Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở thành phố Hải Phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Hải Phòng là trung tâm công nghiệp, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa… của vùng duyên hải Bắc Bộ. Với hệ thống sông ngòi dày đặc, Hải Phòng có tài nguyên nước ngọt dồi dào, giá trị kinh tế cao. Sự phát triển mạnh về kinh tế, đặc biệt là về công nghiệp và đô thị đã làm cho nhu cầu dùng nước của Hải Phòng tăng mạnh.

 

Ảnh minh họa.
 Thực trạng quản lý và sử dụng tài nguyên nước của Hải Phòng

Theo tính toán của Viện Quy hoạch Thủy lợi, tổng lượng nước đến hằng năm qua thành phố Hải Phòng vào khoảng 77,2 tỷ m3/năm, tuy vậy, lượng dòng chảy phân bố không đều giữa các tháng, mùa trong năm và giữa các sông. Tổng lượng dòng chảy của  tháng 3 và 4 là nhỏ nhất, chỉ dao động từ gần 3,67 tỷ đến 3,68 tỷ m3/tháng, chiếm tỷ lệ 4,7% của tổng lượng dòng chảy cả năm1. Tháng 8 có tổng lượng dòng chảy lớn nhất và có tổng lượng là 12,3 tỷ m3, chiếm 15,9% tổng lượng dòng chảy cả năm. Trước nhu cầu khai thác, sử dụng nước của thành phố Hải Phòng ngày càng tăng, trong khi nguồn nước đến chỉ có hạn nên khả năng thiếu nước cho các ngành kinh tế, nhất là vào mùa khô ngày càng rõ rệt và có xu hướng trầm trọng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững kinh tế của thành phố Hải Phòng.

Các nguồn nước của thành phố gồm: nguồn nước mặt rất dồi dào do được tiếp nhận từ thượng nguồn đổ về. Nguồn nước mặt được lấy từ các hệ thống sông Sái, sông Vật Cách, sông Rế, sông Đa Độ, sông Giá, sông He, sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc… Tuy vậy, do nguồn nước của thành phố Hải Phòng có độ đục cao và xâm nhập mặn cũng như độ mặn lớn nên khả năng cung cấp nước cho sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hải Phòng rất hạn chế. Nguồn nước ngầm tại Hải Phòng có chất lượng kém, trữ lượng thấp, phụ thuộc vào chế độ thủy triều, chỉ được sử dụng làm nguồn cung cấp tại những nơi nguồn nước mặt hạn chế như khu vực Tiên Lãng, đảo Cát Bà và nhu cầu dân sinh tại những nơi chưa có mạng lưới phân phối. Nguồn nước biển và nước tái chế, do giá thành xây dựng các nhà máy này rất cao, chi phí vận hành tốn kém nên chưa phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay.

Năm 2014, tổng lượng nước khai thác, sử dụng cho trồng trọt, chăn nuôi là 647,379 triệu m3/năm, tổng lượng nước cấp cho nuôi trồng thủy sản là 175,38 triệu m3/năm. Tổng lượng nước sử dụng cho các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp của thành phố Hải Phòng khoảng 111,69 triệu m3/năm. Lượng nước cấp cho sinh hoạt của nhân dân đô thị của thành phố Hải Phòng khoảng 56,94 triệu m3/năm2.

Năm 2015, thành phố thực hiện quy hoạch TNN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, tổng nhu cầu nước mỗi năm cho các ngành kinh tế đến năm 2020 là 1.197,29 triệu m3; năm 2030 là 1.133,33 triệu m3, cụ thể:

– Nhu cầu nước cho trồng trọt có tính đến biến đổi khí hậu giảm từ 461,60 triệu m3 năm 2020 xuống còn 296,96 triệu m3 năm 2030.

– Nhu cầu nước cho thủy sản từ 370,75 triệu m3 năm 2020 – 2030 giảm xuống còn 230,61 triệu m3 năm 2030.

