Quảng Ninh thực hiện chính sách phát triển du lịch bền vững

(Quanlynhanuoc.vn) – Quảng Ninh là tỉnh biên giới, có vị trí địa lý thuận lợi, vừa có phần đất liền, vừa có phần biển, đảo. Tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh tương đối phong phú, đa dạng và đang được khai thác để phục vụ công cuộc đổi mới kinh tế – xã hội.

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long (Nguồn: internet).
Thực hiện chính sách phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Ninh

Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Ninh đã xác định PTDL là một trong những ngành kinh tế quan trọng. Để cụ thể hóa Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 24/5/2013 về PTDL tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2013 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030  và Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 05/02/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PTDL, theo đó, đã ban hành Kế hoạch số 5828/KH-UBND ngày 28/10/2013 để triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo từng giai đoạn; xây dựng và hoàn thành quy hoạch tổng thể PTDL tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời, tập trung xây dựng quy hoạch kinh tế – xã hội, quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch môi trường,… Các quy hoạch này là cơ sở để xây dựng các chính sách thúc đẩy PTDL.

Các chính sách định hướng phát triển và quy trình tổ chức thực thi chính sách PTDL bền vững được thực hiện như sau:

Thứ nhất, về xây dựng kế hoạch triển khai: với mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch Quảng Ninh cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đề ra các mục tiêu, kế hoạch cụ thể đến năm 2020, tổng khách du lịch đạt 10,5 triệu lượt, trong đó có 4 triệu lượt khách quốc tế; thời gian lưu trú trung bình của mỗi du khách đạt từ 3 ngày trở lên, tổng doanh thu đạt 30.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, tổng số khách du lịch đạt 23 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 10 triệu lượt, tổng doanh thu đạt 130.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 120.000 lao động trực tiếp1.

Thứ hai, phổ biến, tuyên truyền chính sách: xây dựng nhiều kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch với các nội dung và hình thức phong phú, như: tổ chức các buổi hội thảo, đối thoại trực tuyến nhằm tuyên truyền các chính sách đầu tư PTDL; tổ chức và tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, giao lưu văn hóa, phát sóng chương trình quảng bá PTDL trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Trong đó, các sự kiện nổi bật như chương trình Carnaval Hạ Long, lễ hội Yên Tử, lễ hội Đền Cửa Ông,… đã có tác động mạnh mẽ đến hoạt động PTDL.

Thứ ba, phân công phối hợp thực hiện chính sách: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện quy hoạch có trách nhiệm tổ chức công bố, phổ biến đến cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh thực hiện các nhiệm vụ liên quan trong mọi hoạt động du lịch; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hành động PTDL theo nội dung quy hoạch (theo Quyết định số 1418/QĐ-UBND ngày 04/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành về việc “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”). Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ nội dung quy hoạch và chức năng, nhiệm vụ để tổ chức thực hiện; hằng năm sơ kết, đánh giá, đề xuất các chính sách, giải pháp thực hiện điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tế.

Thứ tư, duy trì chính sách PTDL bền vững: tỉnh Quảng Ninh đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện chương trình trong kế hoạch công tác hằng năm, theo đó, căn cứ chương trình PTDL, đề án PTDL của tỉnh, ban hành hàng loạt văn bản điều hành, tổ chức thực hiện đối với ngành Du lịch nhằm định hướng trong tổ chức thực hiện, duy trì chính sách PTDL bền vững.

Thứ năm, điều chỉnh chính sách: trong đó, tỉnh đã điều chỉnh và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ hấp dẫn trong hoạt động đầu tư du lịch nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế, như: Tập đoàn Sun Group đã đầu tư một loạt dự án lớn như công viên Sun World Hạ Long Park, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, ngoài ra, nhiều công trình vui chơi giải trí lớn về du lịch đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Thứ sáu, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách: đây là một khâu quan trọng trong thực hiện chính sách nhằm ứng phó với những vấn đề nảy sinh ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu chính sách. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh thường xuyên chỉ đạo và kiện toàn, duy trì hoạt động Ban Chỉ đạo về du lịch của tỉnh bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các cấp, các ngành tích cực tham gia phối hợp trong công tác quản lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển hoạt động PTDL.

Thứ bảy, đánh giá, tổng kết và rút kinh nghiệm chính sách: sau hơn 7 năm triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU, du lịch Quảng Ninh đã có những bước khởi sắc ấn tượng. Tác động tích cực mà Nghị quyết mang lại thể hiện rõ nhất là sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân về vai trò của du lịch trong đời sống, xã hội, từ đó tác động mạnh mẽ đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Bên cạnh những kết quả khả quan, sự PTDL của tỉnh Quảng Ninh hiện nay vẫn còn một số hạn chế và đây cũng chính là vấn đề đặt ra cho PTDL tỉnh Quảng Ninh, đó là:

Chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy PTDL còn chưa phù hợp để doanh nghiệp và người dân chủ động phát triển hoạt động du lịch. Một số quy chế và chính sách hiện hành chưa rõ ràng, đặc biệt là đối với nhà đầu tư nước ngoài. Việc thực thi chính sách, (chẳng hạn như những chính sách về tiến trình đầu tư với các sở, ban, ngành có thẩm quyền thi hành, nhưng việc giao quyền hạn và sự phối hợp thực hiện còn chưa hiệu quả). Chưa xây dựng được chiến lược và kế hoạch phát triển thị trường du lịch phù hợp với đặc thù của tỉnh và liên kết du lịch của vùng với tầm nhìn dài hạn. Nguồn nhân lực ngành Du lịch còn thiếu, chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của hoạt động kinh doanh du lịch. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế, quy mô nhỏ hẹp, nội dung và hình thức chưa phù hợp; xúc tiến quảng bá chưa mang tính chuyên nghiệp.

