Thành công của Vĩnh Phúc trong cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2020

(Quanlynhanuoc.vn) – Qua 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2020, với sự tham gia tích cực của cơ quan hành chính các cấp và cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh, công tác cải cách hành chính tại Vĩnh Phúc đã có những chuyển biến tích cực.

 

Trung tâm hành chính công thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Kết quả thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2011- 2020 của tỉnh Vĩnh Phúc

 Về cải cách thể chế

Để hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc phạm vi trách nhiệm của tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành các văn bản quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), như: Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND ngày 10/8/2017 quy định về trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác ban hành VBQPPL ở cấp tỉnh; Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND ngày 15/5/2018 quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 15/5/2018 ban hành Quy chế trách nhiệm phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác kiểm tra; rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã ban hành 2.792 VBQPPL, trong đó cấp tỉnh ban hành 125 nghị quyết, 481 quyết định, 78 chỉ thị; cấp huyện ban hành 456 văn bản (67 nghị quyết, 373 quyết định và 16 chỉ thị); cấp xã ban hành 1.652 văn bản (1.015 nghị quyết, 615 quyết định và 22 chỉ thị). Các VBQPPL ban hành bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL và đạt hiệu quả cao khi triển khai thực hiện.

Đồng thời, tỉnh cũng đã rà soát 691 văn bản do các cơ quan cấp tỉnh ban hành (154 nghị quyết, 475 quyết định và 62 chỉ thị), đã công bố 207 văn bản hết hiệu lực toàn bộ, 469 văn bản còn hiệu lực. Rà soát 165 văn bản cấp huyện (32 nghị quyết, 114 quyết định, 19 chỉ thị), đã công bố 84 văn bản còn hiệu lực thi hành, 81 văn bản hết hiệu lực toàn bộ. Rà soát 76 văn bản cấp xã (25 nghị quyết, 51 quyết định), công bố 35 văn bản đã hết hiệu lực, 41 văn bản còn hiệu lực.

 Cải cách thủ tục hành chính

Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong thực hiện quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng mọi nguồn lực của xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các TTHC đã công bố được cập nhật kịp thời lên cơ sở dữ liệu quốc gia; được kết nối, tích hợp, đồng bộ hóa tại cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung, cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh và các trang thông tin của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; niêm yết, công khai tại nơi tiếp nhận hồ sơ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh. Số TTHC hiện nay được công khai trên cổng thông tin giao tiếp điện tử của tỉnh là 1.799 TTHC, trong đó cấp tỉnh: 1.401 TTHC; cấp huyện: 272 TTHC; cấp xã: 126 TTHC.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được duy trì 100% ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2012 đến quý II/2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận 6.368.942 hồ sơ giải quyết TTHC, giải quyết đúng và trước hạn là 6.113.575 hồ sơ (đạt 95,99%). UBND tỉnh đã đưa vào vận hành phần mềm Trung tâm hành chính công và phần mềm dùng chung cho Bộ phận một cửa các cấp để giải quyết TTHC tại 165 cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc áp dụng các phần mềm tin học đã nâng cao hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC.

Thực hiện Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2016 và Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, UBND tỉnh đã công bố danh mục TTHC dịch vụ công mức độ 3 và 4 với 366 TTHC (thực hiện mức độ 4 đối với 231 TTHC, mức độ 3 đối với 135 TTHC). Các TTHC đã được cập nhập lên cổng dịch vụ công của tỉnh để thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ giải quyết TTHC trực tuyến của người dân, tổ chức.

 Cải cách tổ chức bộ máy

Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan cấp tỉnh đã giảm 3 chi cục, giảm 44 phòng chuyên môn thuộc sở, 14 phòng chuyên môn thuộc chi cục. Cấp huyện giảm 10 phòng chuyên môn. Các thôn, tổ dân phố: sáp nhập 274 thôn, tổ dân phố để thành lập 131 thôn, tổ dân phố, giảm 143 thôn, tổ dân phố. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, rà soát, sắp xếp sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, nhằm giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy và hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Toàn tỉnh đã giảm 145 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó: sự nghiệp giáo dục giảm 53 đơn vị; sự nghiệp y tế giảm 44 đơn vị; sự nghiệp phát thanh – truyền hình, văn hóa, thể thao, du lịch giảm 15 đơn vị; sự nghiệp khác giảm 33 đơn vị.

Về chỉ tiêu biên chế, đã giảm 1.714 chỉ tiêu, trong đó công chức giảm 155 chỉ tiêu, đạt 8,61% so với Bộ Nội vụ giao năm 2015; biên chế sự nghiệp giảm 1.532 chỉ tiêu, đạt 7,54%; hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ, đã giảm 27 chỉ tiêu, đạt 5,99%.

Việc phân cấp quản lý nhà nước bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Tỉnh đã thực hiện đúng cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm đã được Bộ Nội vụ phê duyệt, cụ thể: các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc có 315 vị trí việc làm, các đơn vị sự nghiệp có 854 vị trí việc làm. Các cơ quan trên toàn tỉnh bố trí số lượng cấp phó bằng hoặc thấp hơn quy định của trung ương, chỉ bổ nhiệm 2 cấp phó đối với các phòng, ban, đơn vị có từ 7 biên chế trở lên và tỷ lệ lãnh đạo trong các đơn vị sự nghiệp không quá 35%.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nội vụ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 16/01/2018 về việc ban hành quy chế thí điểm thi tuyển lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương nhằm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của tỉnh đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Kết quả đã có 5 vị trí lãnh đạo cấp phòng thuộc 3 đơn vị là Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Yên Lạc, UBND huyện Lập Thạch đã được bổ nhiệm thông qua thi tuyển công khai, công bằng theo đúng quy chế.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, như xây dựng và ban hành các văn bản quy định về chế độ, chính sách đến đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện, góp phần hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ, trang bị thêm kiến thức và kỹ năng cho CBCCVC. Từ năm 2011 đến nay, đã tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho trên 80.000 lượt CBCCVC các cấp (bình quân mỗi năm trên 10.000 lượt).

Cải cách tài chính công 

Thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay, đã có 38/38 đơn vị cấp tỉnh, 90/90 đơn vị cấp huyện, 136/136 đơn vị cấp xã được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính. Toàn tỉnh có 771 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: 9 đơn vị; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên: 91 đơn vị; đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách bảo đảm chi thường xuyên: 671 đơn vị. Việc thực hiện tự chủ đã tạo điều kiện cho các sở, ngành, UBND huyện, thành phố và các đơn vị sự nghiệp phát huy tính tự chủ và nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đời sống người lao động của nhiều cơ quan, đơn vị được nâng lên,  các đơn vị đều tiết kiệm chi, có thu nhập tăng thêm cho CBCCVC của cơ quan, đơn vị.

 Về hiện đại hóa hành chính

100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, 136 xã, phường, thị trấn đã triển khai, sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Trong đó, 29/29 đơn vị đã chính thức đưa phần mềm vào sử dụng, đa số các đơn vị sử dụng luân chuyển văn bản theo quy trình quản lý văn bản đến, văn bản đi qua phần mềm. Ngày 19/9/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2159/QĐ-UBND về việc ban hành mã định danh các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND tỉnh Vĩnh Phúc tham gia trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Việc liên thông với UBND tỉnh, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành được thực hiện qua trục liên thông văn bản quốc gia, đồng thời tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, đáp ứng quy trình gửi, nhận văn bản điện tử.

Hiện nay, 20/20 sở, ban, ngành, 9/9 huyện, thành phố, 136/136 xã, phường, thị trấn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, ISO 9001:2015. Tỉnh đã tổ chức đánh giá theo đúng quy định việc thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO được 20/20 sở, ban, ngành; 9/9 UBND cấp huyện; 136/136 UBND cấp xã và 22 ban, chi cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở.

Đánh giá kết quả đạt được về công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2020 của tỉnh Vĩnh Phúc

Qua 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011 – 2020, với sự tham gia tích cực của cơ quan hành chính các cấp và cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh, công tác CCHC đã có những chuyển biến tích cực, cụ thể:

– Nhận thức của đội ngũ CBCCVC về CCHC được nâng lên, tinh thần, thái độ và ý thức trách nhiệm trong giải quyết công việc nâng cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư bài bản, đồng bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và mang lại hiệu quả cao.

– Bộ máy hành chính được tổ chức khoa học; hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước được nâng cao. Thể chế nền hành chính được cải cách và hoàn thiện cơ bản, phát huy dân chủ, thiết lập chế độ công khai, minh bạch; công tác ban hành văn bản được tiếp tục đổi mới về chất lượng, nội dung và quy trình.

– TTHC được đơn giản hóa, công khai, thời gian giải quyết được rút ngắn, qua đó tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân trong thực hiện giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước, góp phần cải thiện mối quan hệ với người dân, doanh nghiệp, có nhiều cải thiện tích cực với phương châm phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện tốt các cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư của tỉnh.

– Các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 60/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.  Đến nay, 9/9 UBND cấp huyện triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại. Sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về TTHC đạt trên 80%. Sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục và y tế đạt trên 80%; sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đạt trên 80%. Đội ngũ CBCCVC có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ.

Kết quả đạt được về CCHC đã góp phần cải thiện các chỉ số của tỉnh luôn thuộc nhóm các địa phương có kết quả cao, như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số CCHC (PAR Index); Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS).

Một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác cải cách hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới

Một là, quá trình triển khai công tác CCHC phải được sự đồng thuận, quan tâm của hệ thống chính trị và các cấp ủy đảng cùng chung tay thực hiện CCHC theo chỉ đạo, định hướng của Chính phủ và bộ, ngành. Coi công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm. Mỗi cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng chương trình, mục tiêu CCHC theo các nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, bảo đảm sự đồng bộ trong triển khai các nhiệm vụ về CCHC.

Hai là, triển khai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của CBCCVC và người dân, doanh nghiệp đối với công tác CCHC nhằm phát huy sức mạnh tổng thể mọi nguồn lực của xã hội, tạo thuận lợi, hiệu quả trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ CCHC; công khai đầy đủ, kịp thời quy trình giải quyết TTHC.

Ba là, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo thực hiện công tác CCHC. Sự quan tâm đúng mức, quyết tâm đổi mới theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh của người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị tạo nên sự chuyển biến tích cực, mang lại thành công trong thực hiện CCHC.

Bốn là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng về tin học, ngoại ngữ đối với CBCCVC nhằm nâng cao chất lượng công việc được giao; làm chủ khoa học – công nghệ, áp dụng trong thực tiễn nâng cao hiệu quả công việc; đẩy mạnh tin học hóa, thực hiện ứng dụng các phần mềm, thiết bị tin học trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Năm là, gắn kết quả thực hiện CCHC với công tác thi đua, khen thưởng. Lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC là một trong những tiêu chí để bình xét thi đua, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân.

Tài liệu tham khảo:
  1. Báo cáo tổng kết chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, định hướng giai đoạn 2021 – 2030 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 6/2020.

 TS. Lê Đình Lung
 Học viện Hành chính Quốc gia