Năm Chủ tịch ASEAN 2020 – khẳng định bản lĩnh, năng lực và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam vừa khép lại với những thành công có ý nghĩa thiết thực và lâu dài đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, nhất là trong bối cảnh nhiều thách thức và khó khăn đối với khu vực cũng như toàn thế giới. Cùng với vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò điều phối, đáp ứng sự kỳ vọng của các nước thành viên cũng như các đối tác của ASEAN. Việt Nam cũng thể hiện “năng lực dẫn dắt”, khẳng định vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN trên trường quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với các thành viên Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020. Ảnh: vietnamnet.

Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN từ ngày 01/01/2020 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp. Trên thế giới, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, chủ nghĩa đa phương gặp nhiều thách thức, nhiều điểm nóng an ninh tiềm ẩn những nhân tố khó lường, cùng với đó là các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống không ngừng  gia tăng, tạo sức ép lớn đến quá trình hội nhập và liên kết khu vực. Đặc biệt, năm 2020 thế giới phải đối mặt với khó khăn chưa từng có do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Dịch bệnh đã gây ra cuộc đại khủng hoảng, tác động tiêu cực đến mọi mặt chính trị, kinh tế – xã hội và quan hệ quốc tế, tác động đến từng khu vực, từng quốc gia, trong đó có ASEAN và Việt Nam. Dịch bệnh cũng tác động mạnh mẽ, làm đảo lộn các kế hoạch hoạt động đối ngoại của Việt Nam, nhất là trong năm nước ta làm Chủ tịch ASEAN.

Trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp và khó lường, trong vai trò Chủ tịch, Việt Nam đã quyết tâm và nỗ lực cùng các thành viên ASEAN vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được các đối tác và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đã để lại dấu ấn thành công cả về phương thức tổ chức và nội dung thực hiện.

Về tổ chức, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, với tinh thần chủ động thích ứng, Việt Nam đã cùng các thành viên ASEAN thống nhất cao trong việc chuyển từ hình thức họp trực tiếp sang họp trực tuyến. Do đó, ASEAN không những đã bảo đảm lộ trình, kế hoạch mà còn vượt mục tiêu đề ra cả về số lượng và chất lượng. Nếu như thông thường, trong năm Chủ tịch có khoảng 200 hội nghị, sự kiện trực tiếp giữa các nước trong ASEAN, giữa ASEAN và các đối tác để thảo luận các vấn đề thì năm 2020, Việt Nam đã chủ trì tổ chức trên 550 cuộc họp trực tuyến, trong đó có 20 cuộc họp cấp cao thường niên, như Hội nghị Cấp cao 36, 37 và các cuộc họp cấp cao của ASEAN với các đối tác đặc thù về ứng phó với Covid-19; 70 cuộc họp cấp Bộ trưởng. Điều này cho thấy Việt Nam cũng như ASEAN đã chuyển đổi phương thức rất nhanh, các cuộc họp được tổ chức trên cả ba trụ cột chính trị, an ninh – quốc phòng, kinh tế và văn hóa – xã hội.

Về nội dung, với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN và các đối tác trao đổi, thống nhất nhiều biện pháp quyết liệt, thiết thực duy trì và tiếp tục phát huy vai trò trung tâm của ASEAN; thúc đẩy đối thoại, hợp tác, ngăn ngừa xung đột, xây dựng lòng tin, kiến tạo cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ; đẩy mạnh hợp tác ứng phó và vượt qua các thách thức, trong đó có dịch bệnh Covid-19; giữ vững đà hợp tác và đưa ra những định hướng lớn cho Cộng đồng ASEAN phát triển vững mạnh; đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ với hợp tác đa phương cũng như liên kết và tự do hóa kinh tế. Với gần 200 văn kiện được trao đổi và thông qua, một kỷ lục về số lượng các văn kiện được thông qua trong một năm đối với ASEAN, Việt Nam đã hoàn thành các nội dung đề ra với những kết quả nổi bật.

Thứ nhất, giữ vững đà xây dựng Cộng đồng ASEAN, cơ bản hoàn tất các mục tiêu và kế hoạch đề ra cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Các dòng hành động ở cả ba trụ cột, từ kết quả của công tác đánh giá giữa kỳ triển khai các kế hoạch tổng thể Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đều được hoàn thành ở tỷ lệ cao. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể thực hiện trên ba trụ cột là khuôn khổ quan trọng cho ASEAN triển khai các mục tiêu liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng giai đoạn 2015 – 2025. Do đó, việc đánh giá giữa kỳ có ý nghĩa quan trọng giúp rà soát các kết quả đạt được, xác định các biện pháp thúc đẩy hiệu quả các nội dung công việc còn lại để có thể hoàn thành đúng tiến độ các yêu cầu đề ra.