– Tổng nhu cầu nước cho chăn nuôi đến năm 2020 là 11,76 triệu m3; đến năm 2030, tổng lượng nước sử dụng là 15,12 triệu m3.

– Tổng nhu cầu nước cho công nghiệp, sinh hoạt đến năm 2020 là 244,34 triệu m3, đến năm 2030 là 487,60 triệu m3.

Tỷ lệ khai thác nguồn nước mặt tính trung bình từ năm 2015 – 2020 là 6,44m3 nước mặt. Dự kiến đến năm 2030 tỷ lệ khai thác ước tính là 6,12% tổng khối lượng nước mặt3.

Để hạn chế ô nhiễm nguồn nước, Hải Phòng chủ trương phát huy tối đa khả năng xử lý các nguồn nước thải. Thành phố tiến hành rà soát hệ thống các công trình thủy lợi tại vùng kinh tế nông nghiệp tập trung, áp dụng công nghệ nông nghiệp sạch; quy hoạch bổ sung một số công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các khu vực đông dân cư gần các lưu vực sông. Xây dựng bổ sung một số hồ điều hòa và tiểu vùng thu gom, xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp, bệnh viện, làng nghề và các khu đô thị.

Bên cạnh đó, Hải Phòng xây dựng các công trình bảo vệ lòng dẫn và bờ các sông chính; xây dựng các đập điều tiết ở đầu kênh nhánh, bảo đảm cấp nước ngọt; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Cải tạo, nâng cấp mở rộng các công trình đầu mối hiện có để nâng cao khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi; cải tạo hệ thống kênh mương trong hệ thống công trình thủy lợi tăng khả năng dẫn nước và chứa nước, tăng hiệu quả lấy nước của các công trình đầu mối phía thượng lưu đập; chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước, diện tích hạn hán lớn như Thủy Nguyên, Tiên Lãng; đầu tư công nghệ lấy nước tự động, xác định được độ mặn phù hợp để tự đóng mở cống. Cải tạo, nâng cấp khả năng tiêu thoát của các cống tiêu hiện có; nạo vét hệ thống kênh trục chính của các hệ thống thủy lợi; xây dựng bản đồ cảnh báo ngập lụt để có thể có biện pháp chủ động ứng phó với tình trạng úng ngập của các khu vực trên địa bàn toàn thành phố.

Các biện pháp giảm thiểu thiệt hại do xói, sạt lở bờ và đê: xây dựng các đập mỏ hàn ở những khu vực có khả năng bị sạt lở cao; quản lý việc khai thác cát, sỏi ở những khu vực xảy ra xói, sạt lở bờ; trồng rừng ngập mặn để ngăn sóng bảo vệ đê biển, đê sông và các đảo. Bên cạnh đó, xây dựng một số hồ chứa nước đa mục tiêu nhằm cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp và bổ sung nước ngầm ở khu vực Tây Bắc Thủy Nguyên, đặc biệt là khu vực các đảo Cát Bà, Bạch Long Vĩ.

Một số tồn tại và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề quản lý và sử dụng hiệu quả TNN nước ở thành phố Hải Phòng còn một số thách thức:

– Tình trạng ô nhiễm nước ngọt đang có xu hướng tăng. Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng trong 5 năm gần đây, sông Rế, sông Chanh Dương và kênh Hòn Ngọc có tỷ lệ ô nhiễm tăng dần. Trong các năm 2018 – 2019, các chỉ tiêu, như mangan, nitrit, amoni, chất hữu cơ… đều tăng cao, vượt quy chuẩn cho phép về chất lượng nước mặt để sản xuất nước sinh hoạt. Năm 2019, Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng kiểm soát khoảng 1.700 mẫu nước thô, trong đó, nhiều chỉ tiêu nước không đạt quy chuẩn (nhất là vào mùa mưa) và có chiều hướng gia tăng là hợp chất hữu cơ, amoni, nitrit, mangan… Chỉ số pemanganat đo được là 8,86 mg/l (tiêu chuẩn cho phép không quá 5,26%); chỉ số amoni (N) 4,60 mg/l (chỉ số cho phép không vượt quá 0,30 mg/l); chỉ số mangan là 0,272mg/l (chỉ số cho phép không quá 0,200 mg/l)4.

– Nguy cơ cạn kiệt, thiếu nước, bị xâm nhập mặn càng hiện hữu. Mặc dù Hải Phòng đã chủ động, quán triệt áp dụng các biện pháp ngăn mặn nhưng tỷ lệ bị xâm mặn vẫn có xu hướng tăng. Trong 3 tháng cuối năm 2019, độ mặn nước thô tại một số nguồn nước sinh hoạt Hải Phòng có hiện tượng tăng cao hơn nhiều lần, vượt quá giới hạn chỉ tiêu về độ mặn được quy định theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Độ mặn tăng cao tại tất cả các hệ thống thuỷ lợi: tại sông Đa Độ, độ mặn tăng gấp 2 lần so với quy chuẩn, tăng 50 lần so với độ mặn thông thường; tại trạm Quán Vĩnh (sông Rế) hàm lượng muối (Clorua) là 118,2mg/l cao gấp 8 lần so với trung bình năm 2018; tại nhà máy nước Vật Cách, (sông Vật Cách) hàm lượng muối là 139,5mg/l, cao gấp 9,2 lần so với trung bình năm 2018; tại nhà máy nước Vĩnh Bảo (kênh Chanh Dương), hàm lượng muối là 395 mg/l, vượt quá giới hạn theo quy chuẩn cho phép (giới hạn cho phép là 250mg/l). Vào ngày 17/11/2019, tại nhà máy nước Cầu Nguyệt (sông Đa Độ), hàm lượng muối là 486,4mg/l cao gấp 43,5 lần so với trung bình năm 20185.

Nguyên nhân của những hạn chế này là do:

Thứ nhất, Hải Phòng là thành phố có đường bờ biển dài và ở hạ nguồn của nhiều cửa sông lớn, hứng chịu nhiều nguồn ô nhiễm từ thượng nguồn chảy xuống, đồng thời, chịu sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, gây ra xâm nhập mặn nguồn nước.

Thứ hai, công tác lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng TNN chưa bảo đảm tính chiến lược, đồng bộ. Quy hoạch TNN chủ yếu tập trung vào nước mặt tự nhiên, chưa dành sự quan tâm thích đáng đến quy hoạch vùng nước ngầm, khu nước thải và thu gom nước mưa… Sự gia tăng nước thải từ sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bãi rác, các nghĩa trang, các cơ sở y tế gần lưu vực nguồn nước không được kiểm soát và thiếu các trạm, khu xử lý tập trung… là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước. Việc điều chỉnh quy hoạch tưới tiêu kết hợp với thoát nước thải công nghiệp, sinh hoạt theo hướng không xả nước thải vào nguồn nước ngọt còn nhiếu bất cập. Việc quy hoạch bổ sung, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom tiêu thoát nước mưa, nước thải các điểm dân cư ven các nguồn nước ngọt chưa được thực hiện đồng bộ.

Thứ ba, đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng bảo vệ nguồn nước ngọt của thành phố chưa được quan tâm thích đáng… Chưa xây dựng được trạm quan trắc tự động do chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí nguồn kinh phí thực hiện. Việc xây dựng tuyến cống chuyển nước thải từ kênh Bắc Nam Hùng ra sông Cấm chưa hoàn thành do chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư. Các ngành, địa phương, đơn vị triển khai các nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước từ các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt còn chậm, không đạt tiến độ yêu cầu, gặp khó khăn về kinh phí. Hệ thống xử lý nước thải chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Thứ tư, bộ máy quản lý nhà nước về môi trường nói chung, cán bộ quản lý TNN nói riêng từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn còn thiếu và yếu. Sự phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý TNN và sử dụng nước sạch giữa các bộ phận liên quan chưa thực sự hiệu quả. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng như Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát môi trường, chính quyền các địa phương chưa thường xuyên, chặt chẽ và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu quản lý và sử dụng hiệu quả TNN. Công tác phối hợp với các địa phương ở đầu nguồn nước trong việc hạn chế nguồn rác nước chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ năm, công tác tuyên truyền phổ biến những tác động và nguy cơ về TNN chưa được chú trọng, nhiều người dân còn thờ ơ trước tình trạng ô nhiễm và thiếu ý thức bảo vệ nguồn nước.