Ngoài những vấn đề trên, còn do các yếu tố tác động tiêu cực đến ngành Du lịch, như: khủng hoảng kinh tế tài chính trên phạm vi toàn cầu, nạn khủng bố, thiên tai, dịch bệnh; bên cạnh đó, nhu cầu, thị hiếu của du khách có xu hướng đổi mới,…

Giải pháp tăng cường thực hiện chính sách phát triển du dịch bền vững của tỉnh Quảng Ninh

Một là, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư PTDL. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan trên cơ sở Luật Du lịch, chiến lược PTDL của quốc gia, các văn bản chỉ đạo, định hướng PTDL của Chính phủ. Cần tập trung rà soát, chỉnh sửa, xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật về PTDL bền vững phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương trong tỉnh. Hoàn thiện các chính sách khuyến khích PTDL, kiện toàn bộ máy quản lý từ tỉnh tới các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho PTDL. Tỉnh Quảng Ninh cần thống nhất trong quản lý điều hành hoạt động du lịch thông qua sự phối hợp, liên kết chặt chẽ trong nội bộ ngành Du lịch cũng như với các ban, ngành khác về các hoạt động, như: lữ hành, lưu trú, xây dựng các tour du lịch,… Sửa đổi, bổ sung và ban hành thống nhất quy chế quản lý các khu du lịch đã được quy hoạch để giúp cho việc triển khai được đồng bộ, phát huy năng lực quản lý điều hành, khai thác hiệu quả PTDL.

Hai là, đẩy mạnh chính sách về xúc tiến quảng bá, hợp tác quốc tế và xây dựng thương hiệu. Tăng cường nguồn lực và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng chiến lược về thị trường khách để PTDL một cách ổn định và mang tính bền vững. Xác lập và phát triển mối quan hệ hợp tác quan trọng, xây dựng khẩu hiệu và biểu tượng cho du lịch tỉnh Quảng Ninh. Phát hành những ấn phẩm đặc sắc về khu du lịch, ẩm thực, lồng ghép tuyên truyền bảo vệ môi trường đến với du khách.

Ba là, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch cao cấp. Tạo điều kiện thuận lợi để thành lập các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm du lịch mới tại khu vực Vịnh Hạ Long và khu vực lân cận nhằm kéo dài hành trình tham quan Vịnh Hạ Long. Xây dựng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp du lịch chuyên nghiệp để phát triển thêm các điểm du lịch văn hóa. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hướng tới sản phẩm có giá trị cao, tạo được lợi thế, tăng sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch thu hút du khách sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Bốn là, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ PTDL trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, bảo đảm về chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu PTDL bền vững. Trang bị kiến thức cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, đội ngũ lao động trong ngành Du lịch về đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp, đặc biệt là kiến thức hiểu biết toàn diện về lịch sử, văn hóa, con người tỉnh Quảng Ninh.

Năm là, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ PTDL bền vững. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện các giai đoạn phát triển của sân bay quốc tế Vân Đồn và dự án nâng cấp các tuyến đường bộ quan trọng; cải thiện hạ tầng dịch vụ xe khách, xe buýt. Xây dựng các cảng khách phục vụ du lịch tàu biển quốc tế, các bến du thuyền,… Hoàn chỉnh hệ thống thông tin liên lạc, xây dựng và cải tạo mạng lưới cấp điện cho khu đô thị mới; nâng cấp, mở rộng cải tạo hệ thống thoát nước đồng bộ,…

Sáu là, khuyến khích các doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tham gia đóng góp đầu tư các công trình phúc lợi, hoạt động an sinh xã hội, nâng cao nhận thức về PTDL bền vững, bảo đảm quyền lợi của cộng đồng cư dân tham gia vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa, được hưởng lợi ích từ các sản phẩm du lịch.

Bảy là, giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của tài nguyên và môi trường đối với hoạt động PTDL. Tăng cường công tác thực thi quản lý môi trường, ưu tiên nguồn lực cho quản lý, thu gom, xử lý rác thải, chất thải. Xây dựng đề án bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với các sự cố môi trường tại các khu du lịch, điểm du lịch. Nghiên cứu xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn bền vững về môi trường trong du lịch phù hợp với tình hình PTDL tỉnh Quảng Ninh.

Tám là, triển khai thực hiện triệt để cơ chế “một thẩm định, một phê duyệt” đối với tất cả các thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công các cấp để giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp về du lịch. Bảo đảm sự phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan trong lĩnh vực đầu tư du lịch tại Quảng Ninh.

Chú thích:
1. Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 24/5/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2013 – 2020, định hướng đến năm 2030.

ThS. Nguyễn Đức Phúc
Trường Đại học Nội vụ, Phân hiệu TP. Hồ Chí Minh