Tập trung mọi nguồn lực để phát triển Học viện Hành chính Quốc gia lên tầm cao mới

(Quanlynhanuoc.vn) – Năm 2021 – năm thứ hai thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ Học viện Hành chính Quốc gia nhiệm kỳ 2020 – 2025, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Học viện Hành chính Quốc gia tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường hợp tác quốc tế; hiện đại hóa cơ sở vật chất, thực hiện quản trị thông minh, với phương châm: “Kỷ cương – Chất lượng – Hiện đại”, quyết tâm đổi mới toàn diện để Học viện phát triển lên một tầm cao mới.

 

TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia.

Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và của Học viện Hành chính Quốc gia (sau đây viết tắt là Học viện), là năm tổ chức đại hội các chi bộ, đảng bộ bộ phận và Đảng bộ Học viện, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, cũng là năm có nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 và thiên tai, lũ lụt gây ra nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) và các mặt hoạt động khác của Học viện. Tuy nhiên, nhờ nhận được sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Nội vụ, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ, sự ủng hộ của các bộ, ngành trung ương và địa phương; sự đoàn kết, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của tập thể cán bộ, viên chức và người lao động trong toàn hệ thống nên Học viện đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.

Những kết quả đã đạt được

Ngay từ những ngày đầu năm 2020, Học viện đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện là: chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức và người lao động; mở rộng quy mô gắn với bảo đảm chất lượng ĐTBD; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kế hoạch, tài chính, văn phòng. Đồng thời, đề ra các nhóm giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ: tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy toàn Học viện bảo đảm tính hệ thống, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và phát triển đội ngũ công chức, viên chức của Học viện. Đổi mới công tác ĐTBD theo phương châm căn bản, toàn diện, thực tiễn, hiện đại. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện đại, xây dựng mô hình quản trị thông minh tại Học viện.

Những phương hướng và giải pháp đột phá đã được tích cực triển khai thực hiện và thu được những kết quả cụ thể, nổi bật, đồng bộ trong toàn hệ thống Học viện.

Thứ nhất, xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống văn bản quản trị nội bộ.

Năm 2020, Học viện tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quản trị nội bộ của Học viện, như: ban hành Quy chế làm việc của các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng quy định trên các mặt công tác: Hướng dẫn đánh giá, xếp loại chất lượng đơn vị, viên chức, người lao động thuộc Học viện Hành chính Quốc gia theo đúng tiêu chuẩn tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); ban hành Danh mục vị trí việc làm và khung năng lực theo các vị trí việc làm; Quy chế quản lý bồi dưỡng… Hệ thống văn bản quản lý nội bộ đã góp phần chuẩn hóa hoạt động quản lý, nâng cao chất lượng các mặt công tác của Học viện, góp phần bảo đảm và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hệ thống Học viện.

Thứ hai, về công tác đào tạo đại học, sau đại học.

Đối với đào tạo đại học, đã tổ chức quản lý và triển khai kế hoạch học tập các lớp đại học ngành Quản lý nhà nước phù hợp với yêu cầu thực tiễn về phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện kịp thời, đúng quy định chế độ, chính sách ưu tiên, miễn giảm học phí, học bổng và các chế độ, chính sách khác liên quan cho sinh viên.

Đối với đào tạo sau đại học, công tác quản lý đào tạo trình độ thạc sỹ và tiến sỹ được thực hiện theo đúng Quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy chế của Học viện. Đổi mới và tổ chức tốt công tác tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ các ngành và trình độ tiến sỹ ngành Quản lý công, trong đó nổi bật là các nội dung: xây dựng dự thảo quy định về điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình bồi dưỡng giảng viên tham gia đào tạo sau đại học; nghiên cứu triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo sau đại học; thành lập Hội đồng xét duyệt tên luận văn các chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sỹ; tổ chức bảo vệ luận văn thạc sỹ tại các Phân viện; ban hành danh mục ngành đúng, ngành phù hợp, ngành gần và chương trình chuyển đổi kiến thức để dự thi đào tạo trình độ thạc sỹ chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng và Quản lý kinh tế.

Học viện đã xây dựng và thực hiện “Đề án biên soạn đề cương, tài liệu chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ tại Học viện Hành chính Quốc gia” trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020. Đến nay, Học viện đã hoàn thành 181 đề cương chi tiết và 52 tài liệu của các học phần thuộc chương trình đào tạo tiến sỹ Quản lý công và 5 chương trình đào tạo thạc sỹ. Đây là lần đầu tiên sau hơn 24 năm đào tạo cao học và 17 năm đào tạo tiến sỹ, Học viện đã có một đề án lớn biên soạn đề cương chi tiết tất cả các học phần và một số giáo trình, tài liệu đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ các chuyên ngành. Học viện nghiên cứu xây dựng Đề án mở mã ngành đào tạo tiến sỹ các ngành: Luật, Chính sách công và Quản lý kinh tế.

Thứ ba, về công tác bồi dưỡng.

Cùng với hoạt động đào tạo, công tác bồi dưỡng luôn được chú trọng. Học viện đã tăng cường trao đổi hợp tác với các bộ, ngành, địa phương về bồi dưỡng CBCCVC, đặc biệt là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý theo Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức tập huấn giảng viên giảng dạy chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp huyện. Xây dựng quy chế quản lý bồi dưỡng hướng tới mục tiêu quản lý chất lượng bồi dưỡng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác bồi dưỡng, thực hiện công khai, minh bạch phòng và chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác này.

Trong đó, đã thực hiện bồi dưỡng ngạch chuyên viên theo hình thức từ xa đạt kết quả tốt; xây dựng học liệu bồi dưỡng từ xa ngạch chuyên viên chính và cấp phòng bảo đảm chất lượng. Hoạt động bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội đạt được kết quả tích cực.

Thứ tư, công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu được triển khai khá đồng bộ.

Đối với công tác nghiên cứu khoa học, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện đã nghiên cứu, cho ý kiến xây dựng danh mục ngành phù hợp, ngành gần đáp ứng yêu cầu đào tạo sau đại học, xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sỹ; Quy chế về bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng viên tham gia đào tạo sau đại học. Đồng thời, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học, trong đó có các hội thảo quốc tế thu hút được sự tham gia của không ít học giả, nhà khoa học có uy tín.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học từ nguồn thu của Học viện được triển khai đa dạng về hình thức, tạo điều kiện cho viên chức và người lao động Học viện nâng cao năng lực nghiên cứu, năng lực chuyên môn, bổ sung thêm nguồn tài liệu phục vụ cho công tác ĐTBD CBCCVC, đào tạo đại học và sau đại học.

Đối với công tác biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu, đã triển khai biên soạn đề cương chi tiết các học phần chương trình đào tạo thạc sỹ Quản lý kinh tế, biên soạn 27 giáo trình, tài liệu đào tạo trình độ thạc sỹ và tiến sỹ.

Tổ chức đánh giá, biên soạn lại chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp. Chương trình bồi dưỡng chuyên viên cao cấp đã được Bộ Nội vụ phê duyệt và ban hành. Tổ chức đánh giá, biên soạn lại chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, bồi dưỡng phương pháp sư phạm dành cho giảng viên quản lý nhà nước. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ bồi dưỡng từ xa của Học viện.

Thứ năm, công tác giảng dạy và giảng viên.

Chất lượng các giờ giảng ngày được nâng cao, trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên tuân thủ kỷ luật học đường, kỷ luật phát ngôn; kết hợp tốt giữa phương pháp giảng dạy tích cực với phương pháp giảng dạy truyền thống, thu hút, lôi cuốn người học; phần lớn các giờ giảng được người học đánh giá cao.

Đội ngũ giảng viên Học viện luôn chú trọng tự học hỏi, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức, tư liệu thực tiễn nhằm nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ĐTBD. Các khoa chuyên môn đã thực hiện tổ chức thẩm định năng lực giảng viên tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng.

Thứ sáu, về hợp tác quốc tế.

Mặc dù năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, nhưng công tác hợp tác quốc tế của Học viện vẫn được triển khai và đạt một số nội dung tích cực, đó là phối hợp với Trường Công vụ Xinh-ga-po tổ chức 2 khóa tập huấn viên chức, giảng viên Học viện: “Xây dựng chương trình bồi dưỡng kỹ năng hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách cho công chức lãnh đạo, quản lý” và Khóa tập huấn “Hoàn thiện chương trình bồi dưỡng về hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách cho cán bộ lãnh đạo, quản lý”.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Đề án “Nâng cao năng lực Học viện Hành chính Quốc gia trong xây dựng và sử dụng tình huống để bồi dưỡng công chức quản lý, lãnh đạo”, giai đoạn 1  hợp tác với Viện Quản trị Chandler, Xinh-ga-po. Đồng thời, tổ chức 2 tọa đàm quốc tế trực tuyến: “Trao đổi kinh nghiệm ĐTBD CBCCVC trong bối cảnh dịch Covid-19” – phối hợp giữa Học viện với Trường Đào tạo cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba, ngày 07/10/2020; “Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho viên chức Học viện Hành chính Quốc gia” – phối hợp giữa Học viện và Viện Quản trị Chandler, Xinh-ga-po, ngày 17/12/2020.

