Nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức Văn phòng phủ Thủ tướng Lào

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong thời gian qua, công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức Văn Phòng Phủ Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và công tác cải cách hành chính Phủ Thủ tướng. Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Bài viết này tập trung phân tích và đánh giá tổng thể các yếu tố tác động tới nâng cao chất lượng bồi dưỡng nói chung và bồi dưỡng cán bộ, công chức cho Văn Phòng Phủ Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào nói riêng để các bên liên quan nhận thức đúng vai trò, vị trí và ảnh hưởng của mình tới các khâu trong quy trình bồi dưỡng cán bộ, công chức.

 

Học viện Hành chính Quốc gia khai giảng khóa bồi dưỡng dành cho công chức Văn phòng Phủ Thủ tướng nước CHDCND Lào. Ông Sathit Phetsingleuang – Vụ trưởng Vụ Thư ký (Văn phòng Phủ Thủ tướng Lào) phát biểu tại Lễ khai giảng khóa bồi dưỡng (Ảnh: Kim Huy).
 Một số kết quả bồi dưỡng cán bộ, công chức Văn phòng Phủ Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Đảng bộ Văn Phòng Phủ Thủ tướng (VPPTT) luôn coi việc tổ chức giáo dục tuyên truyền về chính trị gắn liền với công tác tư tưởng là công việc hàng đầu nên đã chủ động nghiên cứu quán triệt các nghị quyết, chủ trương của Trung ương cũng như pháp luật của Nhà nước một cách thường xuyên và toàn diện; đồng thời, đã tổ chức lớp bồi dưỡng lý thuyết ngắn hạn 45 ngày cho đảng viên tham gia…, giúp cho cán bộ, công chức (CBCC) tư tưởng chính trị ổn định, vững chắc.

Về kiến thức quản lý nhà nước, năm 2017, có 26/345 CBCC trong VPPTT được cử đi bồi dưỡng, chiếm 7,5%, năm 2018, có 28/335 CBCC trong VPPTT được cử đi bồi dưỡng, chiếm 8,4%, năm 2019, có 35/340 CBCC trong VPPTT được cử đi bồi dưỡng, chiếm 10,3%1.

Đặc biệt Quyết định số 686/2019/QĐ-VPPTT ngày 21/08/2019 của VPPTT Cộng hòa Dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào “về việc nâng cao trình độ, tham gia bồi dưỡng – hội thảo trong thời gian ngắn hạn, dài hạn ở trong và ngoài nước của cán bộ, công chức Văn phòng Phủ Thủ tướng” ra đời đã tạo những bước chuyển biến mạnh mẽ đối với việc đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) CBCC của VPPTT. Căn cứ vào Quy hoạch đào tạo cán bộ trong giai đoạn 2016 – 2020, VPPTT đã liên tục tiến hành ĐTBD, nâng cao cả trình độ lý luận chính trị và chuyên môn cho cán bộ.

Chỉ tính riêng năm 2019, VPPTT đã cử nhiều cán bộ đi đào tạo ở trong và ngoài nước, như: cử 2 đồng chí đi bồi dưỡng lý luận chính trị 5 tháng tại Việt Nam và 4 đồng chí ở Trung Quốc, ĐTBD kiến thức quản lý hành chính nhà nước cho 2 tiến sỹ và 19 thạc sỹ ở Thái Lan, Xinh-ga-po, Việt Nam2. Đồng thời, cũng thường xuyên cử cán bộ đi bồi dưỡng trình độ ngắn hạn về lý thuyết và chuyên môn ở trong nước và nước ngoài. Có thể đánh giá, trong những năm qua, đội ngũ CBCC giúp việc của VPPTT đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả hoạt động công vụ của CBCC VPPTT Lào chưa được cải thiện nhiều. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Lào, các chuyên đề bồi dưỡng trong các cơ sở ĐTBD CBCC còn trùng lặp, dàn trải, chưa tập trung vào bồi dưỡng CBCC theo năng lực và theo vị trí việc làm. Cũng theo Bộ Nội Vụ Lào, có khoảng 30% CBCC ở tất cả các cấp, bộ, ngành, kể cả VPPTT khi thực hiện nhiệm vụ không đạt kết quả, năng lực thực thi công vụ chưa tốt, mặc dù đã được ĐTBD3. Nhận thức, vai trò của các chủ thể, các bên liên quan và cả học viên tham gia vào hoạt động bồi dưỡng còn chưa đúng đắn khiến chất lượng bồi dưỡng CBCC nói chung và bồi dưỡng CBCC VPPTT nói riêng chưa cao, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực4.

Thực trạng nói trên phần nào cho thấy, công tác ĐTBD CBCC hiện nay ở VPPTT vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi, chưa thực sự là công cụ để nâng cao năng lực thực thi công vụ cho đội ngũ này.

Các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức Văn phòng Phủ Thủ tướng  nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến công tác bồi dưỡng CBCC cho VPPTT hiện nay chưa thực sự hiệu quả do các bên tham gia vào quy trình bồi dưỡng CBCC cho VPPTT chưa hiểu hết được vai trò, vị trí cũng như trách nhiệm của mình với công tác bồi dưỡng.

Trên thực tế, bồi dưỡng CBCC là quy trình khép kín gồm nhiều khâu (xác định nhu cầu bồi dưỡng CBCC; lập kế hoạch bồi dưỡng CBCC; tổ chức bồi dưỡng; đánh giá chất lượng bồi dưỡng; thanh tra, kiểm tra và tổng kết kinh nghiệm báo cáo cơ quan liên quan…). Hoạt động này có sự tham gia của nhiều chủ thể:

(1) Cơ quan hoạch định chính sách về bồi dưỡng CBCC;

(2) Cơ quan quản lý, sử dụng CBCC trong các vụ, viện, phòng, ban, bộ phận trong VPPTT;

(3) Cơ sở được phân công nhiệm vụ ĐTBD CBCC;

(4) Cơ quan thanh tra công vụ, thanh tra ĐTBD.

Vì vậy, có thể nói, nâng cao chất lượng bồi dưỡng CBCC VPPTT không chỉ là việc của riêng cơ sở ĐTBD mà của nhiều chủ thể. Do đó, cũng sẽ có nhiều yếu tố tác động tới việc nâng cao chất lượng bồi dưỡng CBCC cho VPPTT, cụ thể:

Thứ nhất, các yếu tố tác động từ thể chế, chính sách về bồi dưỡng CBCC của cơ quan hoạch định chính sách về CBCC. Nhận thức không đầy đủ và phiến diện về bồi dưỡng CBCC sẽ dẫn đến việc tổ chức bồi dưỡng không đi đúng mục tiêu nâng cao năng lực cho đội ngũ CBCC. Nếu quan niệm bồi dưỡng CBCC chỉ là chi phí, là hoạt động tiêu tiền, giải ngân thuần túy, không nhận thức được rằng đó chính là khoản đầu tư vào con người, đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, tổ chức thì việc bồi dưỡng CBCC chỉ mang tính chất đối phó, thiếu định hướng và tầm nhìn chiến lược. Từ nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của hoạt động bồi dưỡng CBCC, các cơ quan chức năng mới có thể xây dựng khung thể chế, chính sách phù hợp về bồi dưỡng.

Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng CBCC, Chính phủ cần thể chế hóa thành các quy định, ban hành các văn bản pháp quy, đề ra định hướng chính sách bồi dưỡng; phân cấp và tăng quyền tự chủ cho các cơ sở bồi dưỡng; ban hành danh mục các kỹ năng cần thiết đối với các chức danh, nhóm công việc của bồi dưỡng; chế độ đối với giảng viên, học viên và cơ sở bồi dưỡng…

