn diện.

Thứ ba, tập trung đổi mới, chuyển đổi số trong các hoạt động quản trị để phục vụ người dân, DN.

Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng, bảo đảm năng lực quản trị của chính quyền thành phố trong kỷ nguyên số. Trong đó, cần quan tâm vào 3 trụ cột chính: (1) Nâng cao năng lực quản trị số của từng cán bộ, công chức, viên chức – những nhân vật trung tâm của chính quyền số; (2) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động quản trị cụ thể của chính quyền các cấp; (3) Đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền đối với người dân, DN.

Thứ tư, huy động sự tham gia của các bên liên quan trong xây dựng ĐTTM.

Huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư, DN tham gia, như: trực tiếp đầu tư, đối tác công – tư, ủy thác đầu tư… vào các hoạt động, dự án cụ thể. Công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng các nguồn lực để chính quyền cùng các bên liên quan theo dõi, giám sát… Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của người dân thông qua các hoạt động cụ thể, như: tham vấn chính sách, mời gọi đầu tư, phản biện xã hội… để người dân thực sự là “trung tâm của đô thị”.

Thứ năm, xây dựng chính sách phát triển công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đáp ứng tiến trình xây dựng ĐTTM.

Hiện nay tốc độ phát triển của công nghệ thông tin nói riêng và khoa học – công nghệ nói chung trên thế giới rất nhanh, do vậy, việc đầu tư phê duyệt dự án kéo dài là cản trở rất lớn. Vì vậy, chính quyền thành phố xem xét sớm phê duyệt đề án, chủ trương, cấp kinh phí trong lĩnh vực khoa học – công nghệ.

Mặt khác, cần có chính sách ưu đãi DN đổi mới sáng tạo khởi nghiệp để phát triển các công nghệ nền tảng, công nghệ số. Phát triển các ứng dụng và giải pháp thông minh phục vụ các hoạt động quản trị của chính quyền và các hoạt động kinh tế – xã hội của cư dân, DN.

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng ĐTTM là quá trình liên tục, lâu dài và mang tính chất mở, là vấn đề mới đối với thành phố. Chính vì vậy, cần thường xuyên rà soát đánh giá trong quá trình tổ chức thực hiện đề án, nhận định đúng những tồn tại, hạn chế để  khắc phục nhằm cung cấp cho người dân những tiện ích tốt nhất. Bên cạnh đó, với truyền thống luôn sáng tạo, đổi mới trong các hoạt động quản lý, chính quyền Thành phố luôn quyết tâm xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành ĐTTM vào năm 2025.

Chú thích:
1. vi.wikipedia.org, ngày 15/10/2020.
2, 3, 10. Tỷ lệ ngân sách TP. Hồ Chí Minh được giữ lại thấp nhất nước. https://vcci.com.vn, ngày 07/7/2020.
4. TP. Hồ Chí Minh với 4 mục tiêu, 4 nguyên tắc khi xây dựng thành phố thông minh. http://www.vinasa.org.vn, ngày 30/10/2017.
5, 6, 7, 8. Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh: còn một số khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ. www.hcmcpv.org.vn, ngày 10/8/2020.
9. Ra mắt Trung tâm An toàn thông tin thuộc Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh. www.hcmcpv.org.vn, ngày 11/10/2020.
11. Tỷ lệ ngân sách được giữ lại của TP. Hồ Chí Minh thấp nhất thế giới. www.plo.vn, ngày 07/12/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. TP. Hồ Chí Minh địa phương đầu tiên công bố chương trình chuyển đổi số. https://m.mic.gov.vn, ngày 22/7/2020.
2. TP. Hồ Chí Minh công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 đề án đô thị thông minh. http://thoibaotaichinhvietnam.vn, ngày 13/5/2019.
TS. Bùi Ngọc Hiền – ThS. Phan Thị Thúy Tiên
Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh