Vận dụng tư tưởng của V.I.lênin “thà ít mà tốt” vào tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong di sản đồ sộ mà V.I.Lênin để lại, có rất nhiều tác phẩm, bài viết thể hiện tính cách mạng, sáng tạo trong việc phát triển chủ nghĩa Mác trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Tác phẩm “Thà ít mà tốt” ra đời là kết quả của những trăn trở, sự thôi thúc nội tâm của V.I.Lênin trước vấn đề cải tiến hệ thống chính trị nước Nga Xô viết, mà trung tâm của nó là cải tiến bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nước cũng như quốc tế đang cấp bách đặt ra. Hơn 9 thập kỷ trôi qua nhưng tư tưởng của V.I.Lênin về tổ chức bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa trong tác phẩm đó vẫn nguyên giá trị. Vận dụng tư tưởng của Lênin vào tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay là yêu cầu cấp thiết.

 

Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản Vladimir Ilyich Lenin. (nguồn: internet).
Tư tưởng về cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước trong tác phẩm “Thà ít mà tốt” của V.I.Lênin

Theo V.I.Lênin, bộ máy nhà nước được xem là một tổ chức mạnh không phải vì số lượng của nó mà chủ yếu là ở chất lượng. Theo quy tắc “Thà ít mà tốt”, V.I.Lênin đòi hỏi, bộ máy nhà nước vô sản phải tinh gọn, đội ngũ cán bộ, nhân viên phải có chất lượng cao, trách nhiệm và gương mẫu. Nội dung tư tưởng thể hiện cụ thể như sau:

Một là, phải đánh giá khách quan, khoa học tình hình để có cơ sở, căn cứ cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

V.I.Lênin đánh giá về bộ máy nhà nước Xô viết: “Tình hình bộ máy nhà nước của ta rất đáng buồn, nếu không muốn nói là rất tồi tệ”1. Người vạch rõ các khuyết điểm của Nhà nước Xô viết: sốt sắng, hấp tấp, vội vàng, quan liêu, thủ cựu, bảo thủ, không muốn đổi mới… Theo V.I.Lênin, nguyên nhân của tình trạng trên là: “Từ trước đến nay, chúng ta có quá ít thời gian để nghĩ đến và chú trọng đến chất lượng của bộ máy nhà nước của chúng ta”2. Từ đó, Người đặt ra yêu cầu: “Nên quan tâm chỉnh đốn bộ máy đó một cách thật đặc biệt và chu đáo, quan tâm tập trung cho Bộ dân ủy thanh tra công nông một số nhân viên có phẩm chất cao…”3.

Hai là, giữ vững quy tắc “Thà ít mà tốt”trong cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Trong cải cách bộ máy nhà nước phải tuân theo quy tắc “Thà ít mà tốt” bởi lẽ chỉ tuân theo quy tắc đó thì mới đạt được mục đích “xây dựng một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô – viết”4. Tuy nhiên, V.I.Lênin chỉ rõ việc thực hiện quy tắc gặp vô vàn khó khăn, trở ngại: “Tôi biết rằng giữ vững quy tắc ấy và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của chúng ta là khó khăn. Tôi biết là quy tắc ngược lại thế sẽ tự mở cho nó một con đường bằng muôn nghìn ngõ ngách. Tôi biết rằng sẽ phải kháng cự lại một cách mãnh liệt, sẽ phải tỏ ra kiên trì phi thường; rằng công tác ấy, ít nhất là trong những năm đầu, sẽ vô cùng ít hiệu quả”5.

