Thách thức an ninh phi truyền thống đối với Việt Nam từ đại dịch covid-19

(Quanlynhanuoc.vn) – Đại dịch Covid-19 đang là thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng đối với an ninh toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Bài viết phân tích những tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến mọi mặt của đời sống xã hội dưới góc độ an ninh phi truyền thống, đồng thời chỉ ra những kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch cũng là những kinh nghiệm trong ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống khác tại Việt Nam.

 

Ảnh minh họa.
 Thách thức an ninh phi truyền thống

Mặc dù còn nhận thức khác nhau về thách thức an ninh phi truyền thống (ANPTT), nhưng về cơ bản, các quốc gia trên thế giới đều thống nhất với quan niệm của Liên hiệp quốc, khi nói đến thách thức ANPTT là nói đến 4 vấn đề: môi trường suy thoái, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và khủng bố quốc tế. ANPTT không chỉ là an ninh quân sự mà là an ninh tổng hợp, bao gồm các mối đe dọa đến an ninh con người và xã hội một cách toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái. Nói cách khác, ANPTT là những vấn đề phi quân sự có ảnh hưởng lớn, không chỉ đe dọa sự tồn tại, phát triển của con người và xã hội trong phạm vi một hoặc một số quốc gia, mà còn đe dọa sự tồn tại, phát triển chung của toàn thể nhân loại.

Trong tình hình hiện nay, yếu tố dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, được xem là thách thức ANPTT nghiêm trọng, chưa từng thấy đối với thế giới và Việt Nam. Đại dịch bùng nổ, lan nhanh khắp toàn cầu, mang đến những khó khăn và tổn hại vô cùng to lớn: kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng, căng thẳng ngoại giao – chính trị leo thang giữa các nước, nhất là các nước lớn, an ninh quốc gia bị thách thức, toàn cầu hóa bị chững lại…

Thực tiễn nghiên cứu cho thấy, bên cạnh những đặc trưng thường thấy của ANPTT, đại dịch này mang những đặc trưng riêng và đặt ra nhiều vấn đề mới đối với an ninh toàn cầu và an ninh Việt Nam.

(1) Vấn đề an ninh y tế.

Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ nhất đến sức khỏe của con người, đến tính mạng và sự tồn tại của mỗi cá nhân trong xã hội. Tính đến 9h00 ngày 30/11/2020, theo thống kê của Worldometers.info, trên thế giới đã có 63.126.672 người mắc; 1.446.049 người tử vong, 43.587.599 người khỏi bệnh, ảnh hưởng tới 215 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam đã có 1.343 người mắc; 35 người tử vong, 1.179 người khỏi bệnh. Rõ ràng con số tử vong từ số người nhiễm Covid-19 trên thế giới là rất nhiều và chưa có dấu hiệu dừng lại trong thời gian sắp tới, khi mà nguy cơ lây lan ngày càng tăng của chủng virus mới và khả năng ứng phó có phần chủ quan của một số quốc gia1.

Vấn đề an ninh sức khỏe hay an ninh y tế  đang đặt ra nhiều vấn đề cho toàn thế giới trong ứng phó với dịch bệnh. Một bài học “xương máu”, việc xây dựng hệ thống phòng vệ quốc gia về y tế và dịch tễ là vấn đề có tính quyết định đến thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19. Đây là vấn đề quan trọng không kém việc củng cố hệ thống quốc phòng và an ninh của mỗi nước. Mức độ thành công trong cuộc chiến chống dịch không phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng, sức mạnh của hệ thống y tế, khi mà trong thời gian vừa qua các cường quốc có chỉ số an ninh, an toàn về y tế cao như: Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp… lại là những nước đang phải gánh chịu tổn thất nhiều nhất trong cuộc chiến chống đại dịch.

(2) Vấn đề an ninh kinh tế.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 14/4/2020 đã công bố Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới, trong đó dự đoán kinh tế thế giới năm 2020 sẽ tăng trưởng âm (-3%), thấp hơn 6,3% so với mức dự đoán 3,3% hồi tháng 1 vừa qua. Nếu tình hình thực tế đúng như dự đoán, nền kinh tế thế giới sẽ ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 90 năm trở lại đây, thấp hơn cả mức tăng trưởng -0,1% của năm 2009 ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Không nằm ngoài tác động đó, nền kinh tế Việt Nam đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất – kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô… GDP quý I/2020 chỉ tăng 3,82%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây; ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống Nhân dân2.

(3) An ninh lương thực.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát đặt ra cho an ninh lương thực nhiều vấn đề khó khăn, thách thức. Khi mà các nước buộc phải đóng cửa đường biên, dừng các hoạt động giao thương, khiến hàng loạt các hoạt động sản xuất – kinh doanh bị kìm hãm đến mức tối đa, dẫn đến tình trạng khan hiếm sản lượng lương thực cũng như hàng hóa, nhu yếu phẩm. Việc đóng cửa xuất khẩu có thể dẫn đến nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vì sự thiếu hụt nguồn cung và tăng giá lương thực. Theo thống kê của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc (WFP) cảnh báo, đại dịch Covid-19 có thể làm tăng gần gấp đôi số người bị mất an ninh lương thực khẩn cấp, từ 135 triệu người (năm 2019) lên tới 265 triệu người (năm 2020)3.

(4) An ninh chính trị.

Trong thời gian bùng phát dịch bệnh từ tháng 12/2019 đến nay, tình hình chính trị trên thế giới có những diễn biến phức tạp. Quan hệ chính trị, kinh tế giữa các nước trên thế giới đang có biến động, tâm điểm là căng thẳng chính trị giữa Mỹ – Trung Quốc. Tại khu vực Đông Nam Á, quan hệ đối ngoại, chính trị giữa Việt Nam và các quốc gia cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Trong khi năm 2020, Việt Nam đảm nhận nhiều vai trò, trách nhiệm quốc tế và khu vực như: Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021… Việc điều phối, duy trì các hoạt động đối ngoại trong nhiệm kỳ của Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, với sự bùng phát của dịch bệnh, các thế lực thù địch, phản động trong nước gia tăng tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá gây ra những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự tại Việt Nam.

(5) An ninh mạng và an ninh thông tin.

Đại dịch lần này bùng nổ trong giai đoạn thế giới và Việt Nam đang hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự hội nhập, kết nối internet toàn cầu, cùng với nhiều công nghệ tiên tiến, kỹ thuật cao phục vụ con người trong thế giới số. Trong đó, công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực y tế là sự hỗ trợ quyết định trong cuộc chiến chống dịch của các quốc gia. Song với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ mà đặc biệt là internet đã trở thành điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng để tuyên truyền sai sự thật liên quan đến bệnh dịch, gây tâm lý bất an, hoang mang trong dư luận, tạo tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn. Gần 600.000 tin, bài, video, clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Đặc biệt đến nay, công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 người4.

Thành tựu bước đầu trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam đã được dư luận quốc tế đánh giá cao. Những thành tựu đó cũng chính là những kinh nghiệm quý báu trong ứng phó với các thách thức ANPTT của Việt Nam hiện nay.

Kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống

Một là, công tác phòng, chống dịch bệnh phải đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khoảng cuối tháng 11/2019 khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, đến ngày 23/01/2020, tại Việt Nam phát hiện hai ca bệnh đầu tiên người Trung Quốc. Thời điểm đó, trong khi Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố “chưa có bằng chứng rõ ràng” bệnh lây nhiễm từ người sang người thì tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta đã sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Ngay trong đêm ngày 23/01/2020, Chính phủ đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để kích hoạt cả hệ thống chính trị bắt đầu cuộc chiến chống dịch. Tới thời điểm hiện nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã triển khai hàng trăm cuộc họp và ban hành hàng loạt các chỉ thị, nghị quyết về công tác phòng, chống dịch bệnh hết sức cụ thể và áp dụng linh hoạt cho từng giai đoạn chống dịch. Chính sự kịp thời, phản ứng mau lẹ trong công tác ứng phó với dịch bệnh của Đảng, Nhà nước ta đã có được thời điểm vàng để bảo đảm bệnh dịch không lan rộng và khó kiểm soát.

Hai là, phát huy sức mạnh toàn dân tộc vào nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Ngay thời gian đầu khi tình hình dịch bệnh mới bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chỉ đạo rất quyết liệt, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia vào phòng, chống dịch. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức của Nhân dân, việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh đã diễn ra ở quy mô chưa có tiền lệ và đạt được những kết quả thắng lợi bước đầu. Chúng ta đã kiểm soát tốt tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn, cách ly triệt để, chăm sóc và điều trị tốt, phát hiện sớm và truyền thông hiệu quả, nâng cao tinh thần cảnh giác và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân.

Ba là, vận dụng tư tưởng và phương châm ứng phó với những thách thức ANPTT trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước ta đã vận dụng tư tưởng và phương châm ứng phó với những thách thức ANPTT rất kịp thời và phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam. Đây chính là sự thể hiện rõ nét của tư tưởng an ninh chủ động trong ứng phó với thách thức từ dịch bệnh đến an ninh quốc gia Việt Nam. Theo đó, Đảng ta đã chỉ đạo: chống dịch Covid-19 đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ với phương châm “3 sẵn sàng” (chống dịch Covid-19 như chống giặc, chủ động phòng tránh dịch Covid-19, đối phó kịp thời dịch Covid-19 và khắc phục khẩn trương có hiệu quả dịch Covid-19). “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Bốn là, làm tốt công tác thông tin truyền thông trong phòng, chống dịch.

Ngay từ thời gian đầu dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam, Đảng, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch cho mọi tầng lớp nhân dân. Đây là công tác quan trọng, vừa góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, định hướng dư luận vừa hướng dẫn quần chúng nhân dân, các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, chính sách; kịp thời công khai, minh bạch thông tin để người dân biết, trao đổi và kiểm tra, giám sát, củng cố niềm tin mạnh mẽ vào sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước trước đại dịch Covid-19.

Chính công tác thông tin, tuyên truyền được các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị quan tâm thực hiện đã tạo ra hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch.

Thắng lợi bước đầu trong công cuộc phòng, chống dịch tại Việt Nam thời gian qua là kết quả của sự quyết tâm cao, thống nhất ý chí và hành động của toàn Ðảng, toàn quân và sự đồng lòng, ủng hộ, chung tay của nhân dân cả nước. Ðiều này cũng thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc. Qua đó góp phần củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước và khẳng định tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ, của hệ thống chính trị ở nước ta. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan vì đại dịch Covid-19 và các hệ lụy của nó đang đặt ra cho đất nước những vấn đề cần phải đánh giá sâu sắc nhằm bảo đảm cho an ninh quốc gia được giữ vững trong bất cứ hoàn cảnh nào, đặc biệt trong bối cảnh tình hình quốc tế đang diễn biến ngày càng khó lường, các nguy cơ an ninh truyền thống và ANPTT đan xen và chuyển hóa phức tạp.

Chú thích:
1.Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. http//:nCov.moh.gov.vn, ngày 03/12/2020.
2, 3. Kết luận số 77-KL/TW  ngày 05/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.
4. Báo Quốc tế. https://baoquocte.vn, ngày 26/11/2020.
TS. Nguyễn Hồng Anh
Trường Đại học An ninh nhân dân