Giải pháp tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng TNN theo hướng bảo đảm tính chiến lược, đồng bộ giữa quy hoạch nước mặt, nước ngầm, xử lý nước thải và thu gom nước mưa. Điều chỉnh và bổ sung quy hoạch TNN phải bảo đảm phát triển bền vững các nguồn nước tự nhiên, hạn chế tối đa những tác hại do nước gây ra, đặc biệt là các nguồn rác nước phát sinh.

Hai là, tổ chức kiện toàn bộ máy cán bộ quản lý TNN tại các cấp, các ngành, siết chặt quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng TNN. Tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước đã được triển khai từ các công trình, dự án được cấp phép. Nâng cao chất lượng bảo vệ công trình thủy lợi dọc các sông bị lấn chiếm, ngăn chặn, giải tỏa kịp thời, cắm mốc hành lang bảo vệ các nguồn nước chưa hoàn thành. Xây dựng cơ chế kiểm soát nước thải đồng bộ, hiệu quả, các doanh nghiệp phải cam kết bảo đảm gắn lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường nước.

Ba là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải sử dụng tiết kiệm TNN. Xây dựng các sản phẩm truyền thông; tổ chức các cuộc thi, sáng kiến tiết kiệm nước quy mô cấp thành phố; thường xuyên cập nhật các văn bản chính sách mới, xây dựng các mô hình, tấm gương về quản lý hiệu quả và sử dụng tiết kiệm TNN. Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin, tạo diễn đàn mạng để thảo luận và trao đổi thông tin liên quan đến lĩnh vực quản lý và sử dụng hiệu quả TNN.

Bốn là, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường nước ngọt, phát huy vai trò tự quản của các tổ chức đoàn thể trong việc chủ động làm sạch môi trường nước gần khu vực sinh sống. Đồng thời, tăng cường sự giám sát của nhân dân trong việc phát hiện, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại đến TNN, thiết lập các đường dây nóng để người dân biết, kịp thời phản ánh các hiện tượng gây ô nhiễm, thất thoát và lãng phí TNN tới các cơ quan, các cấp có thẩm quyền, trên cơ sở đó có giải pháp ứng phó kịp thời.

Năm là, tăng cường hợp tác, đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý và sử dụng hiệu quả TNN, phát triển các dự án bảo vệ TNN liên vùng các lưu vực sông. Triển khai rộng rãi hơn nữa các biện pháp giảm thiểu thiệt hại do úng ngập, giảm thiểu thiệt hại do xói, sạt lở bờ và đê xâm nhập mặn.

Chú thích:
1, 2, 3.  Quy hoạch tài nguyên nước thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. www.haiphong.gov.vn, ngày 10/11/2014.
4. Nguồn ô nhiễm vây kín các sông cấp nước ngọt ở Hải Phòng. https://plo.vn, ngày 14/12/2019.
5. Báo động nguồn nước nhiễm mặn ở Hải Phòng. http://laodong.vn, ngày 23/11/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 487/QĐ-UBND ngày 05/3/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc phê duyệt quy hoạch cấp nước thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Quyết định số 1318/QĐ-UBND ngày 17/6/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
3. Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc ban hành quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
4. Nghị quyết số 33/2014/NQ-HĐND ngày 10/12/2014 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng về thông qua quy hoạch tài nguyên nước thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
TS. Đinh Thị Như Trang
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội