Quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong thời đại ngày nay, giáo dục đại học vừa là một ngành kinh tế, vừa là một ngành có nhiệm vụ giáo dục và đào tạo nhân lực trình độ cao cho các ngành kinh tế khác; đồng thời, các trường đại học còn là trung tâm của đổi mới và sáng tạo. Vì thế, giáo dục đại học giữ vai trò rất quan trọng đối với sự hưng thịnh của mỗi quốc gia và các trường đại học đã trở thành biểu tượng tri thức của một đất nước.

 

Ảnh minh họa.

1. Quản lý nhà nước (QLNN) đối với giáo dục đại học (GDĐH) có vai trò đặc biệt quan trọng quyết định hiệu lực, hiệu quả của GDĐH, quyết định chất lượng của GDĐH, thể hiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, về thể chế QLNN đối với GDĐH, giúp xây dựng môi trường pháp lý và ngăn ngừa, xử lý vi phạm pháp luật trong GDĐH.

Thể chế QLNN có vai trò quan trọng tạo nên một khung khổ pháp lý hoàn chỉnh làm căn cứ cho các cơ quan chức năng và bản thân các cơ sở GDĐH thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quá trình tổ chức và tiến hành hoạt động GDĐH. Thể chế QLNN đối với GDĐH với một hệ thống pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành là cơ sở pháp lý cho các cơ quan thực hiện QLNN các cấp tiến hành các hoạt động quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong QLNN. Vì vậy, hệ thống văn bản pháp luật phải ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh, hoàn thiện và hiệu lực, hiệu quả ngày càng tăng cường theo nguyên tắc: Nhà nước quản lý bằng pháp luật và mọi công dân, thành phần kinh tế, tổ chức xã hội bình đẳng trước pháp luật.

Thứ hai, xây dựng cơ cấu tổ chức, bộ máy QLNN về GDĐH hoạt động thống nhất, hiệu quả.

Bộ máy QLNN về GDĐH có vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ quan, đơn vị thực hiện cụ thể hóa thể chế, chiến lược và chính sách phát triển GDĐH của Nhà nước, đồng thời là đơn vị thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với GDĐH. Hoàn thiện bộ máy quản lý giáo dục bao gồm việc hoàn thiện về tổ chức bộ máy quản lý, hoàn thiện về năng lực và trình độ của đội ngũ quản lý, hoàn thiện về nội dung và phương thức quản lý.

Thứ ba, QLNN đối với GDĐH góp phần nâng cao chất lượng GDĐH.

Chất lượng GDĐH chịu sự quyết định của rất nhiều yếu tố cùng với sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đóng vai trò quyết định. Nếu GDĐH phát triển về số lượng mà không có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Nhà nước thì sẽ không thể bảo đảm được chất lượng.

Thực tiễn đã chứng minh, ở những ngành, lĩnh vực khác nhau của xã hội, khi mà Nhà nước buông lỏng quản lý hoặc không có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ của xã hội, hoặc một hệ thống văn bản pháp lý không hiệu lực, hiệu quả thì sẽ dẫn đến hạn chế về chất lượng; đồng thời, phát sinh những vi phạm pháp luật nhất định. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo không phải là ngoại lệ.

Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trong những năm qua, sự bùng nổ các cơ sở GDĐH cùng với sự đa dạng hình thức đào tạo và đa dạng ngành nghề đã mang lại những khởi sắc cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Việc thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về GDĐH cùng sự quản lý sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các ban, ngành nên các cơ sở GDĐH đã từng bước xây dựng, bổ sung, phát triển ngành, chuyên ngành đào tạo; không ngừng đổi mới, hoàn thiện nội dung chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng đa dạng hóa, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học, sát thực tế, phát huy vai trò, vị trí trung tâm của người học; xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; từng bước mở rộng liên kết với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế.

2. Hiện tại, theo số liệu thống kê năm học 2016 – 2017, cả nước có 235 trường đại học, trong đó công lập 170 trường, ngoài công lập có 65 trường. Toàn ngành có 72.792 giảng viên, trong đó tiến sỹ có 16.514 người, thạc sỹ có 43.127 người, chuyên khoa 1 và 2 có 523 người, còn lại là đại học, cao đẳng và trình độ khác 1.

Hệ thống GDĐH ở nước ta phân bố không đồng đều trong các vùng miền và cơ cấu ngành nghề đào tạo còn nhiều bất cập. Đa phần các trường đại học tập trung ở đồng bằng và các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Thái Nguyên…

Hệ thống GDĐH đang phát triển ồ ạt, tự phát, nhiều trường quy mô nhỏ, ngành nghề đào tạo chồng chéo, nguồn lực đội ngũ giáo viên mỏng. Các đại học tư thục chỉ thu hút đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nghỉ hưu, đội ngũ giáo viên chủ yếu là hợp đồng từ các trường công lập.

Năm 2018, Việt Nam đã có 2 đại học quốc gia lọt vào top 1.000. Trong khu vực châu Á, Việt Nam có tên 5 trường: Đại học Quốc gia Hà Nội (139), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (142), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (291 – 300), Trường Đại học Cần Thơ (301 – 350) và Đại học Huế (351 –  400). So sánh Đại học Quốc gia Hà Nội với các trường trong top 400 châu Á, kết quả mới chỉ nhích qua mức trung bình một chút, khoảng 5%. Mặc dù có kết quả khiêm tốn như vậy, nhưng so với các trường top đầu trong cả nước, các chỉ số của Đại học Quốc gia Hà Nội vượt mức trung bình rất xa, trên 65%2.

Như vậy, nước ta không chỉ có ít các trường đại học nghiên cứu tốt mà mức độ nghiên cứu có sự khác biệt rất lớn.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, các ngành chế tạo, thuyền trưởng, phi công, lái tàu, kiến trúc sư, bác sỹ, quản trị kinh doanh, du lịch nhưng các cơ sở GDĐH trong nhiều lĩnh vực còn hạn chế về đội ngũ giáo viên, cơ sở thực hành, thực tập, đặc biệt là đội ngũ giáo viên ngoại ngữ chuyên ngành và các giáo sư đầu ngành.

Giáo dục bậc cao như thạc sỹ, tiến sỹ không đào tạo tập trung, ngoại ngữ yếu nên không tiếp cận được kịp thời kiến thức hiện đại của thế giới. Chương trình, giáo trình biên soạn thiếu đồng bộ, chưa nhanh chóng tiếp cận với chương trình, giáo trình hiện đại của thế giới để thực hiện đào tạo liên thông với các cơ sở GDĐH quốc tế. Số giáo viên được đào tạo ở nước ngoài còn ít. Số giáo viên Việt Nam tham gia giảng dạy ở các trường đại học quốc tế lại càng ít. Chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo còn hạn chế. Cơ sở vật chất các trường đại học có phần được cải thiện nhưng nhìn chung trong toàn hệ thống còn bất cập.

Tại Tờ trình số 124/TTr-CP ngày 11/4/2018 của Chính phủ đã chỉ ra: Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn quản lý, tổ chức và hoạt động GDĐH trong điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Quản lý đào tạo còn chưa phù hợp với xu hướng quốc tế: các quy định liên quan đến chương trình, tổ chức đào tạo, hình thức, phương thức, thời gian đào tạo, khối lượng kiến thức… chưa tương thích với nhau nên hạn chế trong liên thông và hội nhập quốc tế; hạn chế tính dịch chuyển của sinh viên và khả năng trao đổi về đào tạo giữa các quốc gia.

Các cơ sở GDĐH chưa được tự chủ cao trong mở ngành đào tạo, liên kết, hợp tác quốc tế để phát triển các chương trình liên kết, cải tiến các chương trình đào tạo tiệm cận chuẩn mực quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực của thị trường lao động trong và ngoài nước.

QLNN còn nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện tự chủ đại học, còn chưa thật phù hợp với thông lệ quốc tế, làm ảnh hưởng quá trình hội nhập quốc tế của GDĐH Việt Nam.

Trong bảng xếp hạng U21 của Hiệp hội các trường đại học Universitas 21, GDĐH Việt Nam chưa lọt top 50 thế giới và vẫn chưa có trường đại học nào thuộc top 500. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của hai đại học quốc gia vào top 1.000, có thể đánh giá hệ thống đại học của ta thuộc vào nhóm 80/196 của thế giới3. Để sự phát triển GDĐH có tính bền vững, cần xây dựng chiến lược theo hướng chuẩn hóa, xác định chỉ tiêu phát triển theo hướng hội nhập và được đánh giá, đối sánh với các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, đồng thời với việc nâng năng lực tài chính và năng lực tự chủ, hệ thống GDĐH nước ta cần quan tâm đến năng lực chuyển đổi, năng lực đào tạo định hướng khởi nghiệp, năng lực nghiên cứu hàn lâm định hướng đổi mới sáng tạo, năng lực số hóa và đặc biệt là năng lực phục vụ cộng đồng.

3. Để đến năm 2030, có khoảng 20 đại học hàng đầu khu vực và khoảng 10 đại học trong tốp 1.000 đại học thế giới4.

Trước hết, phải xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi, sinh viên giỏi để đào tạo kỹ năng về tin học, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng nghề thích ứng với các ngành nghề hiện đại. Muốn đạt được yêu cầu này, cần cử một đội ngũ thanh niên ra nước ngoài được đào tạo ở các đại học danh tiếng. Các đại học phải tự tuyển để có học sinh giỏi vào học, chương trình, sách giáo khoa phải đổi mới tiếp cận với các đại học hàng đầu quốc tế.

Hai là, đa dạng hóa các nguồn tài chính để các cơ sở đại học đủ khả năng thu hút người tài trong và ngoài nước đến giảng dạy, biên soạn chương trình, giáo trình hiện đại. Cần coi trọng công tác quốc tế để tạo thành sức mạnh của đại học. Khuyến khích các đại học danh tiếng có cơ sở đặt tại Việt Nam để thu hút con em Việt Nam và nước ngoài đến học.

Chuyển từ việc đầu tư nguồn lực chủ yếu từ Nhà nước sang sự chia sẻ và đóng góp của các bên liên quan, trong đó có cả người học và doanh nghiệp. Bảo đảm tính vền vững về tài chính của hệ thống giáo dục đại học thông qua việc giảm bớt sự phụ thuộc của các trường đại học vào nguồn của Chính phủ, yêu cầu tất cả các bên liên quan có hưởng lợi trực tiếp từ trường đại học cũng phải đóng góp.

Ba là, cần nhanh chóng đổi mới mô hình quản lý và quản trị đại học. QLNN về giáo dục, đào tạo phải theo tư duy mới, nhanh hơn, hiệu quả hơn để giao quyền tự chủ cho các cơ sở đại học. Các cơ sở đại học cần phải tiếp cận với mô hình quản trị đại học về tài chính, nhân sự và chuyên môn. Tổ chức bộ máy quản trị đại học phải tinh gọn, giảm trung gian để tiết kiệm tài chính.

Phát triển hài hòa hệ thống đại học công lập và ngoài công lập. Hài hòa hóa các quy định cho các trường tư thục và công lập, chuyển đổi từ hệ thống dành cho trường đại học hiện đang mang tính tập quyền cao độ từ phía Chính phủ sang mô hình dựa vào tự chủ trong khuôn khổ.

Nhà nước cần có một Hội đồng giáo dục quốc gia đủ mạnh để xây dựng chiến lược và quy hoạch lại hệ thống GDĐH hiện đại. Nâng cao năng lực hệ thống GDĐH là con đường sớm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đầu tư cho hệ thống GDĐH là đầu tư cơ bản hàng đầu trong hệ thống cơ sở hạ tầng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do đó, cần sớm đổi mới tư duy và hành động để nâng cao năng lực hệ thống GDĐH mà từng cơ sở đại học phải đi đầu tự đổi mới.

Chú thích:
1. Bức tranh toàn cảnh về nền giáo dục đại học ở Việt Nam những năm qua. www.giaoduc.net.vn, truy cập ngày 20/9/2020.
2. Nguyễn Hữu Đức, Vũ Thị Mai Anh, Mai Thị Quỳnh Lan, Nghiêm Xuân Huy. Tham luận Nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học quốc gia. Tài liệu Hội thảo Đổi mới giáo dục đại học năm 2019 tại Hà Nội.
3, 4. Giáo dục đại học Việt Nam thứ hạng thấp, sinh viên thiếu kỹ năng. www.vov.vn, ngày 19/8/2018.
Phạm Thị Hạnh Phương
Ban Tuyên giáo Trung ương