Ba là, đổi mới công tác lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quá trình cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Về công tác lựa chọn cán bộ, Người yêu cầu: “phải vĩnh viễn vứt bỏ ngay tất cả những tiêu chuẩn chung về số lượng nhân viên của các cơ quan…” và “phải lựa chọn đặc biệt cẩn thận những cán bộ của Bộ Dân ủy thanh tra công nông, căn cứ vào một số kiểm tra nghiêm ngặt nhất, chứ không khác được”, lựa chọn “những công nhân mà chúng ta chỉ định là ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương phải là những người cộng sản không thể chê trách được”6.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, V.I.Lênin cho rằng: phải nỗ lực lâu dài để huấn luyện cho họ hiểu biết những phương pháp và những mục tiêu công tác. Trước hết, phải tổ chức soạn sách giáo khoa về công tác tổ chức nói chung và đặc biệt là về công tác quản lý. Cử người có năng lực và tận tâm sang Đức, Mỹ, Ca-na-đa, Anh để sưu tầm tài liệu và nghiên cứu vấn đề.

Bốn là, điều kiện cơ bản trong cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Để thực hiện có hiệu quả hoạt động cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, V.I.Lênin chỉ ra điều kiện cơ bản là phải có tri thức, phải gắn lý luận với thực tiễn: “Muốn đổi mới bộ máy nhà nước của chúng ta, phải cố hết sức tự đặt cho mình nhiệm vụ sau đây: một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi, và sau nữa, phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa (điều này phải thú thực là thường hay xảy ra ở nước ta), phải làm sao cho học thức thực sự ăn sâu vào trí não, hoàn toàn và thực tế trở thành một bộ phận khăng khít của cuộc sống của chúng ta”+7. Đây là điều kiện cần thiết để tiến hành nhiệm vụ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Vận dụng tư tưởng “Thà ít mà tốt” của V.I.Lênin vào tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay

Thực tiễn qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam phải giải quyết nhiều mối quan hệ lớn, trong đó có mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị. Tuy nhiên, hiện nay đổi mới chính trị chưa đạt yêu cầu đặt ra, chưa thực sự tạo động lực cho đổi mới kinh tế, thậm chí có biểu hiện cản trở sự phát triển kinh tế. Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) nhận định: “Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”8.

Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, trong đó, chủ yếu là do mô hình tổng thể về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa được hoàn thiện. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thiếu kiên quyết, đồng bộ. Công tác quản lý tổ chức bộ máy và biên chế chưa chặt chẽ và chưa tập trung thống nhất vào một đầu mối. Cơ chế khuyến khích sắp xếp tinh gọn tổ chức, biên chế chưa phù hợp và thiếu mạnh mẽ. Sắp xếp, tinh gọn tổ chức trong hệ thống chính trị chưa gắn kết chặt chẽ với tinh giản biên chế. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thiếu thường xuyên, chưa xử lý nghiêm vi phạm trong sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa được coi trọng và chưa được tiến hành một cách căn cơ, bài bản, thiết thực; công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng chưa kịp thời.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn chỉ rõ: Hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là ở cơ sở, nhiều nơi bộc lộ yếu kém, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Như vậy, sự bất cập, yếu kém trong đổi mới hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở, đang trở thành nguy cơ cản trở tiến trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là: tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đây là nhiệm vụ rất nặng nề và phức tạp. Nếu thực hiện không tốt việc tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và tinh giản biên chế sẽ dẫn đến những hệ lụy tiêu cực, tác động xấu đến việc giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, thậm chí gây mất ổn định chính trị – xã hội. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và tinh giản biên chế, cần phải dựa chắc vào nền tảng tư tưởng của Đảng – chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có các quan điểm trong tác phẩm “Thà ít mà tốt”của V.I.Lênin. Theo đó, đòi hỏi tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề và phức tạp, cần chú trọng thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Để khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”,  không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức thì cần thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ này. Theo đó, cần bồi dưỡng nâng cao nhận thức về mục tiêu, lý tưởng, lòng trung thành; rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tình yêu thương con người, sống khiêm tốn giản dị, nói đi đôi với làm; giáo dục đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Nội dung bồi dưỡng đạo đức cách mạng phải sát với từng đối tượng, có yêu cầu cụ thể, gắn với từng cấp, từng ngành, từng nhiệm vụ theo cương vị, chức trách. Hình thức giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức phải được vận dụng một cách phong phú, đa dạng, kết hợp giữa quá trình giáo dục với quá trình tự giáo dục, rèn luyện của từng cá nhân.

Đối với năng lực chuyên môn: cán bộ, công chức phải luôn luôn học tập để không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt. Đặc biệt nâng cao trình độ lý luận, nâng cao khả năng tổng kết thực tiễn, phải xem xét, so sánh thật kỹ càng thực tế nước ta với nước khác. Đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức mới, những tri thức mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Đặc biệt, trong giai đoạn đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải có đầy đủ những tri thức cần thiết để nắm bắt, làm chủ cuộc cách mạng đó. Muốn vậy, cần tăng cường hội nhập quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm học tập các mô hình, kiến thức từ các nước phát triển.

Thứ hai, đối với công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ.

Để xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh thì phải thực hiện công tác tuyển dụng cán bộ một cách nghiêm túc, khách quan, khoa học, thông qua những tiêu chuẩn rõ ràng; phải tuyển được người giỏi nhất và có tài năng thực sự, đáp ứng tốt yêu cầu, vị trí công việc; phải nêu cao nguyên tắc “Thà ít mà tốt” trong việc tuyển dụng cán bộ, công chức; phải tuyển người có khả năng làm việc hiệu quả; phải tránh xảy ra tình trạng thừa nhân sự nhưng thiếu người làm được việc. Khắc phục những tiêu cực trong tuyển dụng, sử dụng cán bộ ở một số cơ quan, tổ chức, địa phương như hiện nay.

Tuyển dụng cán bộ cần phải tiêu chuẩn hóa cán bộ, theo đó, mỗi lĩnh vực đòi hỏi một nhóm tiêu chuẩn, tiêu chí tương xứng và phù hợp với nó. Để lựa chọn cán bộ làm trụ cột cho bộ máy cần phân loại, xây dựng theo tiêu chí, yêu cầu cụ thể và tỉ mỉ trên cơ sở khoa học đối với mỗi vị trí chức danh của cán bộ. Trong công tác tuyển dụng cần dân chủ hóa, công khai hóa từ tiêu chuẩn, yêu cầu đến quy chế, hình thức tuyển dụng; bảo đảm quyền bình đẳng của người dự tuyển và quyền dân chủ của các thành viên trong Hội đồng tuyển dụng. Đặc biệt, cần trách nhiệm hóa đối với tất cả các bên liên quan từ người dự tuyển, người tiến cử, người bầu, người ra quyết định cuối cùng tuyển chọn đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật một cách bình đẳng. Cần phân cấp trách nhiệm trong tuyển dụng và linh hoạt tuyển chọn để phù hợp nhất. Cuối cùng, cần kiểm nghiệm hóa trong quá trình tuyển dụng và sau khi tuyển dụng.

Để sử dụng cán bộ có hiệu quả, đòi hỏi đội ngũ làm công tác tổ chức – cán bộ trước hết phải tinh thông kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề và quan trọng hơn cả là có tâm với công việc. Cũng giống như những người thợ làm nhà, đội ngũ ấy bao gồm những kỹ sư thiết kế, những tốp thợ lành nghề, từ làm đồ mộc, đến xây, trát, ốp lát, rồi giám sát, nghiệm thu. Muốn chọn được gỗ tốt, sử dụng các loại gỗ đúng với mục đích thì đòi hỏi người sử dụng, lựa chọn phải giỏi, có kỹ năng, chuyên nghiệp.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới là minh chứng cho quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ đại hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tuy nhiên, để đi đến đích thì chặng đường phía trước vẫn còn gian nan, trong khi tổ chức bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập… nên việc học tập, vận dụng tư tưởng “Thà ít mà tốt” của V.I.Lênin vào tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay là cần thiết. Đây là công việc không hề đơn giản nên phải kiên trì, chủ động, sáng tạo để từng bước hoàn thiện bộ máy nhà nước và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc với tinh thần “dĩ công vi thượng”, “chí công vô tư”, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 45. NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 442, 442, 445, 442, 445, 444, 446.
8. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr. 203.
Nguyễn Quốc Duy
Học viện Lục quân