Thứ hai, hệ thống cơ sở ĐTBD tham gia vào bồi dưỡng CBCC có ảnh hưởng quyết định tới chất lượng của hệ thống này. Cơ sở bồi dưỡng tham gia quy trình bồi dưỡng CBCC với vai trò đối tác thực hiện các yêu cầu mà cơ quan nhà nước có nhu cầu đặt hàng và trọng trách chính trị – xã hội của các cơ sở đào tạo trong mục tiêu xây dựng đội ngũ CBCC chung của quốc gia. Hiện nay, bồi dưỡng CBCC cho VPPTT với các chuyên đề bồi dưỡng trong nước chủ yếu được giao cho Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Học viện Quốc phòng Kaison Phomvihan, Trung tâm Đào tạo Lào – Xing-ga-po, Viện Hỗ trợ về pháp luật và chuyên viên, Học viện Ngoại giao Lào, Học viện Tư pháp quốc gia Lào. Các chuyên đề bồi dưỡng quốc tế thì được giao cho Trung tâm Hợp tác quốc tế và bồi dưỡng, Bộ Ngoại giao Lào.

Cơ sở bồi dưỡng chịu trách nhiệm trang bị những kiến thức, kỹ năng đang còn thiếu cho CBCC và bảo đảm chất lượng của các nội dung, chương trình bồi dưỡng. Từ kết quả bồi dưỡng, các cơ sở đào tạo tạo lập uy tín, thương hiệu và gia tăng các chọn lựa từ người học. Trên thực tế, cơ sở ĐTBD sẽ quyết định tới chất lượng bồi dưỡng CBCC nói chung và bồi dưỡng CBCC cho VPPTT nói riêng ở các mặt: cách thức truyền đạt nội dung chuyên đề, hình thức và phương pháp bồi dưỡng…, việc bố trí đội ngũ “giảng viên” và xây dựng “hệ thống chương trình tài liệu bồi dưỡng CBCC”.

Về mặt lý thuyết, đội ngũ giảng viên có góp phần vào việc nâng cao hiệu quả bồi dưỡng CBCC hay không thì phải đáp ứng các yêu cầu sau: (1) Trình độ chuyên môn của giảng viên đáp ứng yêu cầu khóa bồi dưỡng; (2) Giảng viên áp dụng kinh nghiệm thực tiễn vào chuyên đề giảng dạy; (3) Giảng viên sử dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp; (4) Giảng viên sử dụng phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp.

Bên cạnh giảng viên thì tài liệu bồi dưỡng là công cụ để nâng cao năng lực cho CBCC tham gia các khóa bồi dưỡng. Tài liệu bồi dưỡng cung cấp các kiến thức, kỹ năng, thái độ nhằm lấp đầy khoảng cách giữa yêu cầu đối với vị trí việc làm và năng lực hiện tại của CBCC ở một vị trí việc làm. Tài liệu phục vụ bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm cần được xây dựng khác với bồi dưỡng CBCC theo ngạch, có tính cá nhân hóa, cụ thể hóa. Thiết kế tài liệu bồi dưỡng cần xác định cụ thể mục tiêu, các cấp độ về mục tiêu cần đạt được, có sự kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, kiến thức và kỹ năng.

Hệ thống chương trình tài liệu của các cơ sở bồi dưỡng được coi là tốt, phục vụ có hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng bồi dưỡng CBCC khi và chỉ khi bảo đảm 5 yếu tố:

Một là, chương trình bồi dưỡng CBCC luôn được cập nhật.

Hai là, các bên liên quan phải được tương tác thường xuyên, qua đó lấy ý kiến phản hồi về chương trình bồi dưỡng.

Ba là, cơ sở vật chất kỹ thuật đầy đủ. Cơ sở vật chất bao gồm kinh phí bồi dưỡng và hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật và hệ thống công nghệ thông tin bổ trợ.

Bốn là, vai trò chủ thể quản lý CBCC và thái độ, nhu cầu CBCC được cử đi bồi dưỡng.  Để bảo đảm hiệu quả hoạt động công vụ, CBCC sau khi được cử đi bồi dưỡng, các cơ quan quản lý CBCC phải tham gia vào việc giám sát quá trình bồi dưỡng của CBCC, cấp phát kinh phí và cung cấp, trao đổi thông tin tới các cơ sở ĐTBD.

Trên thực tế, để các chương trình bồi dưỡng CBCC có hiệu quả thì chủ thể quản lý CBCC là cơ quan đầu tiên tham gia vào quy trình bồi dưỡng CBCC có vai trò quan trọng trong việc xác định nhu cầu, mục tiêu bồi dưỡng và đưa ra các quyết định về hình thức tổ chức bồi dưỡng CBCC cho cơ quan mình phù hợp với thực tiễn ở đơn vị. Xác định nhu cầu bồi dưỡng nhằm trả lời các câu hỏi sau: những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho vị trí công việc? Những kiến thức, kỹ năng cần thiết mà CBCC hiện có? Những khóa học nào cần tổ chức để khắc phục những thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng cho CBCC?

Bên cạnh rất nhiều yếu tố phân tích ở trên thì bản thân học viên, tức thái độ, nhu cầu của mỗi CBCC tham gia các khóa bồi dưỡng cũng quyết định rất nhiều tới chất lượng bồi dưỡng CBCC. Nếu nhận thức CBCC đi bồi dưỡng không tốt đương nhiên sẽ dẫn tới thái độ học tập không tốt và không xác định nhu cầu bồi dưỡng của bản thân.

Năm là, các yếu tố khác. Ngoài yếu tố kể trên, các hoạt động thanh tra, kiểm tra đánh giá chất lượng bồi dưỡng cũng có vai trò quan trọng. Hoạt động đánh giá nhằm nắm bắt được phản ứng của người học, người học đánh giá như thế nào về bồi dưỡng vào các thời điểm trước, trong, cuối khóa học và vào thời điểm sau đào tạo. Bên cạnh đó, xem xét học viên đã tiếp thu những gì từ khóa bồi dưỡng. Kiểm tra kiến thức, kỹ năng, thái độ và đối chiếu với những mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, so sánh được việc bồi dưỡng có tác động, ảnh hưởng tới kết quả của tổ chức, hiệu quả của bồi dưỡng như thế nào…

Đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức cho Văn phòng Phủ Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và mục tiêu bồi dưỡng cho từng phòng, ban, bộ phận một cách khoa học. Chú trọng vào thiết kế chương trình, kế hoạch bồi dưỡng CBCC theo vị trí việc làm.

Thứ hai, bố trí nguồn lực theo hướng gắn kinh phí ĐTBD với kết quả bồi dưỡng để tăng tính trách nhiệm và kỷ luật, kỷ cương bồi dưỡng cho CBCC cũng như hiệu quả các chuyên đề bồi dưỡng.

Thứ ba, thường xuyên trao đổi thông tin với các cơ sở ĐTBD nhằm nắm bắt được xu thế và cách thức ĐTBD, xây dựng các kế hoạch đặt hàng ĐTBD cho phù hợp, kiến nghị các cơ sở ĐTBD chỉnh lý, sửa đổi những nội dung bồi dưỡng không còn phù hợp. Đồng thời, qua đó theo dõi được việc học tập của CBCC của cơ quan mình.

Thứ tư, phát huy tính chủ động, sáng tạo của CBCC được cử đi học, cần có các chương trình điều tra, khảo sát nắm bắt nhu cầu nguyện vọng của CBCC để có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp.

Chú thích:
1, 2. Báo cáo số 1321/BC-VTCCB ngày 27/8/2020 của Vụ Tổ chức Cán bộ Văn phòng Phủ Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. về công tác đào tạo, bồi dưỡng Văn phòng Phủ Thủ tướng giai đoạn 2015 – 2020.
3, 4. Bộ Nội vụ Lào. Báo cáo tổng kết chương trình cải cách nhân sự hành chính giai đoạn 2 từ 2015 – 2020 và triển khai một số giải pháp giai đoạn 2021 – 2025, ngày 25/7/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 032/BCT ngày 03/01/2018 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào về việc xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo – quản lý.
2. Quyết định số 686/2019/QĐ-VPPTT ngày 21/08/2019 của Văn phòng Phủ Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về việc nâng cấp trính độ, tham gia bồi dưỡng – hội thảo trong thời gian ngắn hạn, dài hạn ở trong và ngoài nước của cán bộ, công chức Văn phòng Phủ Thủ tướng.
Befour Nanthavong
NCS tại Học viện Hành chính Quốc gia