Học viện cũng đã đón tiếp các đoàn đến làm việc, nghiên cứu tại Học viện, như: đoàn Phó Chủ tịch cấp cao Khu vực châu Á, tập đoàn Chemonics, Hoa Kỳ; đoàn Viện Quản trị Chandler, Xinh-ga-po; làm việc với đoàn Đại sứ quán Cu-ba; đón đoàn học viên chương trình thạc sĩ quản trị và phát triển Đại học BRAC, Băng-la-đét sang nghiên cứu khảo sát về hành chính công tại Học viện; đoàn Tham tán Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam về kế hoạch hợp tác năm 2020 giữa Học viện với các đối tác Pháp…

Thứ bảy, về công tác ĐTBD trực tuyến.

Ngay từ đầu năm, do đại dịch Covid-19, Học viện đã đẩy mạnh hoạt động ĐTBD trực tuyến, từ xa. Đã tổ chức chiêu sinh, phối hợp mở lớp, quản lý bồi dưỡng ngạch chuyên viên theo phương thức từ xa; tổ chức thẩm định bài giảng điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ bồi dưỡng từ xa đối với chương trình bồi dưỡng cấp phòng, chuyên viên chính, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp huyện.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, quản trị và vận hành hệ thống trang tin điện tử, các phần mềm phục vụ quản lý, điều hành cơ bản bảo đảm yêu cầu. Bước đầu triển khai hệ thống quản lý văn bản điện tử V-Office. Bảo đảm điều kiện về hệ thống, tài khoản phục vụ làm việc trực tuyến trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19.

Thứ tám, công tác tổ chức bộ máy, nhân sự được triển khai đồng bộ.

Đã triển khai rà soát, đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, nhân sự của các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện. Xây dựng danh mục vị trí việc làm và khung năng lực của các vị trí việc làm. Nghiên cứu, phê duyệt số lượng người làm việc của các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện. Xây dựng kế hoạch và triển khai công tác tinh giản biên chế.

Đặc biệt, đẩy mạnh việc kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp của Học viện; rà soát sắp xếp, bố trí nhân sự các đơn vị phù hợp với chuyên môn, năng lực, sở trường công tác; rà soát, bổ sung kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Học viện giai đoạn 2016 – 2021 và giai đoạn 2021 – 2026. Thực hiện điều động, luân chuyển, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại đối với đội ngũ viên chức phù hợp vị trí công, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, tập trung, thống nhất và đúng quy trình, thủ tục theo các văn bản pháp luật mới. Đặc biệt, đã tổ chức 2 đợt tuyển dụng viên chức bảo đảm đúng quy định của pháp luật; rà soát và tổ chức tuyển dụng lại viên chức theo Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư.

Đồng thời, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Bộ Nội vụ giao, như: Đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức; Chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kỳ thi nâng ngạch công chức từ ngạch chuyên viên chính lên ngạch chuyên viên cao cấp…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, năm 2020 vừa qua, Học viện vẫn còn có những hạn chế, đó là: (1) Công tác bố trí, sắp xếp viên chức, người lao động làm công tác giảng dạy, quản lý đào tạo đại học còn chưa hoàn chỉnh. (2) Đội ngũ giảng viên mất cân đối về cơ cấu, trình độ; tồn tại tình trạng vừa thừa, vừa thiếu (thiếu giảng viên cao cấp, giảng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn đào tạo sau đại học và bồi dưỡng, nhưng thừa một số lượng lớn giảng viên chỉ giảng dạy được hệ đào tạo cử nhân). (3) Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. (4) Đời sống viên chức và người lao động chậm được cải thiện…

Một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm 2021

Bước sang năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện, trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời, khắc phục những hạn chế, tồn tại, cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống Học viện cần tập trung ngay từ những ngày đầu năm tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực Học viện giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực của Học viện đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà trọng tâm là xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có tâm huyết, đạo đức nghề nghiệp, có năng lực hội nhập quốc tế; xây dựng và thực hiện kế hoạch ĐTBD giảng viên; xây dựng và triển khai các chương trình nâng cao năng lực tiếng Anh và năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho cán bộ, giảng viên Học viện.

