Sự tham gia hoạt động xã hội của người đi lao động nước ngoài sau khi trở về nước tại tỉnh Nghệ An

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng người đi lao động xuất khẩu cao nhất Việt Nam. Giai đoạn 2017 – 2019, Nghệ An dẫn đầu cả nước về số lượng xuất khẩu lao động với hơn 13.500 lao động làm việc tại nước ngoài có thời hạn ở khoảng 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với các ngành, nghề khác nhau, từ lao động giản đơn đến lao động kỹ thuật cao1. Bài viết tập trung phân tích sự tham gia các hoạt động xã hội (HĐXH) của người đi lao động nước ngoài (LĐNN) trở về ở tỉnh Nghệ An, đồng thời bổ sung thêm thông tin thực tiễn về nhóm lao động đặc thù này.

 

Tỉnh Nghệ An có số lượng lớn người lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài (Nguồn: https://cuocsongantoan.vn).
Sự tham gia các nhóm, đoàn thể, tổ chức xã hội của người đi lao động ở nước ngoài sau khi trở về

Một là, gia nhập các nhóm, đoàn thể, tổ chức xã hội.

Để đánh giá sự tham gia xã hội của người đi LĐNN sau khi trở về, cần tìm hiểu sự tham gia của họ trong các nhóm và đoàn thể xã hội tại địa phương. Các đoàn thể và nhóm xã hội bao gồm các nhóm chính thức (như: Hội Phụ nữ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Khuyến học tại địa phương) và phi chính thức (như: nhóm bạn bè, hội, câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ dân số, nhóm, hội câu lạc bộ sức khỏe, nhóm, tổ chức tôn giáo, hội những người đi lao động ở nước ngoài và các nhóm khác…) tại địa phương họ đang sinh sống.

Kết quả khảo sát năm 2019 với 326 người LĐNN trở về trên địa bàn tỉnh Nghệ An của tác giả cho thấy: 308 người trả lời có tham gia vào các nhóm, đoàn thể xã hội (chiếm 94,5%) và 18 người không tham gia bất cứ nhóm, đoàn thể xã hội nào tại địa phương (chiếm 5,5%)2. Trong đó, tham gia vào các nhóm phi chính thức nhiều hơn; các nhóm xã hội chính thức thì tỷ lệ tham gia không đáng kể. Qua đó có thể thấy: những người lao động trở về vẫn tham gia vào các nhóm/đoàn thể xã hội tại địa phương, tuy nhiên có phần mang tính hình thức và không rõ nét; mạng lưới xã hội của họ vẫn bó hẹp trong các mối quan hệ gần gũi, thân thiết mang đậm yếu tố tình cảm hoặc liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh tế của họ. Như vậy, khả năng tái hòa nhập xã hội của họ sau khi trở về vẫn chưa tích cực. Nguyên nhân xuất phát từ yếu tố tâm lý cá nhân và điều kiện khách quan trong quá trình lao động ở nước ngoài.

Hai là, mối quan hệ tương hỗ giữa người đi LĐNN trở về với các đoàn thể, nhóm, tổ chức xã hội tại địa phương.

Đề cập mối quan hệ tương hỗ, tức là nói đến sự giúp đỡ qua lại giữa người đi LĐNN trở về nước và các nhóm, tổ chức, đoàn thể xã hội khác. Sự tham gia của người đi LĐNN trở về vào các đoàn thể, nhóm xã hội tại địa phương được hiểu là sự giúp đỡ lẫn nhau giữa họ với các nhóm xã hội thông qua chỉ báo về công sức lao động, tiền bạc, thông tin, ý tưởng làm ăn trong công việc và sự chia sẻ về tinh thần. Người đi LĐNN trở về vẫn chủ yếu xoay quanh các nhóm gần gũi, như: bạn bè, những người cùng làm việc khi đi lao động ở nước ngoài và các nhóm xã hội liên quan đến hoạt động kinh tế của họ. Bên cạnh đó, người đi LĐNN trở về cũng có mối quan hệ tương hỗ với các tổ chức chính trị – xã hội (CTXH) khác tại địa phương, như: Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn… ở một số khía cạnh (tiền bạc, chia sẻ thông tin về ý tưởng làm ăn và công việc, chia sẻ về tinh thần…) song ở mức độ rất thấp, không đáng kể.

Ở góc độ người lao động trở về, họ không chỉ cần đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhóm/tổ chức/đoàn thể xã hội mà ngược lại, họ còn có thể tái sản xuất các nguồn vốn mà họ đã tích lũy được trong quá trình làm việc ở nước ngoài để đóng góp cho địa phương. Không ít người lao động đã tích cực trang bị đầy đủ, kỹ càng nguồn vốn này (tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng, tiền bạc…) ngay từ khi đang còn làm việc ở nước ngoài, khi trở về cũng là thời cơ để họ có thể sử dụng nguồn vốn đó trong quá trình tái hòa nhập trở lại với đời sống ở quê nhà. Họ không những áp dụng kiến thức đó cho mình mà còn chủ động giúp đỡ những cá nhân, nhóm xã hội tại địa phương. Ngoài ra, họ cũng có sự chia sẻ về tinh thần và công sức lao động.

Ngược lại, các nhóm, đoàn thể, tổ chức xã hội tại địa phương cũng thể hiện vai trò giúp đỡ cho lao động trở về, bạn bè và các nhóm xã hội thể hiện vai trò hỗ trợ đậm nét hơn so với các nhóm khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác quản lý nhà nước về vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Vai trò của các tổ chức CTXH ở địa phương trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người lao động trở về rất mờ nhạt, đặc biệt là về hoạt động kinh tế. Các đoàn thể, nhóm xã hội chính thức tại địa phương chưa thật sự chủ động quan tâm, hỗ trợ người đi LĐNN sau khi trở về. Mối quan hệ tương tác giữa họ với các nhóm xã hội tại địa phương chủ yếu vẫn thiên về các nhóm xã hội phi chính thức và có liên quan đến hoạt động kinh tế. Người LĐNN trở về rất cần sự định hướng chính sách cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước về một số phương diện.

Sự tham gia trong các hoạt động cộng đồng của người đi  lao động nước ngoài sau khi trở về

Sự tham gia xã hội mặc dù không phải là một trong những thành tố trực tiếp cấu thành vốn xã hội, song lại đóng vai trò là môi trường tương tác góp phần quan trọng trong việc củng cố và mở rộng vốn xã hội của các cá nhân. Cụ thể, sự tham gia xã hội được xem như yếu tố xúc tác nhằm mở rộng mạng lưới xã hội của các cá nhân thông qua việc tham gia càng nhiều vào các hình thức nhóm xã hội chính thức hoặc phi chính thức. Sự tham gia xã hội cũng chứng tỏ sự thừa nhận của các cá nhân đối với những tổ chức, nhóm xã hội đó. Những yếu tố này được ghi nhận là sẽ góp phần gia tăng sự tích lũy vốn xã hội của các chủ thể tùy vào mức độ tham gia của họ.

Thứ nhất, mức độ tham gia vào các hoạt động CTXH tại cộng đồng.

Để có thể đánh giá đầy đủ sự tham gia xã hội của người đi LĐNN sau khi trở về địa phương cần làm rõ được yếu tố bối cảnh xã hội và tính hướng đích của họ. Bối cảnh xã hội được hiểu là sự chủ động của cộng đồng tại nơi ở trong việc tạo điều kiện cho người lao động “hồi cư” tham gia các HĐXH. Mặt khác, cũng cần phải đánh giá sự tích cực, chủ động của họ trong việc hòa nhập vào các HĐXH của cộng đồng sau khi trở về.

(1) Sự quan tâm chủ động của cộng đồng địa phương đối với người đi LĐNN trở về trong các hoạt động CTXH. Cộng đồng nơi ở có sự quan tâm tới nhóm lao động hồi cư sau một thời gian dài họ vắng mặt thông qua việc họ được mời tham gia các hoạt động tại địa phương. Cụ thể: các hoạt động văn hóa, thể thao của địa phương được quan tâm nhiều nhất; tiếp đến là mời tham dự hoạt động bầu cử; mời họp tổ dân phố; hoạt động quyên góp từ thiện; các lễ hội tại địa phương; hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại nơi làm việc; và một số HĐXH khác, như: hoạt động lao động công ích ở cộng đồng, sinh hoạt thường kỳ của các tổ, nhóm/câu lạc bộ cùng sở thích,… Mức độ mời lao động hồi cư tham gia cho thấy địa phương vẫn chưa thật sự tích cực, chủ yếu vẫn ở mức “không thường xuyên”. Về hoạt động chính trị tại địa phương của người lao động trở về, họ vẫn được địa phương bảo đảm quyền công dân thông qua việc được mời tham dự “các hoạt động bầu cử ở địa phương nơi họ đang sinh sống” và “họp tổ dân phố, xóm”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự quan tâm của chính quyền địa phương trong hoạt động chính trị của nhóm lao động này vẫn ở mức độ “không thường xuyên”, chưa sâu sát với hoạt động chính trị của nhóm này. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ việc chính quyền địa phương chưa có sự thống kê, rà soát chính xác về số lượng người đi LĐNN đã trở về (Nhà nước chưa có cơ chế và sự hướng dẫn cụ thể việc thống kê nhóm lao động này; mặt khác, người đi LĐNN khi trở về cũng không có sự chủ động báo cáo với chính quyền địa phương).

(2) Sự chủ động, tích cực của người đi lao động trở về trong các hoạt động CTXH tại địa phương. Về việc tham gia các hoạt động dân chủ cơ sở ở địa phương, tính chủ động, tích cực của họ là chưa cao. Xét theo khu vực cư trú cho thấy mức độ chủ động tham gia các hoạt động chính trị của lao động hồi cư ở thành phố thấp hơn so với khu vực nông thôn. Về mức độ chủ động tham gia các HĐXH khác tại địa phương của người đi LĐNN trở về cho thấy họ có xu hướng chủ động tham gia tích cực nhất ở các lễ hội của địa phương nơi đang sinh sống, tiếp đến là các hoạt động văn hóa, thể thao của địa phương, các hoạt động quyên góp, từ thiện…

Nhìn chung, tính chủ động của người đi LĐNN trở về trong việc tham gia các hoạt động CTXH tại địa phương không cao, chủ yếu vẫn ở mức độ “không chủ động”. Nguyên nhân có tình trạng này: Một là, về khách quan, đoàn thể xã hội, cộng đồng tại địa phương chưa thực sự chủ động quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của họ sau khi trở về (như đã phân tích ở mục trên). Hai là, về chủ quan họ vẫn chưa nhìn nhận được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc tham gia các HĐXH trong đời sống hàng ngày. Điều quan tâm lớn nhất của họ sau khi trở về vẫn là hoạt động làm ăn kinh tế, bởi đó cũng là nguyên nhân chính khiến họ phải rời xa quê hương đi lao động ở nước ngoài.

Ở hầu hết các hoạt động CTXH tại địa phương, mức độ chủ động tham gia của người lao động trở về ở khu vực thành phố Vinh thấp hơn so với khu vực huyện, thị xã (trừ hoạt động quyên góp, từ thiện thì cao hơn khu vực huyện, thị xã). Một trong những nguyên nhân của sự khác biệt này xuất phát từ yếu tố gắn kết cộng đồng giữa khu vực nông thôn và thành thị. Mỗi cá nhân ở nông thôn trước hết là thành viên gắn bó của cộng đồng làng xã, của gia đình nông thôn, vì thế đây chính là tuyến quan hệ quan trọng trong xã hội nông thôn. Người dân ở nông thôn rất coi trọng mối quan hệ hàng xóm láng giềng, “tối lửa tắt đèn có nhau”, mỗi cá nhân đều có ý thức gắn bó chặt chẽ với làng quê của mình. Mặc dù rời xa quê hương để lao động ở xứ người trong khoảng thời gian dài song họ vẫn luôn dành nhiều tình cảm khi nghĩ về quê nhà. Do đó, khi trở về họ vẫn không có nhiều trở ngại trong việc tái hòa nhập với cuộc sống ở làng quê so với khu vực thành thị.

Thứ hai, tham gia các hoạt động văn hóa, giải trí ở cộng đồng.

Đời sống tinh thần của người đi LĐNN trở về biểu hiện qua các chỉ báo về hoạt động văn hóa, giải trí. Qua nghiên cứu cho thấy hoạt động giải trí thường xuyên nhất của nhóm lao động này là đến các địa điểm dịch vụ ăn uống như quán cà phê, nhà hàng; tiếp đến tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời; đi mua sắm và đến khu vui chơi giải trí. Một số hoạt động văn hóa, giải trí khác chiếm tỷ lệ thấp (như đến rạp chiếu phim, các trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật, đi tour du lịch hoặc đến thăm một trung tâm bảo trợ xã hội…). Hoạt động văn hóa, giải trí của nhóm lao động này chủ yếu vẫn tập trung ở những hoạt động liên quan đến nhu cầu cá nhân thiết thực hằng ngày, các hoạt động mang “tính xã hội” như đến các trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật hay thăm các trung tâm bảo trợ xã hội không được họ quan tâm coi trọng.

Mặt khác, so sánh giữa các khu vực khảo sát cho thấy, người lao động hồi cư ở khu vực thành phố có mức độ tham gia các hoạt động văn hóa giải trí cao hơn khu vực huyện, thị xã. Điều này được lý giải là do sự khác biệt về việc cung ứng dịch vụ giải trí ở khu vực thành phố cao hơn so với những khu vực huyện, thị xã ngoại thành. Ngược lại, lao động ở khu vực nông thôn lại có tinh thần tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời cao hơn so với khu vực thành thị.

Thứ ba, mức độ gắn kết cộng đồng.

Cá nhân người lao động trở về được xem xét với tư cách là chủ thể tương tác, thông qua mạng lưới các quan hệ xã hội tạo ra các nguồn lực tiềm tàng để cá nhân khai thác và sử dụng trong quá trình hướng đích của mình, đó là các mối quan hệ trong họ hàng thân tộc, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng, cơ quan đoàn thể… Mạng lưới quan hệ xã hội được xem là không gian mà người lao động trở về đầu tư xây dựng nhằm thu lại các lợi ích về mặt thông tin hay sự giúp đỡ về tinh thần, tình cảm hoặc những giúp đỡ về vật chất như tài chính, hỗ trợ sức lao động…

Qua nghiên cứu, người đi LĐNN trở về tại Nghệ An chủ yếu tự dựa vào bản thân để giải quyết những vấn đề khó khăn mà họ phải đối mặt. Bên cạnh đó, họ cũng dựa vào những nhóm xã hội có mối quan hệ thân thiết như người thân, họ hàng, bạn bè, sau đó mới nhờ cậy đến các nhóm xã hội khác, như: hàng xóm láng giềng, người cùng làm việc. Đáng lưu ý là chính quyền đoàn thể địa phương hay cơ quan ở nơi làm việc không phải là nhóm xã hội thực sự được họ tin tưởng nhờ cậy khi gặp khó khăn. Như vậy, có thể nhận xét rằng mạng lưới quan hệ xã hội của người đi LĐNN trở về vẫn mang tính co cụm trong phạm vi hẹp là gia đình, người thân, bạn bè. Xét ở góc độ tham gia xã hội thì nhóm lao động này rất hạn chế tham gia vào các mối quan hệ xã hội mở rộng, đặc biệt là mối quan hệ với các cơ quan chính quyền, tổ chức đoàn thể ở địa phương và nơi làm việc. Họ có xu hướng tự dựa vào bản thân và tin tưởng với những nhóm xã hội gần gũi, thân thuộc là người thân, họ hàng và bạn bè khi giải quyết những vấn đề khó khăn của họ.

Chú thích:
1, 2. Dữ liệu trong bài được trích từ khảo sát do chính tác giả thực hiện trong năm 2019 về “Sự tham gia xã hội của người đi lao động nước ngoài trở về nước” – nghiên cứu tại một số xã, phường trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ông Thị Mai Thương
NCS của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
 Đại học Quốc gia Hà Nội