(Quanlynhanuoc.vn) – Đại hội XIII của Đảng có chủ đề: “Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển”, thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển bền vững. Đây được coi như kim chỉ nam cho tư duy, chiến lược, hành động và ước vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.
Đoàn kết là sức mạnh
Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, kiên trì phấn đấu, bằng trí tuệ, tài năng và nghị lực của mình đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay1.
Ở Việt Nam, đoàn kết là văn hoá được kết tinh từ nhiều đời, trong gian khó, trong nguy nan của Nhân dân với một tinh thần tự cường, tạo sức mạnh vô song. Có thể thấy rõ điều này khi năm 2020, đại dịch Covid-19 trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng diễn biến phức tạp, khó lường; đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, các hoạt động kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề, tăng trưởng âm; thị trường tài chính biến động bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, bão, lũ đã tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Nhưng nhờ có sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không bỏ người dân lại phía sau,… Những tấm gương của đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an cùng với sự góp sức của mỗi người dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, chống lại thiên tai, bão lũ chính là biểu hiện sinh động của truyền thống yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc và Nhân dân Việt Nam. Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội.
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực vẫn đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong đó có cạnh tranh địa chính trị, cạnh tranh kinh tế diễn ra ngày càng gay gắt; các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống tiếp tục tác động đến môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của các nước, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, đất nước ta phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là những nguy cơ gây mất ổn định, tác động đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, tác động đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta; đó là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới đòi hỏi Đảng, Nhà nước và Nhân dân tiếp tục chung sức, đồng lòng, tạo dựng niềm tin và một tinh thần đoàn kết nhằm tạo ra sức mạnh vô song chiến thắng mọi loại giặc.
Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử, của quá trình dựng nước và giữ nước. Đến thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng ý chí và tình đoàn kết được xác định là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Niềm tin, sự ủng hộ, giám sát, giúp đỡ của Nhân dân là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó tập trung ở Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các ngành, các cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước thành một khối rắn chắc thì mới có thể thành công.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, để Đảng, Nhà nước quán triệt và cụ thể hóa trong lãnh đạo tốt việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là cội nguồn sức mạnh để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Người tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Một tổng kết lớn, đặc sắc của Người, đúc kết thành chân lý: “Đoàn kết – Đoàn kết – Đại đoàn kết. Thành công – Thành công – Đại thành công!”.
Dân chủ đi đôi với kỷ cương
Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là bản chất của chế độ ta. Đảng ta đang lãnh đạo xây dựng và thực hiện các cơ chế tổ chức thích hợp để bảo đảm phát huy mạnh mẽ hơn nữa quyền làm chủ của Nhân dân. Với việc ban hành và thực hiện một số quy chế dân chủ, ở nhiều nơi đã hình thành nền nếp thường xuyên tổ chức để Nhân dân tham gia thảo luận xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, phương hướng, nhiệm vụ công tác của đơn vị; phát động quần chúng phấn đấu thực hiện các quyết định của Đảng; động viên Nhân dân tham gia kiểm tra mọi hoạt động của tổ chức đảng, giám sát, phê bình cán bộ, đảng viên.
Có thể nói từ trước tới nay, chưa có cuộc vận động dân chủ nào sâu rộng, thiết thực và đạt hiệu quả cao như cuộc vận động Nhân dân góp ý kiến với Đảng và Nhà nước thời gian gần đây, nhất là vào những dịp tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến vào chuẩn bị Cương lĩnh của Đảng, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp của Nhà nước, xây dựng các văn kiện đại hội đảng các cấp,…
Dĩ nhiên dân chủ phải đi đôi với kỷ cương. Một đất nước không có kỷ cương thì rối loạn, mất ổn định – như vậy thì đất nước ấy không xây dựng, phát triển được. Cho nên, dân chủ và kỷ cương phải đi liền với nhau. Dân chủ nhưng phải kỷ cương và kỷ cương trên cơ sở phát huy dân chủ. Dân chủ để phát huy trí tuệ của toàn Đảng; để thắt chặt đoàn kết, thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới, trong thời gian tới2.
Dân chủ có biểu hiện rõ thấy nhất trong công tác nhân sự, lựa chọn những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực tư duy chiến lược, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương và các chức danh chủ chốt của cơ quan đảng, nhà nước. Trong các kỳ đại hội, công tác nhân sự luôn được dư luận xã hội quan tâm theo dõi.
Đại hội lần này, công tác nhân sự được bàn bạc, thảo luận dân chủ tối đa, thực hiện quyền tối cao của Đại hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhận định, đánh giá: “Nhân vô thập toàn”, con người ta ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Điều quan trọng là phải biết phân biệt, đánh giá chính xác bản chất, mức độ các điểm mạnh, điểm yếu đó để không chọn nhầm người và phải có cách bố trí, sắp xếp nhân sự sao cho phù hợp để phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu của mỗi thành viên, bổ sung cho nhau, tạo ra một ê-kíp mạnh, một tập thể lãnh đạo tương đối hoàn chỉnh, không gây tổn thương cho lợi ích của Đảng, của quốc gia, của tập thể. Nguyên tắc là “tập thể lãnh đạo”, “lãnh đạo tập thể”, “lãnh tụ tập thể”, phải chăm lo xây dựng, vun xới, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để mỗi người tự hoàn thiện mình, phát huy mặt tốt, khắc phục mặt yếu; để khi mỗi cá nhân đứng trong cùng một tập thể thì tập thể đó trở nên hoàn thiện hơn, toàn diện, vững mạnh hơn; và mỗi cá nhân cũng trở nên tốt hơn, phát huy được nhiều hơn phẩm chất và năng lực của mình. Tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, tự cao tự đại, coi thường người khác, không phối hợp, hợp tác tốt3.
Đảng kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nâng cao chất lượng và tính thực chất của công tác tổ chức cán bộ, mà trọng tâm là đánh giá cán bộ; nâng cao chất lượng cơ sở đảng và đảng viên; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nêu gương, nói đi đôi với làm, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tuyên truyền; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí, nhất là các phương tiện truyền thông trên internet. Nâng cao chất lượng và hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung cốt lõi của một nước dân chủ, một nền dân chủ là ở chỗ lợi ích và quyền lực thuộc về nhân dân. Đây là cơ sở chủ yếu để phân biệt nền dân chủ của Nhà nước ta so với các nền dân chủ khác. Tư tưởng “vì dân, do dân” đã được Người quán triệt trong quá trình lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn thấm nhuần tư tưởng kim chỉ nam của Người và quán triệt tư tưởng đó trong Nhà nước được tổ chức, quản lý theo hướng kiến tạo phát triển, xây dựng một xã hội mới phát triển toàn diện, coi trọng nâng cao dân trí…
Sáng tạo và phát triển
Trong 35 năm qua, những thành tựu đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; quản lý phát triển xã hội; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đường lối, chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế; phát huy dân chủ, đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng Đảng… đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Những thành quả đạt được cùng những bài học kinh nghiệm quý báu là tiền đề quan trọng về lý luận và thực tiễn để chúng ta vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục kiên trì, vững bước đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao (GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 6%/năm); tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện4.
Ngoài ra, dấu ấn của nhiệm kỳ 2016-2021, không thể không nhắc tới những kết quả mà chưa có nhiệm kỳ nào làm mạnh mẽ, quyết liệt như nhiệm kỳ vừa qua. Đó là công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý những vụ việc, những tập thể, cá nhân vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước không có vùng cấm bất kể người vi phạm là ai; kể cả những cán bộ, đảng viên giữ những cương vị cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước.
Thời kỳ phát triển mới của đất nước đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn nữa, nhất là đổi mới về kinh tế và đổi mới chính trị. Đây là cả một hệ thống vấn đề cần phải giải quyết, từ quan điểm, nguyên tắc đến phương hướng, giải pháp, bước đi và các điều kiện đáp ứng, bảo đảm cho kinh tế phát triển, chính trị ổn định, xã hội đồng thuận cao, đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026, hôm nay được chính thức bắt đầu tại Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước. Với phương châm “Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển”, Đại hội XIII sẽ thành công tốt đẹp, đưa đất nước ta bước sang thời kỳ phát triển mới.