Tập trung các nguồn lực và các nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, viên chức của Học viện, phát triển đội ngũ giảng viên chuẩn về năng lực, phương pháp sư phạm, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng ĐTBD tại Học viện. Xây dựng, quản lý và sử dụng mạng lưới giảng viên thỉnh giảng nhằm nâng cao chất lượng ĐTBD, đồng thời là kênh quảng bá, kết nối Học viện với các bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời, tiếp tục kiện toàn hệ thống các đơn vị cấu thành của các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện theo hướng tinh gọn, xây dựng các đơn vị chức năng tổng hợp nhiều lĩnh vực; mỗi đơn vị chuyên môn đảm nhận nhiều nhiệm vụ, tái cấu trúc các đơn vị cấu thành đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện; tổ chức hợp lý đầu mối cấp bộ môn và tương đương.

Hai là, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình ĐTBD.

Tổ chức tập huấn triển khai thực hiện chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp sau khi đã được biên soạn lại; chương trình bồi dưỡng giảng viên quản lý nhà nước. Tiếp tục đổi mới quy trình quản lý đào tạo, quản lý bồi dưỡng bảo đảm tính khoa học, minh bạch, công bằng, đúng quy định; khắc phục tình trạng vi phạm kỷ luật, quy chế ĐTBD. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm kỷ luật giảng dạy, kỷ luật học tập.

Xây dựng kế hoạch giảng dạy các khóa bồi dưỡng. Phân công lịch giảng cụ thể đến từng buổi giảng; thực hiện đầy đủ nội dung thảo luận của các chuyên đề bồi dưỡng, phân công giảng viên và chuẩn bị đầy đủ nội dung thảo luận.

Nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm đào tạo sau đại học của các nước có nền hành chính tiên tiến. Tiếp tục xây dựng các đề án mở các mã ngành mới đào tạo trình độ thạc sỹ và tiến sỹ phù hợp với năng lực của đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học của Học viện.

Ba là, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách.

Thực hiện tốt vai trò trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học hành chính, quản lý công, chính sách công. Tập trung luận chứng, triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu tổng kết thực tiễn nhằm cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chủ động và tăng cường xây dựng các báo cáo kiến nghị khoa học để tham mưu, tư vấn với Bộ Nội vụ, Chính phủ. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, nghiệm thu, đánh giá các kết quả nghiên cứu. Tích cực chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ công tác giảng dạy, tuyên truyền, nghiên cứu lý luận và tư vấn chính sách.

Bốn là, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.

Tích cực tham gia và khẳng định vai trò của Học viện trong các tổ chức, diễn đàn quốc tế về hành chính. Xây dựng quan hệ với đối tác quốc tế chiến lược có uy tín và năng lực để thực hiện chương trình, kế hoạch hợp tác dài hạn phục vụ cho việc củng cố và tăng cường nền tảng khoa học về quản lý công và chính sách công của Học viện.

Khai thác nguồn lực trong nước và quốc tế để thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế hỗ trợ trực tiếp định hướng đổi mới của Học viện, nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện. Mở rộng các chương trình liên kết ĐTBD; đẩy mạnh giới thiệu các chương trình ĐTBD quốc tế cho khách hàng tiềm năng trong nước và trong khu vực; xây dựng quan hệ đối tác với các bộ, ngành, địa phương trong liên kết ĐTBD; thu hút chuyên gia quốc tế và các nhà khoa học gốc Việt đến giảng dạy và nghiên cứu tại Học viện; xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng quốc tế tại Học viện.

Đồng thời, cần khai thác và sử dụng công nghệ đào tạo trực tuyến trong cung cấp các dịch vụ ĐTBD quốc tế. Khai thác sự hỗ trợ và nguồn lực quốc tế, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế đối với viên chức Học viện.

Năm là, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thực hiện quản trị thông minh.

Hoàn thiện các thủ tục cần thiết trình phê duyệt Dự án Xây dựng, thay thế và bổ sung cơ sở chính của Học viện Hành chính Quốc gia và tổ chức khởi công xây dựng.

Triển khai hệ thống quản lý văn bản điện tử tại Học viện trên nền tảng V-Office nhằm tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Học viện, triển khai nghiên cứu, xây dựng mô hình quản trị thông minh tại Học viện: xây dựng Thư viện điện tử; hoàn chỉnh các phần mềm quản lý đào tạo, quản lý khoa học, quản lý viên chức, quản lý tài chính – vật tư, quản lý hành chính; gia tăng số lượng các giảng đường, phòng học trực tuyến.

Đầu tư đúng mức cho thông tin khoa học, từng bước kết nối với các thư viện, hệ thống cơ sở dữ liệu của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước.

TS. Đặng Xuân Hoan
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia