Nâng cao năng lực tư duy biện chứng của sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Sinh viên các trường cao đẳng, đại học là những người đã trúng tuyển, được tuyển chọn ở nhiều chuyên ngành khác nhau, có năng lực tư duy. Trong môi trường giáo dục, đào tạo bị ảnh hưởng, chi phối bởi nhiều tác nhân khác nhau, năng lực tư duy của mỗi sinh viên có sự khác nhau. Vì vậy, nâng cao năng lực tư duy  biện chứng của sinh viên các trường cao đẳng, đại học ở địa bàn Hà Nội hiện nay là việc cần làm.

 

Sinh viên Khoa Quản trị và Kinh doanh – ĐH Quốc gia Hà Nội ( Ảnh: vnu.edu.vn).

1. Năng lực tư duy (NLTD) là yếu tố cấu thành nên phẩm chất con người, đó là khả năng tư duy độc lập, sáng tạo tự nhận biết và giải quyết vấn đề một cách khoa học, logic không những ở thời điểm hiện tại, mà còn dự báo được tương lai, chiều hướng của sự việc, hiện tượng đó. Để có NLTD thì con người phải có tri thức khoa học, sự hiểu biết các vấn đề lịch sử, xã hội, có kinh nghiệm, phương pháp trải nghiệm hoạt động thực tiễn ở nhiều môi trường khác nhau. Tuy nhiên, NLTD mới chỉ là những dự đoán, phán đoán, suy lý, chưa phải là những vấn đề mang tính chỉ đạo, định hướng có cơ sở khoa học. Do vậy, cần phải có NLTD biện chứng để tạo sự thống nhất giữa suy nghĩ và hành động, tạo nên sự phát triển về chất so với tư duy thông thường. Tư duy biện chứng là sự phản ánh thống nhất giữa các sự vật, hiện tượng, tạo nên sự vận động, biến đổi và chuyển hóa không ngừng trong mối liên hệ phong phú, đa dạng của các yếu tố, các bộ phận với nhau.

Sinh viên các trường cao đẳng, đại học (CĐĐH) là những người đã trúng tuyển, được tuyển chọn ở nhiều chuyên ngành khác nhau, có NLTD. Trong môi trường giáo dục, đào tạo bị ảnh hưởng, chi phối bởi nhiều tác nhân khác nhau, NLTD của mỗi sinh viên có sự khác nhau. Vì vậy, có thể hiểu nâng cao NLTD biện chứng của sinh viên các trường CĐĐH ở địa bàn Hà Nội hiện nay là quá trình tác động của các lực lượng giáo dục vào nhận thức của sinh viên, được chuyển hóa ra bên ngoài, thông qua kết quả học tập, rèn luyện, giải quyết nhu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra một cách tốt nhất. Theo đó, nội dung nâng cao NLTD biện chứng của sinh viên các trường CĐĐH ở Hà Nội hiện nay bao gồm những vấn đề cụ thể như sau: phương pháp học tập các môn nói chung và các môn lý luận chính trị nói riêng; khơi dậy, phát huy thế mạnh, sở trường của sinh viên trong học tập, hoạt động phong trào; tăng cường hoạt động bổ trợ, bồi dưỡng kỹ năng sống cho sinh viên…

2. Nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của NLTD biện chứng của sinh viên các trường CĐĐH ở Hà Nội, trong thời gian qua, đội ngũ giáo viên và bản thân sinh viên đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp để nâng cao NLTD biện chứng của sinh viên, như: tổ chức diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp học tập các môn lý luận chính trị, nhất là các môn thuộc về quy luật, phạm trù của triết học; sử dụng tình huống trong quá trình dạy học để kích thích tư duy của người học; kết hợp chặt chẽ với việc sử dụng công nghệ trình chiếu để mô phỏng, tái hiện nội dung kiến thức bải giảng, đồng thời, đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cho sinh viên cần phải giải quyết trong thời gian tiếp theo.

Chẳng hạn, ngày 30/5/2019, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Đổi mới dạy học các môn lý luận chính trị theo mô hình lớp học đảo ngược”. Hoạt động này giúp cho sinh viên được trải nghiệm, tập dượt với các tình huống, sự việc và cách ứng xử, giải quyết hợp lý, khoa học, cũng là để rèn luyện NLTD biện chứng cho sinh viên, sinh viên nào có NLTD biện chứng được biểu hiện ngay tại diễn đàn, hội nghị.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải nhận thấy rằng, việc nâng cao NLTD biện chứng của sinh viên các trường CĐĐH ở địa bàn Hà Nội vẫn còn một số hạn chế nhất định, cụ thể:

Hầu hết tư duy của sinh viên chỉ nhằm đáp ứng giải quyết việc trước mắt, không có sự liên kết, sâu chuỗi giữa các sự kiện, tình huống với nhau bảo đảm tính logic chặt chẽ của vấn đề, nhất là trong thi kiểm tra, kết thúc các môn học lý luận chính trị, đòi hỏi sinh viên phải có bài viết sắc sảo thì mới đạt điểm giỏi. Thực trạng khảo sát việc học tập các môn lý luận chính trị ở trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, khi được hỏi về thái độ khi học các môn lý luận chính trị, có 24,5% tỷ lệ sinh viên có hứng thú với việc học tập các môn lý luận chính trị; 18,4% tỷ lệ sinh viên học đối phó; 7,8% tỷ lệ sinh viên cảm thấy chán nản khi học môn lý luận chính trị; 49,3% tỷ lệ sinh viên khó đánh giá1.

Như vậy, việc sinh viên ít có hứng thú với môn học, học đối phó với môn lý luận chính trị là có thực. Cũng ở nội dung này, khi được hỏi về lý do tại sao sinh viên lại không thích học các môn lý luận chính trị. Kết quả điều tra như sau: 18,9% sinh viên cho rằng do môn học khô khan, trừu tượng; 59,4% sinh viên cho rằng phương pháp của giảng viên không hay; 21,7% sinh viên cho rằng đây không phải là môn học quan trọng 2. Bên cạnh đó, việc đổi mới nâng cao trình độ đánh giá NLTD biện chứng của sinh viên thông qua thi, kiểm tra kết thúc môn học chưa nhiều, chưa lồng ghép những nội dung, câu hỏi đòi hỏi cao sự tuy duy, lập luận, hiểu biết của sinh viên, những nội dung vẫn chỉ là tái hiện kiến thức đã được học trong sách giáo khoa, giáo trình.

3. Đề xuất một số giải pháp để nâng cao NLTD biện chứng của sinh viên các trường CĐĐH ở Hà Nội hiện nay.

Một là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy cho sinh viên.

Đây là giải pháp rất quan trọng bởi có thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy mới hình thành NLTD biện chứng của sinh viên, giúp cho sinh viên có những kiến thức, kỹ năng cần thiết để lập luận, phân tích, đánh giá mức độ quan trọng hay không quan trọng của các sự vật, hiện tượng diễn ra xung quanh. Theo đó, về nội dung giảng viên cần khái quát hóa, hệ thống hóa thành chuyên đề, chuỗi vấn đề, sự kiện hình thành tư duy liền mạch, không bị đứt quãng cho sinh viên trong quá trình tiếp thu, lĩnh hội tri thức.

Cần tập trung vào giảng dạy các nguyên lý, quy luật, phạm trù của triết học Mác – Lênin, phương pháp tư duy biện chứng trong xem xét, đánh giá các sự vật, hiện tượng; giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, yêu cầu, nhiệm vụ của việc đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở nước ta trong giai đoạn hiện nay; nhất là giáo dục phẩm chất, nhân cách cho sinh viên, kỹ năng xử trí các tình huống nảy sinh từ thực tiễn học tập, rèn luyện, công tác ở các môi trường khác nhau…

Về hình thức, phương pháp giảng dạy, giảng viên cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp dạy học truyền thống với hiện đại, đưa ra những tình huống để sinh viên xử trí, gắn lý luận với thực tiễn, nhà trường với xã hội, học đi đôi với hành cho sinh viên, thường xuyên đưa sinh viên vào các tình huống để buộc họ phải có tư duy về những tình huống, sự việc do giảng viên đặt ra.

Hai là, tổ chức những hoạt động thực tiễn trong quá trình học tập và ngoại khóa cho sinh viên.

Hoạt động thực tiễn của sinh viên ở các trường CĐĐH rất phong phú, đa dạng, đây là môi trường thuận lợi để mỗi sinh viên nâng cao NLTD biện chứng của mình, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo đặt ra trước mắt, về lâu dài là để thích ứng với môi trường làm việc một cách tốt nhất. Quá trình học tập ở nhà trường phải thường xuyên đưa sinh viên đi thăm quan thực tiễn, gắn với nội dung của từng chủ đề, môn học. Đây chính là những hoạt động cần được bổ trợ cho sinh viên ở các trường CĐĐH hiện nay và cũng là cách thức, phương pháp để rèn luyện NLTD biện chứng cho sinh viên, sẽ không một sách vở nào có thể cho kinh nghiệm thực hiện tốt bằng chính hoạt động trải nghiệm thực tế ở ngoài thực địa, giúp sinh viên hình dung ra những nội dung mà giảng viên giảng dạy trên lớp có giống với thực tiễn không.

Những hoạt động thực tiễn phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận, bảo đảm sự đồng bộ, ăn khớp trong suốt quá trình học tập, rèn luyện ở môi trường giáo dục, đào tạo. Đó cũng là một bước hình thành NLTD biện chứng để khi tốt nghiệp ra trường, trong điều kiện công tác mới, NLTD biện chứng của sinh viên sẽ ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng vào việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của bản thân cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên.

NLTD biện chứng của sinh viên các trường CĐĐH không hình thành, phát triển một cách tự phát mà chủ động của sinh viên trong hoạt động thực tiễn. Tính tích cực, chủ động của sinh viên các trường CĐĐH trong nâng cao NLTD biện chứng được biểu hiện trước hết ở sự nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc học tập, rèn luyện ở đây là phục vụ cho bản thân, không phải cho tổ chức, bộ phận, lực lượng nào; đó là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn, gian khổ ở các môi trường, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, hoàn thành tốt các yêu cầu, nhiệm vụ mà bản thân đã đặt ra.

Tính tích cực, chủ động của sinh viên trong học tập, rèn luyện để nâng cao NLTD biện chứng càng nhiều, thì tính hiệu quả ở công việc càng cao. Đó là sự thống nhất biện chứng không tách rời nhau giữa nhận thức và hoạt động thực tiễn, giữa lý luận với thực hành. Do vậy, việc phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên để nâng cao NLTD biện chứng phải trở thành nhu cầu động cơ bên trong thúc đẩy họ hành động một cách tự giác và chủ động nhất, họ phải tự nhận thấy điều đó xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn. Yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra hiện nay đòi hỏi phải nâng cao NLTD biện chứng cho sinh viên các trường CĐĐH thì mới đáp ứng được, nếu không mỗi sinh viên sẽ tự bị đào thải loại, hoặc không tìm được hướng đi, con đường đúng đắn với chuyên ngành đào tạo, mục tiêu đã xác định.

Chú thích:
1, 2. Tạ Thùy Nguyên Dương. Khảo sát sự hứng thú của sinh viên với các môn học chính trị. Đại học Công nghiệp Hà Nội, năm 2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Alvin Toffler: Thăng trầm quyền lực. H. NXB Thông tin Lý luận, 199.
2. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII. H. NXB Chính trị quốc gia, 1998.
3. Lê Hữu Ái. Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy các môn Mác – Lênin ở các trường Đại học. Tạp chí Nghiên cứu lý luận, số 1/2000.
4. Nguyễn Bá Dương. Về đặc trưng của tư duy biện chứng duy vật. Tạp chí Triết học, số 5/2001.
ThS. Tạ Thùy Nguyên Dương
Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội