Đầu tư cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam và một số khuyến nghị chính sách

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam. Ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sách khuyến khích nhằm thúc đẩy nguồn vốn xã hội hóa cho công tác bảo vệ của người dân mà còn tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn rất hạn chế. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển các công trình hạ tầng bảo vệ môi trường, đồng thời, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, ban hành cơ chế, chính môi trường.

 

Ngôi nhà xanh cần chúng ta chăm sóc và quan tâm hàng ngày (Nguồn: internet).

Thực trạng hoạt động đầu tư cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam thời gian qua

Hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các đô thị lớn của Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… cùng với đó là việc bùng nổ các phương tiện giao thông cá nhân đã và đang khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường khu vực thành thị trở nên nghiêm trọng. Tháng 5/2020, IQAir (IQAir AirVisual là một nền tảng thông tin chất lượng không khí toàn cầu được vận hành bởi Tập đoàn IQAir) đã công bố báo cáo về chất lượng không khí thế giới năm 2019, báo cáo đánh giá môi trường tại 132 quốc gia, trong đó xếp hạng Việt Nam nằm trong top 15 nước có môi trường không khí bị ô nhiễm nhất trên thế giới.  Năm 2019, Hà Nội đã vượt qua Bắc Kinh trong bảng xếp hạng các thành phố thủ đô toàn cầu bị ô nhiễm không khí.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia Việt Nam cho thấy, Việt Nam chịu thiệt hại kinh tế từ 10,8 – 13,2 tỷ USD liên quan đến ô nhiễm môi trường không khí mỗi năm, tương đương với khoảng 5% GDP của đất nước1. Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước cũng đang trong tình trạng báo động. Nước thải từ các khu dân cư, bệnh viện, trường học, công sở,… hầu hết đều trực tiếp xả ra hệ thống sông ngòi mà không có bất kỳ một biện pháp xử lý nào. Nồng độ chất độc hại trong nước thải đều trên mức cho phép nhiều lần. Ngoài ra, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày quá lớn, chiếm tới 80% tổng lượng chất thải rắn và đang gia tăng nhanh chóng cùng với quá trình gia tăng dân số…

Trước thực trạng đó, Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thực thi hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó chú trọng khuyến khích đầu tư BVMT.

Thứ nhất, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN).

Những năm qua, theo quy định, nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi BVMT từ NSNN do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi NSNN trong dự toán ngân sách hằng năm. Thực tế, chi NSNN để thực hiện các nhiệm vụ BVMT luôn cao hơn số thuế BVMT thu được.

Trong giai đoạn 2006 – 2011, vốn đầu tư phát triển trong lĩnh vực BVMT đã tăng khoảng 2 lần, từ 1.429 tỷ đồng năm 2006 lên 2.954,3 tỷ đồng vào năm 2011. Bình quân trong cả giai đoạn 5 năm (2006 – 2011), vốn đầu tư cho BVMT đạt khoảng 2% tổng chi đầu tư phát triển của NSNN. Trong đó, nguồn vốn trung ương bình quân đạt khoảng 19%, địa phương đạt khoảng 81%. Ngoài nguồn vốn trung ương và địa phương, trong giai đoạn 2006 – 2011, nguồn vốn ODA dành cho công tác BVMT đạt khoảng 2.914 triệu USD (trong đó vốn vay là 2.856 triệu USD, viện trợ không hoàn lại là 58 triệu USD).

Giai đoạn 2012 – 2016, tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT (chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ BVMT và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về BVMT không đưa vào NSNN) vào khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế BVMT giai đoạn 2012 – 2016 (số thu thuế BVMT giai đoạn 2012 – 2016 là 105.985 tỷ đồng)2.

Báo cáo về công tác BVMT năm 2017 của Chính phủ cho thấy, để triển khai các hoạt động BVMT, các bộ, ngành cần 853 tỷ đồng, nhưng do điều kiện ngân sách có hạn nên chỉ phân bổ khoảng 469 tỷ đồng (đáp ứng được 55% nhu cầu)3.

Năm 2019, ngân sách sự nghiệp BVMT trung ương là 2.290 tỷ đồng nhưng đến tháng 9/2019 mới phân bổ 1.51,922 tỷ đồng, đạt 50,3%. Về ngân sách sự nghiệp BVMT địa phương, Bộ Tài chính giao chỉ tiêu hướng dẫn là 13.900 tỷ đồng, chiếm 85,86% so với tổng kinh phí sự nghiệp BVMT của cả nước; số được Hội đồng nhân dân các tỉnh thông qua là 18.152.741 triệu đồng, lớn hơn 4.252.741 triệu đồng so với số giao của Bộ Tài chính, trong đó 44/63 tỉnh, thành phố chi cao hơn số giao của Bộ Tài chính4.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Công văn số 4654/BTC-HCSN ngày 19/4/2019, nhiều địa phương chi nguồn ngân sách cho sự nghiệp BVMT lại dưới 1%. Năm 2018, có đến 7 địa phương quyết định mức dự toán chi phí sự nghiệp BVMT của ngân sách địa phương thấp hơn so với hướng dẫn của trung ương, và năm 2019, con số mức dự toán chi phí sự nghiệp BVMT của ngân sách địa phương thấp hơn so với hướng dẫn của trung ương tăng lên thành 13 địa phương.

Ngoài ra, việc sử dụng NSNN cho BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu (bao gồm chi thường xuyên và chi có tính chất đầu tư, như hỗ trợ xử lý chất thải; xử lý các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích; quan trắc, giám sát, cảnh báo các vấn đề ô nhiễm môi trường liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới…) còn thiếu sự điều phối, tổng hợp, thống nhất, thiếu vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT để bảo đảm NSNN được tập trung vào đúng đối tượng, đúng nội dung cần thiết… Theo đánh giá, nguồn vốn đầu tư phát triển cho BVMT mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu đầu tư. Tỷ trọng phân bổ nguồn vốn giữa trung ương và địa phương cũng còn nhiều bất cập…

Thứ hai, nguồn vốn từ Quỹ BVMT.

Theo quy định hiện hành, vốn điều lệ của Quỹ BVMT Việt Nam là 1.000 tỷ đồng từ nguồn NSNN cấp. Đối tượng cho vay của Quỹ là các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư BVMT với mức lãi suất ưu đãi cố định trong suốt thời gian cho vay từ 2,6 % – 3,6%, cùng thời hạn vay lên đến 10 năm. Theo báo cáo của Quỹ BVMT Việt Nam, tính đến cuối năm 2018, Quỹ đã giải ngân 76% vốn cho vay với lãi suất ưu đãi ở 54 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính chung trong giai đoạn 2010 – 2019, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Quỹ tăng trên 10%/năm5. Thông qua hoạt động của mình, nguồn vốn do NSNN cấp cho Quỹ BVMT đã hỗ trợ được cho nhiều dự án, hoạt động BVMT. Có thể nói, Quỹ BVMT đã góp phần tích cực vào quá trình đồng bộ hóa các công cụ tài chính, chính sách của Nhà nước, hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực BVMT.

Tuy nhiên, hiện nay đang có một “nghịch lý” xảy ra trong hoạt động cho vay của Quỹ BVMT, đó là người muốn vay thì không đáp ứng đủ điều kiện, ngược lại, người đủ điều kiện thì không muốn vay. Nguyên nhân do:

(1) Nguồn vốn của Quỹ BVMT rất hạn chế. Theo quy định của Luật BVMT năm 2014, vốn hoạt động của Quỹ BVMT được hình thành từ các nguồn: NSNN; phí BVMT; các khoản bồi thường cho Nhà nước về thiệt hại môi trường; các khoản hỗ trợ, đóng góp, ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn vốn của Quỹ hầu như chỉ phụ thuộc vào NSNN. Nguồn vốn này thường là ổn định, ít khi được tăng, bổ sung. Trong khi đó, các nguồn vốn có thể bổ sung thường xuyên cho Quỹ như phí bảo vệ môi trường, các khoản bồi thường cho Nhà nước về thiệt hại môi trường lại chưa có cơ chế chuyển vốn.

(2) Với nguồn vốn ít ỏi, các Quỹ BVMT thường rất thận trọng trong lựa chọn xét duyệt đối tượng được vay. Quỹ thường có những quy định rất chặt chẽ về đối tượng cho vay cũng như yêu cầu về tài sản bảo đảm. Thực trạng chung hiện nay, các DN đầu tư trong lĩnh vực môi trường có chi phí đầu tư ban đầu lớn, thời gian hoàn vốn dài… Vì vậy, các DN có đủ tiềm lực sẽ tự mình đầu tư hoặc tìm đến những cơ chế tín dụng khác với nhiều thuận lợi và ưu đãi hơn cơ chế vay vốn từ Quỹ BVMT. Còn đối với các DN thiếu tiềm lực, cần vốn vay lại thường không đáp ứng được các tiêu chí cho vay mà Quỹ đặt ra.

Thứ ba, nguồn vốn xã hội hóa chưa nhiều.

Mặc dù NSNN đã ưu tiên kinh phí cho lĩnh vực BVMT, tuy nhiên chưa thể bảo đảm đủ kinh phí giải quyết các vấn đề môi trường. Vì vậy, cần đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích DN, tổ chức tư nhân tham gia đầu tư cho hoạt động BVMT. Tuy nhiên, hoạt động xã hội hóa BVMT đang có nhiều bất cập do chưa xây dựng được các quy định pháp lý để khuyến khích khối tư nhân tham gia sâu hơn nữa vào BVMT, ví dụ như trong lĩnh vực xử lý, phục hồi các điểm ô nhiễm, lĩnh vực công nghiệp môi trường; chưa có cơ chế cạnh tranh lành mạnh và công bằng giữa DN tư nhân và DN nhà nước tham gia BVMT. Vẫn còn những đối xử chưa thực sự bình đẳng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia BVMT…

Một số khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường đầu tư cho bảo vệ môi trường

Một là, tăng cường, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho BVMT.

Quốc hội cần xem xét tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ NSNN cho BVMT, phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách; đồng thời thúc đẩy việc sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. Phát huy vai trò, trách nhiệm của ngành Tài nguyên và Môi trường trong phân bổ, giám sát các nguồn chi ngân sách cho BVMT, bảo đảm nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường được sử dụng gắn với trách nhiệm BVMT. Bảo đảm mức và cơ cấu đầu tư cho BVMT hợp lý trong đầu tư phát triển, trong sản xuất – kinh doanh.

Chú trọng hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư BVMT; triển khai mạnh mẽ mô hình hợp tác công – tư (PPP); thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ phát triển từ các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước cho BVMT, đặc biệt là trong việc khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Phát huy vai trò của Quỹ BVMT Việt Nam, củng cố, tăng cường năng lực, bổ sung nguồn vốn từ NSNN, tạo cơ chế huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước; mở rộng phạm vi hoạt động, loại hình hỗ trợ đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tổ chức cá nhân trong BVMT. Từng bước hình thành thị trường vốn cho BVMT, khuyến khích thành lập quỹ tài trợ cho các sáng kiến, mô hình dựa vào cộng đồng, các phong trào, hoạt động BVMT vì lợi ích chung của xã hội.

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động BVMT, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư cho BVMT. Có cơ chế, chính sách phù hợp để tăng cường huy động vốn cho BVMT, nhất là các nguồn vốn ngoài ngân sách.

Nghiên cứu, hình thành các nguồn thu mới; từng bước tăng dần mức thu tương ứng với mức độ hưởng lợi từ môi trường hoặc mức độ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, góp phần giảm gánh nặng đầu tư cho BVMT từ NSNN, tạo nguồn tài chính bền vững cho BVMT.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực cho BVMT; hợp tác với các tổ chức trong khu vực và trên thế giới nhằm thu hút tối đa nguồn vốn cho phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hai là, chú trọng đầu tư công nghệ xử lý chất thải, không làm phát sinh các địa điểm ô nhiễm mới.

Chính phủ cần có giải pháp thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi cho các ngành kinh tế thân thiện với môi trường, hạn chế phát triển các nhóm ngành có nguy cơ cao gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; từng bước xây dựng hạ tầng, môi trường pháp lý thuận lợi cho nền kinh tế xanh; nghiên cứu, xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí xác định ngành, khu vực kinh tế xanh; có các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ khu vực kinh tế xanh phát triển.

Nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí môi trường áp dụng đối với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngành, lĩnh vực, vùng; nghiên cứu, thử nghiệm phân vùng chức năng theo các hệ sinh thái phục vụ quy hoạch phát triển, hướng tới làm rõ khu vực được ưu tiên, khu vực hạn chế hoặc cấm phát triển công nghiệp, khai thác khoáng sản nhằm giảm xung đột giữa BVMT và phát triển kinh tế – xã hội.

Nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược, bảo đảm các yêu cầu về BVMT được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, đề án phát triển kinh tế – xã hội. Nâng cao hiệu quả của đánh giá tác động môi trường trong việc sàng lọc, ngăn ngừa công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường trong các dự án đầu tư phát triển.

Ba là, khuyến nghị đầu tư cho cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm, cung cấp vệ sinh môi trường.

Nhà nước cần thực hiện các chương trình đầu tư, huy động vốn ODA và các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, kết hợp nâng cao khả năng chống chịu của hệ sinh thái trước tác động của biến đổi khí hậu, hình thành các cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái theo hướng thúc đẩy phục hồi, tái tạo, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên. Đầu tư từ NSNN, ưu tiên vay vốn hỗ trợ phát triển (ODA) thực hiện các chương trình, dự án cải tạo, phục hồi hồ, ao, kênh, mương, đoạn sông trong các đô thị, khu dân cư, đặc biệt là các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Ưu tiên hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn, công ty nước ngoài trong việc tìm kiếm nguồn lực, công nghệ xử lý, máy móc, thiết bị, hóa chất xử lý nhằm cải tạo vùng đất bị nhiễm độc, tồn lưu hóa chất, các chất gây ô nhiễm môi trường.

Bốn là, đầu tư cho khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học.

Thúc đẩy quản lý tổng hợp tài nguyên nước các lưu vực sông; kết hợp quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều nước với quy hoạch tìm kiếm và khai thác tài nguyên nước. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, chú trọng kiểm soát ô nhiễm các lưu vực sông và nguồn nước xuyên biên giới.

Xây dựng các chương trình, dự án đầu tư phục hồi, phát triển các hệ sinh thái, loài sinh vật trong các khu bảo tồn thiên nhiên; bố trí kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường cho quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên theo loại hình và cấp độ đáp ứng yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học trong khu bảo tồn.

Áp dụng chế độ kiểm soát nghiêm ngặt để phát hiện các trường hợp vận chuyển trái phép, tiêu thụ các loài được ưu tiên bảo vệ, loài cấm khai thác ngoài tự nhiên; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Năm là, đầu tư nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Nghiên cứu, xây dựng phương pháp, quy trình lồng ghép biến đổi khí hậu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư phát triển; rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngành, lĩnh vực cho phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, tính toán đến tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khi xây dựng các công trình tiêu, thoát nước, xử lý nước thải tập trung, các bãi chôn lấp rác thải, đặc biệt là vùng ven biển và trong quy hoạch, thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên. Xây dựng thử nghiệm, nhân rộng các mô hình thích nghi, sống chung với biến đổi khí hậu.

Thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong xây dựng, giao thông, chiếu sáng, thiết bị điện, sản xuất, dịch vụ; khuyến khích đầu tư thu hồi năng lượng, nhiệt trong sản xuất, tiêu dùng để tái sử dụng. Nghiên cứu, áp dụng thử nghiệm và nhân rộng các mô hình phát triển các-bon thấp trong phát triển kinh tế – xã hội, lĩnh vực, vùng và cộng đồng. Nghiên cứu xu hướng dịch chuyển, các mô hình phát triển mới, những thay đổi trong cơ cấu kinh tế khu vực và toàn cầu để tranh thủ cơ hội và hạn chế các tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu lên môi trường ở nước ta.

Chú thích:
1. Ô nhiễm không khí ở Việt Nam gây thiệt hại ít nhất 10,8 tỷ USD mỗi năm. https://en.vietnamplus.vn, ngày 15/01/2020.
2. Tổng hợp báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường các năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016.
3. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2017.
4. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2019.
5. Hiệu quả kinh tế và môi trường của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. https://tapchicongthuong.vn, ngày 27/4/2020.

TS. Lương Thu Thủy
Học viện Tài chính