Một số giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách cải cách hành chính nhà nước trên báo chí

(Quanlynhanuoc.vn) – Chủ đề về cải cách hành chính nhà nước gắn với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong những năm gần đây được đăng tải nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là của báo chí. Từ góc nhìn báo chí và trên cơ sở lý thuyết truyền thông chính sách, thực tiễn nghiên cứu, bài viết đưa ra một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách cải cách hành chính nhà nước trên báo chí trong thời gian tới.

 

Ảnh minh họa.

 Vai trò truyền thông chính sách cải cách hành chính nhà nước trên báo chí

Truyền thông chính sách (TTCS) cải cách hành chính nhà nước (CCHCNN) được hiểu là quá trình truyền tải thông tin chính sách CCHCNN tới công chúng (cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở, các tổ chức chính trị – xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập và mọi tầng lớp nhân dân) thông qua các phương tiện truyền thông nhằm thu hút họ tham gia vào các chu trình chính sách và tạo đồng thuận xã hội.

Việc hình thành chính sách của Nhà nước về CCHCNN cũng như xác định nội dung, phương hướng, giải pháp thực hiện CCHCNN trong từng giai đoạn là một quá trình tìm tòi, sáng tạo không ngừng. Dưới ánh sáng đường lối đổi mới qua 6 kỳ Đại hội Đảng từ năm 1986 đến nay, chính sách CCHCNN được sửa đổi, xây dựng mới và ngày càng hoàn thiện, là tiền đề quan trọng để phát huy hiệu quả, hiệu lực tổ chức bộ máy hành chính trong thực tiễn. Một trong những giải pháp trọng tâm nhằm đưa chính sách CCHCNN vào cuộc sống, phát huy tính dân chủ trong Nhân dân, tạo đồng thuận xã hội được Đảng và Nhà nước ta xác định là công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách.

So với những nước tiến hành CCHCNN, Chương trình cải cách hành chính (CCHC) nước ta gắn với những chính sách cụ thể và gần như bao trùm các yếu tố cấu thành cơ bản của nền hành chính quốc gia. Do đó, mục tiêu chính của TTCS CCHCNN là thu hút người dân và các bên liên quan khác vào các quy trình chính sách; góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội về các vấn đề chính sách CCHCNN nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm công vụ trong thực hiện nhiệm vụ và đẩy mạnh việc giám sát, tham gia đóng góp ý kiến với cơ quan hoạch định chính sách.

Từ các văn bản chỉ đạo định hướng của Đảng, Nhà nước và trước yêu cầu thực tiễn của công cuộc CCHCNN, công tác truyền thông về chính sách CCHCNN thời gian qua đã được các cơ quan báo chí trung ương và địa phương quan tâm, chú trọng. Với vai trò trung tâm trong hoạt động truyền thông, các cơ quan báo chí đã vào cuộc với nội dung và hình thức đưa tin phong phú, đồng bộ, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ CCHCNN qua từng giai đoạn phát triển của đất nước. Sự phong phú trong nội dung và hình thức biểu đạt của báo chí đã giúp cho công tác thông tin chính sách CCHCNN đạt được những hiệu quả nhất định, thể hiện vai trò trung tâm của báo chí trong công tác TTCS nói riêng và chính sách CCHCNN nói chung.

Vai trò TTCS CCHCNN được thể hiện trên một số khía cạnh như: bảo đảm cho sự thành công của chính sách và giúp cho chính sách ngày một hoàn thiện hơn; làm trung gian thực hiện các đánh giá chính sách theo cách phân luồng và giám sát chính sách nhiều chiều khác nhau; góp phần quảng bá hình ảnh của Chính phủ; nâng cao tính dân chủ trong hoạt động của Chính phủ.

Những bất cập trong công tác truyền thông chính sách cải cách hành chính trên báo chí

Thực tiễn nghiên cứu một số cơ quan báo chí trong 2 năm (2018 và 2019) cho thấy, trong thời gian qua, TTCS CCHCNN của báo chí tác động tích cực đến các nhà hoạch định chính sách và nhiều bên liên quan, phần nào làm cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp hài lòng đối với thông tin về chính sách. Báo chí đã truyền thông kịp thời và đúng thời điểm. Một số tờ báo có lượng bài viết lớn, chuyên mục đa dạng, đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc; có sự phân bố hài hòa đối với lượng bài viết về chính sách CCHCNN theo phạm vi đề cập và loại hình báo chí.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, báo chí truyền thông CCHCNN vẫn còn có những hạn chế nhất định. Đó là:

Thiếu tính đồng bộ trong TTCS CCHCNN giữa các cơ quan báo chí nên chưa đáp ứng kỳ vọng của người đọc. Các bài viết về nhiệm vụ chính sách CCHCNN chỉ tập trung vào cải cách bộ máy hành chính và cải cách thủ tục hành chính, trong khi đó, số lượng người quan tâm khai thác và sử dụng thông tin về nhiệm vụ CCHC khá lớn.

Thiếu mối liên hệ giữa các cơ quan báo chí trong truyền thông CCHC với kỳ vọng của người khai thác, sử dụng thông tin. Điều này thể hiện ở xu hướng phân bố các bài viết theo tháng và theo năm. Giữa các tháng có sự chênh lệch lớn về bài viết, chủ yếu tập trung vào tháng 1 và tháng 5. Sự chênh lệch về lượng bài viết của các tờ báo theo năm cũng đáng kể. Chẳng hạn, sự chênh lệch giữa các bài viết về chính sách CCHC trong năm 2018 và 2019 của báo Nhân dân khoảng 5 lần, của Thông tấn xã Việt Nam xấp xỉ 1 lần1.

Bên cạnh đó, công tác đưa tin trên báo chí không khớp với kỳ vọng của người khai thác, sử dụng thông tin CCHCNN bởi phần lớn người khai thác, sử dụng thông tin CCHC quan tâm đến loại hình báo điện tử. Trong khi đó, lượng bài viết lại chủ yếu xuất hiện trên báo in – loại hình báo chí có lượng người đọc kỳ vọng ít nhất. Lượng người đọc quan tâm hay kỳ vọng đến truyền hình và phát thanh chỉ có số lượng khiêm tốn.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra hạn chế là chưa có sự phản hồi của thông điệp trong báo chí TTCS CCHCNN và hiệu quả truyền thông điệp của các chuyên mục báo chí không có ý nghĩa thống kê.

Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế nêu trên có thể kể đến là do: số lượng bài viết đề cập, phản ánh các khâu trong quy trình chính sách không đều, phần lớn các bài viết tập trung vào nhiệm vụ thực thi chính sách và ít hơn ở giai đoạn hoạch định chính sách và đánh giá chính sách.

Việc chỉ tập trung vào phản ánh thực thi chính sách và không chú ý tới toàn bộ quy trình chính sách được xem là sai lầm trong TTCS. TTCS là một quá trình cung cấp hoặc duy trì thông tin của quá trình chính sách, gắn với quá trình chính sách để tác động và định hướng thái độ và hành động của công chúng đối với chính sách. Truyền thông là một loại hành vi tổ chức để truyền đạt thông tin giữa các bên liên quan, bên trong và bên ngoài liên quan đến quá trình chính sách. TTCS là một công cụ hỗ trợ Chính phủ đạt được các mục tiêu chính sách và duy trì mối quan hệ cùng có lợi giữa Chính phủ và công chúng về sự thành công hay thất bại của chính sách. Do đó, TTCS phải gắn với quy trình chính sách.

Lượng bài viết đề cập trực tiếp đến các nhiệm vụ chính sách CCHCNN còn khiêm tốn. Ngược lại, lượng bài viết đề cập gián tiếp đến nhiệm vụ CCHC khá lớn như: Thông tấn xã Việt Nam có 46 bài viết đề cập trực tiếp và 671 đề cập gián tiếp. Nội dung về nhiệm vụ CCHCNN chủ yếu được phản ánh trong các bản tin, thiếu phân tích chiều sâu nên khó lòng đáp ứng nhu cầu của người khai thác và sử dụng thông tin.

Các bài viết chủ yếu được đăng ở ngoài khung giờ vàng. Theo các nhà nghiên cứu, giờ vàng là giờ mọi người có thói quen xem thông tin. Buổi sáng từ 6h30 – 8h30, buổi trưa 11h30 – 13h00, buổi tối từ 18h00 – 20h30, thứ Bảy và Chủ nhật cũng được xem là giờ vàng. Thông tin được phát hoặc in trong khung giờ vàng có lượng người quan tâm lớn hơn ngoài khung giờ vàng. Kết quả khảo sát cho thấy, bài viết của các tờ báo đăng vào khung giờ vàng rất khiêm tốn. Báo điện tử Người đại biểu nhân dân có 113 bài viết nhưng không có bài viết nào được đăng vào khung giờ vàng. Thông tấn xã Việt Nam có 717 bài viết nhưng chỉ có 58 bài đăng trong khung giờ vàng. VTV1 trong 170 bài đề cập chỉ có 31 bài đăng hoặc phát trong khung giờ vàng2. Số lượng bài viết chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp thông tin và chủ yếu đăng hoặc phát ngoài khung giờ vàng dẫn đến phần nào hạn chế sự quan tâm của độc giả.

Phần lớn các bài viết về chính sách CCHCNN dưới loại hình tin tức hay bản tin và mới chỉ dừng lại ở truyền đạt, phản ánh sự kiện liên quan đến nhiệm vụ hay quy trình chính sách CCHCNN mà thiếu sự phân tích chuyên sâu về những nội dung này. Trong khi đó, người đọc lại có nhu cầu tìm hiểu thông tin từ các chuyên mục khác nhau (tin, phóng sự, bình luận, chuyên luận, truyện và xã luận).

Theo đó, với lượng bài viết chủ yếu dưới hình thức bản tin thì chưa đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra vai trò của TTCS không chỉ giới hạn để cung cấp thông tin mà còn có chức năng giáo dục mọi người về các vấn đề chính sách quan trọng, liên quan đến cuộc sống của người dân. Truyền thông tiến hành các phê bình, phân tích và đánh giá chuyên sâu bằng cách thảo luận về ưu và nhược điểm của một chính sách nhất định hoặc bất kỳ vấn đề nào một cách vô tư và công bằng.

Trong quá trình phục vụ công chúng, TTCS có thể thông báo những gì tốt hay có hại cho Nhà nước, người dân, doanh nghiệp để có những phản đối hoặc hỗ trợ. Đó là cách TTCS thực hiện vai trò của một người đưa ra ý kiến. Kết quả tổng hợp của cách tiếp cận này giúp Chính phủ thận trọng trong việc xây dựng chính sách. Song trên thực tế ở nước ta, phần lớn các bài viết đề cập đến nhiệm vụ chính sách và quy trình chính sách CCHCNN ở dưới dạng thể loại tin tức, do đó, chất lượng nội dung truyền thông chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Số lượng bài viết chủ yếu tập trung đến hoạt động CCHCNN ở các thành phố lớn và địa phương có kinh tế phát triển, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh. Có sự phân biệt rất rõ về những ưu tiên trong đăng tải thông tin liên quan đến nhiệm vụ và quy trình chính sách ở các địa phương dẫn đến bức tranh mà báo chí truyền thông về CCHCNN tạo ra phần nào “méo mó”, làm cho người đọc khó thấy tính toàn diện về chính sách CCHCNN ở Việt Nam, đặc biệt là ở khâu thực thi chính sách.

Một số giải pháp truyền thông chính sách cải cách hành chính nhà nước

Sứ mạng của báo chí trước hết là để thỏa mãn nhu cầu thông tin của xã hội. Xã hội ngày càng hiện đại thì việc phổ biến thông tin đến đông đảo công chúng đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, để tăng cường hiệu quả TTCS CCHCNN, một số giải pháp được đặt ra, đó là:

Các cơ quan báo chí cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan xây dựng chính sách để thông tin một cách đầy đủ, minh bạch về chính sách; tạo điều kiện để người dân có thể tham gia vào quá trình hoạch định, phản biện và thực thi chính sách, thực hiện quyền giám sát, tiếp cận thông tin của mình. Các cơ quan báo chí cần thể hiện là vai trò trung tâm trong việc xây dựng, xử lý và kết nối thông tin để cơ quan hoạch định chính sách đưa ra các chính sách CCHCNN kịp thời, bảo đảm các quyết sách của Nhà nước không đi ngược với lợi ích cộng đồng.

Tăng cường số lượng bài viết, phân bố phù hợp theo thể loại và chuyên mục nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của người đọc. Qua kết quả khảo sát, chúng tôi nhận thấy, lượng người đọc quan tâm đến tất cả các chuyên mục của báo chí (tin tức, phóng sự, bình luận, chuyên luận, xã luận) chủ yếu tập trung ở độ tuổi từ 30 – 40, rất ít ở người trẻ. Lượng người quan tâm đến các bài viết về nhiệm vụ chính sách CCHCNN cũng rất rõ rệt, trong đó cải cách thủ tục hành chính và cải cách bộ máy hành chính có số lượng người quan tâm cao nhất. Họ thường là những người có trình độ, công tác trong khối doanh nghiệp hay trong cơ quan hành chính nhà nước nên chính sách là vấn đề mà họ quan tâm nhất để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, thực thi trách nhiệm công vụ và quản lý, điều hành tổ chức.

Cần phân bố lượng bài viết phù hợp, phản ánh kịp thời các khâu, các nhiệm vụ chính sách CCHCNN. TTCS CCHCNN là một quá trình gắn với nhiệm vụ chính sách và các khâu của chu trình chính sách CCHCNN. Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 và Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 13/6/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ quy định các cơ quan báo chí, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, các cơ quan thông tin, báo chí trung ương và địa phương cần xây dựng chuyên mục, chuyên trang về CCHCNN để tuyên truyền về chương trình và phản hồi ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức về CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp.

TTCS đáp ứng tốt việc cung cấp hoặc duy trì thông tin của quá trình chính sách, gắn với quá trình chính sách để tác động và định hướng thái độ và hành động của công chúng đối với chính sách, đồng thời là một công cụ hỗ trợ Chính phủ đạt được các mục tiêu chính sách, duy trì mối quan hệ cùng có lợi giữa Chính phủ và công chúng về sự thành công hay thất bại của chính sách.

Công tác truyền thông cần tập trung vào đặc điểm đối tượng người đọc để xây dựng chiến lược viết bài cho phù hợp, đẩy mạnh hơn nữa trong đầu tư các bài viết đề cập trực tiếp, phân tích sâu về chính sách CCHCNN. Sự quan tâm của người đọc đối với các bài viết về TTCS CCHC phụ thuộc vào các bài viết có đáp ứng kỳ vọng của họ. Ví dụ, do đặc điểm nghề nghiệp, nhà báo quan tâm đến những bài viết đề cập đến các nhiệm vụ CCHCNN tương đối đồng đều.

Trong khi đó, chủ doanh nghiệp quan tâm nhiều đến nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thủ tục hành chính. Cán bộ, công chức, viên chức lại chủ yếu quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính. Do đó, để bài viết về chính sách CCHCNN phù hợp với đặc điểm đối tượng người đọc, các báo phải xác định rõ chân dung người đọc (gồm: tuổi tác, giới tính, vị trí địa lý, thu nhập, nghề nghiệp, trình độ học vấn…) mà tờ báo đang hướng tới, từ đó đưa đúng thông điệp và thông tin đến đối tượng.

Tăng cường hơn nữa việc đăng tải các bài viết về chính sách CCHCNN trong khung giờ vàng và chú trọng đầu tư đăng tải các bài viết, các sản phẩm báo chí trên loại hình báo chí đa phương tiện. TTCS CCHCNN muốn đạt được hiệu quả cao cần bắt kịp xu thế phát triển của khoa học – kỹ thuật hiện đại trong kỷ nguyên kỹ thuật số, truyền thông số, toàn cầu hóa về báo chí – truyền thông. Xu hướng truyền thông sử dụng đa phương tiện đáp ứng mong muốn ngày càng nhiều của những người ngày càng có thói quen truy cập thông tin qua các thiết bị điện tử hiện đại, như: điện thoại thông minh, máy tính bảng kết nối internet. Với số lượng lớn những người khảo sát bày tỏ quan điểm quan tâm đến báo điện tử và truyền hình cho thấy, báo chí tham gia TTCS CCHCNN cần phải quan tâm đến xu hướng này, song chúng ta không thể phủ nhận vai trò của các hình thức báo chí TTCS truyền thống bởi những ưu việt mà nó mang lại như độ chính xác, tin cậy của thông tin.

Chú thích:
1, 2. Kết quả khảo sát của tác giả, năm 2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Lưu Văn An. Truyền thông đại chúng trong hệ thống tổ chức quyền lực chính trị ở các nước tư bản phát triển. H. NXB Lý luận chính trị, 2008.
2. Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Tài liệu Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2015 và triển khai kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 – 2020.
3. Lê Thanh Bình. Truyền thông đại chúng và phát triển xã hội. H. NXB Chính trị quốc gia, 2008.
4. Nghị quyết số 30c/2011/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.
5. Callaghan, K. and Schnell, F. (2001). Assessing the democratic debate. How the news media frame elite policy discourse, in: Political Communication, 18, 183 – 212.
6. Howlett (2009). M. Government communication as a policy tool: A framework for analysis. Can. Political Sci. Rev, 3, 23.
Hà Thị Thu Hương
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội