Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa phố Hiến, tỉnh Hưng Yên

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy di tích Phố Hiến đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự ủng hộ của Nhân dân nên đã đạt được những kết quả quan trọng. Các lễ hội tại các di tích nằm trong quần thể di tích Phố Hiến được tổ chức đúng quy định; các nghi thức trong lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục địa phương.

 

Chùa Chuông – nét cổ kính giữa lòng phố Hiến (Nguồn: https://nemtv.vn).

Quần thể di tích Phố Hiến nằm trên địa phận của Phố Hiến xưa, hiện nay thuộc phần đất từ thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn tới thôn Nễ Châu, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên. Theo sử sách ghi lại, những điều kiện thuận lợi về địa hình dòng chảy của các con sông như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đáy đã giúp Phố Hiến trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của xứ Đàng ngoài vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII. Phố Hiến thời bấy giờ đóng vai trò như một thương cảng quan trọng bậc nhất với cảnh trên bến dưới thuyền, các thuyền buôn nước ngoài với trọng tải lớn thường xuyên đậu kín sông Xích Đằng.

Phố Hiến là nơi sinh sống, lập nghiệp của cộng đồng người Hoa, Xiêm, Mã Lai và các nước phương Tây, bởi vậy cũng trở thành điểm hội tụ, giao thoa của các nền văn hóa, kèm theo sự hình thành các công trình kiến trúc, tôn giáo, nhà ở mang phong cách của nhiều quốc gia khác nhau. Trải qua nhiều thăng trầm, dấu tích của các cộng đồng người nước ngoài từng sinh sống tại đây không hề mất đi. Rất nhiều di tích, di sản phi vật thể được hình thành từ thời hoàng kim của Phố Hiến vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2408/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho Khu di tích Phố Hiến. Phố Hiến vẫn còn bảo tồn, giữ gìn được hơn 100 di tích lịch sử văn hóa (LSVH) có giá trị, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng di tích LSVH quốc gia, gồm 16 di tích tiêu biểu, như: Đền Mây; Văn Miếu Xích Đằng; đền Kim Đằng (phường Lam Sơn); đền Trần; đến Mẫu; đền Thiên Hậu; Võ Miếu; chùa Phố; đền Bà Chúa Kho (phường Quang Trung); chùa Chuông; đình An Vũ; đền Nam Hòa (phường Hiến Nam); đền Cửu Thiên Huyền Nữ (phường Lê Lợi); đình – chùa Hiến; Đông Đô Quảng Hội (phường Hồng Châu) và chùa Nễ Châu (xã Hồng Nam). Các di tích là sự kết tinh và giao thoa giữa phong cách kiến trúc thuần Việt, kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc theo kiểu phương Tây, có giá trị LSVH, nghệ thuật đặc sắc hợp thành.

Công tác bảo tồn các di tích lịch sử  văn hóa Phố Hiến

Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy di tích Phố Hiến đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự ủng hộ của Nhân dân nên đã đạt được những kết quả quan trọng. Các lễ hội tại các di tích nằm trong quần thể di tích Phố Hiến được tổ chức đúng quy định; các nghi thức trong lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục địa phương.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã nỗ lực trong quản lý, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của quê hương. Ngành đã tham mưu xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa, trong đó có bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa; tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện các dự án về bảo tồn di sản văn hóa; tổ chức nghiên cứu; huy động các nguồn lực để bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa…

Công tác bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích được đẩy mạnh. Các di tích lịch sử như: Văn miếu Xích Đằng, chùa Chuông, đền Mẫu, Đông Đô Quảng Hội, đình chùa Hiến… là những công trình đã được tu bổ, tôn tạo tổng thể để bảo vệ, gìn giữ cho kho tàng di sản quý giá của vùng đất văn hiến. Các hạng mục được phục hồi bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật và nguyên tắc bảo tồn, góp phần khai thác và phát huy các giá trị của di tích cho mai sau. Trên cơ sở nguồn ngân sách chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh đã đầu tư trọng điểm cho các dự án lớn để thực hiện quy hoạch bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch như: Dự án phố Hiến giai đoạn I, Dự án phố Hiến giai đoạn II và các dự án lớn khác.

Tỉnh cũng đang từng bước triển khai các nhóm dự án theo Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 27/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch, thông qua quy hoạch sẽ hoàn thiện không gian kiến trúc về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Phố Hiến, để Hưng Yên không những phát triển về kinh tế – xã hội mà còn mở ra tiềm năng lớn về văn hóa du lịch. Theo đó, phạm vi nghiên cứu của Quy hoạch khoảng gần 2.000 ha theo ranh giới Phố Hiến cổ và nằm trong giới hạn thành phố Hưng Yên, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thành phố Hưng Yên đến năm 2020.

Việc quản lý đất đai tại các di tích được chú trọng, bước đầu đã triển khai việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích nằm trong khu di tích Phố Hiến.

Công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích Phố Hiến đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tại Khu di tích Phố Hiến còn chưa tương xứng với giá trị, tầm vóc của di sản, cụ thể:

– Công tác quản lý, bảo vệ di tích, bảo quản cổ vật, di vật, hiện vật tại một số địa phương còn chưa hiệu quả. Một số di tích hạn chế về diện tích, nằm xen kẽ trong các địa bàn dân cư nên việc tổ chức các hoạt động văn hóa tại di tích gặp khó khăn.

– Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương còn chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa huy động được sự vào cuộc của cộng đồng tham gia bảo vệ di tích Phố Hiến.

– Công tác bảo vệ và quản lý môi trường di tích LSVH Phố Hiến chưa được quan tâm triệt để nên tình trạng xây dựng nhà cao tầng làm phá vỡ cảnh quan môi trường di tích vẫn còn tồn tại từ nhiều năm nay.

– Nguồn kinh phí đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia và của tỉnh, nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo các khu di tích Phố Hiến còn hạn chế so với tổng số di tích. Việc vận động tài trợ, ủng hộ, công đức và công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn thiếu định hướng, thiếu những chính sách, chế tài cụ thể nên chưa khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân.

– Ý thức bảo vệ và tôn trọng di sản của Nhân dân chưa cao. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa còn chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động tổ chức tuyên truyền, giới thiệu tại di tích chưa khoa học, bài bản, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp để công tác bảo tồn đạt kết quả.

– Việc giám sát, kiểm tra hoạt động tu bổ và phục hồi được lồng ghép vào trách nhiệm của đơn vị phụ trách trùng tu và sửa chữa, có thể là Ban quản lý di tích, phòng quản lý di sản văn hóa nên chưa giải quyết dứt điểm những sai lệch trong công tác bảo vệ di sản văn hóa.

Một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa

Thứ nhất, công tác lập hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý di tích. Cần tập trung vào hoạt động nghiên cứu, điều tra, kiểm kê di tích. Xem xét lại khả năng hiện diện, tồn tại của di tích đã được công nhận để có biện pháp xử lý thích hợp.

Thứ hai, xây dựng quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống di tích. Bản quy hoạch hệ thống là cơ sở pháp lý và khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các ngành, địa phương. Nhờ đó, cơ quan quản lý có những định hướng cơ bản, kế hoạch, giải pháp cụ thể để bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trong mối quan hệ với quy hoạch phát triển của địa phương.

Thứ ba, tăng cường, đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về di tích LSVH. Muốn bảo tồn và phát huy giá trị các di tích LSVH, cần nâng cao nhận thức hiểu biết của người dân về lĩnh vực này.

Thứ tư, tăng cường huy động, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là kinh phí từ xã hội hóa, huy động nguồn lực từ Nhân dân cũng như việc gây quỹ và tìm các nguồn tài trợ khác nhằm bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích LSVH của địa phương.

Thứ năm, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch là việc làm cần thiết đòi hỏi các ngành, các cấp và người dân triển khai quyết liệt. Tỉnh cần phối hợp với các địa phương kết nối các tuyến du lịch nhằm góp phần phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến một cách hiệu quả.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý di tích. Con người là yếu tố quyết định cho mọi vấn đề thành bại của công tác quản lý. Để công tác quản lý di tích đạt hiệu quả, bảo tồn và phát huy được giá trị của các di tích thì vai trò của nguồn nhân lực có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động trong lĩnh vực quản lý là việc làm cần thiết và phải được duy trì thực hiện trong dài hạn.

Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về di tích. Các vi phạm pháp luật về di sản văn hóa, nhất là trong các hoạt động liên quan tới tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích LSVH và danh lam thắng cảnh (lấn chiếm đất đai di tích, tu bổ di tích sai nguyên tắc, lợi dụng việc phát huy giá trị di tích để trục lợi…) thường chậm được xử lý và khắc phục kịp thời. Điều này chứng tỏ những quy định pháp luật về di tích chưa được nhiều tổ chức, cá nhân nghiêm chỉnh chấp hành. Vì vậy, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nắm vững địa bàn di tích để phát hiện kịp thời các biểu hiện, hiện tượng, phòng ngừa và xử lý những hành vi vi phạm di tích.

Tài liệu tham khảo:
1. Đề án đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016 – 2020.
2. Những giá trị văn hóa đặc biệt của Phố Hiến. https://baotintuc.vn, ngày 06/5/2015.
3. Tìm lại dấu ấn Phố Hiến xưa, https://hanoimoi.com.vn, ngày 23/8/2019.
4. Phố Hiến tỉnh Hưng Yên trong lịch sử. http://sovhttdl.hungyen.gov.vn, ngày 15/3/2019.
5. 16 Di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến. http://thanhphohungyen.gov.vn, ngày 10/7/2018.
Công tác quản lý tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến. http://tuyengiaohungyen.vn, ngày 26/11/2018.

ThS. Đào Ngọc Thủy
Học viện Hành chính Quốc gia