ASEAN cũng đã thảo luận và đưa ra định hướng tương lai cho ASEAN trong thời gian tới, Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đã được các lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 nhằm định hướng tiến trình xây dựng Tầm nhìn giai đoạn mới cho ASEAN, giúp ASEAN chuẩn bị và thích ứng hiệu quả hơn trước những cơ hội và thách thức đặt ra từ môi trường khu vực và quốc tế đang chuyển động phức tạp, mạnh mẽ.

ASEAN cũng đã nhất trí tiến hành các công việc ban đầu về kiểm điểm thực hiện Hiến chương ASEAN – văn kiện nền tảng quan trọng tạo khuôn khổ pháp lý và thể chế cho các hoạt động của ASEAN, tập trung vào nâng cao hiệu quả cơ cấu tổ chức của ASEAN. Đây là nỗ lực rất quan trọng vì sau 12 năm Hiến chương ASEAN có hiệu lực, cần có các đánh giá cụ thể để ASEAN có thể cải tiến, phù hợp với các biến động nhanh chóng hiện nay.

Trên cơ sở đề xuất của Việt Nam, nhằm giúp thu hẹp khoảng cách phát triển, gắn kết phát triển ở các tiểu vùng với tiến trình phát triển chung của Cộng đồng ASEAN, trong năm 2020, Việt Nam đã cùng các nước thành viên ASEAN thống nhất việc thúc đẩy phát triển tiểu vùng gắn với tiến trình phát triển của ASEAN vì mục tiêu phát triển đồng đều, bền vững và công bằng, không bỏ lại ai phía sau đúng như mục tiêu trong xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Việc nâng cao hình ảnh và nhận diện về Cộng đồng ASEAN trong khu vực, đề cao bản sắc ASEAN cũng là một trong những nội dung quan trọng được các nước nhất trí thực hiện theo đề xuất của Việt Nam, gồm: khuyến khích treo cờ ASEAN tại các tòa nhà là trụ sở cơ quan chính phủ các nước ASEAN và tăng cường sử dụng tại các sự kiện chính thức của ASEAN. Sau 5 năm hình thành Cộng đồng ASEAN, việc đề cao hình ảnh và nhận diện về Cộng đồng ASEAN ở chính các nước thành viên sẽ giúp người dân trong và ngoài khu vực nâng cao ý thức về Cộng đồng ASEAN, tạo sợi dây gắn kết giữa các quốc gia thành viên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 qua hình thức trực tuyến. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thứ hai, mặc dù đại dịch Covid-19 xuất hiện bất ngờ, diễn biến phức tạp, nhưng ASEAN là một trong số ít những tổ chức khu vực thích ứng rất nhanh với tình hình. Việt Nam trong vai trò Chủ tịch đã cùng với các nước thành viên ASEAN tổ chức được các hội nghị đặc biệt của ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác để ứng phó với Covid-19 và đưa ra nhiều nội dung cụ thể để thích ứng với Covid-19.

Quỹ ASEAN ứng phó dịch bệnh Covid-19 đã được thành lập nhằm giúp nâng cao năng lực cho các quốc gia thành viên trong kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh. Quỹ đã huy động được hơn 12 triệu USD, trong đó Việt Nam đóng góp 100.000 USD. Đồng thời, kho dự phòng vật tư y tế đầu tiên của khu vực đã được công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 nhằm dự phòng sẵn các vật tư y tế cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong các tình huống y tế khẩn cấp.

Nhằm đối phó với các tình huống y tế trong tương lai, ASEAN đã xây dựng Khung chiến lược ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Đây là quy trình chuẩn giúp các nước thành viên ASEAN phối hợp xử lý các tình huống y tế khẩn cấp, được xây dựng trên cơ sở các quy định của WHO, đồng thời, hài hòa với các điều kiện đặc thù của ASEAN. Đặc biệt, nhằm hướng đến sự phục hồi của ASEAN, các nước đã thống nhất thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai. Đây là khuôn khổ quan trọng giúp ASEAN tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh, trong đó có tăng cường hệ thống y tế, bảo đảm an ninh con người, thúc đẩy thị trường và liên kết nội khối, đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng tương lai bền vững và tự cường.

Ngoài ra, các nước ASEAN đã thông qua Thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN, một nỗ lực của ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu của doanh nhân, nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh để bảo đảm các di chuyển thiết yếu không bị gián đoạn mà vẫn đáp ứng các yêu cầu kiểm soát dịch bệnh.

Bên cạnh đó, ASEAN thống nhất thành lập Trung tâm khu vực ứng phó với các trường hợp y tế khẩn cấp và bệnh dịch mới nổi (AC-PHEED) được công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Nhật Bản. Đây là Trung tâm mang tầm khu vực, đóng vai trò thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, đào tạo nâng cao năng lực và phối hợp ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh phát sinh. Trong đó, Nhật Bản đã công bố dành 50 triệu USD, Ốt-xtrây-li-a cam kết hỗ trợ 20 triệu USD hỗ trợ ASEAN thành lập Trung tâm.

Thứ ba, vai trò trung tâm của ASEAN tiếp tục được duy trì, ASEAN đóng vai trò ngày càng tích cực trong thúc đẩy hòa bình và duy trì ổn định ở khu vực. Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN tái khẳng định quyết tâm của ASEAN trong việc duy trì Đông Nam Á là một khu vực hòa bình, an ninh, ổn định và trung lập, tăng cường tin cậy lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế và bảo đảm cách tiếp cận cân bằng với bên ngoài trong bối cảnh địa chính trị diễn biến phức tạp.

Lập trường cơ bản của ASEAN về các vấn đề hòa bình, ổn định và an ninh khu vực đã được duy trì vững chắc, trong đó nhấn mạnh tôn trọng luật pháp quốc tế, các nước khẳng định Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là khung khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương. ASEAN cũng phát huy hơn nữa vai trò tích cực trong các vấn đề nóng của khu vực và quốc tế như bán đảo Triều Tiên, hòa bình ở Trung Đông… cũng như đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu về hòa bình và an ninh, phát triển bền vững, bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ. Trong đó, ASEAN đã tổ chức lần đầu tiên thông báo của Tổng Thư ký ASEAN về hợp tác giữa ASEAN và Liên hiệp quốc theo sáng kiến của Việt Nam tại phiên họp của Hội đồng Bảo an, thể hiện vai trò của ASEAN ở tầm toàn cầu.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy nhiều hoạt động nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ, trong hòa bình, an ninh và phát triển nhân kỷ niệm 25 năm thông qua Cương lĩnh Bắc Kinh về Bình đẳng giới và Nghị quyết đầu tiên của Liên hiệp quốc số 1325 về Phụ nữ, hòa bình, an ninh. Cụ thể là phiên họp đặc biệt của Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36; Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về phụ nữ, hòa bình, an ninh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN AMM-53; Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên dịp Cấp cao ASEAN 3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì Hội nghị.

Quan hệ ASEAN với các đối tác tiếp tục được mở rộng và củng cố. Trong bối cảnh các diễn đàn đa phương khác đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Diễn đàn Đông Á (EAS), Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +) vẫn tiếp tục phát huy vai trò là cơ chế đối thoại và hợp tác khu vực phù hợp, thu hút được sự tham gia và đóng góp tích cực của tất cả các nước. Hầu hết các lãnh đạo của đối tác đều tham dự các Hội nghị Cấp cao và cấp Bộ trưởng. Các nước mong muốn mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với ASEAN, do đó, năm 2020, Hiệp ước hợp tác và thân thiện Đông Nam Á (TAC) đã kết nạp thêm 3 thành viên mới (Cuba, Nam Phi, Cô-lôm-bi-a) và ASEAN đã thông qua việc trao quy chế Đối tác Phát triển cho Pháp và I-ta-li-a.

Thứ tư, ASEAN đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trên các trụ cột kinh tế và văn hóa – xã hội.

Thúc đẩy liên kết kinh tế, tự do thương mại đa phương với thành công trong việc hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau 8 năm đàm phán. Hiệp định tạo ra thị trường và khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới, thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định cho các nước ASEAN; là khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại đện tử và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực. Các ưu tiên sáng kiến trong lĩnh vực hợp tác kinh tế của ASEAN năm 2020 do Việt Nam đề xuất cũng cơ bản hoàn tất.

Văn hóa – xã hội cũng có nhiều điểm sáng trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Các Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố ASEAN và Lộ trình phát triển nguồn nhân lực cho thế giới việc làm đang thay đổi, Khung đảm bảo chất lượng dạy nghề ASEAN (TVET), Tuyên bố Hà Nội về tăng cường công tác xã hội và Bản tường thuật về Bản sắc ASEAN.

Những kết quả của Năm Chủ tịch ASEAN đã nâng cao vị thế, vai trò và hình ảnh của ASEAN, vừa bảo đảm các mục tiêu đề ra, trong đó có duy trì, bảo vệ và đề cao bản sắc của khu vực, đoàn kết nội khối. Cũng bằng việc thực hiện thành công nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã một lần nữa khẳng định bản lĩnh, năng lực và trách nhiệm quốc tế của mình.

ThS. Lê Thị Thu Hằng
Bộ Ngoại giao